Ở Thủ đô Hà Nội đang có chuyện tranh nhau yêu nước.
Một bên là những người dân, chủ yếu là những người tham gia 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc và những người theo dõi trên mạng, chắc chắn rất đông. Một bên là những người của bộ máy chính quyền, hầu hết giấu mặt, quan chức không dám ký tên vào cái thông báo cấm biểu tình, những người mặc thường phục đi bắt người biểu tình, một số tác giả không dám đề tên thật dưới những bài viết vu vạ biểu tình đăng trên báo chí quốc doanh…
Tranh nhau yêu nước tốt hơn tranh nhau chức quyền, tranh nhau dự án, tranh nhau quản lý các tập đoàn kinh tế để vun vén cá nhân. Nhưng tranh nhau yêu nước lại đi đến tranh giành quyền yêu nước thì lố bịch.
Người Việt Nam từ thuở Bà Trưng, Bà Triệu, đến đời Lê, Lý, Trần, Lê đã biết yêu nước nồng nàn, chẳng phải chờ có lãnh đạo hoặc dạy cho mới biết cách yêu nước. Ngược lại, trong mọi thời đại, một lực lượng nào đó dũng cảm yêu nước cùng với nhân dân bằng cách nêu gương đi đầu hy sinh, phấn đấu, sẽ trở thành lực lượng tiên phong yêu nước, được nhân dân tin tưởng ủng hộ và trở thành lực lượng lãnh đạo nhân dân.
Người lãnh đạo thực sự không bao giờ dám tự cho mình quyền dạy dỗ nhân dân, mà chỉ phấn đấu phục vụ lợi ích của nhân dân. Nên nếu ai đó nói với dân rằng “cần thể hiện lòng yêu nước đúng cách” thì đó là kẻ không hiểu biết. Nhưng cũng ngạc nhiên khi có người như ông PGS TS Vũ Duy Thông viết bài “Cần nhận rõ những mưu đồ thâm độc” đăng trên báo Hà Nội Mới, mở đầu: “Nhân dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Hàng nghìn năm nay, lòng yêu nước khi thấm sâu, khi sôi sục trở thành những dòng thác mạnh mẽ nhấn chìm những âm mưu thôn tính, xâm lược của kẻ thù”. Những câu này gần như nguyên văn những câu mở đầu một bài viết nổi tiếng của Bác Hồ mà không thấy có dấu trích. Một bài báo mở đầu bằng đạo văn trắng trợn như thế thì không nên mất công đọc.
Tình yêu nước như mọi thứ tình yêu, muôn hình vạn trạng và đều đẹp, nhưng đặc biệt hơn mọi thứ tình yêu khác là vẻ đẹp của nó không loại trừ nhau. Tình yêu trai gái chẳng hạn, người trong cuộc thường thấy mình xứng đáng hơn người ở bên ngoài, còn tình yêu nước không như thế, càng yêu nước càng thấy người yêu nước khác cũng rất tốt đẹp, nên người xa lạ mà trở thành anh em. Nói yêu nước mà lại so bì, tự cho mình yêu nước hơn người khác, đúng hơn người khác, thì đó chưa phải là yêu nước thật sự. Và nói chung, đúng cách thì không hoàn toàn là tình yêu mà đã có màu vị lợi. Lên giọng dạy đời thì chỉ khiến nhớ lời Mạnh Tử (372–289 trước công nguyên): “Cái nguy hiểm nhất của những kẻ tầm thường là thích làm thầy người khác”.
Tình yêu nước tự nhiên từ tình yêu cha mẹ, vợ con, anh em, nơi chôn rau cắt rốn. Nó thuộc quyền sống, quyền tự do của con người. Đó là những quyền bất khả xâm phạm. Nhà nước sinh ra chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đảm bảo và bảo vệ quyền tự nhiên ấy của công dân. Điều này đã được John Locke (1632–1704), nhà triết học người Anh, nói rõ khi bàn về vai trò, chức năng và nguồn gốc nhà nước. Mà ông John Locke chính là nhà tư tưởng có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc Cách mạng Mỹ và bản Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, bản tuyên ngôn được Bác Hồ trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập nước ta.
Ông John Locke gọi quyền tự do của con người là “nhân quyền tự nhiên”. Ông phân tích rất rõ, “nhân quyền tự nhiên” là những quyền hiện diện ngay trong trạng thái tự nhiên, khi con người ý thức mình là con người, gắn với con người và thuộc về con người, chứ không phải do nhà nước ban phát. Nên nói nhà nước yêu nước thay cho công dân là rất kỳ quái, còn kỳ quái hơn nói nhóm người này sẽ yêu nước thay cho nhóm người nọ.
Tiếp thu tư tưởng của John Locke, nhà triết học thời khai sáng người Pháp Montesquieu (1689 -1755) đã nghiên cứu và đưa ra lý thuyết phân chia quyền lực. Cơ sở lý luận của lý thuyết này, người nào nắm giữ quyền lực cũng có thiên hướng lạm quyền, cho nên phải phân quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mãi sau này, thêm quyền lực thứ tư là truyền thông, quyền lực thứ sáu là xã hội dân sự. Sự phân chia này nhằm đảm bảo cho nhà nước, trong mọi trường hợp, không được vi phạm các quyền tự nhiên của công dân. Nên nếu bây giờ nói, quyền lực nhà nước phải thống nhất thì đi ngược với lịch sử tư tưởng loài người, lịch sử nhà nước khoảng 300 – 400 năm.
Thời hiện đại còn nhận thức ra, nhân quyền có tính phổ quát, vấn đề không chỉ của quốc gia mà còn của cộng đồng quốc tế. Nên mới ra đời Hiến chương của Liên hiệp quốc ngày 26-6-1945 có một điều nói về nhân quyền và Tuyên bố chung về nhân quyền ngày 10-10-1948 mà nước ta đã là một thành viên đầy đủ. Nên nếu bây giờ nói, nước ta có đặc thù để vi phạm nhân quyền thì cũng đi ngược lại lịch sử.
Nói về đặc thù, quả trong lịch sử nước ta ở thời hiện đại, có một giai đoạn đặc biệt, phải đánh giặc nên làm không đủ ăn. Quan chức chính phủ lúc đó đi xin viện trợ về cho dân tiêu dùng và dân ta thường nói “nhớ ơn chính phủ”. Ngày nay thời thế đã đổi thay, phải nói ngược lại “chính phủ nhớ ơn nhân dân”, vì nhân dân làm ra cho chính phủ được nhận lương, có tiền tiêu xài. Nếu chính phủ tiêu xài hoang phí, làm mất tiền, nhân dân có quyền bắt phải chịu trách nhiệm, không bây giờ thì tương lai.
Bất luận thế nào, lịch sử vẫn đi tới, không ai quay ngược được lịch sử, chỉ có thể học lịch sử mà thôi.
Nhà Nguyễn đặt triều đình cao hơn đất nước nên để mất nước.
Liên Xô coi thường quyền tự nhiên của con người nên sụp đổ dù có vũ khí nguyên tử.
Đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802- 1885) từng viết: “Không có quân đội nào đứng vững trước sức mạnh của một trào lưu tư tưởng”. |