Mỹ sắp đưa chiến hạm tàng hình đến biển Ðông |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Năm, 18 Tháng 8 Năm 2011 09:19 |
Cuộc chiến lớn sắp tới sẽ xảy ra ở trên biển. Rất có thể là biển Ðông SINGAPORE (NV) - Hoa Kỳ và Singapore đang thảo luận chi tiết về một kế hoạch đồn trú cho một loại chiến hạm tàng hình (stealth) thuộc loại mới nhất của Hoa Kỳ gọi là LCS.
Chiến hạm tàng hình USS Independence LCS-2 mới được đưa vào hoạt động từ Tháng Giêng 2010 sau khi rời xưởng đóng tàu ở Mobile, Alabama. Chiến hạm đa năng này dựa trên chủ thuyết chiến đấu mới của Hải Quân Hoa Kỳ cần khả năng ứng phó nhanh chóng và hữu hiệu. Khả năng của tàu có thể hoạt động ở các vùng nước nông dọc bờ biển. Trên tàu có sân bay và được trang bị 2 máy bay trực thăng chiến đấu, một số máy bay không người lái làm nhiệm vụ trinh sát hay tiêu diệt tàu ngầm, tàu chiến, chống mìn. Trên tàu cũng có một đơn vị 4 xe bọc thép và các người lính điều khiển chúng sử dụng cho các chiến dịch ít người. Không những vậy, chiến hạm này còn “chứa trong bụng” một ít tàu nhỏ. Nói chung, tàu có khả năng thi hành các nhiệm vụ chiến đấu cả trên không, trên bộ, trên mặt nước và cả dưới mặt nước, tùy nhu cầu. USS Independence LCS-2, dài 419 bộ (foot) với tốc độ hơn 40 hải lý, là loại chiến hạm đa năng thuộc hàng nhanh nhất của Hải Quân Hoa Kỳ hiện nay.
Tin tức sơ khởi được nghe nói từ năm ngoái, và nay các cuộc thảo luận giữa hai nước đang ở các chi tiết cụ thể sau cùng. Ðặt căn cứ ở Singapore, sự hiện diện của chiếc USS Independence LCS-2, và có thể thêm một chiếc nữa cùng loại, ở cửa ngõ từ Ấn Ðộ Dương sang Biển Ðông là chỉ dấu cụ thể hóa những lời tuyên bố của Hoa Kỳ đặt ưu tiên đến Á Châu. Lực lượng Hoa Kỳ nhiều nơi khác bị cắt giảm thì khu vực Á Châu được tăng cường. Một nữ phát ngôn viên của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, theo báo SCMP ở Hongkong, xác nhận hôm Thứ Tư, 17 Tháng Tám 2011, là các cuộc thảo luận đang tiến hành với Singapore mà các chi tiết cuối cùng đang được đề cập. Giới phân tích thời sự ở Trung Quốc cho rằng việc chọn Singapore để đồn trú chiếc USS Independence LCS-2 là một việc chưa từng có từ trước tới giờ không ngoài mục đích giám sát vùng Biển Ðông. Sự hiện diện của chiến hạm đa năng và mới nhất của Hải Quân Hoa Kỳ trên vùng biển này sẽ có nhiều tác động rộng rãi nhiều mặt, theo giới phân tích Bắc Kinh. Một tổ chức nghiên cứu ở Hoa Kỳ mới đây nhận định cuộc chiến lớn sắp tới sẽ xảy ra ở trên biển. Rất có thể là biển Ðông Tiến Sĩ Vương Hàn Lĩnh, giám đốc Trung Tâm Á Châu Vụ tại Học Viện Khoa Học Xã Hội ở Bắc Kinh nói chiến hạm trên không có đe dọa gì rõ rệt đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, khác với các hàng không mẫu hạm Mỹ, chúng (tàu LCS) là dấu hiệu Mỹ muốn kềm chế Trung Quốc. “Hiển nhiên là vì vấn đề biển Ðông. Nó (tàu LCS) được coi như một trong những biện pháp cụ thể để kềm chế Trung Quốc. Ðây là một dấu hiệu quan trọng.” Vương Hàn Lĩnh nói với SCMP. Nhiều giới chức Bắc Kinh từng nêu vấn đề hoạt động quân sự của Mỹ ở biển Ðông, gồm cả các cuộc tập luyện hải quân với Phi Luật Tân và Việt Nam khi có dịp gặp các giới chức quân sự Mỹ. Các quan sát viên thời sự cũng theo dõi sát các diễn biến trong khu vực. Chính phủ Singapore không thấy nói đến vấn đề tàu chiến tàng hình LCS một cách công khai. Chỉ riêng Bộ Trưởng Quốc Phòng Ng Eng Hen nói hồi Tháng Sáu vừa qua rằng Singapore sẵn sàng nghe Mỹ đề nghị. Bởi vì “sự hiện diện của Mỹ sẽ là lực lượng cốt yếu để khu vực có ổn định và tiến bộ.” Theo một số nhà ngoại giao thân cận với các cuộc thảo luận, có thể 2 tàu LCS sẽ đặt căn cứ ở Singapore và sớm là từ năm 2012. Thứ Tư tuần trước, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã chạy thử trên biển. Ðám chính trị và ngoại giao Bắc Kinh thanh minh nhiều lần là không đe dọa ai hết, chiếc hàng không mẫu hạm này chỉ dùng để huấn luyện. Nhưng tờ Quân Ðội Nhân Dân của Bắc Kinh, hôm Thứ Năm tuần trước, lại không ngần ngại nói thẳng là hàng không mẫu hạm là để bảo vệ các vùng biển tranh chấp. “Tại sao chúng ta xây dựng hàng không mẫu hạm nếu chúng ta không có can đảm và ý chí dùng hàng không mẫu hạm để giải quyết tranh chấp?” Tờ báo vừa nói đặt câu hỏi rồi tự trả lời: “Thật là có lý khi dùng hàng không mẫu hạm hay các loại tàu khác để giải quyết tranh chấp khi cần.” Ngày Thứ Sáu, 12 Tháng Tám 2011, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ Victoria Nuland đặt dấu hỏi tại sao Bắc Kinh cần đến hàng không mẫu hạm và nước này cần minh bạch về trang bị quân sự cũng như ngân sách quốc phòng. (TN) Một vài hình ảnh của USS Independence LCS-2
Phòng hoa tiêu của chiến hạm USS Independence LCS-2. (Hình: Internet)
Bộ chỉ huy của tàu chiến tàng hình. (Hình: Internet) |