Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26 Tháng 8 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26 Tháng 8 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Sáu, 26 Tháng 8 Năm 2011 09:12

Singapore : Bầu cử tổng thống thể hiện lòng khao khát dân chủ

 

Cựu thủ tướng Tony Tan trong cuộc vận động tranh cử ngày 24/08/2011 tại Singapore. Reuters

Ngày mai, thứ bảy 27 tháng 8, Singapore sẽ tổ chức bầu Tổng thống.

Liên quan đến sự kiện này, nhật báo Le Monde số ra hôm nay có bài nhận định « Xã hội Singapore âm thầm theo đuổi trào lưu dân chủ ». Bài báo cho biết, cuộc bỏ phiếu ngày mai có thể sẽ xác nhận cho các tiến triển chính trị hiện hành.

Kể từ khi bầu cử tổng thống đầu tiên được tổ chức năm 1993, lần đầu tiên bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra với sự tranh tài giữa 4 ứng viên : ông Tony Tan, cựu thủ tướng và 3 ứng viên khác thuộc phe đối lập.

Le Monde cho biết, ông Tony Tan đã từng quản lý Tập đoàn Đầu tư Chính phủ Singapore, Quỹ tài sản lớn nhất của đảo quốc. Ông nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng thống đương nhiệm Ramanathan, hai lần trúng cử khi không có đối thủ trong phe đối lập. Còn ba ứng viên còn lại thuộc các đảng đối lập, luôn chỉ trích Đảng Hành động Nhân dân (PAP), cầm quyền kể từ khi lập quốc 1959.

Theo Le Monde, sự kiện này cho thấy trên đảo quốc 5 triệu dân này, đang từ từ hình thành một « hướng suy nghĩ » nào đó, mong muốn bẻ gãy tính cứng nhắc của khế ước xã hội.

Trên thực tế, vị trí Tổng thống tại Singapore chỉ có vai trò hình thức. Le Monde cho rằng nếu như ứng viên Tony Tan trúng cử thì vai trò này sẽ không thay đổi. Còn trong trường hợp một trong ba ứng viên đối lập trúng cử, có thể họ sẽ đi đến việc sử dụng quyền phủ quyết, nhất là trong việc chặn đứng vài sự bổ nhiệm trong chính phủ.

Theo Le Monde, do phụ thuộc nhiều vào thế giới để kích thích tăng trưởng kinh tế, nên xã hội Singapore đang gặp một loạt các khó khăn : thách thức về dân số, sức mua của tầng lớp trung lưu giảm, bất bình đẳng kỷ lục giữa các giai tầng xã hội, sự mệt mỏi về hệ tư tưởng chủ nghĩa gia trưởng có hiệu lực kể từ giành độc lập năm 1965, quyền tự do ngôn luận bị tước đoạt.

Trong đợt bầu cử Quốc hội hồi tháng năm vừa qua, xã hội Singapour đã cho thấy sự khát khao đổi mới của họ. Lần đó, đảng PAP của Thủ tướng Lý Hiển Long chỉ đạt có 60% số phiếu bầu.

Le Monde nhận xét, kết quả bầu cử đưa ra có lẽ sẽ thấy nực cười : phe đối lập chỉ đạt có 6 trên tổng số 87 ghế tại Quốc hội, thay vì là 2 ghế như trước. Tuy nhiên, nếu xem xét ở góc độ địa phương, lần đầu tiên đảng Lao Động « Workers’ Party », viết tắt là WP, đã chiếm được 5 ghế trong cùng một quận.

Ngay khi kết quả được công bố, ông Lý Hiển Long phải lập tức lên tiếng xin lỗi và cam kết sửa sai. Không những thế, ông Lý Quang Diệu, cha đẻ của nước Singapour hiện đại, và cũng là cha của thủ tướng Lý Hiển Long, đã phải tuyên bố từ chức « Bộ trưởng Cố vấn » để nhường cho giới trẻ.

Le Monde ghi nhận công lao to lớn của ông Lý Quang Diệu đã đưa Singapore thành một nước phồn vinh, với tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/ năm, mức thu nhập quốc dân GDP trên đầu người đứng hàng thứ tư trên thế giới, Singapore là cảng biển lớn thứ hai sau Thượng Hải, thống trị lãnh vực công nghệ bán dẫn, ngành dược sinh học và có đến 15% người giàu.

