Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29 Tháng 8 Năm 2011 |
Tác Giả: Mai Vân |
Thứ Hai, 29 Tháng 8 Năm 2011 10:03 |
Đảng Dân chủ Nhật bị mất lòng tin của dân chúng
Yoshihiko Noda (giữa) thủ tướng Nhật tương lai REUTERS/Yuriko Nakao Các báo Pháp hôm nay đều nhìn qua tình hình chính trị Nhật Bản, với việc tân chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền được bầu vào hôm nay và sẽ được đề cử vào chiếc ghế thủ tướng ngày mai. Ra trước khi có tên người được bầu, các báo chưa thể bình luận về nhân vật mới, nhưng nét được nhà bình luận nêu bật là việc đảng Dân chủ đã đánh mất sự tin tưởng của người Nhật. Lý do như tờ Le Monde nhận thấy là các cuộc đấu tranh nội bộ giữa các phe phái đã làm mất uy tín của đảng. Thủ tướng từ nhiệm Naoto Kan đã chịu thua các nhóm thế lực. Cuộc chạy đua giành chức chủ tịch mới của đảng Dân chủ đã cho thấy rõ một thực trạng tại Nhật là các ứng viên dựa trên những thủ đoạn ở hậu trường, giành hậu thuẫn phe này hay phe nọ hơn là dựa trên chủ trương giải quyết các vấn đề mà người Nhật quan tâm. Theo tờ báo, 15 tháng cầm quyền của ông Naoto Kan đã cho thấy rõ xu hướng này. Thủ tướng mãn nhiệm đã cố gắng đưa nước Nhật ra khỏi những lề thói cũ, và sau thiên tai, động đất, sóng thần, với tai nạn nhà máy điện Fukushima, ông Kan càng mong muốn nước Nhật bước vào một ‘‘thời đại mới’’, và chủ trương ra khỏi điện hạt nhân. Nhưng nhân dịp này, người ta lại càng thấy rõ thế mạnh các nhóm thế lực hạt nhân chi tiền cho rất nhiều dân biểu, cũng như chi nhũng khoản kếch xù quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Họ muốn làm gì thì làm ! Những nỗ lực của ông Naoto Kan nhằm ra khỏi hạt nhân, cho ngưng hoạt động nhũng nhà ở nơi nguy hiểm v.v... tuy đáp ứng nguyện vọng của 70% dân chúng nhưng lại đụng chạm đến quyền lợi giới có thế lực, đã khiến ông bị chỉ trích dữ dội, từ giới kinh doanh, chủ nhân, guồng máy chính quyền, phe đối lập cho đến người trong đảng của ông. Kể như số phận của ông Nao Kan đã được an bài. Le Monde cũng nêu bật một số điểm yếu của ông Naoto Kan mà tờ báo cho là đã phản ánh thực tế sân khấu chính trị Nhật Bản : ông không phải là một nhà hùng biện trong thế giới chính trị mà hình ảnh quan trọng hơn là thực chất. Ông không biết ứng khẩu, triệu tập các họp báo để tạo cảm giác là ông nắm vững tình hình. Thất bại của ông Naoto Kan là do suy nghĩ sai lầm, với ảo tưởng là người ta đánh giá qua việc làm chứ không phải là qua lời nói. Thất bại của ông Naoto Kan, theo phân tích của Philippes Pons, tác giả bài báo, còn cho thấy thất bại của đảng Dân chủ, đã không làm cho dân chúng tin tưởng hơn vào giới lãnh đạo chính trị của mình, và cũng không làm cho đời sống chính trị cởi mở, dân chủ hơn : việc chọn lựa người thay thế ông Naoto Kan dựa trên tương quan lực lượng giữa các phe cánh, đã cho thấy rõ điểm này. Đảng Dân chủ không khác gì đảng đối lập PLD, từng cầm quyền từ 1955 đến 2009, tức là có nhiều phe cánh đối chọi nhau để nắm quyền. Cho nên việc ông Naoto Kan ra đi cũng như các thủ đoạn trong đảng Dân chủ chọn người thay thế ông, cho thấy hai yếu tố không có gì đáng khích lệ : sự sa lầy của đời sống chính trị Nhật, bất kể những người cầm quyền thuộc đảng nào, và thứ hai là thế mạnh tột cùng của guồng máy quan liêu hành chính và các nhóm thế lực. Vì thế chủ bút báo Asahi, Yoshibumi Wakamya, đã nhận định là chính trị từ giờ chỉ gây nên sự ‘‘nghi kỵ’’ đối với dư luận. Báo kinh tế Les Echos cũng không suy nghĩ khác. Nhìn về cuộc vận động của những ứng viên vào chức chủ tịch đảng và thủ tướng cuối tuần qua, điểm nổi bật đối với tờ báo là họ chỉ lo chinh phục các phe phái mà rất ít tập trung trên nhũng vấn đề kinh tế lớn của Nhật. Tuy nhiên Les Echos cũng tìm thấy một giải thích ngoài thói quen nói trên : cuộc bầu lãnh đạo diễn ra sau khi ông Naoto Kan từ nhiệm, chứ không trong một tình huống tranh cử bình thường, cho nên những đại biểu điạ phương và thanh viên đảng không được tham gia, họ không nêu lên được mối quan tâm và chủ đề họ muốn thấy đề cập. Trung Quốc : điều kiện làm việc cực khổ tại các xưởng linh kiện điện tử La Croix dựa trên báo cáo của tổ chức bảo vệ người lao động, China Labor Watch, CLW, trụ sở tại New York. Tổ chức đã nghiên cứu cách làm việc tại 10 xưởng cung cấp sản phẩm điện tử cho các nhãn hiệu nổi tiếng, Microsoft, Dell, IBM, Ericsson, Philips, Apple, Hp, Nokia, và đi đến kết luận : « Điều kiện làm việc vô nhân đạo », thực tế khác hẳn với các tuyên bố đầy trách nhiệm của các tập đoàn đa quốc gia. Giờ làm việc nhiều, lương quá thấp, hợp đồng không rõ ràng. Những xưởng này thu dụng từ 1.000 đến 47.000 nhân công, và điều kiện làm việc cũng không phù hợp với luật hiện hành tại Trung Quốc. Số giờ làm việc quá cao, từ 10 đến 14 tiếng mỗi ngày, cường độ làm việc cũng rất căng thẳng, đứng suốt 10 tiếng trước dây chuyền với thao tác liên tục, mỗi 3 giây một động tác. Trong khi đó tiền lương lương không bao nhiêu. Tại Hongkai Electronics chẳng hạn : nếu lương tối thiếu quy định là 138 đô la/tháng, cuối cùng sau khi trừ tận gốc một số chi phí, nhân công chỉ còn lãnh khoảng 76 đô la. Các hợp đồng không rõ ràng, nhiều người không thấy, không biết hợp đồng ra sao, cộng thêm vào đó phân biệt đối xử, tùy theo tuổi tác, nam hay nữ. Một số nơi chỉ thu dụng phụ nữ, như Tyco Electronics. Còn tại Shanghai Quanta, 1/3 nhân công là dưới 18 tuổi. Nhưng khi bị nêu vấn đề trách nhiệm, các tập đoàn đa quốc gia đều phủi tay, cho là các xưởng tại chỗ thu dụng nhân công chiụ trách nhiệm về những việc lạm dụng lao động nói trên. Đối với tổ chức bảo vệ lao động CLW, không thể chỉ quy tội cho các xưởng sản xuất vì thời hạn và giá cả là do các tập đoàn quy định, và nó ảnh hưởng đến tiền lương lao động nhân công. Theo La Croix, báo cáo của tổ chức CLW là để báo động về những lạm dụng hiện nay để quốc tế gây sức ép hầu cải thiện điều kiện làm việc tại các xưởng gia công. Thời sự nước Pháp với tranh cãi sóng gió trong đảng Xã hội Nhân cuộc Hội thảo mùa hè vừa kết thúc hôm qua, hiển nhiên nổi bật trên trang nhất đa số báo ngày đầu tuần này. Bên cạnh đó là những hồ sơ quốc tế lớn : tình hình Libya, bão Irene gây thiệt hại nhân mạng và vật chất mà Le Figaro cũng như các đồng nghiệp nêu con số hàng chục tỷ đô la. Libya : hai mặt trận Syrte và Tripoli Le Figaro theo chân quân nổi dậy tấn công vào Syrte, quê quán của ông Kadhfi, trong lúc Le Monde trở lại chiến dịch chiếm đóng Tripoli, một chiến dịch mà tờ báo khen là ‘táo bạo’ và dành hai trang với bản đồ các trận chiến. L’Humanité tố cáo tội ác chế độ Kadhafi với phát hiện mới đây 50 thi hài tù nhân cháy đen. Riêng tờ La Croix nhìn chung khu vực với hàng tựa lớn trang nhất : Công trường lớn của thế giới Ả Rập. Tờ báo điểm lại tình hình : ở Libya, phe nổi dậy nắm quyền, ở các nước lân cận từ Maroc cho đến Ai Cập, thì thay đổi rất chậm chạp. Trước tiên tại Tunisia, nơi xuất phát cách mạng Hoa Lài, ông Ben Ali đã chạy đi nhưng ‘chế độ’ của ông vẫn còn đấy, kinh tế ngày xấu đi, du khách đã không trở lại như ngươi ta mong đợi, thất nghiệp tiếp tục tăng cao. La Croix còn liệt vào dạng tương lai bấp bênh 4 quốc gia vì cải tổ quá chậm chạp : Ai Cập, mà mọi người đang chờ đợi vụ xét xử ông Mubarak. Jordani, cũng sống những ngày biểu tình sôi nổi phản đối đời sống đắt đỏ, và phe đối lập vẫn mong muốn tăng cường quyền hạn lập pháp, tại Maroc thì cũng có những đòi hỏi tương tự, và bị cô lập hiện nay là chế độ Syria. Trong bài xã luận, tựa đề ‘cưỡng lại sự chán nản’, tờ báo công nhận là cứ thường xuyên nhìn một vòng tình hình các cuộc nổi dậy thì quả là có thể rơi vào tình trạng bi quan chán nản với câu hỏi : kết quả chỉ là bấy nhiêu thôi ư ? Nhưng tờ báo cũng khuyên khích lạc quan. La Croix công nhận là trước mắt hứa hẹn nhiều nhưng thực hiện cụ thể không có bao nhiêu. Tuy nhiên, có ai tin là có thể làm tình hình chuyển biến trước khi các sự cố diễn ra ? Tờ báo cho là 8 tháng, quả là quá lâu đối với những gia đình nạn nhân, đối với những người biểu tình, những người hy vọng một cuộc sống tốt hơn, nhưng nhìn lại thời gian hàng thập kỷ của các chế độ bị lật đổ, thì 8 tháng quá ngắn ngủi. Cho nên không nên nghi ngờ tương lai. Le Figaro hôm nay trở lại hồ sơ DSK, tiết lộ trong một tít trang nhất, luật sư ông Dominique Strauss Kahn đe doạ truy tố bà Nafissatou ra trước toà án dân sự, « nếu những lời buộc tội tấn công từ các luật sư của bà quá thấp hèn ». Hai luật sư của DSK cũng giải thích họ không đòi tiểu bang New York bồi thường, nhưng nếu họ có phải truy tố ai, thì người đó là bà dọn phòng trước đây. Theo Le Figaro hai vị luật sư của ông DSK có vẻ cương quyết : không có chuyện thương lượng, thoả thuận gì cả ở toà án dân sự, họ còn đe doạ nếu ‘ông Dominique Strauss Kahn phải chịu ‘điạ ngục’, thì bà Nafissatou sẽ chiụ tình cảnh tương tự, vì họ cũng có nhiều câu cần hỏi bà. Luật sư William Taylor nêu lên như một lới cảnh báo : bà Nafissatou là một nhân vật bí hiểm, sống qua những điều kỳ quặc, ví dụ như ông rất muốn biết xuất xứ những món tiền (lớn)trong tài khoản của bà. Luật sư của ông DSK còn chỉ trích ban giám đốc của khách sạn Sofitel ở New York, « đã không bao giờ hợp tác một cách tự nguyện » với họ.
|