Home Tin Tức Thời Sự Giới trẻ vẫn biểu tình dù bị cấm đoán

Giới trẻ vẫn biểu tình dù bị cấm đoán PDF Print E-mail
Tác Giả: Khánh An, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 10 Tháng 8 Năm 2011 19:42

 
Nhiều bạn trẻ trong số những người tham gia biểu tình đã bị cơ quan công an mời làm việc và bị buộc phải ký vào bản cam kết không xuống đường tham gia biểu tình nữa.

Người biểu tình phóng to tờ báo Thanh Niên đăng lời GĐ công an Hà Nội "Không chủ trương trấn áp người biểu tình yêu nước".

 

Nhưng nhiều bạn cho biết lòng yêu nước sẽ không cho phép họ ngồi yên ở nhà nếu chủ quyền đất nước và những ngư dân vẫn tiếp tục bị uy hiếp ngoài Biển Đông, cho dù có thể bản thân họ, những người trẻ, phải chịu những hậu quả trực tiếp hay gián tiếp từ việc tham gia xuống đường.

 

Đó cũng là tâm sự của các bạn trẻ trong buổi trò chuyện hôm nay, bao gồm Kim Tiến, Tiến Nam từ Hà Nội và Lâm, Trường Sa, Hoàng Sa từ Sài Gòn.

 

Mời uống cà phê và ghi âm

 

Khánh An: Các bạn đều là những người đã xuống đường tuần hành, biểu tình để chống việc Trung Quốc xâm lược ở trên Biển Đông, thế thì ngoài những hậu quả mà các bạn trực tiếp lãnh ngay tại cuộc biểu tình như là bị bắt bớ, bị đánh đập, thì các bạn có còn gặp những hậu quả nào khác nữa không sau khi các bạn trở về nhà?

 

Tiến Nam: Nhiều lắm, Khánh An ạ. Kể ra thì chắc là nó cũng không hết được mọi việc đâu, nhưng mà Tiến Nam cũng xin kể một câu chuyện vui vui vậy. Tiến Nam đi biểu tình về thì cũng đi làm bình thường thôi, cũng phải lo cho cuộc sống, nhưng mà khi về nhà Tiến Nam có nhận được một bức thư, mà thực sự không biết bức thư đó có phải là của bên Bộ Công An hay không nhưng mà trên bì thư bên ngoài có ghi BCA là Bộ Công An C49, đề "Gửi anh Nguyễn Tiến Nam", trong  đó có một bức ảnh Tiến Nam tươi cười cùng anh Nguyễn Văn Phương, người đọc Tuyên Cáo hôm ngày 3 tháng 7. Và Tiến Nam đọc sau bức ảnh có ghi rằng "Ảnh của anh đẹp lắm!..." Mà công nhận ảnh của Tiến Nam cũng đẹp thật vì Tiến Nam cười rất tươi mà…

 

Kim Tiến: Anh đẹp giai thật mà! (cười)

 

Tiến Nam: “…Lần sau mà thế nữa, mời anh đi gặp chúng tôi, sẽ ko biết ngày về”. Bên dưới ký tên: BAC- C49. Tiến Nam nghĩ rằng bức thư đó có 3 mục đích, một là để hù dọa hai vợ chồng người bạn ở cùng nhà với Tiến Nam, mục đích thứ hai của họ là họ muốn đe dọa Tiến Nam và thứ ba nữa là nếu Tiến Nam mà đưa bức ảnh đó và dòng chữ đó lên mạng thì sẽ bị hố vì thực ra C49 là bên cảnh sát môi trường. Sau đó Tiến Nam nghĩ rằng mình đâu có làm gì hủy hoại môi trường trong cuộc biểu tình đâu! Khi Tiến Nam về thì họ mời đi uống cà phê thì họ đến để gây áp lực với công việc ở công ty hay là nơi Tiến Nam ở trọ hoặc là gia đình.

 

Kim Tiến: Trời ơi, em thì chẳng được vậy. Buồn quá! Không ai mời em đi uống cà phê cả, mà em lại đang thất nghiệp. Chẳng ai cho em đi làm thành ra em không làm được cái gì cả.

 

Hoàng Sa: Hoàng Sa thì bị mời uống nước trà.

