Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15 Tháng 8 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15 Tháng 8 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Hai, 15 Tháng 8 Năm 2011 10:45

Internet : vũ khí hành động của các nhà bất đồng chính kiến

 

Khoảng 50 người đến ủng hộ bà Vương Lệ Hồng tại nơi xét xử, ngoại ô Bắc Kinh, sáng thứ Sáu 12/8/2011.
RFI / Stéphane Lagarde

Nhật báo Le Monde số ra chủ nhật ngày 14/8 và thứ hai 15/8 có bài nhận định về phiên xử bà Vương Lệ Hồng (Wang Lihong).

 Theo tác giả, trong khi báo chí vẫn bị kiểm duyệt, thì Internet lại trở thành một công cụ hữu hiệu cho người dân và những nhà bất đồng chính kiến, trình bày quan điểm của mình.

Hàng chục người, được trang bị điện thoại di động, máy chụp hình, đã đến trước cổng tòa án để theo dõi phiên xử công khai nhà đấu tranh Vương Lệ Hồng, 55 tuổi, bị bắt ngày vào ngày 21/3 và bị kết tội « kêu gọi biểu tình ».

Bên ngoài phiên tòa, dưới cái nóng oi bức và bụi bặm đến từ các công trường, những người đến ủng hộ bà lén đưa cho các nhà báo nước ngoài những tài liệu về vụ án để nêu rõ sự bất công và áp bức. Bởi vì, bà Vương Lệ Hồng được nhiều người biết đến, vì sự giúp đỡ của bà đối với những người ký bản kiến nghị nghèo khổ khi họ lên Bắc Kinh.

Le Monde cho biết, trong một lần trả lời phỏng vấn, bà Vương Lệ Hồng đã nhấn mạnh đến vai trò của Internet, và cho rằng các nhà đấu tranh có thể « chiến đấu bằng các máy quay phim ».

Bà khẳng định « chúng tôi quay phim và đưa lên mạng những gì đang xảy ra. Điều này được Hiến pháp cho phép ».

Theo Le Monde, những phiên xử các nhà đấu tranh như trường hợp của Vương Lệ Hồng là dịp cho các vụ tập hợp ủng hộ, mà các trang mạng xã hội đóng góp vai trò quan trọng. Kiểu hành động, dưới cái tên « cái nhìn cảnh giác », thu hút giới trẻ, ngày càng hiểu rõ hơn về những sự dối trá của lời tuyên truyền.

Tác giả bài viết nhắc lại phiên xử ba cư dân mạng tỉnh Phúc Kiến năm 2010, bị kết án từ 1 đến 2 năm tù, vì tội đã cho truyền trên mạng Internet lời chứng của một người mẹ nghi ngờ con gái mình bị cảnh sát địa phương hãm hiếp và sát hại. Vào thời điểm đó, tác động trên Internet thật là lớn.

Le Monde trích dẫn lời tuyên bố của bà Vương Lệ Hồng « sẵn sàng chấp nhận trả giá » cho những gì bà đang làm. Bà nói « Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà các luật sư bị biến mất (...). Tuy nhiên, các hình ảnh  chúng tôi đưa lên, cho thấy người dân không ưa thích bạo lực và cảnh sát lưỡng lự đối xử thô bạo với người dân. Điều đó mang lại niềm hy vọng ».

Cuối cùng, Le Monde cho biết, trong khi chờ tuyên bố bản án, những hình ảnh và thông điệp sẽ tiếp tục di chuyển đến các công dân có lương tâm trên các trang web Trung Quốc.

Cũng liên quan đến đề tài, nhật báo Le Monde chú ý đến sự trở về ấn tượng của Ngải Vị Vị, sau khi ra tù vào tháng sáu này.

