Home Tin Tức Thời Sự Nói thì Giỏi. Nhưng làm không hay

Nói thì Giỏi. Nhưng làm không hay PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh   
Thứ Ba, 16 Tháng 8 Năm 2011 19:43

Vị Tổng Thống của chúng ta: Rất có tài Ăn Nói. Nhưng làm thì không hay

 “Không dễ ăn đâu”, ông Dan Balz của nhật báo The Washington Post bảo với mọi người. Là một trong những nhà báo kỳ cựu và tên tuổi chuyện săn tin bầu cử tổng thống, những gì ông Balz nói đều được các đồng nghiệp khác xem là “có trọng lượng”.

 Ở thủ đô Hoa Kỳ, hầu như không ai theo dõi sát tình hình tranh cử cho bằng ông, và cũng không ai có tin nóng sốt cho cuộc đua tiến vào Tòa Bạch Ốc 2012 bằng ông. Ðã từng có lúc các nhà báo bảo đùa với nhau “Dan Balz nói ai thắng, người đó sẽ thắng, ông ta bảo ai thua, người đó hầu như chẳng có mấy hy vọng sẽ trở thành người lãnh đạo quốc gia”.

Trong 3 năm trời vừa qua - tính từ ngày ứng cử viên Barack Obama tuyên thệ nhậm chức trở thành vị tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ- đây là lần đầu tiên tôi thấy ông đưa ra nhận xét chính trị chứa đựng nhiều lo âu cho người đang lãnh đạo nước Mỹ. Ông Balz bảo 3 năm trước đây, cả nước đặt niềm tin vào hứa hẹn “thay đổi cục diện chính trường Washington” mà ứng viên Obama đưa ra, lần này khi ra tái ứng cử, tổng thống Hoa Kỳ phải trả lời câu hỏi mà chính những người từng hết lòng ủng hộ ông cũng đang thắc mắc: Chúng tôi đặt trọn hy vọng vào ông, dồn hết mọi nỗ lực để đưa ông vào Tòa Bạch Ốc với lời cam kết sẽ làm được việc, nhưng tại sao đến giờ tình hình vẫn bế tắc chưa có lối thoát? Ba năm trước đây ông ở “ngoài luồng”, bây giờ ông đang có mặt tại Washington “điều khiển chính trường quốc gia, không thể nói là ‘người đứng ngoài’ được nữa”.

Nhận xét của ông Dan Baltz không sai lắm đâu. Còn tới 15 tháng nữa người dân Mỹ mới bước vào phòng phiếu chọn người ngồi làm việc trong Phòng Bầu Dục, những cuộc thăm dò cử tri cho thấy ông Obama đang gặp khó khăn. Mặc dù số tiền những người ủng hộ ông đóng góp vẫn tiếp tục đổ tuôn về Chicago -nơi ông đặt bản doanh vận động tái ứng cử- và gấp chục lần số tiền các ứng viên Cộng Hòa khác thu được, nhưng số phiếu những người nói năm tới sẽ đi bầu dành cho ông không nhiều như ông mong đợi. Nói cách khác: Giả sử cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần này hay đầu tuần tới, có khả năng rất cao nước Mỹ sẽ có một vị tổng thống mới thay thế cho nhà lãnh đạo đương thời. Ông Obama chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ, và như bình luận gia Cindy Crawley từng nói “người dân Hoa Kỳ kính trọng mọi nhà lãnh đạo của họ, nhưng họ không nể phục những vị tổng thống một nhiệm kỳ đâu”.

Chuyện có thật sự tệ đến như thế không? Câu trả lời là có, đủ để cho Ủy Ban Vận Ðộng Tái Ứng Cử Obama 2012 phải chú ý.

Chỉ nhìn vào kết quả cuộc thăm dò do CNN công bố vài giờ trước khi cuộc tranh luận ở Iowa giữa 8 ứng viên Cộng Hòa đang nuôi mộng trở thành nhà lãnh đạo cho thấy ông Obama -tiêu biểu cho thành phần cấp tiến- vẫn đang dẫn trước -nhưng rất khít khao- các ứng viên thuộc thành phần bảo thủ như nữ Dân Biểu Michele Bachmann đại diện cho tiểu bang Minnesota hoặc ông Thống Ðốc Rick Perry của tiểu bang Texas.

