Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 9 Tháng 8 Năm 2011 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Ba, 09 Tháng 8 Năm 2011 08:42 |
Trung Quốc cũng có nguy cơ bị khủng hoảng ngân hàng
Ngân hàng Trung Quốc ABC và những món nợ khó đòi (Reuters) Thị trường tài chính thế giới hôm nay vẫn là đề tài chính trên các trang báo Pháp ngày hôm nay. Đặc biệt, nhiều nhật báo bình luận về phản ứng của Trung Quốc khi nước này lớn tiếng chỉ trích Mỹ và các nước Châu Âu là vô trách nhiệm trong đợt khủng hoảng này. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết mang tựa đề : « Trung Quốc "dạy đời" nhưng cũng không thoát được một cuộc khủng hoảng ngân hàng ». Tờ báo nhận định : « Quét nhà ra rác », Trung Quốc cần phải xem lại mình trước khi lên lớp người khác. Nếu như việc hạ điểm nợ Hoa Kỳ đã đưa cho Bắc Kinh những lý lẽ để chỉ trích Mỹ và các nước Châu Âu trong việc quản lý nợ công, thì chính bản thân Trung Quốc cũng có những vấn đề về nợ của họ. Theo bài báo, bản chất vấn đề nợ của Trung Quốc dĩ nhiên là sẽ không giống như những gì đang diễn ra tại Mỹ và Châu Âu, nhưng cũng đủ gây lo ngại cho chính quyền Trung Quốc, nhất là nó liên quan đến tài chính của các địa phương. Les Echos cho biết, một nửa nguồn thu của các chính quyền địa phương, chủ yếu đến từ các vụ bán đất cho các nhà kinh doanh địa ốc, đã bị tụt giảm nghiêm trọng, do giá đất giảm xuống đến 50% chỉ trong vòng một năm qua, và các chính quyền địa phương bắt đầu gặp khó khăn trong việc trả nợ. Đây chính là những tín hiệu đầu tiên của khủng hoảng ngân hàng. Les Echos cho biết, nợ của các chính quyền địa phương hiện nay chiếm khoảng 27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Với tổng số tiền vay là 10.700 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 1.173 tỷ euros), thì nợ các ngân hàng chiếm đến 8.500 tỷ nhân dân tệ. Nhưng, nhiều chuyên gia nhận định rằng, trong trường hợp các địa phương bị phá sản, có thể Nhà nước sẽ phải can thiệp để tránh hiệu ứng domino. Trung Quốc có đầy đủ nguồn tài chính để tránh một cuộc khủng hoảng có hệ thống này. Còn nhật báo Le Monde thì có bài tựa « Trung Quốc đả kích Mỹ là vô trách nhiệm để che giấu những yếu kém của mình ». Theo Le Monde, Trung Quốc đang lo sợ số công trái phiếu Mỹ trị giá 1200 tỷ đô la mà họ đang nắm giữ và nguồn dự trữ ngoại tệ 3200 tỷ đô la thu được từ thặng dư mậu dịch sẽ đi theo mây khói. Hơn nữa, Trung Quốc cũng quan ngại sức khỏe kinh tế của chính mình, hiện được xem là thứ hai trên thế giới. Lạm phát leo thang, những hạn chế áp đặt cho tính dụng ngân hàng và khả năng tụt giảm nhu cầu của Mỹ và Châu Âu, tất cả những điều này đang đe dọa ngành xuất khẩu tư nhân Trung Quốc. Nhiều chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng khủng hoảng tại Mỹ tạo cho Trung Quốc một lý do tốt để thay đổi. Theo họ, tình hình hiện nay cho thấy tính cấp bách của việc tái cân bằng kinh tế Trung Quốc theo hướng tiêu thụ nội địa, nhưng phải đi chậm theo quán tính của mô hình phát triển hiện nay. Cuối cùng các chuyên gia kinh tế này cũng khuyên rằng Trung