Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22 Tháng 8 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22 Tháng 8 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Hai, 22 Tháng 8 Năm 2011 11:39

20 năm qua, dân Nga sống trong tiếc nuối và vỡ mộng

Hình ảnh cuộc đảo chính hụt tại Nga  / Reuters

Sự kiện 20 năm sau cuộc đảo chính hụt nhằm ngăn chặn tiến trình cải tổ Perestroika, lật đổ Mikhail Gorbatchev và sự tan rã của Liên Xô vài tháng sau đó, tiếp tục thu hút báo giới. Le Monde : theo thống kê chính thức, hiện có 58% người Nga nuối tiếc thời Xô Viết.


Bài phân tích của thông tín viên Le Monde tại Matxcơva đề tựa : « 1991-2011: Người Nga chơi vơi giữa tình cảm nuối tiếc và sự vỡ mộng ».

Thống kê trên do trung tâm nghiên cứu dư luận độc lập Levada thực hiện.

Theo một nghiên cứu khác của trung tâm FOM, tình hình đất nước có lẽ tốt hơn nếu cuộc đảo chính năm ấy thành công. Trong vấn đề này, theo Levada, 39% người Nga xem cuộc đảo chánh là « một thời kỳ bi thảm đã gây hậu quả tai hại », 10% cho rằng, thất bại của cuộc đảo chính là « một bước tiến về phía dân chủ ». Cũng theo Levada, 49% người được hỏi cho rằng : « nước Nga đang đi lệch hướng ».

Liên bang Nga là một trong 15 nước cộng hòa thành viên của Liên Bang Xô Viết.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Le Monde ghi nhận ở Nga đã có nhiều thay đổi đáng kể. Người Nga được tự do hơn. Họ có thể tự do đi du lịch, có thể gửi tiền ở ngân hàng mình thích, có thể tùy chọn sách để đọc theo sở thích, không còn cảnh phải trốn trong nhà bếp để thể hiện quan điểm mà vẫn sợ bị theo dõi bởi các micro cài đặt trong điện thoại hay trên trần nhà …

Người dân cũng làm ăn khấm khá hơn, mức tiêu thụ cũng mạnh hơn.

Le Monde nhận định, sự giàu lên của cá nhân và mức tiêu thụ tăng đã góp phần cũng cố « nền quân chủ » được thành hình theo kiểu Putin, người có khả năng bước vào điện Kremlin một lần nữa vào năm tới.

Thế nhưng, tờ báo cũng cho rằng, mô hình Putin này không phải không có hạn chế.

 Chẳng hạn như cơ quan FSB (Cục An ninh Liên bang Nga). KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia Xô Viết), tiền thân của FSB, chấm dứt hoạt động vào tháng 8 năm 1991, bị phá vỡ mộtt phần bởi ông Boris Elsine vào năm 1992, hiện tại được xem là « tầng lớp quý tộc mới » và có quyền hành rất lớn.

Theo Le Monde, sự độc tôn trong quyền hành của họ chỉ có thể làm hại cho quá trình hiện đại hóa do điện Kremlin khởi xướng.

Kiến trúc sư Guaennadi Iochine, người từng đứng cùng hàng ngũ với ông Boris Elsine trong phe chống đảo chính năm ấy, tỏ ra thất vọng cho tình hình hiện tại, ông nói : « Những lý tưởng về tự do và dân chủ mà chúng tôi theo đuổi ngày ấy đến bây giờ vẫn chưa trở thành hiện thực. Nước Nga hiện tại là một thể chế dân chủ mô phỏng bị ngự trị bởi một kiểu chủ nghĩa tư bản sơ khai, bởi nạn tham nhũng điên rồ và chủ nghĩa tôn thờ tiền bạc ».

 Ông nói tiếp : « Vào năm 1991, chúng tôi đã bắt đầu mở cửa với thế giới, đó là sự thật. Thế nhưng, chúng tôi luôn cảm thấy mình không làm chủ thật sự đất nước này, trái ngược với những lãnh đạo của chúng tôi ».

Tuổi trẻ Nga thích xuất ngoại

Theo một thăm dò hồi tháng sáu của trung tâm VTsIOM, trong tổng số 1 600 người trong độ tuổi 18-24, có 39% mong muốn được định cư ở nước ngoài.

