Tiết lộ mới về âm mưu đảo chính 1991 |
Tác Giả: BBC |
Thứ Năm, 18 Tháng 8 Năm 2011 10:16 |
Gorbachev nói về đảo chính năm 1991 và nước Nga
Gorbachev nói về đảo chính năm 1991 và nước Nga đương đại 20 năm đã qua từ ngày xảy ra cuộc đảo chính bất thành chống lại nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Sự kiện này đã châm ngòi dẫn đến sự kiện giải thể Liên Xô cuối năm 1991. Những nhân vật chính của thời ấy đã có những tiết lộ mới nhất dành cho Bridget Kendall, người đã là phóng viên BBC tại Moscow ngay tại thời điểm phức tạp đó.
Âm mưu đảo chính tháng Tám 1991 ở Moscow không phải bỗng dưng mà có. Vào lúc đầu năm, quân đội Liên Xô đã xông vào tòa nhà quốc hội Lithuania, với ý định tái kiểm soát nước cộng hòa ly khai. Chắc chắn đó là lệnh từ Moscow. Nhưng điều kém rõ ràng hơn là Tổng thống Gorbachev có dính líu đến mức độ nào. Vào lúc đó, ông lảng tránh nói về vai trò của mình. Bây giờ ông thừa nhận cuộc tấn công xảy ra sau lưng ông, được tổ chức bởi những người cứng rắn chống đối ông trong chính phủ. Đó là dấu hiệu quyền lực của ông đang trượt dần. "Tôi chưa hề cho phép họ áp đặt thiết quân luật hay chế độ cầm quyền của tổng thống. Họ tự ra quyết định," ông Gorbachev nói. "Người ta không biết rằng điều tồi tệ nhất với tôi là tôi đã không hề biết." Lo ngại phản bội Chính quyền Mỹ biết rõ vấn đề chủ nghĩa dân tộc ở 15 nước cộng hòa Xô Viết gây tranh cãi vô cùng và thật khó để ông Gorbachev cho phép các nước Baltic đi theo gương tự do của Đông Âu. Đại sứ Mỹ ở Moscow, Jack Matlock, nhớ lại: "Ông ta sẽ bị cáo buộc tội phản bội. Giả dụ ông ấy đồng ý, quân đội và đảng sẽ lật đổ ông." "Nếu âm mưu đảo chính diễn ra sớm hơn, nó có thể thành công đấy. Bất kỳ lúc nào trong năm 1990, lẽ ra đã có thể có một cuộc đảo chính thành công." Tuy vậy, cố gắng áp đặt sự kiểm soát của Moscow với Lithuania làm người Mỹ lo lắng. Tổng thống George Bush gửi Đại sứ Matlock đến điện Kremlin để cảnh báo ông Gorbachev rằng nếu còn xảy ra bạo lực thì quan hệ Xô - Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. "Ông ấy lắng nghe chăm chú," ông Matlock nhớ lại."Và rồi ông nói: ''Jack à, hãy giải thích với tổng thống của ông, rằng đất nước này đang bên bờ vực nội chiến. Và tôi phải làm tất cả để ngăn chặn. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải đi ngoằn ngoèo. Mục tiêu của tôi vẫn vậy thôi. Hãy trấn an tổng thống của ông, và giúp ông ấy hiểu." Ông Gorbachev cũng chịu sức ép từ những bộ phận khác. Với người dân thường, biến động kinh tế bắt đầu khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt. Ông Gorbachev là đối tượng để họ trút giận. Sir John Major, Thủ tướng Anh khi đó, nhớ chuyện ông Gorbachev gượng cười kể một chuyện đùa. "Ông ấy mỉm cười và kể: xảy ra vụ thiếu lương thực ở Moscow và người dân xếp hàng chờ bánh mì. Họ xếp hàng lâu lắm và bắt đầu bực bội." "Rồi một người đàn ông quay lại nói với tay láng giềng: 'Tao chán quá rồi, là lỗi thằng Gorbachev, tao sẽ giết Gorbachev,' và ông ta bỏ đi. Hai ngày sau, ông ta quay lại và người dân xếp hàng nói: 'Thế đã giết Gorbachev chưa?' 'Chưa,' ông ta đáp. 'Đám đông xếp hàng chờ giết Gorbachev dài quá'." Ông Gorbachev cũng đối diện một đối thủ ủng hộ cải cách đang lên. Boris Yeltsin, từng là đồ đệ của ông, thì nay là Tổng thống Nga, một chức vụ mới mà ông giành được thông qua cuộc bầu cử trực tiếp với chiến thắng vang dội. Ông Gorbachev, ngược lại, được phong làm tổng thống Liên Xô nhờ Quốc hội mà thôi, chứ không phải do dân bầu, vì thế ông không thể nói mình có được lòng dân giống thế. Nhìn lại, ông Gorbachev không giấu giếm sự cay đắng khi nói về Yeltsin. "Tôi phạm sai lầm," ông Gorbachev tiết lộ. "Lẽ ra tôi phải loại bỏ ông ta. Chính là vì Yeltsin mà những sự kiện đã xảy ra như thế."
