Home Tin Tức Thời Sự Tổng thống Syria nằm trong gọng kềm áp lực của dân chúng và quốc tế

Tổng thống Syria nằm trong gọng kềm áp lực của dân chúng và quốc tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh   
Thứ Sáu, 19 Tháng 8 Năm 2011 14:34

Một mình Hoa Kỳ không cấm vận được Syria nhưng đóng vai trò điều hợp

Quân đội chính quyền rời Deir Zor sau khi đàn áp biểu tình 16/8 (AFP)

Lần đầu tiên, từ khi xảy ra những cuộc đàn áp biểu tình tại Syria hồi giữa tháng 3 năm nay , Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu công khai yêu cầu Tổng thống Bachar al Assad từ chức theo nguyện vọng của dân chúng.

 Chế độ cha truyền con nối bị bản báo cáo củaLiên Hiệp Quốc lên án phạm « tội ác chống nhân loại ».

Tại Syria, phe đối lập thông báo thành lập « Ủy ban Cách mạng » chuẩn bị lật đổ chế độ áp bức. Hoa Kỳ và các đồng minh Tây Âu vừa lấy một quyết định có thể làm thay đổi vận mệnh Syria, nơi mà chế độ cha truyền con nối sử dụng quân đội đàn áp dân chúng từ hơn 5 tháng nay làm thiệt mạng ít nhất là 2000 người.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Liên Hiệp Châu Âu cùng kêu gọi lãnh đạo Syria, ông Bachar al-Assad ra đi, nhường chỗ cho một chế độ dân chủ.

 Hàng loạt biện pháp cấm vận, trừng phạt nghiêm khắc cũng được thông báo như cấm nhập khẩu dầu hỏa Syria vào Hoa Kỳ, phong tỏa tài sản quan chức cất dấu tại Mỹ.

Theo AFP, không ít công luận cho rằng Tổng thống Mỹ đã để thời gian kéo dài quá lâu, lẽ ra phải sớm lên tiếng bài tỏ lập trường như trong trường hợp đại tá Kadhafi của Libya.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, Washington phải kiên nhẫn vận động, phối hợp với đồng minh châu Âu để lời tuyên bố có thêm trọng lượng.

Trước đây, Hoa Kỳ chỉ gặt hái được thành công nửa vời khi kêu gọi trừng phạt Iran hay Bắc Triều Tiên. Trung Quốc và Nga vẫn thường xuyên cản trở các sáng kiến của quốc tế.

Đối với Syria, thì tình hình tương đối khác. Hoa Kỳ không có buôn bán mật thiết với Damas. Chỉ có châu Âu là mua dầu thô của Syria với khoảng 150.000 thùng mỗi ngày trong năm 2009.

Theo giáo sư Joshua Landis, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Đông , đại học Oklahoma, một mình Hoa Kỳ không cấm vận được Syria nhưng đóng vai trò điều hợp. Chính châu Âu sẽ khóa chặt nguồn tài chính của Syria.

Chuyên gia Andrew Tabler thuộc Viện chính trị Trung Đông ở Washington giải thích thêm là bản thân Syria cũng có nhiều nhược điểm làm tăng hiệu lực lệnh cấm vận .

Do dầu hỏa có tiếng là chất lượng kém nên Damas khó có thể tìm thị trường khác như Ấn Độ hay Trung Quốc, để thay thế châu Âu. Nếu không có nguồn ngoại tệ thì Damas không có tiền trả lương cho lực lượng võ trang đàn áp biểu tình.

Còn theo một chuyên gia Trung Đông khác là bà Randa Slim, thì một chiến dịch phong tỏa kinh tế do quốc tế phối hợp sẽ tác hại đến « trung tâm của quyền lực », khả năng tồn tại của nó và lòng trung thành của quân đội, công chức.

Thành phần ưu tú trong xã hội Syria vẫn xem Hoa Kỳ là siêu cường số một thế giới. Thái độ của Mỹ sẽ tác động đến tâm lý của những người hiện thời là cột trụ của chế độ.

Chuyên gia Randa Salim dự đoán là « giới thân cận của lãnh đạo Syria sẽ « thẩm định lại tình thế » trong bối cảnh « cái giá ủng hộ chế độ càng ngày càng đắt ».

Trên hiện trường, sự kiện quân đội sử dụng chiến xa và hải pháo để đàn áp chỉ làm phong trào đòi cải cách chính trị càng ngày quyết liệt hơn.

 Đối lập kêu gọi biểu tình lớn trong ngày cầu nguyện thứ sáu hàng tuần.

Hôm qua, toàn thể 44 đoàn thể kết hợp thành một tổ chức lấy tên là « Ủy ban cách mạng » và thông báo « đoàn kết đấu tranh cách mạng lật đổ chế độ áp bức ».

Tuy không phải đối phó với một lực lượng nổi dậy có võ trang và do NATO yểm trợ như trường hợp lãnh đạo Libya, nhưng chiếc ghế của Tổng thống Syria, Bachir al-Assad đã bị lung lay trước gọng kềm quốc tế và quốc nội.