Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14 Tháng 8 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14 Tháng 8 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 14 Tháng 8 Năm 2011 15:44

Thế giới vẫn còn nhiều “bức tường Berlin”

 

Tổng thống Đức Christian Wulff, Chủ tịch Quốc hội Norbert Lammert và Thủ tướng Angela Merkel (từ trái qua phải) tại buổi kỷ niệm 50 năm bức tường Berlin, 14/8/2011. Reuters

 

Trong lịch sử thế giới, đã có biết bao dân tộc hứng chịu nổi đau chia cắt.

 Mấy ai quên được sông Bến Hải tại vỹ tuyến 17 chia cắt nam bắc Việt Nam suốt hơn 20 năm trời.

Mấy ai quên được bức tường Berlin chia cắt nước Đức ngót 28 năm dài đăng đẵng.

 Đã 20 năm trôi qua, kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, thế mà hiện tại trên thế giới vẫn còn nhiều bức tường theo kiểu Berlin. Tạp chí Le Monde số ra tuần này mang đến cho chúng ta một cái nhìn bao quát về những bước tường chia cắt đang tồn tại trên thế giới.

Tờ báo cho rằng, những bức tường chia cắt được xây dựng thường có tác dụng tinh thần: Nó giúp người xây dựng cảm thấy rằng đối tượng khác biệt của mình đã ngừng tồn tại hoặc đã biến mất một cách kỳ diệu khỏi tầm nhìn của họ. Chỉ bằng việc tách biệt được với đối tượng không ưa thích cũng đủ giúp họ cảm thấy những nỗi đau của họ được xoa dịu.

Rải rác hiện tại vẫn còn những bức tường chia cắt từ Belfast (Ailen) đến bang Arizona (của Hoa Kỳ giáp Mêhicô), từ Bàng Môn Điếm (bán đảo Triều Tiên) đến Jerusalem … Một vài bức tường dài đến 3 000 km như bức tường dọc ranh giới Mỹ - Mêhicô, nhiều bức tường khác được xây dựng như 7 bức tường phòng vệ của Maroc bao bộc tây Sahara, rồi những bức tường khác qui mô nhỏ hơn cũng được dựng lên, như bức tường ngăn cách người Công giáo và người Tin Lành ở Belfast.

Một vài bức tường được xây dựng để trấn an người dân, để ngăn cách họ với kẻ thù bên ngoài như những bức tường và hàng rào kẻm gai của Israel ở bờ tây sông Jordan và xung quanh dãy Gaza.

Cũng có những bức tường giúp ngăn ngừa sự ảnh hưởng của kẻ thù như trường hợp của bức tường Berlin được xây dựng để ngăn dòng di cư của người Đông Đức sang Tây Đức, hay bức tường do các tướng lĩnh Hàn Quốc dựng lên để ngăn ngừa sự ảnh hưởng của cộng sản lên đất nước họ.

Bài viết trên được minh họa bằng hình ảnh của nhiếp ảnh gia người Đức Kai Wiedenhofer.

 Năm phá hủy bức tường Berlin người này mới 23 tuổi. Ông chia xẻ cảm xúc về việc sụp đổ bức tường chia cách này: “Đó là một sự kiện chính trị tích cực nhất mà tôi được tham gia”.

Theo ông, nếu nghĩ rằng việc xây dựng bức tường chia cách là một biểu hiện của việc tự nhốt mình và nhốt người khác, thì việc phá hủy nó như vậy là một sự giải phóng cho cả hai phía. Cuối cùng, ông kết luận: Những hàng rào được xây dựng là những vật bảo vệ, nhưng cũng là một chiếc lồng tự nhốt mình.

Hình ảnh minh họa của Wiedenhofer được Le Monde giới thiệu gồm có: Bức tường ở bang Arizona giữa Hoa Kỳ và Mêhicô được hoàn thành vào tháng 4/2008, với mục tiêu là ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào đất Mỹ; Vùng phi quân sự Bàng Môn Điếm ngăn cách hai miền Triều Tiên; Hàng rào ở phía bắc Belfast Bắc Ai-Len ngăn cách hai cộng đồng Công giáo và Tin Lành; bức tường ở bờ tây sông Jordan ngăn cách người Israel và người Palestine, được xây dựng từ năm 2002.

Ngoài ra thế giới còn chứng kiến sự tồn tại của những hàng rào kẽm gai vô hình như những luật lệ bảo vệ khu vực Schengen tại Châu Âu chẳng hạn.

