Thời kỳ mới trong quan hệ Thái Lan - Cam Bốt |
Tác Giả: Phạm Phan / Đức Tâm |
Thứ Năm, 18 Tháng 8 Năm 2011 08:39 |
Cựu Thủ tướng Thái Thaksin Sinawatra sẽ đến Phnom Penh vào ngày mai 19/08/2011. Ông Thaksin Shinawatra (P) và thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (T). Ảnh chụp ngày 10/11/2009. Reuters Vốn là bạn của Hun Sen, ông Thaksin đã đến Cam Bốt nhiều lần. Trước đây, dưới thời Abhisit, không nước nào muốn tiếp ông. Theo báo The Nation tại Bangkok và các báo khác tại thủ đô Phnom Penh, cựu Thủ Tướng Thái sẽ ở Phnom Penh hai ngày. Theo thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh, sự kiện này cũng nằm trong một loạt hoạt động ngoại giao của cựu thủ tướng Thái trong thòi gian gần đây. '' Trong thời gian sống lưu vong tại Dubai sau khi bị đảo chính hồi tháng 9/2006, ông Thaksin cũng từng ghé Phnom Penh trong tư cách một người bạn của Thủ Tướng Hun Sen, và ông cũng được chính quyền Cam Bốt mời làm cố vấn kinh tế dưới sự chuẩn y của Quốc Vương Sihamoni. Sự kiện này đã làm cho chính quyền ông Abhisit lúc đó tức giận và đòi Phnom Penh phải dẫn độ ông Thaksin về lại Bangkok. Tuy nhiên, Phnom Penh đã không làm theo yêu cầu, hành động này góp phần làm cho mối quan hệ Bangkok - Phnom Penh thêm căng thẳng. Chỉ trong vòng một tuần lễ sau khi bà Yingluck nhậm chức Thủ Tướng, giới quan sát đã thấy một số hoạt động ngoại giao của ông Thaksin, tất nhiên đây không phải là hoạt động cá nhân dù bề ngoài được che đậy là không can hệ gì đến chính quyền. Vào đầu tháng 8 này, chính quyền Đức bãi bỏ lịnh cấm ông Thaksin du hành đến Đức. Tiếp theo đấy, ông Thaksin dự trù cuối tháng này sẽ đến Nhật, một kế hoạch công du được tân Ngoại Trưởng Thái Surapong Towichukchaikul tán đồng và hỗ trợ, theo nguồn tin của Đảng Vì Nước Thái (Đảng Pheu Thái), một chính đảng mới thắng cử và được Phe Áo Đỏ thân ông Thaksin hậu thuẫn mạnh mẽ. Bà Yingluck khẳng định chuyến đi Phnom Penh là chuyện riêng của anh bà. Trong khi đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Cam Bốt ông Tea banh thì nói ông không rõ Thaksin có đến Phnom Penh hay không. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại Giao ông Koy Kuong lại nói chuyện ông Thaksin tới Phnom Penh lúc nào cũng được hoan nghênh. Mục đích ông Thaksin đến Cam Bốt Cùng đi với ông Thaksin có nhiều nhà đầu tư quốc tế, tại Phom Penh họ sẽ gặp Thủ Tướng Hun Sen và Bộ Trưởng Quốc Phòng Tea Banh. Được biết ông Thaksin sẽ thương thảo với Cam Bốt về một hợp đồng khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp thuộc Vịnh Thái Lan, vấn đề này đã được nêu lên trước đây tuy nhiên đã gián đoạn khi ông bị đảo chính. Cá nhân ông Thaksin muốn công ty dầu PTT của nhà nước Thái có phần hùn đầu tư trong việc khai thác dầu khí ở khu vực này hoặc là công ty này có thể liên doanh với Cam Bốt để cùng khai thác. Theo nguồn tin của Đảng Vì Nước Thái thì ông Thaksin đã yêu cầu Bộ Trưởng Năng Lượng Thái Pichai Naripthaphan nên hợp tác với Cam Bốt để hình thành bản hợp đồng. Các mỏ dầu với trữ lượng lớn nằm trong phần lãnh hải mà cả Thái và Cam Bốt đều tuyên bố là có chủ quyền. Thời chính quyền ông Abhisit tuyên bố hủy bỏ Giác Thư Năm 2001 mà Thái và Cam Bốt đã ký để thảo luận khu vực lãnh hải tranh chấp này nhưng kéo dài nhiều năm mà không