Người nghệ sỹ già và hơi thở Việt Nam |
Tác Giả: Thạch Vũ |
Thứ Hai, 22 Tháng 8 Năm 2011 12:31 |
Nhờ có tiếng violin, cuộc biểu tình trở nên sang trọng một cách lạ thường.
Chẳng có chút tiếng tăm trong giới nghệ thuật, chẳng một bằng khen, chẳng một danh hiệu. Năm tuần nay, người nghệ sỹ già Tạ Trí Hải cùng tiếng violin của mình hòa vào dòng người yêu nước xuống đường, biểu diễn vì hải đảo thân yêu, vì hơi thở sống còn của dân tộc, và cũng vì nét đẹp khó ở đâu có được giữa đoàn người biểu tình Việt Nam. Tôi hay đùa với cụ: “Nếu mọi người gọi cô Kim Tiến là hoa hậu của đoàn biểu tình, thì chắc chắn cụ phải là nghệ sỹ nhân dân của đoàn biểu tình”. Nói về cuộc đời thăng trầm vị nghệ sỹ nhân dân này, chắc chắn có thể viết hẳn thành một cuốn tiểu thuyết. Hừng hực lý tưởng cách mạng, những năm tháng Hà Nội cùng cả miền bắc dồn sức người sức của cho tiền phương, chàng thanh niên trẻ tuổi và cây đàn violin đã cùng bao thanh niên ngày đó xuống đường cất lên lời ca tiếng hát thể hiện lòng dân. Rồi vì những bất công, những ngang trái của cuộc sống, vì đấu tranh chống tham nhũng đến cùng, anh kỹ sư tài ba từ bỏ mọi công danh sự nghiệp, từ bỏ cái hào nhoáng bên ngoài để cùng người bạn đời của mình là cây đàn, đi khắp đất nước biểu diễn cho đồng bào. Và giờ đây, trước nguy cơ mất biển; mất đảo, ông lão bảy mươi hai tuổi được sống lại cái thời thanh niên sôi nổi, cái thời lừng lững cùng bạn bè xuống đường biểu thị lòng yêu nước một cách công khai. Dẫu cho bây giờ không được như xưa, nào chính quyền ngăn cản, nào tuổi cao sức yếu, nào những thiếu thốn về vật chất hàng ngày không sao ngăn được bước chân một ông già. Nhờ có tiếng violin, cuộc biểu tình trở nên sang trọng một cách lạ thường. Ngay cả du khách nước ngoài cũng phải ngạc nhiên cho rằng Hà Nội đang tổ chức một lễ hội nào đó. Xen lẫn tiếng động cơ xe cộ, tiếng hô của người yêu nước, những khúc hát chẳng phô diễn kỹ thuật chẳng bài bản đúng quy luật thanh nhạc là tiếng vỹ cầm hay đến lạ kỳ. Chúng ta thấy được ở trong đoàn biểu tình, một cô Trịnh Kim Tiến thướt tha trong tà áo dài, một cô Bùi Hằng khẳng khái nợ nước thù nhà gánh trên vai, vài ba cô cậu lứa tuối học trò tuổi ăn tuổi chơi mới ngày nào còn nhớ mãi trong đầu câu đầu tiên “năm điều Bác Hồ dạy”. Và giữa đoàn người, nổi bật lên hình ảnh tay nhạc công lãng du râu tóc bạc phơ kéo lên tiếng đàn Thạch Sanh đuổi lũ Lý Thông.
Sơ thẩm kết thúc, mọi người thất vọng vì một phiên tòa vô phép tắc. Tới phiên phúc thẩm, hy vọng lại được nhen nhóm. Tiếc thay, tiếc thay ông lão bảy hai tuổi lại thở dài lần nữa. Chẳng vợ, chẳng con, chẳng người thân, ngay cả chiếc xe đạp cũng đi mượn của bạn, tài sản cụ có trong tay chỉ là cây đàn vĩ cầm và mandolin, những tấm ảnh lưu niệm và chục cuốn lưu bút ghi lại mọi cảm xúc của người yêu mến thứ âm nhạc đường phố mộc mạc dành tặng lão nghệ sỹ. Nhiều khi cụ cũng hay tếu với mấy anh em blogger chúng tôi, có bận cụ bảo anh Lê Dũng: “Nhờ anh chụp tôi nhiều nhiều bức ảnh, rồi in hộ tôi ra một cái đĩa CD, sau này có hai năm mươi, tôi cho nó đi theo tôi cũng hai cô tình nhân (ám chỉ hai cây đàn) và những hơn chục cuốn sổ lưu bút.” Có lúc ngồi riêng với tôi cụ lại nghẹn ngào: “Ông định nhờ bọn nhạc viện làm một cái đĩa thâu lại độ chục bài nhạc yêu nước, bật khi đi biểu tình. Ai ngờ được ba bài rồi thì ông thầy giáo sợ quá không cho sinh viên làm tiếp thành ra công toi.”…
|