Tổng kết chủ đề này, Le Monde nhận định: Những hàng rào kẽm gai hay bức tường chia cắt được dựng lên với mục đích ban đầu là duy trì hòa bình và an ninh, nhưng rốt cuộc nó thường khiến kéo dài xung đột và bất công.

Quá khứ chưa hết chia rẽ người Đức

Trở lại với kỷ niệm 50 năm ngày xây dựng bức tường Berlin chia cắt nước Đức, Le Monde có bài phản ánh ảnh hưởng của bức tường này trong hiện tại đối với người Đức.

 Bài viết chạy tựa: “Bức tường vẫn tồn tại trong tâm trí”.

Tác giả nhận định: hai mươi năm sau khi bức tường Berlin biến mất, những ảnh hưởng của nó trong tâm hồn của đa số người Đức, nhất là người Berlin vẫn còn tiếp tục, bởi người Berlin luôn phân chia thành hai phe.

Nhiều người Berlin hiện tại vẫn cảm thấy mình thuộc về cái gọi là “Đông Đức” hay “Tây Đức”. Hai miền đông tây của Berlin vẫn có chế độ bầu cử khác nhau, báo chí khác nhau.

 Đặc biệt đối với bức tường Berlin, họ có cái nhìn khác nhau, tức theo kiểu “bức tường chống phát xít” theo cách gọi của người Đông Đức trước kia, và “bức tường ô nhục” theo cách gọi của người Tây Đức.

Thậm chí người hai miền Berlin không có cái nhìn thiện cảm về nhau, như việc người Tây Berlin hiện tại vẫn cho rằng phía Đông Berlin là lạc hậu.

Thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại

Tình hình kinh tế thế giới hiện tại hầu như không ai còn có thể hoàn toàn kiểm soát được.

 Ai là thủ phạm? Le Nouvel Observateur (LNO) nhận định: “Đó là một phim kinh dị mà diễn viên nào cũng có phần tham gia”.

Sự bốc đồng của các công ty thẩm định tài chính

Thủ phạm đầu tiên mà LNO đề cập đó chính là các công ty thẩm định tài chính. Cách hành xử của những công ty này là quá “bốc đồng”. Như việc vừa rồi công ty Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Hoa Kỳ từ AAA (mức cao nhất) xuống còn AA+.

 Theo một chuyên gia, việc hạ điểm này diễn ra không đúng lúc, bởi chỉ vài ngày sau khi lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua nâng trần nợ công, ngay giữa mùa hè và trong giai đoạn cao trào căng thẳng của thị trường trái phiếu, và lại dựa trên những số liệu không chính xác.

 Bởi thế, việc công bố điểm tín nhiệm theo kiểu vừa qua chỉ thêm dầu vào lửa, làm nghiêng ngửa không chỉ thị trường Hoa Kỳ mà còn gây hoang mang cho cả hành tinh.

Việc các công ty thẩm định có ảnh hưởng quá lớn cũng có ảnh hưởng tiêu cực.

 Một đánh giá tín nhiệm của họ có ý nghĩa quyết định số mệnh. Như đối với một quốc gia đang lâm nợ, việc hạ điểm tín nhiệm chẳng những không giúp ích được gì mà còn làm vấn đề thêm trầm trọng, dấy lên sự lo ngại về việc mất khả năng thanh toán.

Tờ báo ví von: giống như một thầy giáo, khi thấy học trò của mình giảm sút trình độ, lại cho thêm những bài toán khó để khiến học trò này trở nên dốt hơn.

Tham vọng của giới ngân hàng

Trong bộ phim kinh dị mang tên “Khủng hoảng: sự trở về”, những người hoạt động ngân hàng thủ vai “những tên mafia” tổ chức những canh bạc, đó chính là các thị trường tài chính.

 Tờ báo đặt câu hỏi: Liệu có thể buộc tội tham lam cho một cỗ máy được thiết kế cho việc kiếm tiền trong ngắn hạn? Theo tờ báo, một vài quốc gia đã biết cách điều tiết rất tốt lĩnh vực tài chính, như ở Canada chẳng hạn.

Sự bất lực của giới chính trị

Những nhà lãnh đạo chính trị giữ quyền quyết định trong tay, họ giống như đạo diễn của bộ phim kinh dị nói trên. Thế nhưng, họ không hoàn thành tốt vai trò của mình.