Lần đầu tiên, kể từ sau khi được trả tự do vào tháng 6 vừa qua, Ngải Vị Vị đã đánh dấu sự trở về của mình đáng kinh ngạc trên mạng. Bất chấp lệnh phải giữ yên tĩnh, ông viết : « Nếu như các bạn không lên tiếng bảo vệ Vương Lệ Hồng và Nhiễm Vân Phi (Ran Yunfei) – một nhà đấu tranh bị bắt và bất ngờ được trả tự do … - không những các bạn không có khả năng bảo vệ mọi ý tưởng công lý và chính trực, mà các bạn cũng không còn sự tôn trọng đối với chính bản thân mình ».

Cùng ngày hôm đó, nhật báo Global Times đã cho đăng « phỏng vấn đặc biệt » đầu tiên của Ngải Vị Vị, dù rằng việc này bị chính quyền cấm. Le Monde nhận định, một tin đặc biệt kỳ quặc, dường như là để cứu vãn cho bộ mặt của chính quyền, hơn là việc uốn nắn lại một đứa trẻ lỳ lợm.

Dù rằng, ông Ngải Vị Vị công nhận là « lật đổ chính quyền bằng một cuộc cách mạng triệt để không phải là một phương thức tốt để giải quyết mọi vấn đề tại Trung Quốc » và « điều quan trọng nhất là một hệ thống dân chủ và có tính khoa học », nhưng ông cũng khẳng định rằng « sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh chống bất công ».

Nhìn sang Nhật Bản, tuy rằng cuộc sống đang dần trở lại bình thường sau thảm họa hạt nhân Fukushima. Người ta có cảm giác rằng sự yên tĩnh đang thay dần cho trạng thái khủng hoảng.

Tuy nhiên, theo thông tín viên nhật báo Le Monde, tại Tokyo, thì cảm giác này không giống như những câu chuyện mà ta nghe được trong các quán ăn, hay giữa những người bạn với nhau, hoặc giữa những người đến từ vùng thảm họa.

« Sau Fukushima, người Nhật bày tỏ sự giận dữ qua các tiệm báo » là tựa đề một bài viết của tác giả Philippe Pons. Người Nhật không còn tin tưởng vào chính quyền hay báo chí.

Theo tác giả, nếu muốn biết người Nhật bất bình đến mức nào, thi chỉ cần quá bước vào các tiệm sách, thì sẽ hiểu ngay nỗi niềm ấm ức của họ.

Tại đó, các sách và những tạp chí số ra đặc biệt có liên quan đến chủ đề hậu thảm họa như : sự thông đồng, thủ đoạn, thao túng công luận, đều được công chúng Nhật quan tâm đến.

Người Nhật muốn tìm hiểu tại sao lại có thảm họa này và muốn biết những hiểm nguy nào có thể giáng xuống đầu, và mong muốn có những thông tin chính xác về thực trạng của 54 lò phản ứng hạt nhân trên quần đảo này.

Nhiều đầu sách trước đây được ấn bản rất ít, thậm chí còn không được biết đến, thì nay số phát hành đã tăng vọt một cách ngạc nhiên. Điển hình là đầu sách « Sự dối trá của năng lượng hạt nhân » của tác giả Hiroaki Koide, giáo sư Viện nghiên cứu hạt nhân thuộc trường Đại học Kyoto, trước đó được phát hành với khoảng vài ngàn bản, thì nay tăng vọt lên đến 250.000 ấn bản, đứng đầu các sách được bán tại Nhật.

Một số đầu sách của cựu quan chức chính phủ, hay các các kỹ sư từng tham gia xây dựng lò hạt nhân cũng được nhiều độc giả Nhật quan tâm tới.

Các số đặc biệt của các tạp chí ghi nhận số phát hành kỷ lục. Ngoài những lời buộc tội đối với toàn bộ hệ thống xã hội, độc giả Nhật cũng quan tâm đến những định hướng trong tương lai, như bài viết của tác giả Masayoshi Son trên nguyệt san Sekai, thuộc phe trung tả.

