Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18 Tháng 8 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18 Tháng 8 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 18 Tháng 8 Năm 2011 08:29

Quan hệ Mỹ-Trung : Xung đột Internet có thể dẫn đến một cuộc chiến thật sự

 

Trung Quốc từng tố cáo Mỹ tiến hành cuộc chiến Internet để lật đổ các chính phủ Ả Rập và các chính phủ khác.  REUTERS

 Mỹ cũng không ít lần tố cáo Trung Quốc tung hacker tấn công hệ thống mạng của mình. Trong thời đại Internet, kiểu va chạm này có thể dẫn đến một cuộc chiến thật sự.

Trên trang ý kiến, báo Le Monde hôm nay đăng bài cảnh báo : « Không gian mạng không thể trở thành chiến trường. Internet không phải là một vũ khí chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ».

Về xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc, đầu tiên tác giả đề cập đến việc Hoa Kỳ cùng các nước phương Tây khác muốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận và toàn thể các giá trị dân chủ tự do, trong đó có việc các nhà báo và blogger được tự do trao đổi trên mạng Internet.

 Đây cũng là cách giúp Hoa Kỳ mở rộng ảnh hưởng và củng cố quyền lực mềm sau giai đoạn phiêu lưu quân sự theo kiểu đơn phương của chính quyền Bush. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn bảo vệ lợi ích thương mại của mình, trong đó vụ việc nổi cộm là Google bị bó buộc bởi chính sách mạng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân đó, xích mích còn đến từ việc Trung Quốc vươn lên trở thành một cường quốc tại Á Châu. Các nước từ Mỹ cho đến những cường quốc Châu Á không ai còn có thể hiểu được chính xác chiến lược phát triển của Trung Quốc. Nước này vừa cho hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của mình, một tàu sân bay mang tên Thi Lang, vị tướng giúp nhà Thanh đánh chiếm Đài Loan năm xưa.

 Trung Quốc cũng hé lộ về chiến đấu cơ tàng hình của mình khi người đứng đầu Lầu Năm Góc đến Bắc Kinh. Trung Quốc cũng cử hàng ngàn lính với lí do sửa chữa đường xá đến khu vực Cachemire gần với láng giềng Ấn Độ. Trung Quốc cũng đã làm dấy lên làn sống dân tộc chủ nghĩa trong khu vực Biển Đông đến mức mà Việt Nam phải kêu gọi đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Cuối cùng trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa hai cường quốc này, đã nổi lên một chiến trường mới, đó là không gian mạng. Không gian này không chỉ là nơi trao đổi thông tin, mà đã trở thành một sân chơi quân sự. Vụ hệ thống kiểm soát của nhà máy làm giàu uranium Natanz của Iran bị hacker làm tê liệt là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của « vũ khí Internet ».

Từ giữa những năm 1990, Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến việc tăng cường khả năng tấn công trên mạng của mình với chiến lược ưu tiên là « tấn công bất ngờ » vào toàn bộ mạng lưới thông tin của kẻ thù . Trong khi đó, từ sau những năm 1991, quân đội Hoa Kỳ bắt đầu chú ý đến khả năng bị tấn công của các hệ thống thông tin, đặc biệt xem trọng cái gọi là « sự cần thiết tấn công mạng một cách phủ đầu ».

Tác giả cảnh báo, hai chiến lược tấn công bất ngờ hay tấn công phủ đầu có thể đẩy hai nước đến một xung đột võ trang thật sự.

Nobel Kinh tế Thomas Schelling từng nhận định : « Công nghệ quân sự có thế giúp nhanh chóng hơn, nhưng cũng dễ tạo ra chiến tranh hơn ».

Bất chấp các mối quan hệ kinh tế, một sai lầm có thể dẫn đến thảm kịch không mong muốn. Thế nhưng, tác giả cho rằng, tình hình hiện tại vẫn còn xa với viễn cảnh u ám đó, con đường hợp tác chặt chẽ hơn vẫn còn nhiều. Trung Quốc cần làm tròn trách nhiệm mới trong vị thế mới của mình, trong khi đó Hoa Kỳ nên tiếp tục công việc tạo ra một không gian an ninh tập thể.

Trong bối cảnh đó, vấn đề an ninh mạng phải là một phép thử cho sự hợp tác này. Không gian mạng không nên là nơi của bóng ma chiến tranh.

Vấn đề Tây Tạng ảnh hưởng đến quyền lợi của toàn Châu Á ?

Nhìn về khu tự trị Tây Tạng, Le Monde giới thiệu bài viết của ông Lobsang Sangay, thủ tướng Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ. Bài viết đề tựa : « Sự cai trị của Bắc Kinh ở Tây Tạng là không thể chấp nhận được ».

Ông Sangay nhắc lại, vào năm 1950, khi quân đội Trung Quốc tiến vào Tây Tạng, chính phủ Trung Quốc lúc đó đã hứa sẽ biến vùng này thành « một thiên đường xã hội chủ nghĩa ». Thế nhưng, hơn 60 năm sau, Tây Tạng vẫn không phải là Thiên đường đã hứa. Ở Tây Tạng, không phải xã hội chủ nghĩa đang cai trị, mà chính là chủ nghĩa thực dân.