 Một chuyên gia nhận đinh: “Ở Mỹ và Châu Âu, các chính phủ từ lâu cứ phó mặc cho các tổ chức tư nhân soạn thảo ra những qui chuẩn kế toán và ngân hàng, và thẩm định nợ công các nước, để rồi kéo theo hậu quả như chúng ta đã thấy”.

Tờ báo đặt câu hỏi: Ai đã tạo ra một chủ nghĩa tư bản được toàn cầu hóa cao độ mà không hề chịu sự giám hộ của một sự quản lí chính trị nào?

Từ 30 năm nay, ai đã và đang tin vào câu chuyện ngụ ngôn về khả năng tự điều tiết của thị trường? ... Các nhà chính trị thế giới không rút ra được bài học nào từ cuộc khủng hoảng năm 2008, nhóm G20 cũng đã quên đi sứ mệnh cải tổ lại hệ thống của mình.

Từ hai năm nay, người ta cố cứu các ngân hàng trong khi những ngân hàng này lại hành xử không đúng đắn. Đến hiện tại chưa có một quyết tâm chính trị nào để cải thiện tình hình bằng cách tách các hoạt động mang tính thị trường của các ngân hàng ra khỏi các hoạt động ngân hàng thuần túy.

Ngay cả lúc dầu sôi lửa bổng nhất, các nhà chính trị cũng không biết đặt lợi ích chung lên hàng đầu, vẫn tiếp tục chia rẻ gây hại đến thị trường.

 Như ở Mỹ vừa qua, đảng Cộng Hòa đã đặt lợi ích đảng phái lên trên mục tiêu phục hồi kinh tế và khắc phục nạn thất nghiệp. Một chuyên gia nhận định rằng, người thuộc đảng Cộng Hòa lúc đó làm tất cả để ngăn tổng thống Obama đắc cử.

Thêm vào đó, người Mỹ quá tin tưởng vào sức mạnh và sự bền vững của đồng đô la. Còn giới lãnh đạo Châu Âu thì không tìm được tiếng nói chung, đến nỗi mà để cho tinh thần xây dựng Châu Âu bị đe dọa.

Obama có thể bị khủng hoảng kinh tế đánh gục?

Khủng hoảng tài chính không chỉ làm chao đảo nền kinh tế Hoa Kỳ mà còn đe dọa tương lai của đương kim tổng thống Mỹ ông Barack Obama, đó là nhận định của bài viết đăng trên tạp chí Le Nouvel Observateur (LNO).

Nước Mỹ có lẽ đã bắt đầu tỉnh “mộng Obama” sau gần 3 năm ông này làm chủ Nhà Trắng. Cơn bão tháng 8 này vừa quét đi mọi điều ảo tưởng với nhiều sự “sụp đổ” trọng đại.

Trước tiên, LNO bàn về “sự sụp đổ về mặt chính trị”.

Đó là sự biến chất của các cuộc vận động hành lang, sự tung quá nhiều đô la vào các chiến dịch tranh cử, sự bất lực của nghị viện trong việc ra quyết định cuối cùng… Barack Obama đã hứa sẽ khắc phục mọi điều đó trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2008. Thế mà, đến hiện tại ông đã thất bại trên mọi mặt trận.

Đảng Cộng hòa đối lập có bao giờ không phản đối chính sách của một tổng thống thuộc phe Dân chủ. Vì thế chính quyền Obama gặp lắm khó khăn, nhất là vụ nâng trần nợ công vừa qua.

Theo LNO, thật ra , tổng thống Obama có thể bắt chước ông Bill Clinton ngăn chặn sự tấn công và buộc phe Cộng Hòa lùi bước với tư cách là tổng thống. Ông Obama đã có nhiều cơ hội để làm điều đó nhưng ông đã bỏ lỡ do ưu tiên của ông là tìm cho được một sự thỏa hiệp với đảng Cộng hòa về vấn đề nợ công và ngân sách, trong khi đảng này bằng mọi giá ngăn cản. Từ đó, cánh tả của ông cũng bắt đầu thất vọng về ông.

Sự sụp đổ về đạo đức:

Ở đây LNO để cập đến các ngân hàng và công ty thẩm định tài chính. Trong khi những tổ chức này đẩy thế giới vào chân tường, thì tổng thống Obama có những người thân cận xung quanh là những “người bảo vệ cho giới tài chính”. Nhiều cố vấn kinh tế của tổng thống đã kiếm được khối tiền ở thị trường chứng khoán New york.