Được xem là « kiên quyết nhất » là những người sử dụng Internet và những người có bằng cấp. Chỉ trong 3 năm, đã có 1,2 triệu người xuất ngoại, trong đó đa số là thanh niên vừa tốt nghiệp đại học.

Nhận xét về hiện tượng xuất ngoại hiện tại ở Nga, một nhà báo nước này cho hay : « Những người ra đi hiện nay không giống như trước kia.

 Hồi trước, xuất ngoại có khi là để có thể mua được 30 loại súc xích, trong khi hiện tại tất cả điều có bán ở Nga ». Theo nhà báo này, nếu quan sát kỹ, thì tự do vẫn tồn tại ở Nga. Thế thì vì sao mọi người lại thích ra đi ? Nhà báo này nhấn mạnh nguyên nhân liên quan đến « Đường xá tồi tệ, công chức quan liêu, cảnh sát thất trách ».

Phiên bản Twitter của Trung Quốc : Con dao hai lưỡi đối với Bắc Kinh

Tính đến ngày 18 tháng 8, Weibo – Vi Bác - phiên bản Twitter của Trung Quốc, đã có đến 200 triệu người sử dụng, tức chiếm gần 50% trên trên tổng số 485 triệu người sử dụng Internet ở Trung Quốc.

 Dù bị kiểm duyệt gắt gao, nhưng trang mạng này vô tình cũng tham gia vào quá trình công khai thông tin ở quê hương Mao Trạch Đông. Le Monde ghi nhận sự việc qua bài viết : « Sự thành công thần tôc của Vi Bác »

Micro-blogging đang là xu hướng mới nhất của web, là một dạng blog nhưng chỉ gửi được vài câu ngắn, giống một tin nhắn SMS, tức một dạng blog ngắn gọn.

Twitter là 1 mạng xã hội dạng Micro-blogging, dịch vụ này cho phép phát đi những tin nhắn ngắn tối đa là 140 ký tự tới bạn bè hay còn gọi là “followers” (thuật ngữ này dùng riêng cho Twitter).

Tin nhắn gửi đến Twitter được đẩy lên trang chủ cá nhân và tới tất cả những người đăng nhập để nhận tin nhắn này, do đó thông điệp sẽ cùng lúc được đưa tới nhiều người. Micro-blogging dễ dàng cập nhật hơn blog trên mạng, và do đó cho phép có thể chia sẻ những vấn đề, suy nghĩ… của mình ngay lập tức.

Phiên bản Twitter của Trung Quốc là của tập đoàn internet Sina. Dịch vụ này, theo Le Monde, là con dao hai lưỡi đối với chính phủ Trung Quốc.

Nhờ vào hệ thống kiểm duyệt, ban điều hành Weibo giúp Trung Quốc tránh được những tác động tiêu cực của « một dụng cụ kết nối và truyền tải thông tin », tuy nhiên dụng cụ này ngày càng khó kiểm soát.

Hiệu ứng cộng đồng do một dụng cụ như vậy mang đến và những tiện lợi do Sina cung cấp, như cho phép kèm hình ảnh với tin nhắn, đã đóng góp đáng kể vào việc mở rộng không gian tranh luận công cộng ở đất nước này.

Vi Bác - Weibo đảm bảo sự ẩn danh cho người sử dụng.

Thế nhưng, một vài người sử dụng cung cấp đủ thông tin về nhân thân, sẽ trở thành khách hành thuộc loại VIP của mạng này.

 Hiện tại, trong số VIP này đã có cả những ngôi sao điện ảnh hay truyền hình danh tiếng, hoặc những cây bút bình luận báo chí có tầm ảnh hưởng.

Những người bị xếp vào loại « chống đối » bị cấm sử dụng Vi Bác, nhưng họ cũng luồn lách được trên Twitter, trong khi để hấp dẫn người sử dụng, Weibo cung ứng dịch vụ đến 140 ký tự Trung Quốc, tức tương đương 280 ký tự La Tinh , gấp hai lần so với Twitter.

Từ khi ra đời, Vi Bác đã không ngừng có mặt trong những sự kiện thu hút công luận.

 Dù thông tin nhạy cảm luôn bị kiểm duyệt, nhưng nó vẫn kịp lan tỏa chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhất là nói về các hình ảnh kèm theo tin gửi. Đó là trường hợp của ngày 14/08 trong cuộc biểu tình rầm rộ ở Đại Liên. Để đảm bảo tin tức mình gửi chắc chắn được tải lên mạng và tránh tối đa bị cơ quan kiểm duyệt xóa đi, nhiều tay sử dụng Vi Bác đã tạo hai tài khoản.