Quốc nên đa dạng hóa nguồn dự trữ và hãy thả nổi đồng nhân dân tệ theo giá thị trường. Ý kiến này cũng được Liberation dồng tình chia sẻ qua bài viết « Ông chủ nợ Trung Quốc nổi giận ». Bài báo trích dẫn nhận định của một cựu quan chức cao cấp Ngân hàng Trung ương. Ông này cho rằng : « Không có lợi ích gì khi Trung Quốc cứ tiếp tục tích tụ thặng dư mậu dịch. Một đất nước đang trên đà phát triển, mà thu nhập người dân lại đứng hàng thứ 100 trên thế giới, thì không thể nào tiếp tục cho vay các nước giàu hơn. Nếu có một bài học cần phải rút ra từ đợt khủng hoảng này, đó là Trung Quốc phải chấm dứt chính sách tích trữ ngoại tệ và hãy để đồng nhân dân tệ thay đổi theo giá của thị trường ». Liberation cho rằng nếu Trung Quốc làm được như thế thì đây có lẽ sẽ là một cuộc Cách mạng. Tottenham : Nguyên nhân dẫn đến bạo động Liên quan đến vụ bạo động xảy ra ở Tottenham, tại Anh, nhật báo Le Monde có đăng bài phân tích nguyên nhân dẫn đến bạo loạn. Tờ báo nhận định trong hàng tựa : Đêm bạo động tại Tottenham minh họa cho tầm mức của sự khủng hoảng lòng tin của dân chúng đối với cảnh sát ». Theo Le Monde, nạn nghèo khó, quyền xã hội bị tước đoạt, nạn thất nghiệp, những bực bội vì phân biệt chủng tộc hàng ngày, văn hóa bạo lực và sự căm thù cảnh sát là những lý do dẫn đến những vụ đụng độ dữ dội giữa lực lượng an ninh và hàng trăm thanh niên trong suốt đêm thứ bảy 6/8 rạng sáng chủ nhật 7/8 vừa qua. Le Monde cho biết, Tottenham là một khu vực nhạy cảm, phần đông người dân khu vực này có nguồn gốc từ Antilles. Le Monde cho rằng, vụ bạo động xảy ra không đúng lúc, vì Cơ quan cảnh sát đang bị nghi ngờ tham nhũng trong vụ nghe lén của tờ báo News of the World. Trong vụ này, hai cuộc điều tra sẽ được tiến hành, một của Nghị viện và một của cảnh sát. Mặt khác, phiên xử một cảnh sát kết tội « vô tình giết người », liên quan đến cái chết của một người bán báo trước thềm Hội nghị G20 tại Luân Đôn năm 2009, sắp tới đây cũng sẽ được mở ra. Do vụ tai tiếng này mà cảnh sát Anh mất cùng một lúc hai người đứng đầu (Giám đốc Paul Stephenson và phó giám đốc John Yates). Sự rối loạn bộ máy hành chính cũng giải thích phần nào vì sao cảnh sát Anh đã không nhanh nhạy trong việc đối phó với bạo động. Tầm mức của các vụ cướp bóc tại Tottenham khiến cho cảnh sát bị chỉ trích là hành động quá chậm trễ. Do thiếu người lãnh đạo, nên lực lượng cảnh sát thủ đô phải cầu viện đến các quận kế bên. Nhân vụ bạo động này, Công đảng đã lên tiếng chỉ trích nhà nước không quan tâm đến các khu vực khó khăn do nạn thất nghiệp, giới trẻ không có việc làm, buôn lậu ma túy và kinh doanh vũ khí. Họ cho rằng bạo động này là hệ quả chính sách khắc khổ của chính phủ liên minh bảo thủ-tự do-dân chủ. Tác hại của thuốc diệt cỏ Nhìn sang Nam Mỹ, nhật báo Le Monde có bài đăng trên trang Planète (Hành tinh) về tác hại của thuốc diệt cỏ. Theo bài báo, ung thư bạch cầu, dị tật thai nhi, sẩy thai, vô sinh, vấn đề đường hô hấp, các chứng bệnh về mắt và bệnh ngoài da là danh sách các loại bệnh mà người dân vùng San Jorge đang phải hứng chịu từ nhiều năm