Cảnh báo trước Ông Gorbachev tại cuộc họp báo ở Moscow ngày 17/08/2011 Tháng Sáu 1991, người Mỹ nhận được tin mật báo rằng các bộ trưởng quốc phòng và an ninh của ông Gorbachev có thể đang định làm đảo chính. Một lần nữa, Đại sứ Matlock đến để cảnh báo tổng thống Liên Xô. "Tôi nói: 'Chúng tôi có thông tin mà chưa thể xác nhận, nhưng đó không phải chỉ là tin đồn đâu, rằng đang có chuẩn bị đảo chính chống lại ngài và nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào." "Nhưng ông ấy xem nhẹ nó. Ông ấy còn cười phá lên, quay sang trợ lý, người duy nhất có mặt trong phòng cùng chúng tôi, và nói gì đó đại để là về những người Mỹ ngây thơ." Nhưng tin đồn đã chính xác. Vào giữa tháng Tám những người làm đảo chính quyết định hành động. Đốm lửa làm bùng phát có vẻ là một cuộc nói chuyện kín mà họ nghe lỏm giữa ông Gorbachev, Boris Yeltsin và tổng thống Kazakhstan. Những người này bàn kế hoạch về một Hiệp ước Liên bang mới sẽ ký vào ngày 20 tháng Tám, mà sẽ thay đổi hẳn quan hệ giữa chính phủ trung ương và các nước cộng hòa - và họ công khai nói về những người chống đối mà họ sẽ cần loại khỏi chính phủ. Ông Gorbachev và đồng sự không biết rằng họ đã bị nghe lén - và ông Gorbachev thừa nhận đó là sai lầm "ngu xuẩn". "Kryuchkov, tay sếp của KGB, đã ghi âm chúng tôi. Hắn đưa băng cho Yazov, bộ trưởng quốc phòng. Và cả những người khác. Họ lo sợ và kết luận chẳng còn gì để mất. Họ quyết định tiến hành đảo chính." Điểm đầu tiên là họ khống chế ông Gorbachev. Một phái đoàn bay đến dinh thự Biển Đen nơi ông đang nghỉ cuối tuần để trao tối hậu thư: hoặc loan báo tình trạng khẩn cấp hoặc trao lại quyền hành. Ông Gorbachev nói ông nhận ra có gì đó khác thường ngay cả trước khi họ đến. "Tôi nhấc máy điện thoại, và tất cả đều hỏng. Họ cắt điện thoại, cô lập tôi trong khi đang bay đến, để tôi không liên lạc được với ai." Theo một nguồn thông tin, ông Gorbachev không trả lời những đối thủ của mình một cách rõ ràng. Nhưng ông Gorbachev lại kể khác. "Khi tôi nhận ra điều gì sắp xảy ra, tôi gọi cho vợ Raisa, con gái và con rể và nói: 'Những sự kiện rất nguy hiểm sắp xảy ra. Tôi không thể nhượng bộ họ, và các bạn phải biết điều này.' Họ nói dù điều gì xảy ra, họ sẽ ở bên tôi đến phút cuối cùng." Rồi, theo ông, phái đoàn bước vào và xảy ra cãi nhau. Ông Boris Yeltsin giúp đánh bại âm mưu đảo chính và tiếp tục là tổng thống Nga tới 1999 "Tôi còn chửi thề nữa. Tôi bảo 'Cứ đi mà triệu tập hội nghị... và sẽ xem kế hoạch của bọn mày hay tao được nhiều ủng hộ hơn'." Phái đoàn quay lại Moscow mà không được gì. Họ không thể ban bố tình trạng khẩn cấp mà không có tổng thống, trong khi ông Gorbachev và gia đình bị quản thúc, thậm chí không rõ có thể tin vào vệ sĩ được không. Tại Moscow, ông Gorbachev được xem là một nạn nhân