Giờ đây, người dân Singapore bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì chủ nghĩa gia trưởng. Họ khao khát một nền dân chủ ở đó người dân sẽ được hưởng nhiều không gian rộng lớn hơn cho tự do ngôn luận.

Cuối cùng Le Monde trích dẫn lời nhận định của một cựu phóng viên : "Có lẽ đã đến lúc nhà nước nên đàm phán với xã hội dân sự".

Xã hội dân sự Cuba hình thành hy vọng đối trọng với chế độ độc đảng

Nhìn sang châu Mỹ La tinh, báo Le Monde có bài « Tại Cuba, xã hội dân sự đang từng bước được xây dựng đối mặt với chế độ độc đảng », có nhiều điểm tương đồng với tình hình Việt Nam hiện nay.

Theo các tác giả bài báo, cùng với việc giới trí thức, văn nghệ sĩ có được một sự độc lập tương đối, một số tầng lớp khác tại Cuba, như cộng đồng người đồng tính luyến ái, giới luật sư, cộng đồng người da đen, đang cố gắng thúc đẩy sự hình thành một xã hội dân sự còn phôi thai trong một thể chế mà đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo.

Lập luận của họ là đấu tranh, bảo vệ và thực hiện các quyền công dân được ghi ngay trong Hiến pháp và pháp luật của Cuba.

Báo Le Monde đưa ra ví dụ cô Leannes Imbert Acosta, 34 tuổi. Từ nhiều tháng nay, cô tìm mọi cách vận động để thành lập một cách hợp pháp, theo luật Cuba, một tổ chức Quan sát theo dõi các quyền của những người đồng tính luyến ái, chuyển giới tính.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép là Trung tâm quốc gia giáo dục giới tính do bà Mariela Castro làm chủ tịch, con gái của lãnh đạo Cuba, ông Raul Castro. Công việc xin cấp phép không đơn giản bởi vì bà Mariela Castro coi một số quyền của giới đồng tình luyến ái, như việc tổ chức tuần hành Gay Pride, là một hình thức phản đối và không thể chấp nhận được ở Cuba.

Tuy vậy, cô Leannes Imbert Acosta không nản chí cô nhờ đến sự giúp đỡ của Hiệp hội tư pháp Cuba, quy tụ hàng chục luật sư. Thế nhưng, bản thân tổ chức này cũng đang xin phép được thành lập.

Trong khi chờ đợi chính quyền công nhận, Hiệp hội này còn hỗ trợ cộng đồng người da đen trong cuộc đấu tranh chống các tình trạng phân biệt chủng tộc, một tệ nạn đã phát triển mạnh do các bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, kể từ khi Liên Xô sụp đổ và « mô hình Cuba » bị khủngh hoảng.

Luật sư Wilfredo Vallin giải thích vì sao phải ông và các cộng sự muốn thành lập Hiệp hội : « Tại Cuba, không có phân chia quyền lực, tư pháp phụ thuộc vào hành pháp và nhận các chỉ thị từ cơ quan an ninh Nhà nước ».

Hiện nay, chỉ có các luật sư trong các « văn phòng luật sư tập thể » - mà tất cả đều là quan chức Nhà nước – được hành nghề, có quyền đại diện cho thân chủ trước tòa. Vừa qua, chính quyền Cuba ra quyết định một cách độc đoán, cho phép tư nhân được hoạt động trong 178 nghề, nhưng không mở rộng tới lĩnh vực kiến trúc, tin học, giáo dục và y tế.

Luật Hình sự Cuba đưa ra những tội danh mà luật pháp của các nước khác không trừng phạt. Tại Cuba hiện nay, chủ nuôi bò không được tự động giết thịt, cho dù là để lấy thịt nuôi con ốm, nếu không được phép của chính quyền.

Phê phán giới lãnh đạo Nhà nước hay có ý định vượt biên trái phép cũng bị trừng phát nặng nề. Hiến pháp Cuba cho phép người dân tự do định cư nhưng cảnh sát có thể tùy tiện đuổi người dân ra khỏi La Habana mà không cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý hành chính.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội tư pháp Cuba mở các lớp giảng dậy luật pháp, về Hiến pháp, về luật hình sự, và tố tụng. Hiệp hội cũng kêu gọi chính quyền phê chuẩn và phổ biến các công ước của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị và các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa mà nước này đã ký năm 2008.