 

Họ sử dụng phương cách mới, họ không triệu tập chúng ta lên làm việc ở đồn công an nữa, mà họ mời chúng ta đi uống cà phê. Có nét khác biệt hơn là họ ghi âm chứ không có làm biên bản trên giấy tờ như trước nữa.

Biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội sáng Chủ nhật 07-08-2011. Courtesy NguyenXuanDien's blog

Tiến Nam : Sau cuộc biểu tình Tiến Nam nghĩ rằng có một nét văn hóa mới dành cho mọi người, đó là sau cuộc biểu tình đã được những người có trách nhiệm hay là những người bên lực lượng bảo vệ họ sẽ mời chúng ta đi uống cà phê. Họ sử dụng phương cách mới, họ không triệu tập chúng ta lên làm việc ở đồn công an nữa, mà họ mời chúng ta đi uống cà phê. Có nét khác biệt hơn là họ ghi âm chứ không có làm biên bản trên giấy tờ như trước nữa. Tiến Nam đã từng phản đối bên an ninh khi làm việc với Tiến Nam rằng anh cất tất cả những đồ nghề của anh lên bàn, tôi cũng để lên và chúng ta cùng tắt nó đi thì chúng ta mới nói chuyện được, nếu không thì chúng ta sẽ không nói chuyện.

Khánh An: Vâng. Khánh An cũng nghe được rằng có một số người sau khi tham gia đi biểu tình thì họ không bị mời lên công an làm việc nhưng họ lại bị những chi phối trong công việc, chẳng hạn như là bị trừ lương, bị trừ những khoản này khoản kia, có những trường hợp đã xảy ra như thế. Khánh An không biết ở đây....
Kim Tiến: Anh Phương đấy. Em có nghe anh ấy nói là giả sử anh đi như thế này thì ngày mai ở công ty anh có thể bị đuổi việc, anh ấy vẫn chấp nhận và sẵn sàng từ bỏ công việc vì lòng yêu nước. Anh ấy có thể không đi làm nhưng không thể không yêu nước được.
Khánh An: Vâng. Không biết ở trong số các bạn ở đây có ai đã bị ảnh hưởng trong công việc trực tiếp hay không sau khi các bạn đi biểu tình? Mời Hoàng Sa trước rồi anh Trường Sa sau nhé.
Hoàng Sa: Hoàng Sa thì chỉ có cơ quan công an biết thôi chớ còn ở chỗ làm thì chưa biết thành ra chưa biết được. Nhưng mà công an thì họ mời rồi.
Khánh An: Vâng. Vậy còn Trường Sa thì sao ạ?
Trường Sa: Trường Sa thì chỉ được vào những tên thành viên ưu tú nhất của phường nơi Trường Sa thôi, còn điều đáng tiếc thì Trường Sa tiếc thay cho những bạn sinh viên bị buộc phải thôi học đó, tương lai của họ sẽ bị ảnh hưởng khi mà đang còn dưới mái ấm nhà trường mà bị đuổi học như thế thì nó không hợp lý. Họ bị đuổi học vì lý do cá biệt thì cũng không thể nói được, còn đây thì bị đuổi học vì lòng yêu nước. Yêu nước mà bị đuổi học thì Trường Sa nghĩ rằng đây là một vấn đề hết sức đau lòng, đau lòng lắm!

Tác dụng ngược của việc đàn áp

Khánh An: Vâng. Các bạn có nghĩ rằng những điều mà nhà nước Việt Nam đang làm, cách hành xử đối với người biểu tình - những người yêu nước - đã vô tình đẩy người ta đến phía đầu cầu bên kia, tức là phía đối nghịch lại với chính quyền hay không? Chẳng hạn như có một số bạn trước đây họ rất là bình thường nhưng mà khi họ tham gia biểu tình thì sau đó họ bị đuổi học, rồi họ bắt đầu sẽ tìm hiểu những vấn đề của đất nước và họ cảm thấy có rất nhiều điều không công bằng, những điều xấu trong xã hội. Thế thì các bạn có thấy những điều này đang xảy ra hay không và các bạn cho rằng nếu các bạn là chính quyền thì các bạn sẽ làm điều gì?


