Home Tin Tức Thời Sự Việt Nam muốn ‘tăng ngăn ngừa đình công’

Việt Nam muốn ‘tăng ngăn ngừa đình công’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 19 Tháng 8 Năm 2011 08:55

 Chỉ trong 6 tháng đầu của năm nay, cả nước đã xảy ra 440 vụ đình công  
 

  HÀ NỘI (TH) - Thay vì bao vệ công nhân lao động bị bóc lột tận xương tủy, Bộ Lao Ðộng CSVN “đề nghị” các tỉnh thị tại Việt Nam “tăng ngăn ngừa đình công”.

 

 
Công nhân hãng Pouchen ở Ðồng Nai đình công hồi tháng 4, 2010. (Hình: Tuổi Trẻ)


Tờ Thời báo Kinh Tế Việt Nam hôm Thứ Tư loan tin theo một văn bản của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội gửi chủ tịch UBND các tỉnh và thành phố trên cả nước “tăng cường các biện pháp phòng ngừa, tranh chấp lao động”.

Theo bản tin, chỉ trong 6 tháng đầu của năm nay, cả nước đã xảy ra 440 vụ đình công, nhiều hơn tổng số vụ đình công của cả năm ngoái tới 18 vụ. Ða số các vụ đình công xảy ra ở các tỉnh phía Nam, tập trung nhiều nhất ở Ðồng Nai với 104 vụ, Bình Dương với 102 vụ và Sài Gòn với 84 vụ.

Các vụ đình công xảy ra vì lương tiền không chạy theo với giá thực phẩm và các loại chi phí khác gia tăng phi mã trong khi đồng tiền lương giậm chân một chỗ.

Lạm phát ở Việt Nam hồi tháng 7 lên gần 22%, cao thứ nhì trên thế giới và cao nhất tại Á Châu.

Bản công văn của Bộ Lao Ðộng Việt Nam gửi các địa phương vào lúc đang có cuộc đình công của công nhân hãng Inter Samil (gia công may mặc, vốn đầu tư Hàn Quốc) ở tỉnh Bình Dương.

Theo bản tin của ‘laodongviet.org’, 400 công nhân hãng Inter Samil đã đình công từ ngày 11 tháng 8 đến nay vẫn đang tiếp diễn. Chủ hãng đe dọa đuổi việc nếu công nhân không chịu vào làm, nhưng không ai sợ.

Trong số các cuộc đình công năm nay, tháng 6 vừa qua, hơn 10,000 công nhân của hãng Pou Yuen (Phúc Nguyên) ở Sài Gòn đã đình công đòi tăng lương. Tháng 4, 2010, hơn 10,000 công nhân hãng Pouchen cũng đã đình công đòi tăng lương.

Tất cả các cuộc đình công của giới công nhân tại Việt Nam đều bị coi là “bất hợp pháp” vì công nhân tự động đình công đòi hỏi quyền lợi. Một số khá lớn các hãng xưởng tại Việt Nam đều có “công đoàn”, tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản. Nhưng những tổ chức này không bảo vệ quyền lợi của người lao động, không đứng về phía công nhân.

Lương công nhân tại Việt Nam hiện nay trung bình từ 1.6 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Số tiền này chi cho ăn uống cũng không đâu vào đâu, lại còn nhiều thứ nhu cầu khác.

Hồi tuần trước, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN đề nghị với nhà cầm quyền trung ương điều chỉnh mức lương tối thiểu lên 2 triệu đồng.

Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam ngày 11 tháng 8 năm 2011, mức điều chỉnh lương tối thiểu không được áp dụng đồng loạt trên cả nước mà lại còn theo từng vùng.

 

 
Công nhân hãng Inter Samil ở Bình Dương đình công từ ngày 11 tháng 8, 2011 đến nay vẫn còn đang tiếp diễn. (Hình: laodongviet.org)
 

Vùng có vật giá đắt đỏ nhất, vùng 1, được điều chỉnh lên thành 2 triệu đồng/tháng.

Kế đến, vùng 2 được điều chỉnh lên thành 1.78 triệu đồng/tháng. Vùng 3 chỉ được 1.55 triệu đồng/tháng và vùng 4 chỉ được 1.4 triệu đồng/tháng.

Mức lương này cũng vẫn không giúp cho người công nhân lao động đủ tiền sống nên các vụ đình công khó tránh khỏi tiếp diễn.

Cũng để ngăn chặn công nhân đình công, ngày 18 tháng 8 năm 2011, báo Lao Ðộng nói “nhiều đại biểu”, toàn là người của đảng Cộng Sản, tham dự một cuộc họp về sửa đổi bộ luật lao động đã lỗi thời, “không lập ban đại diện tập thể lao động”.

Hiến pháp thì nói người dân có quyền tự do lập hội, hội họp, biểu tình, đình công, nhưng trên thực tế thì không. (T.N.)