Khả năng xung đột ở Biển Đông |
Tác Giả: BBC |
Thứ Ba, 16 Tháng 8 Năm 2011 15:18 |
Biển Đông là cửa ngõ của hàng hải toàn cầu Hoa Kỳ đã cho hai hàng không mẫu hạm thăm Việt Nam sau khi Bắc Kinh khai trương hàng không mẫu hạm đầu tiên của họ Tạp chí Chính sách Ngoại giao vừa có bài phân tích về khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông, và vai trò của các nước trong vùng cũng như của Hoa Kỳ. Bài mang tựa đề "Biển Nam Trung Hoa là xung đột của tương lai" nói các tranh chấp ở Châu Âu trong thế kỷ trước diễn ra trên các vùng đất liền, trải dài từ biên giới phía đông và phía tây của Đức. Sang thế kỷ 21, tác giả Robert D. Kaplan nói trọng tâm dân số và kinh tế đã chuyển sang Châu Á và các trung tâm dân cư lớn được ngăn cách bởi lãnh hải hơn là lãnh thổ. Ông Kaplan, chuyên gia cao cấp của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới và cũng là thành viên của Ủy ban Chính sách Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nói chiến tranh trên đất liền ảnh hưởng tới dân thường trong khi xung đột trên biển có thể chỉ đơn giản là những phép tính toán học về cán cân giữa các bên. Chuyên gia này nói sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Châu Á Thái Bình Dương đang giúp giữ nguyên hiện trạng trên biển nhưng Hoa Kỳ thực hiện điều này chỉ do "sức mạnh cơ bắp" chứ không phải bằng các giá trị dân chủ. Tác giả Kaplan cũng nhấn mạnh căng thẳng trên Biển Đông không nhất thiết sẽ dẫn tới xung đột và ông nói các nước trong vùng, bao gồm cả Trung Quốc, cho dù có độc đoán nhưng không phải là những nước tàn bạo và vô cùng nhẫn tâm. Ông viết: "Cuộc đấu tranh giành ưu thế ở Tây Thái Bình Dương không nhất thiết liên quan tới xung đột vũ trang mà gần như sẽ xảy ra một cách thầm lặng trên những vùng biển trống với tình trạng lạnh lùng chấp nhận sức mạnh kinh tế và quân sự tăng chậm và chắc mà các nhà nước có được trong suốt quá trình lịch sử." Ông Robert Kaplan nhận định vùng biển rộng lớn ở Đông Á cũng là rào cản đối với các cuộc chiến khi mà tốc độ nhanh nhất của tàu chiến hiện chỉ đạt 35 hải lý. Ông nói đây là điều khiến thế kỷ 21 có nhiều cơ hội tránh được đại chiến so với thế kỷ 20. Ông Kaplan thừa nhận những vùng biển mênh mông đã không ngăn được cuộc chiến Nga-Nhật, nội chiến ở Trung Quốc, cuộc chiến Triều Tiên hay các cuộc chiến ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhưng ông nói thời kỳ của các cuộc xung đột có yếu tố giải phóng dân tộc hay củng cố quốc gia đã qua và quân đội của các nước Đông Á đang phát triển theo hướng hướng ngoại với lực lượng không quân và hải quân kỹ thuật cao. Trữ lượng dầu khí Tạp chí Foreign Policy nói Biển Đông là cửa ngõ của hàng hải toàn cầu và hơn một nửa lượng hàng hóa thương mại chuyên chở bằng đường biển đi qua vùng biển này. Trong khi đó hai phần ba nguồn năng lượng của Hàn Quốc, 60% của Đài Loan và Nhật Bản, và 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Biển Đông.