Nga trải thảm đỏ đón chào đồng minh Kim Jong-il

Liên quan đến chuyến thăm Nga, mà đa số báo giới điều dùng chữ « bất ngờ » của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il, Libération dành bài thông tin với hàng tựa khá ấn tượng :

 «Tại Nga, thảm đỏ đón chào Kim Jong-il ».

Tờ báo cho biết, hôm qua, Nga đã « trải thảm đỏ » để đón chào ông Kim Jong-il trong vùng thuộc miền Viễn Đông của đất nước.

 Với sự mệt mỏi lộ rõ, nhà lãnh đạo 69 tuổi của Bắc Triều Tiên phải có người dìu để bước xuống xe.

Vẫn trong bộ quân phục quen thuộc và cặp kính râm, ông đã đến thăm một cơ sở thủy điện. Theo chương trình, sắp tới ông sẽ hội kiến với tổng thống Nga Dmitri Medvedev gần hồ Baikal.

Libération cho biết, trong lần công du này của ông Kim Jong-il không có mặt người con trai út Kim Jong-un, nhân vật được xem là sẽ kế thừa « ngai vàng » tại Bắc Triều Tiên.

Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Kim Jong-il tính từ năm 2002.

 Theo đánh giá của Libération, Bắc TriềuTiên vừa trải qua lụt lội kinh hoàng và phải đối mặt với nạn thiếu lương thực trầm trọng, bởi thế, chuyến công du lần này nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của các đồng minh. Hơn nữa, Nga cũng là thành viên của vòng đàm phán sáu bên về vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên (Nga, hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc).

Libya : Thời Kỳ hậu Kadhafi hứa hẹn nhiều thử thách

Sự kiện phe nổi dậy tấn công vào thủ đô Tripoli vào tối ngày 21/08/11thu hút chú ý báo Pháp hôm nay.

 Hầu hết các tờ báo đều dành bài thông tin và phân tích tình hình. Đặc biệt, Le Figaro dành một bài xã luận và một bài viết nhìn về « thời hậu Kadhafi ».

« Kadhafi : Khởi đầu của sự kết thúc », đó là tựa đề bài xã luận đăng trên nhật báo Le Figaro.

Đầu tiên, tác giả cũng như hầu hết ý kiến các báo, nhận định rằng sự sụp đổ của chế độ Kadhafi chỉ còn là vấn đề thời gian.

 « Tên bạo chúa » (ám chỉ ông Kadhafi-LP) và những người ủng hộ ông không có cơ may nào thoát khỏi tay những người tấn công và sự phẫn nộ của người dân vốn đã phải sống dưới chế độ độc tài từ 42 năm nay.

Phe Kadhafi biết rằng, khi chiến bại, sẽ không có chỗ nào để đi, và họ cũng hiểu sẽ phải trả giá cho những hành động của mình, bởi thế, họ quyết tâm kháng cự đến cùng.

Đối với phe nổi dậy, theo tác giả, trận chiến Tripoli là thời điểm trọng yếu cho tương lai của họ và của đất nước. Họ phải ưu tiên cho mục tiêu tránh « tắm máu Tripoli » để đảm bảo việc chuyển giao quyền lực được diễn ra trong trật tự.

 Hội đồng chuyển tiếp Libya, cơ quan đầu não phe nổi dậy, phải làm sao vượt qua sự chia rẽ và chứng tỏ được khả năng có thể « tiếp quản » được người dân Tripoli trong tâm trạng không thù hận và không để xảy ra bạo lực vô ích. Khi chế độ Kadhafi sụp đổ, hội đồng này phải làm sao tránh đất nước bị rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Về phần mình, cho đến khi trận chiến kết thúc thật sự, Nato vẫn giữ vai trò thiết yếu trong việc điều phối, tình báo và hỗ trợ quân sự, để hạn chế tối đa tác hại của cuộc chiến. Còn đối với Liên Hiệp Châu Âu, sự sụp đổ của chế độ Kadhafi sẽ giúp khối này cải thiện quan hệ với thế giới Ả Rập hiện đang giữa thời kỳ biến chuyển mạnh.

Xây dựng Hòa Bình còn khó hơn giành chiến thắng trong trận chiến ?