nay, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ thuốc diệt cỏ Roundup. Theo Le Monde, nguồn gốc xuất xứ của các loại bệnh đến từ hoạt chất glysophate trong thuốc diệt cỏ Roundup, do công ty Mỹ Monsanto tung ra thị trường, và được chính quyền Arhentina cho phép lưu hành vào năm 1997. Le Monde cho biết, tại vùng San Jorge này, tỷ lệ bệnh ung thư đã tăng lên 30% trong vòng 10 năm. Theo lời kể của cư dân tại đây, cứ sau mỗi đợt phun thuốc bằng máy bay trên các cánh đồng đậu nành biến đổi gien RR (Roudup Ready, một giống đậu nành do Monsanto tạo ra), môi của họ trở nên tái xanh, lưỡi thì dày lên. Gà chết hàng loạt. Chó mèo thì trụi lông. Còn ong mật thì dần biến mất, chim chóc cũng không còn. Hiện tại, chính quyền địa phương đã ra lệnh cấm : nếu việc phun thuốc được bằng xe kéo phải cách khu dân cư ít nhất là 800m ; và 1500m nếu thực hiện bằng máy bay. Thê nhưng, lệnh cấm này nhiều khi cũng không được tuân thủ. Mặt khác, Roundup có thể tồn tại rất lâu trong không khí và di chuyển nhiều cây số do được nước và gió tải đi. Vấn đề là nhiều nhà nông học cho rằng Monsanto đưa loại thuốc này ra thị trường mà không hề có thử nghiệm khoa học trước. Người dân tin vào lời quảng cáo trên trang web của Monsanto rằng Roundup là vô hại, 100% an toàn. Những ai nói về tác hại của glyphosate đều bị xem những tên điên, và họ bị cáo buộc là muốn cản trở sự thịnh vượng của đất nước. Le Monde cũng ghi nhận đại đa số các kỹ sư nông nghiệp đều làm việc cho các nhà sản xuất thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều hội đoàn và nhất là các bác sĩ vùng nông thôn lên tiếng làm chứng cho cơn « ác mộng vệ sinh y tế » này. Bài báo cũng nhắc lại cho biết, tại Mỹ và Châu Âu, Monsanto đã từng bị kết tội vì những lời quảng cáo dối trá là thuốc diệt cỏ sinh học 100% có thể tự hủy. Các nhà dịch tễ học quan tâm đến Fukushima Nhìn sang Nhật Bản, Fukushima sau thảm họa hạt nhân, nếu như nhiều người xem Fukushima là vùng đất đã bị nguyền rủa, thì đối với các nhà khoa học, nhất là các nhà dịch tễ học, đây được xem là một phòng thí nghiệm tự nhiên có quy mô lớn. « Fukushima : phòng thí nghiệm tự nhiên quy mô về phóng xạ » là chủ đề của một bài viết trên trang kinh tế nhật báo Liberation. Bài báo cho biết, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một chương trình nghiên cứu dịch tễ học đầy tham vọng nhất chưa từng có. Trước mắt, trong giai đoạn đầu tiên, dự kiến kéo dài ít nhất trong 30 năm, các nhà khoa học sẽ thu thập và phân tích các cơ sở dữ liệu. Cuối tháng 6 rồi, chính quyền địa phương đã cho phân phát bảng điều tra dày 12 trang để thiết lập chính xác quá trình nhiễm xạ của mỗi cư dân. Từ đó, các nhà khoa học sẽ thực hiện nhiều phân tích. Mặt khác, họ cũng theo dõi tuyến giáp của khoảng 360.000 thanh niên dưới 18 tuổi và 20.000 phụ nữ đang có thai cũng như trẻ sơ sinh. Riêng về phần 20.000 người được sơ tán, sẽ hưởng buổi khám tổng quát định kỳ hàng năm. Mục tiêu của chương trình nghiên cứu này cho phép xác định xem liệu có hay không tác động đáng kể lên sức khỏe con người cho dù liều phóng xạ đó rất là yếu. |