Châu Á lo lắng trước những khó khăn kinh tế của châu Âu và Mỹ |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Hai, 15 Tháng 8 Năm 2011 13:36 |
“Châu Âu lo ngại, Hoa Kỳ cũng đang lo ngại” Tỷ giá hối đoái yen và đô-la tại Tokyo, ngày 5/8/2011. Reuters / Kim Kyung-Hoon Trong những ngày vừa qua, các nước châu Á tỏ ra lo lắng trước tình hình kinh tế Mỹ và châu Âu đang gặp khó khăn. Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long cảnh báo nền kinh tế của châu Á, kể cả của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ bị tổn thương, nếu như Hoa Kỳ và châu Âu lại rơi vào suy thoái.
Ông nói, “Châu Âu lo ngại, Hoa Kỳ cũng đang lo ngại” và chính điều này đã dẫn đến những chao đảo trên thị trường tài chính toàn cầu. Theo thủ tướng Singapore, thì sự bấp bênh của thị trường tài chính quốc tế phản ánh một vấn đề thực tế, đó là sự mất lòng tin của giới đầu tư vào khả năng của các chính phủ châu Âu và Hoa Kỳ đưa ra được những quyết định mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề nghiêm trọng. Ông Lý Hiển Long thẳng thắn nhận định, chính phủ Mỹ chi tiêu quá mức, thâm hụt ngân sách lên đến mức khó có thể chịu đựng nổi, hơn nữa, các bất đồng giữa hai phe, Cộng hòa và Dân chủ tại nghị viện càng làm cho việc giải quyết những vấn đề của đất nước thêm khó khăn. Để đối phó với nguy cơ suy thoái, Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế đang trỗi dậy phải nhanh chóng hành động. Thế nhưng, tất cả các nước này sẽ bị tác động, bị tổn thương nếu như Hoa Kỳ và châu Âu lại đi vào một cuộc suy thoái khác. Lời cảnh báo trên đây của lãnh đạo Singapore trùng hợp với suy nghĩ của các nước trong Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN. Trong cuộc họp hôm thứ Bẩy, 13/08 tại Manado, Indonesia, các bộ trưởng Tài chính của khối ASEAN cho rằng tăng trưởng trong khu vực năm nay có thể bị chậm lại do khủng khoảng nợ tại châu Âu và Hoa Kỳ cắt giảm chi tiêu. Trong năm 2010, tăng trưởng trung bình của ASEAN đạt mức 7,5%. Năm nay, ASEAN dự báo tăng trưởng chỉ vào khoảng 6% và nhấn mạnh là cần phải cảnh giác trước những rủi ro và thách thức như khủng hoảng nợ và các vấn đề ngân sách tại một số nước phát triển, giá cả nguyên liệu, thực phẩm tăng, thị trường tài chính toàn cầu căng thẳng. Sự lo lắng của châu Á là điều dễ hiểu. Thị trường Mỹ và châu Âu vẫn giữ vai trò quan trọng hàng đầu đối với các nền kinh tế châu Á vốn phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu. Singapore là một ví dụ điển hình. Trong quý hai năm nay, xuất khẩu của quốc đảo thấp hơn quý một là 6,5% do nhu cầu nhập khẩu hàng điện tử trên thế giới tụt giảm. Trong bối cảnh hai cực kinh tế chính trên thế giới là Hoa Kỳ và châu Âu bị lao đao, để giảm bớt tác động tiêu cực, các nước ASEAN nhấn mạnh đến việc thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc. Theo số liệu của ASEAN, trong năm 2010, trao đổi thương mại trong khối này lên đến 519,7 tỷ đô la, còn kim ngạch ngoại thương ASEAN-Trung Quốc đạt mức 230 tỷ đô la. Xuất khẩu của các nước Đông Nam Á sang Trung Quốc, trong cùng năm 2010, tăng hơn 39%, nhập khẩu tăng gần 22%. Phó tổng thư ký ASEAN Sudram Pushpanathan tin tưởng là dự trữ ngoại tệ, vấn đề an toàn lương thực và hệ thống ngân hàng của các nước ASEAN có thể giúp cho khối này đối phó được với những bất trắc về kinh tế tài chính trên thế giới, nhưng ông cũng thừa nhận là cần phải theo dõi sát sao những biến động của thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu, bởi vì các luồng vốn ngắn hạn đổ vào các nền kinh tế châu Á có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát, hiện đang là vấn đề đau đầu đối với giới lãnh đạo nhiều nước trong khu vực. |