Lao động VN 'không hề thua kém' |
Tác Giả: BBC |
Thứ Tư, 17 Tháng 8 Năm 2011 14:26 |
Lao động Việt Nam có nhiều điểm "không bằng" lao động Trung Quốc
Lao động Việt Nam nhận nhiều nhận xét cả khen và chê từ người thuê mướn Quản lý và xử lý lao động nước ngoài chưa nghiêm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng công nhân chui Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam hiện nay, theo lời các chuyên gia trong nước. Tuy nhiên, phát biểu trên báo chí trong nước mới đây, một số quan chức trong Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội lại giải thích rằng lao động Việt Nam có nhiều điểm "không bằng" lao động Trung Quốc nên nhà thầu Trung Quốc mới đem công nhân từ nước mình sang. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói với BBC rằng tinh thần chủ đạo của pháp luật Việt Nam là công việc ở Việt Nam trước hết phải dành cho người Việt Nam, và chỉ khi nào lao động trong nước không đáp ứng được thì mới tuyển lao động nước ngoài. “Chúng ta có đầy đủ luật pháp để xử lý các trường hợp, vấn đề là xử lý không nghiêm,” ông nói. “Bản thân tổ chức sử dụng lao động trái phép là trái pháp luật. Trong khi đó, chỉ khi vụ việc vỡ lở các cơ quan chức năng mới biết trong khi vẫn kiểm tra được,” ông Lộc nói. Ông Nguyễn Đức Thảo, trước đây là chuyên viên của công ty xuất khẩu lao động Vinamotor có trụ sở ở Hà Nội chuyên xuất khẩu lao động Việt Nam đi Mỹ và Trung Đông, cho rằng lao động Việt Nam ‘cần cù, chịu khó và có sức chịu đựng rất tốt’. Ông Thảo khẳng định rằng công nhân Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng làm việc trong những công trình lớn trên thế giới với những công việc ‘đòi hỏi kỹ xảo và độ phức tạp’. "Công nhân Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng làm việc trong những công trình lớn trên thế giới với những công việc đòi hỏi kỹ xảo và độ phức tạp." Nguyễn Đức Thảo, nguyên chuyên viên công ty xuất khẩu lao động Vinamotor Tuy nhiên ông Thảo cũng nói tinh thần kỷ luật và ý thức pháp luật chưa cao là nhược điểm lớn nhất của lao động Việt Nam. “[Có những việc] dù biết vi phạm pháp luật [nước sở tại] nhưng có lợi nhuận họ vẫn làm,” ông nói thêm. Theo ông Thảo, lao động Trung Quốc có kỷ luật hơn và được đào tạo bài bản hơn, trong khi lao động Việt Nam chỉ được 'đào tạo chiếu lệ'. Cách thức tinh vi
“Ngay người trong nước cũng phải quản lý huống chi là người nước ngoài mà không quản lý được,” LS Quân nói. Ông cảm thấy khó hiểu khi “hàng ngàn người nước ngoài làm việc bất hợp pháp ở một nơi thuộc chủ quyền, vẫn có các cấp quản lý của chính quyền địa phương và ban quản lý dự án.” “[Công nhân Trung Quốc] đi vào với visa du lịch là chuyện của người ta,” ông nói, “nhưng đi làm thì nơi làm phải quản lý, cơ quan nhà nước vẫn phải biết". Các quan chức lao động tỉnh Cà Mau thừa nhận với báo chí trong nước rằng họ không nắm được tình hình lao động Trung Quốc ở nhà máy đạm Cà Mau là do nhà thầu và ban quản lý dự án 'không báo cáo' trong khi việc vào nhà máy kiểm tra không hề dễ dàng và các công nhân Trung Quốc chỉ ở trong công trường. Ông Quân cũng cảnh báo rằng lao động Trung Quốc vào Việt Nam mà chính quyền không hay biết cũng có thể có nguyên nhân sâu xa là phía Trung Quốc có những cách thức tinh vi nếu như những công nhân Trung Quốc đó không phải là ‘công nhân’ bình thường. Ông cũng không cho rằng có ai ở Việt Nam ‘đồng lõa’ hay ‘cho phép’ Trung Quốc có hành động như thế. "Xét trong tương quan giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay thì việc người Trung Quốc ồ ạt vào làm việc ở Việt Nam có nguy cơ tiềm tàng rất lớn." “Nếu [công nhân Trung Quốc] muốn làm việc thì phải tuân thủ luật pháp sở tại,” ông nói. “Nhưng họ lại làm việc bất hợp pháp. Họ không có giấy tờ gì và [như thế] người ta không kiểm soát được số lượng người lớn như thế.” “Mình không biết được họ là ai. Khi xảy ra xa chuyện gì đó thì không biết họ sẽ làm gì,” ông nói thêm. Ông nói cả ngàn lao động Trung Quốc ở Cà Mau chỉ là con số chính quyền có thể thấy rõ, nhưng ông tin là còn nhiều công nhân Trung Quốc chui hơn thế đang làm việc ở Việt Nam. Ông Quân cho biết ngay ở Hà Nội ông thấy rất nhiều người Trung Quốc sang làm việc. Họ làm thành những câu lạc bộ, những nhóm người Trung Quốc rồi kéo theo gia đình, anh chị em sang. Nhiều người Trung Quốc cũng đến văn phòng luật sư của ông nhờ hỗ trợ xin visa làm việc. |