thụ động. Cuộc kháng cự đảo chính là do Boris Yeltsin dẫn dắt, được sự ủng hộ của hàng ngàn thường dân và một số thành viên quân đội, những người từ chối lệnh nổ súng vào dân mình. Khi ông Gorbachev và gia đình trở về Moscow sau khi đảo chính thất bại, khoảng ba ngày sau, thì họ thấy rõ ràng quyền lực đã dịch chuyển. Boris Yeltsin khẳng định quyền cai trị nước Nga. Các lãnh đạo ở những nước cộng hòa khác cũng dần đi những bước tương tự. Quyết định nhanh chóng Tháng 12 năm 1991, ông Yeltsin đề nghị với tổng thống Ukraine và Belarus, các ông Leonid Kravchuk và Stanislav Shushkevich, rằng họ nên gặp riêng rẽ để bàn tương lai không có ông Gorbachev, người vẫn đang cố soạn ra một Hiệp định Liên bang mới. Tại một cuộc gặp không chính thức ở Belarus, họ quyết định giải thể Liên Xô. Stanislav Shushkevich nhớ rằng đó gần như là một quyết định ngẫu hứng. "Yeltsin nói, 'Các vị có đồng ý để Liên Xô ngừng tồn tại?' Tôi nói OK thôi, và Kravchuk cũng OK." "Chỉ khi xe đưa tôi về lại nhà, tôi mới nhận ra là chúng tôi đã làm gì." "Tôi nghĩ, 'Ngày mai mình cần đệ trình chuyện này ra quốc hội Belarus và họ có thể quẳng nó đi'." Dĩ nhiên họ cũng sẽ phải thông báo cho thế giới. "Người ta cứ kể một câu chuyện vĩ đại với Boris Nikolayevich Yeltsin là nhân vật chính. Ông ta là thằng vô lại và thằng phản bội. "Gorbachev trả lời BBC năm 2011 Ông Shushkevich nói các bên quyết định ông là người sẽ gọi cho Gorbachev còn Yeltsin sẽ gọi cho tổng thống Mỹ. "Đến khi họ nối máy cho tôi với Gorbachev, thì Yeltsin đã nói chuyện trên điện thoại với Bush." "Vì thế tôi bảo Mikhail Sergeyevich (Gorbachev) và ông ta nói: 'Anh có hình dung được thế giới sẽ nghĩ gì?' Nói cách khác: 'Mày là thằng ngu khi dính vào chuyện này.'" "Tôi nói, "À, Yeltsin đang nói chuyện với Tổng thống Bush lúc này.'" "Ở đầu dây bên kia là sự im lặng, và rồi Gorbachev ngắt máy." Ông Gorbachev đành phải từ chức. Sau sáu năm nắm quyền, ông ra đi vào cuối tháng 12 năm 1991, ngay trước khi Liên Xô ngừng tồn tại. Ông trao lại giấy tờ và quyền hành cho Boris Yeltsin. Hai người không bao giờ nói chuyện với nhau nữa. Cho đến hôm nay, ông Gorbachev vẫn chỉ trích ông kia. "Người ta cứ kể một câu chuyện vĩ đại với Boris Nikolayevich Yeltsin là nhân vật chính. Ông ta là thằng vô lại và là thằng phản bội." -------------------------------------------------------------------------------- Phim tài liệu Gorbachev: The Great Dissident chiếu cho khán giả toàn cầu trên kênh BBC World News lúc 09:30 và 21:30 giờ GMT vào thứ Bảy 20 tháng Tám. Tại Anh, phần một được chiến ở BBC News Channel 20 tháng Tám lúc 02:30, 05:30, 14:30 and 21:30, và phần hai chiếu ngày 21 tháng Tám lúc 03:30, 10:30, 14:30 and 23:30 giờ Anh. Phóng viên: Bridget Kendall. Nhà sản xuất và đạo diễn: Ewa Ewart |