Tệ hại hơn đó là sự chiến thắng toàn diện một cách thiếu đạo đức của một bộ phận những người cực giàu mà sự kiêu ngạo và vị kỷ đã phương hại đến giấc mơ Hoa Kỳ. Từ đó, sự tín nhiệm của dân đối với chính phủ vốn đã yếu lại càng yếu.

Sự sụp đổ về mặt kinh tế:

Biến động mùa hè 2011 này có thể là hồi chuông cảnh báo về sự giảm khả năng cạnh tranh của nước Mỹ. Người dân cảm thấy thất vọng vì hệ thống chính trị không thể đảm bảo cho sự tối ưu của nền kinh tế và cho mức sống của người dân. Hiện tại, hệ thống giáo dụng đang xuống dốc, cơ sở hạ tầng xuống cấp …

Cuối cùng là sự sụp đổ về tinh thần:

Sự suy sụp tinh thần hình như đã chiếm lĩnh nước Mỹ sau khi S&P hạ điểm tín nhiệm nợ công của Hoa Kỳ. Đất nước chủ của đồng đô la, đất nước tưởng mình được miễn dịch với thị trường và các công ty thẩm định tài chính, đất nước đó bổng nhiên nhận ra thực tế của một quá trình toàn cầu hóa trong đó sức mạnh ngày càng bị chia xẻ.

LNO ví von: Thật là "quả sơ-ri đắng trên một chiếc bánh ngọt bị khét", ý muốn đề cập đến nước Mỹ vừa trải qua những thăng trầm của cuộc chiến tại Irak và Afghanistan, giời đây lại phải lặn hụp trong khủng hoảng kinh tế.

Vì sao thế giới bất lực về hồ sơ Syria?

Tình hình nội loạn tại Syria tiếp tục thu hút sự chú ý của báo giới. Tạp chí L’Express số ra tuần này dành bài tông kết với bài viết mang dòng tựa: “Syria: Sự bất lực của thế giới”.

Phải chờ đến khi có cuộc tắm máu ở Hama, nhiều ngàn người chạy nạn, và nhiều ngày thương lượng, mặc cả, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc mới đạt được vào hôm 3/8 một tuyên bố, chứ không phải nghị quyết, “lên án việc dùng bạo lực chống thường dân và kêu gọi hai bên cố gắng kiềm chế”, một văn bản tối giản đơn, không hề có tính chế tài.

Nga và Trung Quốc vẫn phản đối việc ra nghị quyết can thiệp vào Syria.

 Theo LE, đó là thái độ xưa nay của hai nước này, họ viện lí do không thích can thiệp vào việc nội bộ của nước khác. Thế nhưng, sự e dè cũng còn gì vai trò địa chính trị quan trọng trong vùng Trung Đông của Damas. Syria lại là đối tác chính trong khu vực của Nga, một khu vực mà Nga đang mất dần ảnh hưởng.

Thêm vào đó, việc các nước phương tây lạm dụng nghị quyết 1973 về Libya cũng gây cản trở cho việc thông qua một nghị quyết về Syria. Không chỉ có Trung Quốc và Nga phản đối, mà Ấn Độ, Nam Phi, Braxin cũng lên tiếng không chấp nhận.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng còn xa mới dám nghĩ đến việc triệu tập tòa án công lí quốc tế hay trừng phạt kinh tế, bởi trừng phạt kinh tế muốn hiệu quả thì tất cả các nước phải áp dụng. Thế nhưng, hai đối tác thương mại chính của Syria lại là Nga và Iran.

Nói về giải pháp can thiệp quân sự, thì phương Tây còn chưa tính đến. Nga chỉ muốn Syria cải tổ từ bên trong mà thôi.

Với vai trò là con át chủ bài trong liên minh khu vực, Damas không hề thiếu sự ủng hộ từ bên ngoài. Hơn nữa Syria lại còn có khả năng gây hại cho nước khác, trong đó có lẽ hai nước đầu tiên là Liban và Israel trong quan hệ chồng chéo với nhóm Hezbollah.

Các nước Ả Rập cũng không ủng hộ giải pháp can thiệp quân sự.

Liên đoàn Ả Rập và Ả Rập Xê Út cũng chỉ lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo lực, chứ không hề muốn ông Assad ra đi. Chính phủ Hồi giáo Shia của Irak không muốn có một Syria dưới quyền của những người Sunnit.

Trong khi đó, các chế độ quân chủ Sunnit khác trong vùng vịnh, dù không thích ông Assad, những vẫn e ngại việc có thêm một nhà độc tài khác trong khu vực bị người dân lật đổ.