‘Chúa dẫn tôi đi, Chúa sẽ đưa tôi về’ |
Tác Giả: Nam Phương/Người Việt |
Thứ Hai, 22 Tháng 8 Năm 2011 12:07 |
Tôi tin rằng có sự đối lập thật sự giữa nhà cầm quyền và dân chúng Phỏng vấn Linh Mục Nguyễn Văn Khải LTS: Linh Mục Nguyễn Văn Khải, 41 tuổi, nguyên là phát ngôn viên của Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội. Người ta được biết linh mục qua các cuộc phỏng vấn của báo chí, các đài phát thanh quốc tế về công cuộc đấu tranh của giáo xứ Thái Hà đòi lại tài sản và công lý cho giáo hội. Bởi vậy, ngài là đối tượng của nhiều đe dọa và cũng là đối tượng để hệ thống báo chí tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN bôi nhọ, vu khống. Cách đây một năm, ngài đã rời Việt Nam sang Roma du học theo sự sắp đặt từ lâu nhưng cũng đã phải đi rất khó khăn. Nhân dịp LM Nguyễn Văn Khải sang quận Cam thăm viếng, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) tổ chức một cuộc gặp gỡ và nói chuyện của ngài với quí lãnh đạo các tôn giáo, lãnh đạo các cộng đồng, hội đoàn, các cơ quan truyền thông và đồng hương người Việt Nam. LM Nguyễn Văn Khải dành cho phóng viên Nam Phương của nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn dưới đây. Linh Mục Nguyễn Văn Khải. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) Nam Phương (NP): Thưa linh mục, linh mục sang Roma từ bao giờ? LM Nguyễn Văn Khải (NVK): Thưa ông, tôi sang Roma từ tháng 7 năm 2010. NP: Lý do chính linh mục sang bên đó là được học bổng du học, hay bị áp lực nào đó? LM NVK: Xin thưa là các đấng bề trên trong Dòng Chúa Cứu Thế đã có kế hoạch gửi tôi đi du học từ lâu. Vì nhiều lý do cho nên đến thời điểm này dự định ấy mới được thực hiện. NP: Nhà cầm quyền Việt Nam có biết linh mục có kế hoạch đi du học không? LM NVK: Tôi nghĩ là không. Vì năm 1999 công an Sài Gòn đã thu hộ chiếu của tôi và cấm tôi xuất cảnh. Công an tỉnh Ninh Bình quê tôi khi ấy nói tôi sinh ra trong vùng đất ‘phản động’ là Phúc Nhạc, là con tinh thần của một linh mục ‘phản động’ là cha Giuse Vũ Quang Ðiện, giáo phận Phát Diệm, lại đi tu “chui”. Tôi đã phải chuyển hộ khẩu vào Nam ra Bắc, làm lại chứng minh nhân dân rồi sau 9 năm mới làm được hộ chiếu kín đáo dưới tư cách là sinh viên. Khi ra đi cũng kín đáo. Chỉ có các cha bề trên và tôi biết. Các cha khác trong dòng và ngay bố mẹ tôi cũng không biết. Chúng tôi nghĩ nếu bên an ninh biết thì họ sẽ ngăn chặn. Vì vậy chúng tôi phải kín đáo sang Thái Lan qua ngả Lào bằng đường bộ. Rồi từ đấy sang Roma. NP: Như vậy khi hết thời hạn du học linh mục có thể về Việt Nam được không? Người ta có cản được không? LM NVK: Tôi là công dân Việt Nam, tôi phải về Việt Nam sống và làm việc. Ai, cơ quan nào ngăn chặn tôi, người ấy vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền. Nhà cầm quyền cộng sản có thể ngăn cản tôi về nếu họ muốn. Nhưng tôi đi là để về. Tôi quyết tâm về. Tôi có kinh nghiệm này. Nhà cầm quyền cấm tôi