Đàn áp chính trị, đồng hóa văn hóa, xâm chiếm lợi ích kinh tế của người bản địa, phá hoại môi trường… vẫn tiếp diễn tại Tây Tạng. Tuyến đường sắt Bắc Kinh-Lhassa ngày càng chở nhiều thiết bị phục vụ cho việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như đưa đến Tây Tạng ngày càng nhiều người Hán, từ đó bản sắc văn hóa bản địa bị đe dọa.

Hiện tại, gần 70% doanh nghiệp tư nhân ở đây là của người Hán, hơn 50% công chức là người Hán, trong khi đó hơn 40% người Tây Tạng tốt nghiệp phổ thông và đại học bị thất nghiệp. Tình hình càng nghiêm trọng khi các nhà chức trách Trung Quốc đối xử với Tây Tạng trong tư thế « những lãnh chúa phong kiến ».

Người Tây Tạng đang dần trở thành công dân hạng hai ngay trên mãnh đất do tổ tiên mình để lại.

Ông Sangay khẳng định : « Chúng tôi mong muốn thế giới, đặc biệt là Trung Quốc hiểu rằng chúng tôi theo đuổi con đường đấu tranh ôn hòa ».

Ông cho biết, Tây Tạng muốn có nhiều quyền tự quyết hơn trong vị trí khu tự trị thuộc nhà nước Trung Quốc. Đó là một yêu cầu có lợi cho cả hai phía, giúp Trung Quốc có tìm lại được hình ảnh tích cực trong mắt bạn bè thế giới và đạt được mục tiêu toàn vẹn lãnh thổ.

Theo thủ tướng Tây Tạng lưu vong, Trung Quốc có tham vọng trở thành một siêu cường. Trung Quốc có nền kinh tế phát triển vượt bật với sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng quân đội. Thế nhưng, sức mạnh đạo đức của nước này lại bị tụt hậu. Sức mạnh quân sự là không thể mua được trên thị trường và cũng không thể áp đặt.

Một giải pháp đúng đắn và nhanh chóng cho vấn đề Tây Tạng còn liên quan đến lợi ích của toàn khu vực Á Châu. Tây Tạng từ lâu nay được xem là « người bảo vệ môi trường » của vùng cao nguyên cao nhất và rộng nhất của hành tinh , nơi phát nguồn của 10 con sông góp phần nuôi sống hơn 2 tỷ người.

Việc Trung Quốc cho xây đập trên những con sông bắt nguồn từ Tây Tạng sẽ hủy hoại điều kiện sống của hàng triệu người dưới vùng hạ lưu. Vì thế, hàng triệu người Châu Á quan tâm đến việc người ta trả lại cho người Tây Tạng vai trò người bảo vệ nói trên. Như vậy, đây là một vấn đề liên quan đến hạnh phúc và thịnh vượng của toàn Châu Á.

Dân số thế giới sẽ vượt 7 tỷ người trong năm 2011

« 7 tỷ người trên trái đất vào năm 2011 », đó là tựa đề bài viết đăng trên nhật báo Le Figaro về kết quả điều tra dân số vừa được công bố hôm nay của Viện Nghiên cứu Dân số Quốc gia Pháp (INED).

Theo báo cáo nói trên, vào tháng 10 tới, dân số thế giới sẽ đạt 7 tỷ người, vào năm 2025 có thể là 8 tỷ, và sẽ ổn định ở mức từ 9 đến 10 tỷ trong giai đoạn 2100.

Nhìn chung, tỷ lệ tăng dân số thế giới tiếp tục giảm. Nguyên nhân là do tỷ lệ sinh trên thế giới đã giảm xuống chỉ còn 2,5 trẻ/phụ nữ, trong khi vào năm 1950 con số này là 5.

Sự khác biệt giữa các nước rất lớn, như ở Niger là 7trẻ/phụ nữ trong khi ở Đài Loan chỉ có 0,9. Tại Châu Phi, dân số vẫn tiếp tục tăng mạnh. Trong 100 năm nữa, dân số Châu Phi có thể tăng gấp 4 lần.

Hiện tại, nhóm « G7 » đông dân nhất hành tinh là : Trung Quốc (1,33 tỷ), Ấn Độ (1,17 tỷ), Mỹ (306,8 triệu), Indonesia (243,3 triệu), Brazil (191,5 triệu), Pakistan (180,8 triệu) và Nigeria (162,3 triệu). Vào năm 2050, vị trí này có thể bị thay đổi, với việc Ấn Độ « soán ngôi » Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất hành tinh.

Liên Hiệp Châu Âu hiện tại có 502,2 triệu người. Theo ước đoán, vào năm 2050 sẽ là 513 triệu.

Vụ án Timochenko có thể dẫn đến một cuộc chiến khí đốt mới giữa Nga và Ukraina

Le Monde cũng nhìn về quan hệ Ukraina-Nga với bài nhận định : « Vụ án Ioulia Timochenko cho thấy viễn cảnh một cuộc chiến khí đốt mới giữa Matxcơva và Kiev ».