Với những ứng viên khác -chẳng hạn như ông Thống Ðốc Mitt Romney được xếp vào thành phần trung hòa, số phiếu cử tri dành cho 2 ông ngang ngửa với nhau. Nhưng nếu ông cựu Thị Trưởng Rudy Giuliani của thành phố New York quyết định nhảy vào cuộc đua, ông Obama coi như nắm chắc... phần thất bại!!! Hiện giờ tỷ lệ phiếu cử tri nói sẽ bỏ cho ông Giuliani nhiều hơn số phiếu cử tri hứa dành cho vị tổng thống đương nhiệm tới 4%.

Tại sao vậy? Ông Obama làm những gì để người dân Mỹ mất niềm tin hay ít nhất, không còn niềm tin mãnh liệt vào ông như trước nữa?

“Chẳng có gì khó cả, ông Obama là người nói hay nhưng không phải là người làm giỏi”, theo nhận xét của bà Pat O'Connor, một phân tích gia độc lập có mặt tại Iowa để quan sát cuộc tranh luận giữa 8 ứng viên Cộng Hòa.

Bà O'Connor tin rằng các diễn biến chính trị mới xảy ra trong thời gian gần đây khiến người dân Hoa Kỳ có cảm tưởng Tổng Thống Obama “thiếu tài lãnh đạo”, đã thế “ông cứ tiếp tục dùng bài bản cũ, tức là đổ lỗi cho người khác chứ không nhận trách nhiệm của mình”. Giải thích của bà là “năm đầu cử tri đồng ý ông lãnh gánh nặng ông George W. Bush để lại, nhưng bây giờ ông là người điều khiển bàn cờ, nước cờ ông đánh không đem lại kết quả như mọi người trông chờ”, và đó chính là lý do tại sao ông Obama sẽ gặp khó khăn trong cuộc vận động tái ứng cử 2012.

“Không đúng như thế” là giải thích Văn Phòng Vận Ðộng cho ông Obama gửi ra từ Chicago, nhắc lại trong những năm vừa qua, kế hoạch phục hồi kinh tế đã đem lại những kết quả cụ thể, giữ được công ăn việc làm cho hàng triệu người Mỹ. Bế tắc nếu có chính là bế tắc đến từ phía đảng Cộng Hòa, từ những người “chỉ biết đòi hỏi người khác phải theo ý muốn của mình”.

Văn Phòng Vận Ðộng Tái Tranh Cử của tổng thống Hoa Kỳ cũng nhắc lại điều ông mới nói ở Holland, Michigan hồi trưa hôm nay: “Trong gia đình còn phải tương nhượng nhau, huống chi là khi bàn chuyện nước”. Ông David Axlerod, trưởng ban điều hành vận động cũng nói với tờ Chicago Sun-Times rằng “ngay từ ngày đầu chúng tôi đã bảo chẳng có cuộc tranh cử tổng thống nào dễ cả”, và những cuộc thăm dò “không phản ảnh đúng cũng như chẳng ảnh hưởng gì đến kế hoạch tranh cử” cũng như “cảm tình và sự tin tưởng mà cử tri Hoa Kỳ thật sự dành cho Tổng Thống Obama”.

Các ứng viên Cộng Hòa đã quyết định tranh cử tổng thống nghĩ gì về những giải thích nêu trên? Trước hết, có lẽ họ không đồng ý với nhau về chính sách sẽ thực hiện nếu trở thành ông hay bà chủ mới của Tòa Bạch Ốc, nhưng rõ ràng trong cuộc tranh luận tối hôm qua ở Iowa, mọi người đều gật đầu đồng ý với bà Dân Biểu Bachmann khi bà nhấn mạnh ở điểm làm lãnh đạo phải có tầm nhìn, “không may nước Mỹ đang được điều khiển bởi một người không có khả năng lãnh đạo lẫn chẳng có tầm nhìn chiến lược”.

Bà Bachmann xác định rõ: Ông Obama không phải là người gây nên tình trạng rối ren khi đặt chân vào Tòa Bạch Ốc, nhưng sau gần 3 năm trời làm việc, “chính ông làm cho tình huống trở nên tệ hơn” và đã đến lúc “Hoa Kỳ cần thay đổi người lãnh đạo”.

Ðừng quên 15 tháng nữa cuộc bỏ phiếu mới diễn ra, nhưng ngay từ lúc này cuộc tranh cử đã sôi nổi hơn hẳn những gì từng được dự đoán mới 2 năm trước đây. Quan sát viên bầu cử Mark Campbell của tiểu bang New Hampshire nói “lúc ông Obama mới đắc cử, ai cũng bảo thế nào cũng sẽ thắng thêm một nhiệm kỳ nữa” bây giờ “đường tiến của tổng thống khá khó khăn, nhưng đừng vội bảo năm tới ghế tổng thống sẽ thuộc về đảng Cộng Hòa”.