Home Tin Tức Thời Sự Thanh niên Việt ngại đối đầu với tham nhũng

Thanh niên Việt ngại đối đầu với tham nhũng PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 09 Tháng 8 Năm 2011 17:48

Họ coi trọng “lợi ích kinh tế và hiệu quả công việc” hơn tinh thần liêm chính mơ hồ.

VIỆT NAM (TH) - Khoảng 35% thanh niên ở Việt Nam nhìn nhận đã “chạm trán” với tham nhũng nhưng có đến 40% khẳng định sẽ “giữ thái độ im lặng trước hành vi tham nhũng.”

 

 Trụ sở của tập đoàn Vinashin ở Hà Nội vốn nổi tiếng vì bê bối tham nhũng trong năm qua với hàng tỷ đô la. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
 
Ðây là kết quả được công bố hôm 8 tháng 8 từ cuộc khảo sát về tính liêm chính của thanh niên Việt Nam do Tổ chức Minh Bạch Quốc tế (TI) và Trung Tâm Nghiên cứu & Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng (CECODES) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Kết quả xác định thái độ của thanh niên Việt Nam với tham nhũng đã gây sửng sốt dư luận trong và ngoài nước.

Theo VNExpress, cuộc khảo sát này được tiến hành hồi cuối năm ngoái bằng cách phỏng vấn 1,000 thanh thiếu niên trong lứa tuổi từ 15 đến 30 tại 11 tỉnh, thành toàn quốc.

Có đến 95% người được khảo sát cho biết “thái độ trung thực quan trọng hơn sự giàu có” đối với họ cũng như nhìn nhận rằng “hành vi không liêm chính, tiếp tay cũng như trực tiếp tham nhũng sẽ gây hiểm họa cho sự phát triển đất nước và tương lai bền vững của thế hệ trẻ.”

Tuy nhiên, có đến 1/3 thanh niên tham dự cuộc khảo sát cho rằng họ coi trọng “lợi ích kinh tế và hiệu quả công việc” hơn tinh thần liêm chính mơ hồ.

Số người nhìn nhận đã trực tiếp đối diện với nạn tham nhũng trong các lĩnh vực y tế, giao thông, kinh tế chiếm 1/3 giới trẻ và khoảng 24% người trên 40 tuổi trong số được khảo sát. Thế nhưng có đến 40% nói sẽ không tố cáo hành vi tham nhũng vì cho rằng “đó không phải là việc của mình” và “tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì.”

Nhận định của giới trẻ được coi là rường cột, tương lai của đất nước khiến hầu hết các nhà phân tích trong nước sững sờ, kinh ngạc. Bà giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch Nguyễn Thị Kiều Viễn tuyên bố với báo Tuổi Trẻ rằng “công tác giáo dục một thế hệ thanh niên sẵn sàng cho công cuộc tranh đấu chống tham nhũng đã thất bại tại Việt Nam.”

Ông Nguyễn Minh Thuyết, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Việt Nam khẳng định đây là “vấn đề lớn của xã hội Việt Nam” đồng thời cho rằng đó là hậu quả của tình trạng “quá nhiều vụ tham nhũng tệ hại ở trong nước không bị vạch trần.”

Ông cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thanh Niên Việt Nam Ðặng Cảnh Khanh cũng cho rằng thanh niên Việt Nam trong nước từ bỏ thái độ trung thực vì “thái độ trung thực gắn liền với sự thiệt thòi và khờ khạo.”

Ông quy lỗi cho xã hội Việt Nam hiện nay đầy dẫy nạn tham nhũng, thiếu trung thực nên không thể yêu cầu thanh niên phải trung thực và “đứng mũi chịu sào” trong cuộc tranh đấu chống tham nhũng.

Trước đó, ngày 3 tháng 8, tân Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng “một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ mới này là tiếp tục chống tham nhũng bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn.”

Ông này cũng hô hào cần phải có “phương pháp giám sát chặt chẽ để hạn chế tham nhũng bởi vì tham nhũng có đường dây của nó.”

Tại phiên họp của ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng hồi cuối tháng 6 vừa qua, Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng hối thúc việc xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng kéo dài, đặc biệt là vụ Vinashin... trong 6 tháng còn lại của năm 2011.

Thế nhưng, kết quả của cuộc khảo sát nêu trên cho thấy đến 40% thanh niên không chịu tố cáo tham nhũng, thậm chí là có thể tiếp tay, tham gia đường dây tham nhũng thì liệu nhà nước Việt Nam sẽ chống tham nhũng bằng cách nào trong thời gian tới. (PL)