Home Tin Tức Thời Sự Kinh tế khó khăn, nghề làm tóc vẫn phát đạt

Kinh tế khó khăn, nghề làm tóc vẫn phát đạt PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Bảy, 13 Tháng 8 Năm 2011 19:50

 Có vẻ là việc đi cắt tóc là một trong những chi phí mà người tiêu thụ ở Mỹ không muốn bỏ 

CAPITOL HEIGHTS, Maryland (NYT) - Trong các khu thương xá ở khắp mọi nơi ở Mỹ, các tiệm cắt tóc đang mọc lên như nấm.

 

Một tiệm làm tóc ở Los Angeles. Dù kinh tế khó khăn, nghề làm tóc vẫn tăng trưởng. (Hình: Gabriel Bouys/AFP/Getty Images)

Sở Thống Kê Dân Số Mỹ mới đây cho biết sự phát triển này giữa tình trạng suy thoái của các tiểu doanh nghiệp, cho hay con số các thợ uốn, hớt tóc cũng như các cửa tiệm họ làm việc vẫn tăng trưởng vào khoảng 8% từ năm 2008 đến 2009, một trong số rất ít các ngành nghề có sự tăng trưởng trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Có vẻ là việc đi cắt tóc là một trong những chi phí mà người tiêu thụ ở Mỹ không muốn bỏ. Và những người làm chủ tiệm cắt tóc chẳng bao giờ phải lo sợ việc làm của họ bị chuyển ra nước ngoài.

“Chúng tôi chẳng phải lo ngại về việc có ai đó bay sang Trung Quốc để cắt tóc,” theo lời ông Charles Kirkpatrick, giám đốc Hiệp Hội Hớt Tóc Quốc Gia. “Ngành cắt tóc sẽ không bị mai một.”

Tại Prince George County ở Maryland, con số thợ cắt tóc và tiệm làm tóc tăng 10% từ năm 2008 đến 2009, theo con số thống kê. Ở Washington, mức phát triển này tăng tới 18%.

Một trong những lý do giải thích hiện tượng này có thể là vì những người gặp khó khăn trong thời buổi kinh tế xuống dốc chuyển sang hành nghề cắt tóc.

Tiệm Fabulocs ở Capitol Heights là một trong những nơi đón nhận những người phải chuyển nghề vì tình hình kinh tế hiện nay.

Một trong những thợ ở đây có bằng cao học giáo dục. Một người khác từng là manager một tiệm bán đồ điện tử Circuit City. Bảy trong số chín người làm việc trong tiệm từng theo học đại học.

“Ðây là một đề tài rất tế nhị,” theo lời Nimat Bilal-Young, 34 tuổi, chủ tiệm. “Ðó là lúc có người hỏi, ‘Bạn có bằng cao học mà lại đi cắt tóc?’”

“Ở đây không giống như các ngành nghề khác, nơi bạn phải đi tìm khách hàng,” theo lời Bilal-Young. “Khách hàng sẽ tìm tới bạn.”

Bà Tarsa Scott, bà mẹ một mình nuôi con, khởi sự vào nghề cắt tóc năm 2008 sau khi công việc môi giới địa ốc đi xuống.

 Bà hiện đang làm việc toàn thời gian cho tổ chức United Negro College Fund, nhưng kiếm thêm tiền bằng cách làm cho tiệm cắt tóc buổi chiều và trong ngày Thứ Bảy.

“Tôi muốn làm chuyện gì đó mà không bị ảnh hưởng quá nặng nề của thị trường,” theo lời bà Scott, 37 tuổi. “Phụ nữ có thể chần chừ lâu hơn trước khi đi làm tóc, nhưng họ luôn cần phải làm tóc.”

Khách hàng ở tiệm cho hay họ không muốn cắt giảm chi phí làm tóc, dù rằng phải giảm thiểu chi tiêu trong các lãnh vực khác.

“Ðiều này là một phần trong ngân sách của tôi. Tôi sẵn sàng bỏ các thứ khác nhưng tóc thì không,” theo lời bà Rochelle Mills, 38 tuổi, làm việc cho Bộ Tư Pháp.

Ði làm tóc cũng giống như dọn dẹp nhà cửa, theo lời Bilal-Young, “Mọi thứ đều có vẻ tốt đẹp hơn.”

Con số giấy phép hành nghề cắt tóc trên nước Mỹ đang gia tăng, vào khoảng 250,000 hiện nay, so với con số 190,000 trong thập niên 1980. Kể từ năm 2008, số giấy phép hành nghề ở Maryland tăng hơn 60%, lên tới khoảng 5,000 hiện nay.

Có nhiều lý do để giải thích vấn đề này. Theo ông Kirpatrick, đây có thể là vì mấy năm gần đây trời trở nên nóng bức, hay là vì quốc gia trong tình trạng chiến tranh, và quân đội đưa ra một mốt mới về cách để tóc ngắn. Hoặc cũng có thể vì tình trạng kinh tế suy thoái.

“Có những người nghĩ rằng, ‘mình cần phải trông sáng sủa hơn để dễ kiếm việc,’” ông Kirpatrick nói.