WikiLeaks : Trung Quốc dùng cách mua chuộc cựu Tổng thống Philippines |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Bảy, 27 Tháng 8 Năm 2011 18:19 |
Manila và Bắc Kinh càng lúc càng thân thiết với nhau. Tiết lộ mới của WikiLeaks : Bắc Kinh dùng hợp đồng béo bở để mua chuộc cựu Tổng thống Philippines (Reuters) Trong loạt điện mật của ngành ngoại giao Mỹ vừa được WikiLeaks công bố, báo chí Philippines đã rất chú ý đến các tiết lộ về quan hệ giữa Bắc Kinh với Manila. Tờ Tribune trên mạng số ra hôm nay, 27/08 đã phân tích một bức điện do đại sứ Mỹ tại Philippines gởi về Washington ngày 28/04/2008 trong đó phân tích cách thức Trung Quốc mua chuộc chính quyền của cựu Tổng thống Gloria Arroyo. Trong công điện mật được xếp vào diện "nhạy cảm" (sensitive) Bà Kristie Kenney, đại sứ Mỹ ở Manila vào năm 2008 đã cho rằng đối với Philippines, Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh đáng tin cậy, bất chấp việc Manila và Bắc Kinh càng lúc càng thân thiết với nhau. Nguyên nhân, theo bà Kenney, đó là vì các dự án hợp tác Trung Quốc – Philippines được hai chính phủ thực đều nhuộm màu sắc tham nhũng, ảnh hưởng đến tiến trình tăng cường quan hệ giữa hai nước. Theo bức điện được WikiLeaks tiết lộ, thì một đề án thiết lập màng lưới băng thông rộng trên toàn quốc NBN mà chính quyền Manila trao cho nhà thầu Trung Quốc ZTE với những điều kiện bất thường là « điển hình cho kiểu thỏa thuận trong đó Bắc Kinh được cho là chuyên sử dụng trên thế giới để kiếm bạn và mua chuộc ảnh hưởng ». Thỏa thuận giữa công ty Trung Quốc ZTE và chính quyền Arroyo, là một thỏa thuận được cho là hậu hĩnh, nhằm thiết lập một mạng lưới viễn thông quốc gia cho Philippines như dịch vụ Internet băng thông rộng, hội thoại qua truyền hình, điện thoại cố định, điện thoại di động và e-mail nhằm cung cấp cho tất cả các cơ quan chính phủ từ trung ương đến địa phương. Ông Jose Miguel, chồng của bà Arroyo và các đồng minh chính trị thân cận đã nhận được hàng triệu đô la hối lộ từ công ty Trung Quốc, theo lời các nhân chứng đã ra điều trần trước Thượng viện Philippines. Theo bà Kenney, « Khác với Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và nhiều quốc gia tài trợ khác, Trung Quốc không hề gắn viện trợ với các vấn đề như quản lý tốt, nhà nước pháp quyền, tôn trọng nhân quyền. » Do vậy, theo đại sứ Mỹ tại Manila, « Thái độ hoài nghi của công luận Philippines và sự chú tâm đến vấn đề tham nhũng đã nêu bật những thiếu sót trong các nỗ lực sử dụng quyền lực mềm của Trung Quốc ». Vào lúc nổ ra vụ tai tiếng ZTE, bà Kenney đã tường trình về các lời cáo buộc cho rằng chính quyền Arroyo đã ‘’bán đứng’’ lãnh thổ Philippines tại vùng Biển Đông cho Trung Quốc, khi bật đèn xanh cho thỏa thuận cùng thăm dò địa chấn với Trung Quốc ở vùng Trường Sa để đánh đổi lấy một số khoản tín dụng nhiễm hối lộ. Theo bà đại sứ Mỹ, giới lập pháp và báo chí chống Tổng thống Arroyo còn cho rằng, sở dĩ chính quyền Philippines chần chờ không chịu đáp ứng thời hạn 2009 do Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển quy định để xác định đường cơ sở của quần đảo Philippines, đó là để chiều lòng Trung Quốc. Chính quyền Aquino hiện đổ lỗi cho bà Arroyo là đã làm cho tranh chấp bùng lên trở lại giữa Philippines và Trung Quốc quần đảo Trường Sa tại Biển Đông. Bà cựu Tổng thống bị cáo buộc là đã đồng ý cho đưa các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Philippines, như khu vực Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) gần đảo Palawan, vào trong phạm vi thỏa thuận thăm dò dầu khí chung ký kết năm 2005 giữa Philippines và hai đối thủ Trung Quốc và Việt Nam đều đòi chủ quyền tại vùng này. Chính vì Reed Bank và một phần lớn vùng biển của Philippines được đưa vào thỏa thuận thăm dò chung JMSU với Trung Quốc, đã làm cho Bắc Kinh quyết đoán hơn trong việc khẳng định quyền kiểm soát của họ trên các vùng lãnh thổ mà Philippines tuyên bố chủ quyền từ lâu. |