Kim Tiến: Đúng rồi ạ. Em cũng có cái cảm giác đấy. Tại vì trước ngày đi biểu tình lần đầu tiên thì người ta nghĩ là mọi người tuần hành một cách rất ôn hòa, mọi người đúng trên lề đường và không hề đi xuống lòng đường để đảm bảo rất là trật tự và chỉ hô những khẩu hiệu để phản đối Trung Quốc thôi.
Khi đoàn xe buýt đầu tiên đến và bắt đầu đàn áp, bắt đầu bắt bớ những người yêu nước thì khi nhìn thấy cảnh như thế, tự nhiên trong lòng ai cũng vậy thôi, nghĩa là thấy rất bức xúc. Em thì em càng muốn hô to hơn và em càng nhất quyết là phải đi trước. Và khi mà đi được một đoạn thì bị chận, họ quyết định là không cho em đi nữa mặc dù đi rất ôn hòa và chỉ hô khẩu hiệu phản đối Trung Quốc thôi.
Lúc đấy em đã gần khóc. Lúc đấy em nhìn thấy một người, anh ấy là công an chìm và lần nào đi cùng đoàn thì anh ấy cũng hô khẩu hiệu cùng đoàn, và em đã nói là "Anh cảm thấy việc làm này của các anh là như thế nào? Đây là em đang bảo vệ đồng bào chúng ta, những ngư dân đang bị bắt bớ, bị đánh đập ở ngoài hải đảo kia, cùng đồng bào mà tại sao các anh không bảo vệ lẫn nhau mà lại làm như thế này?”, thì em thấy cũng có một số anh cúi mặt xuống  và anh ấy nói là anh mà hô lên thì anh cũng bị bắt.
Em cũng nghĩ là những người đó họ không muốn làm những công việc ấy, nhưng mà ngoại trừ những người đang rất hùng hổ, ngoài những người mà còn lòng yêu nước, còn lòng tự trọng ở trong người còn nghe lời nói của em, còn lại thì họ rất là hùng hổ và lao vào trong đoàn người để tiếp tục đàn áp, tiếp tục bắt bớ người. Họ dường như nhìn những người yêu nước, cùng là đồng bào của họ mà như kẻ thù, không còn là người cùng một nước nữa. Đối với em thì họ như là những con thú không còn biết cái gì nữa mà chỉ lao vào con mồi. Họ không còn là người cũng trong nước của em nữa.
Nhà nước xử sự như thế thì chỉ đẩy nhân dân càng xa nhà nước thôi, những vấn đề sau này họ cũng không còn tin tưởng vào nhà nước và những hệ lụy sau này kéo theo thì chúng ta không có thể kiểm soát được.
Khánh An: Vâng. Các bạn khác thì có ý kiến thế nào ạ?
Trường Sa: Theo Trường Sa thì Trường Sa nghĩ rằng vấn đề nhà nước xử sự như thế thì chỉ đẩy nhân dân càng xa nhà nước thôi, những vấn đề sau này họ cũng không còn tin tưởng vào nhà nước và những hệ lụy sau này kéo theo thì chúng ta không có thể kiểm soát được. Như vậy thì rất khó cho chính phủ sau này. Ví dụ như nếu xảy ra chiến tranh thì nhân dân không hợp tác với nhà nước thì 3 triệu đảng viên có đảm đương nổi với cuộc chiến này hay không? Không có đâu! Toàn bộ là do nhân dân cả thôi.
Khánh An: Vâng. Nếu những đợt biểu tình tiếp theo vẫn cứ tiếp tục diễn ra như thế này, các bạn sẽ tham gia đến khi nào? Các bạn có tiếp tục tham gia không? Các bạn có nghĩ rằng biểu tình đến một lúc nào đó nó đem đến một kết quả nhất định nào không?
Tiến Nam: Tiến Nam nghĩ rằng Tiến Nam sẽ vẫn tham gia đoàn biểu tình. Đến một lúc nào đó nhà nước sẽ chấp nhận những đề nghị chính đáng của người dân, như những kiến nghị - đề nghị công khai minh bạch hóa trong công cuộc đàm phán về Biển Đông với Trung Quốc, hay là khi nào nhà nước phải lên tiếng mạnh mẽ để phản đối lại sự gây hấn của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, không được đánh đập, không được bắt bớ, không được cướp bóc tài sản của họ, thì khi đó cuộc biểu tình thể tạm ngưng chớ không phải không đi nữa, có thể tạm ngưng.