đạt kết quả. Và nay ông Thaksin muốn làm sống lại hoạt động tại đây trên tinh thần hòa bình, hai bên đều hưởng lợi và phát triển kinh tế song phương. Trong số báo mạng ra hôm nay, tờ The Nation nêu lên ý kiến chuyến thăm Phnom Penh của ông Thaksin sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ Thái – Cam Bốt mà chính quyền mới đang nỗ lực phục hồi bởi vì chuyến đi này được coi là mâu thuẫn với lợi ích của quốc gia Thái. Thế nhưng viên phụ tá thân cận của Thaksin ông Noppadon Pattama khẳng định công việc kinh doanh cá nhân của ông Thaksin tại Cam Bốt không có gì mâu thuẫn với lợi ích đất nước Thái. Những gì mà ông Thaksin sẽ làm tại xứ Chùa Tháp chỉ vì muốn giúp phục hồi lại quan hệ song phương từng bị tổn hại nặng nề bởi chính quyền tiền nhiệm. Thủ Tướng Yingluck đã bổ nhiệm ông Noppadon Pattama vào vai trò chuẩn bị một chiến lược phục hồi với láng giềng Cam Bốt cũng như gầy dựng một quan điểm thích hợp đối với Công Ước Về Di Sản Thế Giới mà chính quyền ông Abhisit đã tuyên bố giải hủy. Theo báo mạng The Nation, ông Thaksin và hai chính quyền ủy nhiệm do cố Thủ Tướng Samak Sundaravej và cựu Thủ Tướng Somchai Wongsawat đứng đầu bị tố cáo đã giúp Phnom Penh được UNESCO đưa đền cổ Preah Vihear vào danh sách di sản văn hóa thế giới, đánh đổi lại nhóm người này được hưởng lợi từ việc khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp giữa Thái và Cam Bốt nằm ở Vịnh Thái Lan. Triển vọng quan hệ Cam Bốt – Thái trong bối cảnh Bangkok có chính phủ mới Đã có một số dấu hiệu tích cực trong quan hệ Thái – Cam Bốt ngay sau khi bà Yingluck lên cầm quyền. Đầu tiên là phán quyết của tòa án Thái đã thay đổi tội danh từ gián điệp đến đột nhập trái phép vào một khu vực gần căn cứ quân sự Thái tại tỉnh Sisaket đối với Ung Kimthai 46 tuổi mang quốc tịch Cam Bốt và hai bạn đồng hành của ông, một người Việt Nam và một người Thái. Cả 3 người này bị bắt thời Thủ Tướng Abhisit mà đến nay chưa có chứng cớ rõ ràng. Thêm một sự kiện nữa là Lữ Đoàn 21 thuộc Sư Đoàn 2 Cam Bốt đã rút khỏi căn cứ gần đền Preah Vihear, khu vực này không nằm trong vùng phi quân sự theo phân định của Tòa Án Quốc Tế. Tuy nhiên diễn biến này cho thấy phía Cam Bốt cảm thấy an tâm khi bà Yingluck tuyên thệ nhậm chức. Năm năm qua kể từ khi ông Thaksin bị nhóm tướng lĩnh Thái đảo chính vi hiến theo truyền thống giới kaki Thái từ 70 năm qua, quan hệ Thái – Cam Bốt xấu đi nghiêm trọng do tinh thần quốc gia cực đoan của một số tổ chức người Thái. Sự kiện ông Thaksin dự trù đến thăm Phnom Penh ngày mai trong thời gian không hơn một tuần em gái ông lên làm Thủ Tướng cho thấy ông Thaksin đặt mối quan hệ với láng giềng Cam Bốt ở mức độ ưu tiên cần giải quyết sớm. Điều này còn cho thấy sẽ có triển vọng tốt đẹp trong quan hệ song phương khi chính trường Thái thay ngôi đổi chủ, dù rằng hai quốc gia này trong suốt chiều dài lịch sử thù nhiều hơn là bạn. Tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nhiều lần lên tiếng ca ngợi vị nữ Thủ Tướng đầu tiên của Thái đến độ một số người dân cảm thấy khó chịu. Sau cùng còn một ẩn số chưa được giải, đó là phản ứng của phong trào quốc gia cực đoan, tiêu biểu nhất là Phe Áo Vàng, liệu họ có khoanh tay ngồi im để gia đình ông Thaksin và Đảng Vì Nước Thái tự do hành động hay không ?
|