Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20 Tháng 8 Năm 2011 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Bảy, 20 Tháng 8 Năm 2011 14:13 |
Căn bệnh kỳ lạ của cựu Thủ tướng Ukraina
Giới ủng hộ tập hợp tại Kiev đòi trả tự do cho bà Tymoshenko (Reuters) Nhật báo Le Figaro tự hỏi : Chuyện gì đang xảy ra cho người phụ nữ với những bím tóc dài vàng óng ?. Phải chăng nữ anh hùng của cuộc "Cách Mạng màu cam", thân phương Tây năm 2004, cựu Thủ tướng và cũng là nhà đối lập, đã bị đầu độc ? Phải chăng đây là một thủ đoạn vủa chế độ để hảm hại bà Tymoshenko ?
Nhiều vết màu xanh xuất hiện trên cơ thể bà, hiển nhiên do các mạch máu bị vỡ gây ra. Tình trạng sức khỏe của bà đã suy giảm một cách đột ngột, thậm chí bà không thể nào đi ra để đi dạo dù chỉ là rất ngắn. Có thể nói là sự sống của bà đang gặp nguy hiểm. Một nhà đối lập cho Le Figaro biết « [….], về mặt pháp lý, chế độ không thể hạ gục được bà, vì vậy chúng tôi e ngại họ sẽ dùng mọi thủ đoạn để hại bà ». Bà Yulia Tymoshenko, 50 tuổi, đang bị tạm giam từ ngày 5/8 vừa qua trong chờ phiên xét xử bà về tội lạm dụng quyền lực và tham nhũng khi bà cho ký kết một hợp đồng khí ga với Matxcơva, với giá bất lợi, lúc bà còn tại quyền. Bà xem việc Tổng thống đương nhiệm Viktor Yanukovych truy tố bà như là một hành động trả thù chính trị. Xin nói rõ là ông Viktor Yanukovych là người có chủ trương theo Nga. Việc giam giữ bà Tymoshenko đã tạo ra nhiều phản ứng mạnh mẽ từ các nước Châu Âu và Mỹ, trong khi Liên Hiệp Châu Âu và Kiev đã bước vào đàm phán về một thỏa thuận hợp tác. Trước tình hình « căn bệnh kỳ lạ », Châu Âu đã bày tỏ thái độ quan ngại cho sức khỏe của bà và yêu cầu phải có các xét nghiệm y khoa « độc lập ». Về phần bà Tymoshenko, đương nhiên bà sẽ từ chối ủy ban y khoa do trại giam thành lập, bao gồm có cả thứ trưởng y tế thực hiện các xét nghiệm, và nhấn mạnh muốn gặp bác sĩ riêng của mình. Le Figaro nhận xét, trong không gian Xô Viết cũ, đầu độc các nhà đối lập luôn là những đối tượng cho mọi đàm tiếu. Bài báo nhắc lại từ việc cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yushchenko bị đầu độc năm 2004, trong quá trình vận động tranh cử. Mặc dù ông thoát chết trong gang tấc, nhưng các vết sẹo của độc dược đã lưu giữ lại rất lâu trên gương mặt. Năm 2006, một cựu điệp viên khác của Nga Alexandre Litvinenko, người chống lại Vladimir Putin, sống tỵ nạn tại Anh cũng bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium 210. Hay như trường hợp nữ nhà báo Nga Anna Politkovskaia, chuyên gia về Tchesnya , từng thoát chết trong một âm mưu đầu độc bà trên máy bay năm 2004, để rồi bị sát hại tại Matxcơva. Le Figaro tự hỏi nếu như bà Tymoshenko đã bị đầu độc, cần phải biết rõ ai làm và vì lý do gì. Le Figaro kết luận, tại khu vực này, các vụ đầu độc cũng như ám sát chính trị rất hiếm khi được làm sáng tỏ. Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái : thị trường chứng khoán tuột dốc Liên quan đến tình hình thị trường tài chính, nhật báo Le Monde hôm nay có bài nhận định đề tựa « Mối nguy suy thoái kinh tế ở Mỹ khiến thị trường chứng khoán thế giới lao dốc ». Theo bài báo, các chỉ số kinh tế xấu được công bố hôm thứ năm vừa qua khẳng định sự hạ bậc của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Hôm thứ năm vừa qua, theo bản công bố thì trong tháng 8 này, chỉ số « Philly Fed », một chỉ số dùng để đo lường hoạt động công nghiệp vùng Philadelphia, lại rơi xuống mức dưới 30,7 ; mức thấp nhất kể từ năm 2009 khi hoạt động kinh tế bị co cụm lại do hậu quả của khủng hoảng. Ngay sau khi được công bố, thị trường chứng khoán thế giới một lần nữa lại bị xáo động. Toàn bộ các sàn chứng khoán đều bị tụt giảm từ Mỹ, cho đến Châu Âu và hôm qua là đến lượt Châu Á. Các nhà khai thác lo sợ và bán tháo các tài sản mang rủi ro như cổ phiếu, vốn rất nhạy cảm với tình hình kinh tế để mua vàng. Vô hình chung đã đẩy giá vàng vọt vượt ngưỡng 1800 đô-la/ounce. Trước mắt, các chuyên gia nhận định rằng xác suất Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái là 50 :50. Nghĩa là, « Mặt xấp : là suy thoái. Mặt ngửa : tăng trưởng ì ạch ». Bên cạnh đó, lạm phát cũng là một nhân tố làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Chỉ tính riêng trong tháng 7, giá cả tiêu thụ đã nhảy vọt lên 0,5% ; còn tính trên cả năm là 3,6%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Có thể nói, Mỹ hiện đang trong tình trạng tăng trưởng trì trệ và lạm phát tăng mạnh. Theo Le Monde, môi trường kinh tế hiện giờ vốn dĩ rất giống với những năm còn gợi lên một nỗi lo lắng mạnh mẽ, bởi vì nó sẽ hạn chế sự linh hoạt của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ để phục hồi nền kinh tế. Nói một cách khác, xu hướng được trông chờ và hy vọng nhiều là đợt nới lỏng tiền tệ lần thứ ba sẽ trở nên khó thực hiện. Bởi vì, điểm yếu của phương pháp chống khủng hoảng này là phải duy trì giá cả ở mức cao. Bên cạnh đó, thị trường thế giới cũng hiểu rằng không nên trông đợi nhiều vào chính phủ Mỹ. Một mặt, Mỹ hiện đang bị trì trệ với một khoản nợ khổng lồ 100% so với GDP. Mặt khác, phe đối lập Cộng Hòa chống lại việc giảm nợ công. Le Monde cho rằng, tình hình kinh tế của Mỹ hiện nay chỉ ra rõ bản chất vấn đề ở Châu Âu. Mất đầu tàu kinh tế Mỹ, nền kinh tế Châu lục già cỗi này xẹp xuống. Các chuyên gia kinh tế dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế Châu Âu năm nay chỉ đạt được 1,7%, thấp hơn mức dự đoán là 2%, và năm 2012 sẽ còn tệ hơn là 0,5% thay vì 1,2%. Hơn nữa, việc thiếu vắng một chính sách chung để giải quyết khủng hoảng cũng làm tăng mạnh nỗi ám ảnh trên thị trường. Trong khi chờ đợi, các nhà đầu tiên đang nghĩ đến điều tệ hại nhất có thể xảy ra : khả năng thanh khoản của một nước bị mất, thậm chí sự tan vỡ của khối đồng tiền chung Châu Âu. Tảo xanh : bằng chứng tố cáo mô hình nông nghiệp thâm canh Trong lãnh vực kinh tế - môi trường, nhật báo Le Monde có bài nhận định về hiện tượng tảo xanh xuất hiện trên các bãi biển ở Bretagne, vùng nông nghiệp Tây Bắc nước Pháp. Theo bài báo, đây chính là hệ quả của mô hình nông nghiệp thâm canh quá đáng. Theo các nhà nghiên cứu, hiện tượng tảo xanh tại vùng biển Bretagne này bắt đầu từ năm 1971. Mỗi năm tảo xâm thực một bề mặt nước diện tích khoảng 640 hec-ta. Không những nó phát ra mùi hôi như trứng thối, mà nó còn hủy hoại hình ảnh của vùng Bretagne và nền kinh tế du lịch của vùng này. Báo Le Monde cho biết, nguyên nhân chính là do lượng nitrat dùng trong nông nghiệp (90% là từ phân bón) thải ra sông ngòi quá cao. Nồng độ nitrat trong nước lên đến 30mg/l, cao gấp 10 lần so với nồng độ tự nhiên trên sông. Các nhà khoa học khẳng định, đây chính là « sản phẩm của mô hình nông nghiệp thâm canh », được đưa thực hiện vào những năm 60, một kiểu mô hình coi trọng năng suất, công nghiệp và phù hợp với toàn cầu hóa. Theo Le Monde, vùng nông nghiệp Bretagne chỉ chiếm có 6% trên tổng diện tích đất nông nghiệp của Pháp, nhưng lại cung cấp đến 60% cho thị trường thịt heo Pháp, 20% lượng trứng, 21% sữa và 80% cải súp-lơ. Thế nhưng, có điều nghịch lý là tuy các sản phẩm nông nghiệp vùng này được xuất sang nhiều nước Châu Âu, thậm chí là Nga và Trung Quốc, nhưng nông dân thì không hưởng được lợi gì nhiều. Số lượng nông dân giảm đi 5 lần tính từ năm 1970. Và với mức thu nhập dưới 12.000€/ năm, họ thuộc thành phần nông dân nghèo nhất nước Pháp. Về mặt môi trường, với số lượng 14 triệu con heo, 2 triệu bò và 300 triệu gia cầm, số gia súc này thải ra một lượng phân vượt quá khả năng hấp thụ tự nhiên của đất. Theo các nhà khoa học, để làm chủ được hiện tượng tảo xanh, cần phải hạ nồng độ nitrat trên sông ngòi xuống dưới ngưỡng 10 mg/l, nghĩa là phải giảm lượng phân bón xuống 35% và giảm chăn nuôi gia súc xuống 15%. Đề nghị này không những gây khó chịu cho ngành công nghiệp nông nghiệp, vốn mỗi năm thu lãi 18 tỷ euros, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân. Vì vậy, cuộc bút chiến giữa nông dân và các nhà khoa học sẽ vẫn còn kéo dài. Và lẽ dĩ nhiên, cuộc chiến với tảo cũng sẽ còn lâu mới chấm dứt.
|