Hiến pháp Cuba cũng quy định đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước. Vậy điều này có ngăn cản sự tiến bộ của xã hội hay không ?

 Ông Rafael Hernandez, phụ trách tạp chí khoa học xã hội Temas cho biết, hiện nay, Cuba có 800 ngàn đảng viên và nên xem xét vấn đề đảng cộng sản dưới góc độ cần đẩy mạnh dân chủ hóa, mang tính đại diện cao hơn. Theo một trí thức khác, được coi là có đầu óc cải tổ, thì nhận định, « đa đảng không phải là giải pháp duy nhất cho vấn đề độc đảng ».

Để hiểu được tâm trạng hiện nay của người dân Cuba, báo Le Monde trích dẫn một kinh tế gia trẻ đã từng theo học tại Mêhicô. Ông nói, « chính phủ hoài công khẳng định lại sự trung thành với chủ nghĩa xã hội, nhưng người dân trên đường phố thì tư duy theo mô hình thị trường, họ không muốn phụ thuộc vào Nhà nước nữa ».

Còn luật sư Vallin thì tỏ ra lạc quan, bất chấp những khó khăn cản trở sự thay đổi, tại Cuba, những sáng kiến cá nhân và của các hiệp hội cho thấy là nỗi sợ hãi đang đổi phía. Ông dẫn một câu của nhà tư tưởng Pháp Montesquieu : « Nền cộng hòa chỉ là một cái xác chết. Sức mạnh của nó chỉ còn là quyền lực của một số công dân, còn tự do thì thuộc về mọi nguời ».

Trung Quốc, nhân vật quốc tế quan trọng hàng đầu

Không có gì phải lấy làm ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc lên tiếng chỉ trích và « dạy » Mỹ phải « đưa ra các biện pháp cụ thể và có trách nhiệm » trong đợt khủng hoảng tài chính lần này. Theo ông Jean Pierre Raffarin, cựu thủ tướng Pháp, « Trung Quốc nhận thức đầy đủ về sức mạnh và vai trò của mình, mỗi khi họ cảm nhận được cân bằng thế giới đa cực bị lung lay, họ sẽ can thiệp theo cách của họ,… ». Đây chính là một trong những nhận định của tác giả qua bài viết « Trung Quốc trở thành nhân vật quốc tế hàng đầu » do nhật báo Le Figaro số ra ngày hôm nay đăng.

Theo tác giả, « Trên thực tế, chúng ta cần phải hiểu rõ Trung Quốc ngay trong lòng bộ máy ‘cai trị thế giới’ ».

Trung Quốc và các nước thành viên trong nhóm BRIC, câu lạc bộ những nước mới trỗi dậy, phải cùng nhau đối chiếu các phân tích của họ. Theo họ, cần phải tạo ra một sức tăng trưởng mới, chủ yếu là các nước mới trỗi dậy, bởi vì Mỹ và Châu Âu không còn cách nào để thúc đẩy tăng trưởng. Nợ của các nước « giàu » không những là điểm yếu lớn của họ trong khu vực mà còn là một chứng bệnh trầm kha của thế giới.

Lẽ đương nhiên là Trung Quốc, cũng như các nước khác, sẽ gánh vác trọng trách quốc tế của mình theo như những gì họ đánh giá là có lợi cho quốc gia của mình. Không những thế, Trung Quốc bảo vệ những giá trị mà họ cho là thành quả của một quá trình lịch sử lâu dài. Chẳng hạn, không can thiệp vào việc nội bộ của một Quốc gia, không sử dụng quân sự chống lại một quốc gia khác, không có tham vọng trở thành gương về mô hình xã hội hay phát triển…

Theo tác giả, sự gắn kết với lịch sử không gạt bỏ được lo âu của chủ nghĩa thực dụng. Nếu như Trung Quốc không ủng hộ những văn bản nào của Liên Hiệp Quốc mà họ cho trái với những đường lối của họ, thì Bắc Kinh cũng không phản đối một cách có hệ thống như trong trường hợp của Iran hay Libya.

Trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc lại thể hiện sự tôn trọng những đường lối chiến lược chung của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, qua việc tham gia vào tổ chức Thương mại quốc tế, gánh vác một phần trách nhiệm trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế và trong nhiều bối cảnh khác, Bắc Kinh đã khẳng định chọn lựa đường lối đa phương để giải quyết các vấn đề trên thế giới và để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tư duy của họ được thể hiện rất rõ ràng qua hai từ : « hài hòa », nghĩa là « cân bằng đa cực » trên phương diện quốc tế và « thẩm thấu », một định nghĩa do Henry Kissenger đưa ra trong tác phẩm cuối cùng của ông « On China » : « Sự bành trướng của Trung Quốc đã được dựa trên sự ‘thâm nhập văn hóa’, chứ không phải dựa trên sự lôi kéo thương mại ».

Theo tác giả, đường lối chỉ đạo này giải thích cho thấy đối diện trước những bất an, Trung Quốc chọn giải pháp cứng rắn và đối diện trước những lời chỉ trích, họ sẽ chọn xu hướng thu mình lại.

Tuy rằng nền tảng văn hóa của Trung Quốc đã không mấy biến đổi sâu sắc kể từ năm 1601, nhưng ngày nay Trung Quốc vừa là đầu tàu kinh tế và vừa là chủ ngân hàng thế giới. Vì vậy, tất cả những tiên đoán về những khó khăn chính trị, rủi ro kinh tế và các căng thẳng xã hội không phải là những giải pháp hiệu quả cho sự mất cân bằng trên thế giới hiện nay.

Cuối cùng tác giả dẫn lời nhà văn Mỹ Alvin Toffler, bây giờ « Trung Quốc đang ở trong chúng ta ». Tương lai của chúng ta sẽ được xếp lớp lên nhau. Vì thế chúng ta cũng cần phải có những luật lệ chung, đấy chính là điều cần phải tranh luận.

Bí ẩn của sự gia tăng các vụ cá mập tấn công người

Le Monde thống kê, chỉ riêng trong tháng 8 đã có tổng cộng 11 vụ cá mập tấn công người. Hầu hết, các vụ tấn công đều do cá mập trắng, một loại cá mập đại dương và ăn thịt người thực hiện.

 Để giải thích cho sự gia tăng đột biến này, Le Monde hôm nay có bài đề tựa « Bí ẩn sự gia tăng các vụ cá mập tấn công người ». Bài viết cho biết chính các họat động của con người đã gây sự chú ý cho loài cá mập nguy hiểm này.

Còn theo con số thống kê do các nhà khoa học tại bang Florida đưa ra thì chỉ tính riêng trong năm 2010, có tổng cộng 79 vụ tấn công của cá mập xảy ra, trong đó có 6 vụ gây chết người, tăng 25% so với năm 2009. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2000.

 Mỹ đứng đầu danh sách và 36 vụ trong năm 2010, kế tiếp là Úc và Nam Phi.

Giải thích cho sự gia tăng đáng kể này, các chuyên gia đều cùng cho rằng chính các hoạt động của con người đã thu hút sự chú ý của các loài cá mập trắng. Các tour du lịch bãi biển ngày rẻ, khiến lượng khách du lịch đến tắm trên các bãi biển mà trước khi chỉ giành cho khách ưu đãi ngày càng tăng. Mặt khác, nhiều tour du lịch tại Ai Cập đã cho ném xuống biển các loại đồ ăn để thu hút cá mập và nhằm thỏa mãn những du khách nào ham muốn tìm các cảm giác mạnh.

Đánh bắt quá mức cũng là một nguyên nhân giải thích cho sự hiện diện các loài cá mập nguy hiểm gần bờ. Theo các nhà khoa học, « việc khai thác quá mức đã làm biến mất đi một lượng lớn loài cá mập duyên hải, nó đã cho phép các loài cá mập đại dương xâm chiếm dần một phần lãnh thổ và tiến gần hơn đến các bờ biển ».

Cuối cùng, Le Monde cho biết, khí hậu ấm dần cũng có thể là nguồn gốc của những vụ tấn công bất thường này. Những biến đổi dòng chảy đại dương trên cấp độ hành tinh có thể làm thay đổi sự phân vùng các loài cá mập.