tu, Chúa muốn, tôi vẫn tu được: “Tu chui”. Nhà cầm quyền cấm tôi học thần học, Chúa muốn tôi vẫn học được: “Học chui”. Nhà cầm quyền cấm tôi chịu chức linh mục, Chúa muốn tôi vẫn chịu chức được: “Chịu chức chui”. Nhà cầm quyền không muốn tôi xuất cảnh, Chúa muốn, tôi vẫn đi được. Ði kín đáo. Chúa dẫn tôi đi, Chúa sẽ đưa tôi về. Chúa đã muốn thì không ai có thể ngăn cản được. NP: Nhà cầm quyền Việt Nam luôn đổ tội cho các tu sĩ và mọi người họ không đồng quan điểm là “phản động”, có phải cái ý nghĩa mà nhà cầm quyền dùng nó khác với ý nghĩa mà người dân thường hiểu? LM NVK: Ðúng là như thế. Nhà cầm quyền coi mọi người làm tổn hại cho sự thống trị độc tài của họ, mọi người yêu nước thương dân và phản đối chính sách lãnh đạo phản dân hại nước của họ đều bị họ chụp mũ cho là “phản động”. Thực ra, nếu hiểu đúng nghĩa của từ ngữ này, hiểu phản động là đi ngược lại xu hướng tiến bộ, đi ngược lại trào lưu phát triển tất yếu theo quy luật của tự nhiên, của thời đại, thì nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hiện nay mới đúng là phản động nhất. Hơn nữa còn là một chế độ phản dân hại nước. Những người yêu nước, thương dân, dấn thân cho dân chủ, cho tự do, cho quyền con người, đặc biệt là cho tự do tôn giáo không “xứng đáng” nhận cái tên gọi mà thực tế và bản chất thuộc về nhà cầm quyền cộng sản. NP: Trên thực tế linh mục có tin rằng đang có sự đối lập thực sự giữa nhà cầm quyền và dân chúng? Bởi vì nhà cầm quyền thì muốn một tuyệt đại đa số quần chúng ngoan ngoãn vâng lời, trong khi người dân chống lại một chế độ làm rất nhiều điều ngược lòng dân? LM NVK: Vâng. Cũng như ông. Tôi tin rằng có sự đối lập thật sự giữa nhà cầm quyền và dân chúng. Một sự đối lập rất lớn, rất gay gắt. Một sự đối lập tất yếu dẫn đến bùng nổ. NP: Dường như nỗi sợ hãi của người dân ở Việt Nam còn rất lớn nên dù biết có áp lực, bất công mà xã hội cũng không thấy thay đổi? Làm thế nào vượt thoát được sự sợ hãi? LM NVK: Ðúng là nỗi sợ hãi của nhiều người còn rất lớn. Vì bạo lực và tuyên truyền dối trá của cộng sản trong những năm qua trên người dân là rất lớn. Tuy nhiên, thực sự tôi thấy xã hội đang thay đổi. Trong mấy năm gần đây sự thay đổi diễn ra nhanh hơn. Càng ngày càng có nhiều người yêu nước thương nòi, đã vượt qua nỗi sợ hãi, dấn thân cho tự do, dân chủ, cho công lý và sự thật. Ðể vượt qua nỗi sợ hãi như chúng tôi thấy, trên hết mọi sự, thứ nhất cần phải có một lòng tin mãnh liệt vào Chúa Trời và lý tưởng tốt đẹp mà mình dấn thân. Thứ hai cần phải có một lòng mến dạt dào đối với con người, đối với quê hương đất nước. Niềm tin và tình yêu lớn sẽ làm cho người ta vượt qua nỗi sợ hãi và kiên trì dấn thân dù có phải chịu hy sinh. Hơn nữa khi chúng ta biết hiệp thông, liên đới, nối kết với nhau, cùng nhau dấn thân, thì người ta dễ vượt qua nỗi sợ hãi hơn. NP: Xin cảm ơn linh mục đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
|