Home Tin Tức Thời Sự Cựu Phó Thủ Tướng VC Vũ Khoan Tự Nhận Là Tội Đồ Kinh Tế...

Cựu Phó Thủ Tướng VC Vũ Khoan Tự Nhận Là Tội Đồ Kinh Tế... PDF Print E-mail
Tác Giả: Tin Tổng Hợp   
Thứ Năm, 18 Tháng 8 Năm 2011 10:06

Cựu Phó Thủ Tướng Vũ Khoan Tự Nhận Là Tội Đồ Kinh Tế..., Vì góp phần trong một chính phủ đã phung phí tiền của dân vô ích...

08/15/2011
HANOI -- Một cựu Phó Thủ Tướng CSVN đã tự thú nhận là tội đồ...

Ông Vũ Khoan, Phó Thủ Tướng, đã viết một bài trên trang báo Tuần VN ngày 13-8-2011 về đề tài đầu tư công.

Bài viết ghi nguồn là Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn được báo nhà nước  đặt cho tựa đề:
“Nguyên Phó Thủ tướng nhận là "tội đồ" trong đầu tư công.”

Bài viết của ông Vũ Khoan trích như sau:
“...Nhằm thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề cắt giảm đầu tư công đang được bàn luận sôi nổi. Đây là việc làm cần thiết không chỉ để kiềm chế lạm phát mà điều quan trọng hơn là góp phần tái cấu trúc nền kinh tế, làm cho nó có hiệu quả hơn. Nói một cách khác, câu chuyện không chỉ là giải pháp tình thế, cắt tỉa cái ngọn mà điều cơ bản là phương hướng lâu dài, xử lý tận gốc một trong những nguyên do đưa tới tình trạng kinh tế kém hiệu quả và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Điểm lại từ ngày triển khai công cuộc đổi mới tới nay, nền kinh tế nước ta đã trải qua nhiều đợt đầu tư "theo phong trào", nhiều "hội chứng đầu tư" đã xuất hiện. Nào là đua nhau đầu tư xây dựng nhà máy bia, thuốc lá, tiếp đến là xi măng lò đứng, mía đường, lắp ráp xe máy, sản xuất bột sắn, đánh bắt xa bờ, xây dựng cảng biển, khu công nghiệp và khu kinh tế, kể cả kinh tế cửa khẩu. Kế đến là bột giấy, cán thép, thủy điện nhỏ và vừa, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị, "tận thu" khoáng sản, trường đại học, sân golf rồi sân bay...

Trong số các dự án đó, có phần do doanh nghiệp đầu tư nhưng một phần không nhỏ bắt nguồn từ đầu tư công của trung ương và địa phương lẫn doanh nghiệp nhà nước. Tiếc rằng, cho tới nay chưa thấy có công trình tổng kết nào phân tích rõ xem những dự án ấy hiệu quả tới đâu, lãng phí thế nào và đã tác động ra sao đến những bất ổn vĩ mô và làm cho nền kinh tế nước ta kém hiệu quả.

Viết bài này, tôi không nghĩ mình là "người ngoài cuộc" mà phần nào đó còn là một "tội đồ" vì đã từng tham gia lãnh đạo Chính phủ nhưng bản thân chưa nhận thức được đầy đủ tình hình và chưa đóng góp hữu hiệu vào việc hạn chế, ngăn chặn tình trạng hao công tốn của nói trên.

Nay ngẫm lại thấy muốn tránh lặp lại những biểu hiện "đầu tư theo phong trào", những "hội chứng" như vừa qua, có lẽ nên trở lại một số cách tiếp cận cơ bản.

Phải ưu tiêu cho hiệu quả kinh tế

Cách hiểu sơ đẳng về kinh tế là với nguồn lực hạn hẹp cần làm sao đem lại hiệu quả cao nhất. Điều đó càng đúng với nước ta, một nước còn rất nghèo (cho dù đã đạt ngưỡng khởi điểm của nước có thu nhập trung bình): Nhà nước nghèo, từng địa phương nghèo, các doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn cũng nghèo. Muốn cho nền kinh tế khả dĩ có hiệu quả thì không có cách nào khác là phải chọn lựa trình tự ưu tiên trong đầu tư; nhiều công trình tuy cần đấy song vẫn đành phải "nhịn", chờ đến khi điều kiện cho phép mới đầu tư.

Thật buồn khi thấy những cái chợ được xây dựng khang trang trống rỗng, một số công trình văn hóa như bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa không sáng đèn hoặc vắng bóng khán giả, những bến cảng tàu vào ra lèo tèo, những đường bay thua lỗ triền miên, những trường đại học không tuyển đủ sinh viên... trong khi với số tiền đã bỏ ra để xây dựng chúng ta có thể giải quyết biết bao nhu cầu dân sinh bức bách khác.

Có ý kiến cho rằng, không nên chỉ chú trọng hiệu quả kinh tế mà phải tính đến hiệu quả chính trị, xã hội, sự phát triển các vùng miền...

Điều đó có thể đúng đối với địa phương này hay địa phương khác nhưng nếu xét trên tổng thể nền kinh tế thì những công trình không đem lại hiệu quả kinh tế sẽ làm cho nguồn lực quốc gia suy kiệt, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của cả nước nói chung, đó là chưa kể tới những tác hại về môi trường, lòng tin của người dân.

Nguyên nhân đẻ ra tình trạng trên có nhiều: nào là tâm lý muốn phát triển nhanh, nào là ý nguyện "công nghiệp hóa" bằng mọi giá, nào là cơ chế phân bổ nguồn vốn theo kiểu cào bằng và xin - cho, nào là tâm lý "nhiệm kỳ", nào là những tính toán theo lợi ích ngành và địa phương, thậm chí cá nhân...”(hết trích)

Bài của ông Vũ Khoan sau đó phân tích về một số dự án sai lầm, mà ông gọi là phân tích “một số nguyên nhân liên quan tới tư duy kinh tế và cơ chế quản lý, phân cấp.”

Đặc biệt, ông Vũ Khoan đưa ra 2 đề nghị có tính cách trái nghịch với nền độc tài độc đảng tại VN: Thứ nhất, là phải cho Quốc Hội (trên nguyên tắc là cơ quan quyền lực cao nhất) được bàn về ngân sách; Thứ nhì, phải cho tư nhân đầu tư một số danh mục cụ thể, rành rọt...

Ông Vũ Khoan viết về ý này: “...Bên cạnh đó cũng nên hình thành một danh mục tương đối rành rọt, cái gì Nhà nước đầu tư, cái gì để tư nhân đầu tư, cái gì công - tư kết hợp. Những khiếm khuyết trong luật ngân sách liên quan tới câu chuyện này cũng nên được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.”

Tuy nhiên, các quan chức cứ chờ cho tới khi về hưu, mất chức, mất quyền... mới đưa đề nghị cấp tiến thì là hỏng rồi.