Đức kỷ niệm 50 năm ngày xây dựng Bức tường Berlin |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Bảy, 13 Tháng 8 Năm 2011 18:58 |
« Bức tường đã và vẫn là một sự ô nhục ». Chủ tịch Quốc hội N. Lammert, thủ tướng Merkel và tổng thống C. Wulff (Reuters) Hôm nay, nước Đức Kỷ niệm 50 năm ngày xây dựng bức tường Berlin, bức tường chia cách nước Đức, và là biểu tượng sinh động nhất của cuộc chiến tranh lạnh kéo dài gần 3 thập kỉ. Trong đêm 12 rạng sáng ngày 13/8/1961, người đứng đầu Đông Đức (Cộng Hòa Dân chủ Đức- theo chế độ cộng sản) là ông Walter Ulbricht đã ra lệnh bắt đầu cái gọi là « chiến dịch Hoa Hồng ». Vào lúc đó, khoảng 10 000 quân nhân Đông Đức đã được huy động để dựng lên « Bức tường chống phát xít » (« Bức tường ô nhục » theo cách gọi của người Tây Đức), với mục đích thật sự là ngăn chặn làn sóng người dân đông Berlin di cư ồ ạt đến phía tây Berlin (tức miền Tây Đức, Cộng Hòa Liên Bang Đức). Sau khi bức tường được xây dựng, bằng mọi cách có thể, từ nấp trong các xe lớn, đào địa đạo hay vượt rào… người dân phía Đông tiếp tục tìm cách trốn qua miền Tây. Trong số đó, có 136 người đã gục ngã dưới chân bức tường ngăn cách. Theo các nhà sử học, tổng cộng có từ 600 đến 700 người đã thiệt mạng khi muốn rời khu vực phía đông qua vùng phía tây. Bức tường sụp đổ trong đêm thứ Năm ngày 9/11 rạng sáng ngày thứ Sáu ngày 10/11 năm 1989 sau hơn 28 năm tồn tại. Sáng nay, thị trưởng Berlin, thuộc Đảng Xã hội dân chủ Đức, ông Klaus Wowereit đã thẳng thắn kêu gọi mọi người không nên có thái độ né tránh lịch sử khi khẳng định : « Bức tường đã và vẫn là một sự ô nhục ». Trong một bản thông cáo, với tư cách là nhân chứng của việc xây dựng bức tường Berlin, chủ tịch nghị viện châu Âu ông Jerzy Buzek đã nhận định về tầm ảnh hưởng của bức tường như sau : « Bức tường Berlin không chỉ đã chia cắt một thành phố, mà còn chia cắt cả Châu Âu ». Theo chương trình, vào lúc 9h địa phương (8h GMT), tổng thống Đức ông Christian Wulff và thủ tướng Angela Merkel đến tham dự lễ tưởng niệm tại Khu tưởng niệm Bức tường Berlin. Khu tưởng niệm này được hoàn thành vào cuối thập niên 1990, bao gồm đài tưởng niệm, trung tâm tư liệu và Nhà thờ Hòa giải, nằm trên đường Bernau tức ở nơi bắt đầu xây dựng bức tường cách đây 50 năm. Sau đó, khắp nơi từ nhà thờ đến các trạm tàu điện ngầm, cả Berlin sẽ dành một phút mặc niệm tưởng nhớ 136 người đã gụt ngã dưới chân bức tường lịch sử này. |