Đi sâu hơn vào nhiệm vụ của Hội đồng chuyển tiếp Libya (CNT) sau khi lật đổ được chính quyền Kadhafi, Le Figaro có bài chạy tựa : « Sau chiến tranh, còn phải xây dựng hòa bình ».

Hội đồng chuyển tiếp Libya (CNT) cũng đã tính đến tương lai này. CNT gần đây đã công bố cái gọi là « bản tuyên ngôn lập hiến » với 37 điều, định hướng chung cho giai đoạn chuyển tiếp. Giai đoạn này dự tính là 8 tháng, sau đó, CNT sẽ rời khỏi quyền lực sau khi đã thành lập được chính phủ lâm thời và sau khi đã tiến hành cho bầu xong Quốc hội chuyển tiếp.

Quốc hội chuyển tiếp thành lập chính phủ mới, và trong sáu tháng sẽ tổ chức tổng tuyển cử dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Quốc hội được bầu chọn cũng sẽ thành lập ủy ban đặc trách soạn thảo Hiến pháp, và sẽ cho tiến hành trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp này.

Bản tuyên ngôn trên phác họa những đường nét chính của một quốc gia dân chủ dựa trên chế độ đa nguyên. Tuy vậy, tờ báo cho biết, nó mang màu sắc tôn giáo khi khẳng định rằng, luật charia Hồi Giáo là « nguồn chính để soạn thảo pháp luật ».

 Le Figaro nhận định, điều đó cho thấy sự chi phối của phe bảo thủ trong hàng ngũ CNT. Bản tuyên ngôn đảm bảo quyền tự do cá nhân và công cộng, quyền cơ bản của con người và sự bình đẳng xã hội.

Nhiều thách thức đang chờ đợi CNT

Trước tiên là về số phận của ông Kadhafi. Ông Patrick Haimzadeh, một nhà ngoại giao từng công tác ở Tripoli nhận định, nếu ông này trụ lại Tripoli, thì quân nổi dậy có thể tập trung bao vây nơi ông ẩn náu một cách dễ dàng, nhưng nếu ông đến trú ẩn ở những vùng có các bộ tộc ủng hộ ông, thì nguy cơ nội chiến sẽ kéo dài.

Cụ thể là ông Kadhafi có thể đến vùng Beni Oulid nằm ở phía nam thủ đô, tổng hành dinh của bộ tộc Warfalla, bộ tộc vẫn ủng hộ ông cho tới giờ phút này.

 Những nơi có thể trở thành nơi nổi dậy ủng hộ Kadhafi cũng có thể ở vùng miền đông, đặc biệt là vùng lân cận thành phố Syrte, quê hương của ông Kadhafi.

Theo nhà ngoại giao này, « không nên nhục mạ người thua cuộc ». Sau khi giành chiến thắng, CNT nên đảm bảo tốt an ninh tại Tripoli, vì nếu ông Kadhafi còn sống sót, thì những người ủng hộ ông có thể sẽ tổ chức chiến tranh du kích ở đó.

Tripoli cũng có thể trở thành nơi « thanh toán lẫn nhau đầy chết chóc ». Trường hợp Benghazi là một minh chứng : sáu tháng đã trôi qua, nhưng CNT vẫn chưa thể đảm bảo được an ninh tại đây.

CNT đã dự tính dành 1 500 binh sĩ để thành lập lực lượng an ninh.

Thế nhưng, theo nhà ngoại giao Haimzadeh, vấn đề cơ cấu mang tính chất quyết định. Nếu lực lượng an ninh không có ít nhất 50% người đến từ miền tây thì nó sẽ không thể tiến triển được. Bởi những người này đã tham gia chiến đấu để giành chiến thắng, họ có tính tổ chức hơn, họ sẽ đòi quyền lợi chính trị cho những đóng góp trên chiến trường của mình

NATO sẽ hết nhiệm vụ khi chế độ Kadhafi sụp đổ ?

Le Figaro nhận định, NATOsẽ kết thúc nhiệm vụ của mình khi chế độ Kadhafi sụp đổ.

Nhưng liệu chiến dịch « bảo vệ thường dân » của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ có thể dừng lại được chăng nếu bạo lực vẫn tiếp diễn ?

Câu trả lời có thể kà một sự chuyển giao nhiệm vụ tại Liên Hiệp Quốc cho lực lượng Mũ xanh (lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc).