Singapore bầu cử tổng thống tự do |
Tác Giả: Tú Anh |
Chúa Nhật, 28 Tháng 8 Năm 2011 16:59 |
Singapore còn là một chế độ trong sạch không mang tai tiếng tham ô Ông Tony Tan, ứng cử viên thuộc đảng cầm quyền Singapore (Reuters) Hôm nay 27/08/2011, khoảng 2,3 triệu cử tri Singapore bỏ phiếu chọn một vị nguyên thủ quốc gia trong số 4 ứng cử viên. Lần đầu tiên từ năm 1993, bầu tổng thống tại Singapore mang ý nghĩa trọn vẹn của một cuộc tuyển cử tự do đa đảng. Từ một thể chế độc đoán, đảo quốc Sư tử chuyển theo xu hướng dân chủ của thời đại. Tại Singapore, tháng năm vừa qua, một cuộc chuyển đổi mạnh dạn trong xã hội đã ghi dấu ấn qua cuộc bầu cử Quốc hội. Các tổ chức đối lập đã tạo một sức bật lịch sử với 40% phiếu tín nhiệm. Tuy cách phân phối đơn vị bầu cử còn bất lợi cho đối lập, cho phép phe chính quyền tiếp tục chiếm đa số áp đảo 81 trên 87 ghế dân biểu nhưng tình trạng bầu cho có lệ đã chấm dứt. Trong hai lần bầu cử trước, đương kim Tổng thống S.R Nathan được xem như được áp đặt hơn là bầu vì hội đồng bầu cử đã bác bỏ các ứng cử viên khác. Lần này cử tri có đến 4 ứng cử viên tổng thống. Ứng cử viên của phe chính quyền là ông Tony Tan, hiện nay là phó thủ tướng chạy đua với ba đối thủ, tất cả đều thuộc các tổ chức đối lập, và chỉ trích nghiêm khắc đảng Nhân Dân Hành Động cấm quyền liên tục từ hơn nửa thế kỷ. Nếu chiếc ghế tổng thống rơi vào tay đối lập thì dù cho vai trò của nguyên thủ quốc gia là biểu tượng, một vị tổng thống đối lập vẫn có thể sử dụng quyền phủ quyết để can thiệp vào việc bổ nhiệm viên chức cao cấp vào các vị trí then chốt cũng như việc phân phối tài nguyên thiên nhiên. Trong mọi trường hợp, Singapore không thể cưỡng lại trào lưu và khát vọng cải cách. Từ khi tách ra khỏi liên bang Malaysia trong thập niên 1960, kinh tế Singapore tăng trưởng không ngừng, gần 15% trong năm 2010. Có lẽ do vậy mà luật bầu cử tại Singapore buộc ứng cử viên tổng thống phải là người đứng đầu một công ty lớn có doanh số trên 100 triệu đô la bản xứ, tương đương với 58 triệu euro. Số nhà triệu phú ở quốc đảo chiếm 15% dân số và có hơn 80% dân chúng có nhà riêng. Singapore còn là một chế độ trong sạch không mang tai tiếng tham ô như một số chính quyền lân bang. Thế thì tại sao đối lập lại mỗi ngày mỗi mạnh? Theo giới phân tích, nguyên nhân sâu xa có lẽ là dân chúng khao khát quyền tự do ngôn luận, được phát biểu ý kiến và sự suy nghĩ của mình một cách thoải mái hơn. Ba triệu dân Singapore tiếp cận thông tin qua mạng xã hội Facebook trong khi truyền thông chính thức vẫn còn thái độ rụt rè, mặc dù lần đầu tiên báo chí nhà nước tham gia theo dõi và loan tin hoạt động của các ứng cử viên đối lập. Luật pháp Singapore vẫn còn nhiều bất công chẳng hạn như cấm đình công và biểu tình nhưng cảnh sát không sách nhiễu những cuộc meeting của đối lập. Điển hình là những cuộc nói chuyện của ứng cử viên Tan Jee Say quy tụ cả rừng người. Một dấu hiệu nữa chứng tỏ người dân Singapore đang quen dần với một số hình thức tự do thông tin. Trong đợt vận động tranh cử lần này, trên mạng internet xuất hiện các tin đồn bất lợi cho ứng cử viên của chế độ Tony Tan làm ông phải vội vã cải chính. Tin đồn đó là ba người on trai của ông đã được ưu đãi khi thi hành nghĩa vụ quân sự. Giờ cải cách đã điểm. Một dân biểu của đảng Nhân Dân Hành Động, ông Zainuddine Nordin, 48 tuổi, nói tiếng Pháp tuyệt hảo, nhận định rằng “thế hệ người dân Singapore không biết những khó khăn của thời kỳ hậu độc lập muốn phát biểu tự do nhưng họ thấy rằng cách điều hành nhà nước cứ vẫn như cũ”. Một cựu phóng viên, nay hoạt động xã hội, bà Breama Mathiaparanam cũng khẳng định đã đến lúc đảng cầm quyền phải nhìn ra thực tế đừng tưởng lầm rằng người dân Singapore chỉ chạy theo đồng tiền mà không cần đến lý tưởng.
|