Tác giả Robert Kaplan nói đường lưỡi bò trải dài từ Đảo Hải Nam của Trung Quốc xuống gần Singapore và Malaysia đã khiến cho chín nước giáp Biển Đông gần như đã đứng về một phía trong cuộc đối chọi với Trung Quốc. Về việc chiếm hữu các đảo hay bãi đá nổi hoặc ngầm trên Biển Đông, Foreign Policy nói Trung Quốc có 12, Đài Loan 1, Việt Nam 25, Philippines 8 và Malaysia 5. Tạp chí này so sánh vị trí của Trung Quốc ở Biển Đông với vị trí của Hoa Kỳ ở vùng Biển Caribe hồi thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20: "Hoa Kỳ thừa nhận sự hiện diện và đòi [chủ quyền] của các nước Châu Âu ở Caribe nhưng vẫn tìm cách thống trị vùng này. "Chính Cuộc chiến Hoa Kỳ - Tây Ban Nha hồi năm 1898 và việc đào Kênh Panama từ năm 1904 tới năm 1914 đã ghi dấu vị trí siêu cường thế giới của Hoa Kỳ. "Sự thống trị tại khu vực Biển Caribe còn cho phép Hoa Kỳ kiểm soát Tây Bán cầu và qua đó ảnh hưởng tới cán cân lực lượng ở Đông Bán cầu. "Ngày nay Trung Quốc đang ở tình thế tương tự trên Biển Đông, sân sau của Ấn Độ Dương, nơi Trung Quốc cũng muốn có sự hiện diện hải quân để bảo vệ đường vận chuyển nhiên liệu từ Trung Đông." Bảo vệ tự do Ông Robert Kaplan cũng nói những toan tính của Trung Quốc còn có nguồn gốc lịch sử khi mà họ bị Anh, Pháp, Nhật và Nga chiếm đất hồi thế kỷ 19 dưới thời nhà Thanh sau hàng ngàn năm ở vị trí siêu cường và có tư cách một nền văn minh của thế giới.
"Sự thôi thúc mở rộng [bờ cõi] của Trung Quốc còn là tuyên bố họ sẽ không bao giờ để cho người ngoại quốc lợi dụng họ," ông Kaplan viết. Ông nói mặc dù không tuyên bố, nhưng Trung Quốc sẽ theo phương châm "Kẻ mạnh làm những gì họ đủ sức làm và kẻ yếu phải hứng chịu những gì họ phải hứng chịu". Nhưng với sự hiện diện của Hoa Kỳ và bản chất toàn trị ở mức độ thấp của Trung Quốc, ông Kaplan tin rằng sẽ không xảy ra một cuộc chiến với nhiều thương vong. Chuyên gia này nói những tranh chấp trên Biển Đông không hề mang tính triết lý mà chỉ đơn giản là logic tương quan lực lượng và đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc. Ông cũng nhận định sự hiện diện của nhiều tàu chiến trên Biển Đông không nhất thiết là sự đe dọa cho kỷ nguyên đầy hứa hẹn của Châu Á vì "xung đột mà được kiểm soát đúng mức dễ dẫn tới tiến bộ của loài người hơn là sự ổn định chặt chẽ" và "bất ổn thường đẻ ra sự năng động". Foreign Policy nói trên thực tế các nước trong vùng Đông Nam Á đều tăng ngân sách quốc phòng trong lúc các nước Châu Âu giảm chi tiêu quân sự. Nhập khẩu vũ khí của Indonesia tăng 84%, Singapore tăng 146%, Malaysia tăng 722% kể từ năm 2000. Malaysia cũng vừa khánh thành căn cứ tàu ngầm ở Borneo. Việt Nam đã chi hai tỷ đôla để mua sáu tàu ngầm hạng Kilo và một tỷ đôla để mua máy bay chiến đấu của Nga. Nhưng chuyên gia của Foreign Policy nhận định Hoa Kỳ sẽ vẫn giúp đảm bảo hiện trạng "không dễ dàng" tại Biển Đông trong thời gian trước mắt và "giới hạn sự hung hăng của Trung Quốc ở mức chủ yếu trên bản đồ". Tác giả Robert Kaplan cũng trích một nghiên cứu của học giả Australia, ông Hugh White, nói rằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và sự thống trị của Hoa Kỳ ở Châu Á lại có thể là nguồn gây bất ổn khi hai siêu cường này có xung đột về lợi ích. Ông Kaplan khuyến cáo Hoa Kỳ nên hướng vai trò của họ ở Châu Á tới sự cân bằng, thay vì áp đảo. "Hoa Kỳ không cần tăng cường sức mạnh hải quân tại Tây Thái Bình Dương nhưng cũng không thể giảm đáng kể [sự hiện diện của hải quân]. "...Sự cân bằng sức mạnh, hơn cả các giá trị dân chủ của phương Tây, thường vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ tự do." |