Home Tin Tức Thời Sự Chính quyền vẫn đàn áp, dân Syria vẫn biểu tình

Chính quyền vẫn đàn áp, dân Syria vẫn biểu tình PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Chúa Nhật, 14 Tháng 8 Năm 2011 16:01

Xuống đường hàng chục ngàn người

BEIRUT (Washington Post) - Hàng chục ngàn người dân Syria đổ ra đường phố hôm Thứ Sáu để tham dự các cuộc biểu tình khắp nước, bất chấp sự đàn áp ngày càng dữ dội của chế độ, giữa lúc có dấu hiệu cho thấy thế giới vẫn còn ngần ngại chưa trực tiếp đòi Tổng Thống Bashar al-Assad phải ra đi.

 

 
Chiến xa của chính quyền Syria tập trung hôm Thứ Bảy để tấn công vào thành phố Latakia, nơi hàng ngàn người xuống đường biểu tình chống chế độ một ngày trước đó. (Hình: AP Photo/Shams News Network, via APTN)


Các nhóm tranh đấu cho nhân quyền cho hay ít nhất 15 người biểu tình bị lực lượng an ninh bắn chết khi chính quyền Syria gạt bỏ các kêu gọi của quốc tế là hãy chấm dứt sự bạo động và tiến hành cải cách.

Trong số các thành phố và thị trấn nơi dân chúng kéo ra đường biểu tình sau buổi cầu nguyện giữa trưa là Hama và Deir-al-Zour, hai mục tiêu chính trong các cuộc tấn công đàn áp mới đây của quân đội, có cả chiến xa hỗ trợ, cho thấy nỗ lực của chế độ nhằm tiêu diệt cuộc nổi dậy từ năm tháng nay đã không làm dân chúng sợ hãi.

Trong một chỉ dấu cho thấy sự bất mãn gia tăng trong thành phần phản đối chế độ, vốn đã xuống đường liên tiếp 22 ngày Thứ Sáu, lời hô hào tuần này không chỉ đòi lật đổ chế độ mà còn đòi ông Assad phải đền mạng cho những người bị giết.

“Người dân muốn xử tử tổng thống,” đám đông hô lớn trong các cuộc biểu tình ở Damascus, Daraa, Hama, Homs và các thành phố cũng như thị trấn khác, theo các nhà tranh đấu.

Trong một cuộc họp báo ở Washington, Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton lập lại đòi hỏi của chính phủ Mỹ là ông Assad phải “ngay lập tức chấm dứt các hành vi bạo động, rút lại các đơn vị an ninh, đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của người dân Syria là có sự chuyển đổi dân chủ”. Bà cũng kêu gọi các chính phủ Âu Châu hãy đưa ra các biện pháp trừng phạt kỹ nghệ dầu hỏa và khí đốt của Syria.

Tuy nhiên, một lời thông báo của Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm Thứ Tư là sẽ cho Assad từ 10 đến 15 ngày để tiến hành việc cải cách có vẻ đã làm chậm lại các nỗ lực đòi ông Assad phải ra đi.

Các nhà tranh đấu Syria cho hay hạn định do ông Erdogan đưa ra được xem là tín hiệu “đèn xanh” để Assad tiếp tục cuộc đàn áp thêm một thời gian nữa.

 Bộ binh Syria, có sự hỗ trợ của chiến xa và pháo binh, đã được đưa đến các thành phố nơi được coi là các cứ địa chính của phía chống chính phủ để ào ạt bắn phá hầu khuất phục người dân.

Có hàng trăm người đã thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị bắt kể từ khi chiến dịch đàn áp khởi sự ngay trước tháng lễ Ramadan.

Hồi đầu tuần này, các giới chức Mỹ nói rằng Tổng Thống Obama sắp kêu gọi ông Assad hãy ra đi, một điều mà thành phần tranh đấu hy vọng sẽ làm chế độ Syria suy yếu thêm.

Tuy nhiên, bà Clinton nói rõ hôm Thứ Sáu là Mỹ không muốn làm điều này mà không tham khảo các đồng minh quan trọng để không bị cho là đòi hỏi này “chỉ đến từ Mỹ hay thế giới Tây phương”.

Một lý do khác khiến Mỹ ngần ngại, như bà Clinton giải thích trong cuộc phỏng vấn dành cho hệ thống truyền hình CBS hôm Thứ Năm, là cho đến nay Mỹ chưa nhìn thấy một nhà lãnh đạo nào hay một kế hoạch nào đưa ra sau khi Assad ra đi.

“Áp lực đó đòi hỏi phong trào chống đối phải hình thành được một thực thể rõ ràng.

 Ðiều này hiện chưa có,” bà cho hay. “Chúng tôi chắc chắn nghĩ là người dân Syria phải được hưởng dân chủ, nhưng chúng tôi cũng biết rằng phải thay thế một người bằng một người khác. Và người khác đó hiện vẫn còn trong giai đoạn hình thành.”