Vẫn biểu tình vì yêu nước

Khánh An: Vâng. Cảm ơn Tiến Nam. Các bạn khác?
Kim Tiến: Em không thấy tin tức ngư dân bị đánh đập nữa thì em sẽ không đi nữa, nhưng mà nếu như còn thấy tin tức ngư dân bị bắt bớ thì em không thể nào ngồi yên được ở nhà.

Lâm: Em nghĩ là nếu công an mà vật mình như vậy đó, nói chung mình cũng sợ, vì ai cũng là con người thôi, ai cũng sợ thôi, nhưng mà dù sao càng đàn áp mình thì mình phải càng làm, tại vì mình có làm sai gì đâu, mình chỉ đi biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình trong hòa bình thôi, mình không làm gì sai hết mà công an đánh mình. Nói chung là mọi người rất là sợ, nhưng mà em nghĩ rằng càng sợ thì chúng ta càng phải nên làm, cho nên em nghĩ là em sẽ đi.

Hoàng Sa: Em, Hoàng Sa.

 

Khánh An: Mời Hoàng Sa.

 

Hoàng Sa: Đã có một ký kết là không đi biểu tình nữa, em đã bị ký vào tờ giấy đó rồi, chị. Nhưng mà nếu như mà Trung Quốc leo thang, tiếp tục leo thang và nó gây hấn, nó tàn ác nữa thì cho dù một chục cái tờ giấy như thế thì em vẫn sẽ tiếp tục xuống đường.

 

Khánh An: Vâng.

 

Kim Tiến: Đó, đó. Nghe chị Hoàng Sa thì em cũng góp phần là em đã ký bốn năm lần rồi, nhưng mà người ta bảo là bây giờ cho còng người ta cũng được, nhưng mà bây giờ giả sử như em bị bắt tiếp mà muốn cho người ta đi tù cũng được. Các anh bảo là "Còng người ta đi", nhưng ghi rõ tội danh: đây là tội yêu nước. Bây giờ bắt ghi vào biên bản tội là người yêu nước thì người ta sẽ ngừng đi, còn không thì người ta sẽ vẫn đi.

 

Khánh An: Vâng. Đó là lý lẽ rất là chính đáng của những người yêu nước, phải không?

 

Hoàng Sa: Khi mà đất nước mình gặp nguy khốn thì những tờ giấy đó đối với em không còn ý nghĩa gì, thậm chí là sinh mạng em cũng mặc kệ thôi, tại vì xuống đường để bảo vệ.

 

Khánh An: Vâng. Rất cảm ơn bạn và tinh thần của bạn cũng là đại diện cho tinh thần rất là bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Thế còn Trường Sa thì sao?

 

Khi mà đất nước mình gặp nguy khốn thì những tờ giấy đó đối với em không còn ý nghĩa gì, thậm chí là sinh mạng em cũng mặc kệ thôi, tại vì xuống đường để bảo vệ.
Hoàng Sa

 

Trường Sa: Trường Sa hoàn toàn đồng ý với Hoàng Sa, đồng thời Trường Sa chỉ có ý muốn nói một câu thôi là những điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim thôi.

 

Khánh An: Vâng. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Khánh An cũng cảm ơn tấm lòng của các bạn và những điều  mà các bạn đang làm cho rất nhiều người khác nữa, nhiều bạn trẻ khác, nhiều bạn trẻ vẫn đang sống ở Việt Nam nhưng mà hoàn toàn không biết gì đến chuyện biểu tình chống Trung Quốc như thế này. Mong rằng trong tương lai những điều mà các bạn đang làm như thế này sẽ bằng một cách nào đó đánh thức được lương tâm của những người đang thi hành công vụ và những người yêu nước không còn cô đơn, không còn lẻ loi nữa.

 

Cảm ơn các bạn rất nhiều đã tham gia vào chương trình Cafe Wifi ngày hôm nay. Chào các bạn.