Ông Masayoshi Son là chủ tịch tập đoàn Softbank, gương mặt đại diện trường phái tư bản chủ nghĩa, độc lập với những tập đoàn lớn. Ông kêu gọi hình thành « một vành đai năng lượng mặt trời » trên đảo Honshu, đông bắc Nhật Bản, nơi bị sóng thần tàn phá.

Trên lĩnh vực khoa học, nhật báo Le Monde hôm nay quan tâm đến một chương trình phát triển công nghệ tại Ấn Độ.

Bài báo cho biết, theo nguyên tắc « kỹ thuật tiết kiệm », trung tâm chuyên nghiên cứu về công nghệ nano đang tìm cách sáng chế ra những sản phẩm và máy móc rẻ tiền nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội Ấn Độ.

Một chiếc máy thử độ phì nhiêu của đất, cho phép nông dân phân tích thành phần của đất để rồi sau đó, họ có thể tính toán liều lượng phân bón cần dùng, giúp nông dân giảm bớt chi phí đi vay để mua phân bón.

Một chiếc máy nhỏ phát hiện những nguy cơ rối loạn nhịp tim, giá khoảng 3 đến 4€, cho phép các bệnh viện nông thôn có thể tự trang bị. Hay một chú chó rô-bốt có thể phát hiện ra những chất gây nổ siêu nhỏ trong vòng bán kính 1m … Đó chính là những sản phẩm do trung tâm nghiên cứu công nghệ nano sáng chế ra.

Le Monde cho biết, trung tâm này trực thuộc học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) tại Bombay. Với khẩu hiệu « Một cách nhẹ nhàng, bạn có thể làm rung chuyển thế giới », IIT là một trong những trường đào tạo kỹ sư uy tín nhất của Ấn Độ. Đây chính là nơi mà nhiều nhà nghiên cứu Ấn Độ đều thèm muốn được vào, kể cả đối với những nhà nghiên cứu nào đang sống ở Mỹ và mong muốn hồi hương.

Ông Ramgopal Rao cho biết, phòng thí nghiệm của Trung tâm nghiên cứu công nghệ nano mở rộng hoạt động ra bên ngoài nhờ vào « chương trình Ấn Độ cho những người sử dụng công nghệ nano ».

Theo đó, các nhà nghiên cứu hay sinh viên của những thành phố nhỏ không có điều kiện cơ sở để làm nghiên cứu sẽ đến trung tâm này trong vài tháng để thử nghiệm một ý tưởng nào đó hay để được đào tạo với công nghệ nano. Nguyên tắc này đã thu hút sự chú ý của viện nghiên cứu không gian Ấn Độ hay các doanh nghiệp lớn.

Thế nhưng, có một nghịch lý là « tiền thì vô như nước, nhưng không thể nào tiêu hết ». Khoảng 30 trường chia nhau khoản tiền 8 tỷ đô-la mỗi năm.

Một mặt, do các trường đại học địa phương không chú trọng đến nghiên cứu, họ bị lệ thuộc nhiều vào các chính quyền địa phương, và vì các lý do chính trị, họ chỉ tập trung chủ yếu vào đào tạo để cung cấp tối đa cho sinh viên cơ hội có được việc làm.

Mặt khác, nghiên cứu khoa học hiện tại do Nhà nước tài trợ là chủ yếu và lương của các nhà khoa học vẫn còn thấp hơn so với những người làm trong lãnh vực tư nhân. Le Monde cho biết Ấn Độ có khoảng 150.000 nhà nghiên cứu, so với Pháp là 200.000 người.

Mục tiêu trước mắt của chính phủ Ấn Độ là nâng cao mức chi tiêu cho nghiên cứu khoa học và phát triển lên 2% so với GDP, thay cho mức 0,8% hiện nay.

Cuối cùng, Le Monde cho biết giữa 2000 - 2008, số lượng các bài nghiên cứu khoa học được đăng đã tăng vọt lên 70%, chủ yếu trong lãnh vực hóa học.