Bà Ioulia Timochenko đã chính thức bị tạm giam vào ngày 5/8 vừa qua. Bà bị buộc tội đã lạm quyền khi ký hợp đồng dầu khí với Nga mà không thông qua chính phủ. Hợp đồng này bị chính phủ đương nhiệm cho là bất lợi cho Ukraina và phục vụ cho lợi ích của Nga.

Năm 2010, sau khi vừa đắc cử tổng thống, ông đã lập tức tấn công bà Ioulia Timochenko khi cáo buộc bà đã lạm quyền.

 Năm 2012 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội tại Ukraina. Le Monde cho rằng, vụ án này nhằm mục đích làm yếu đi đảng phái của bà Ioulia, đảng duy nhất có thể đánh bại phe tổng thống.

Tuy nhiên, có vẻ nghiêng về giả thuyết cho rằng bà Timochenko bị trả thù chính trị, nên tờ báo nhắc lại việc bà ký hợp đồng này đã giúp kết thúc cái gọi là « cuộc chiến dầu hỏa thứ hai » lúc bấy giờ giữa hai nước. Khi ấy, tập đoàn Gazprom của Nga đã ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraina, và kéo theo hàng triệu người Châu Âu bị ảnh hưởng, do 70% khí đốt của Nga được xuất khẩu cho Châu Âu với nước trung chuyển là Ukraina.

Hợp đồng nói trên còn giúp chấp dứt hoạt động trung gian của tập đoàn Rosukrenergo, một tập đoàn mà bà Timochenko cho là « một ổ tham nhũng ».

Vụ án của bà Timochenko diễn ra khi mà Kiev muốn xem xét lại giá dầu với phía Nga. Bởi thế tình hình thêm phức tạp.

Từ khi ông Ianoukovitch đắc cử, người ta tưởng rằng chiếc rìu chiến tranh Nga-Ukraina đã bị chôn vùi.

Thế nhưng, tình hình khong có gì cải thiện. Lãnh đạo Ukraina vừa ra sức làm thân với Nga, vừa không muốn mua khí đốt của Nga theo giá Châu Âu.

 Hôm 11/8, ông Ianoukovitch đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm muốn xem xét lại giá dầu với tổng thổng Nga Medvedev. Kiev phải hành động nhanh tại vì, vào mùa thu này, ống dẫn khí đốt North Stream sẽ đi vào hoạt động, có thể khiến Ukraina mất đi vị thế nước trung chuyển chính.

Nhà giàu Mỹ và Pháp lên tiếng muốn được đánh thuế cao hơn

Lặn hụp trong cơn khủng hoảng nợ công, các nước thi nhau tìm cách tăng thu ngân sách, trong đó có việc tăng thuế đối với người giàu.

 Libération mang đến một thông tin thú vị là tại Mỹ và Pháp đã có nhà giàu tình nguyện đóng thuế nhiều hơn.

Hôm chủ nhật, trên tạp chí New York Times, người giàu xếp thứ ba hành tinh, tỷ phú Hoa Kỳ ông Warren Buffett đã lên tiếng kêu gọi : « Hãy đánh thuế chúng tôi nhiều hơn nữa ». Ông cho rằng, mức thuế hiện tại là quá « khoang dung » đối với người giàu.

Ông tâm sự : « Trong khi những người nghèo khổ và tầng lớp trung lưu đang vật vã ở Afghanistan, trong khi phần lớn người Mỹ phải chạy vạy vì chuyện cơm áo gạo tiền, thì chúng ta, những đại tỷ phú, lại tiếp tục được hưởng những khoảng ưu đãi thuế bất bình thường ».

Ông yêu cầu tăng thuế đối với 240 000 người Mỹ có thu nhập vượt 1 triệu đô la/năm, và đánh thuế thật nhiều 8 300 người có thu nhập trên 10 triệu.

Thông điệp này vẫn còn lẻ loi, nhưng cũng đã kịp vượt Đại Tây Dương đến Pháp.

 Hôm thứ ba rồi, ông Maurice Lévy, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp tư nhân Pháp, người xếp thứ 238 trên danh sách người giàu nước Pháp, đã kêu gọi trên báo chí « sự đóng thuế đặc biệt của những người giàu nhất, những người sung sướng nhất ». Ông cho rằng, sự đoàn kết xã hội phải được củng cố và phải được khơi nguồn từ phía họ.

Tờ báo cho hay, « những sứ giả » của việc « đánh thuế nhiều hơn nữa » hiện tại chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong một thế giới có nhiều triệu phú hơn so với năm tiền khủng hoảng 2007.

 Các chính sách hiện tại chỉ nhắm tới một phần rất nhỏ những nhà giàu. Trong bối cảnh đó, « các đại gia » thật sự là một cứu cánh quan trọng. Họ cũng phải hiểu điều đó và biết chia sẻ khó khăn bởi vì từ hàng thập kỷ nay họ đã được hưởng biết bao ưu đãi về thuế khóa và xã hội.