Biệt kích Mỹ : thành tố ngày càng quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ tại Afghanistan |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Hai, 08 Tháng 8 Năm 2011 08:59 |
Phải mất 5 năm rèn luyện mới đào tạo được một biệt kích Binh sĩ Hoa Kỳ lên máy báy trực thăng Chinook, tỉnh Laghman (Afghanistan), 19/7/2011. / REUTERS/Shah Marai/Pool Từng nổi tiếng thế giới nhờ chiến dịch truy sát trùm khủng bố Ben Laden tại Pakistan, vai trò lực lượng biệt kích Mỹ lại thu hút sự chú ý của quốc tế : Ngày mồng 6 tháng 8 vừa rồi, có hai chục lính biệt kích Mỹ trong số gần 40 người bị thiệt mạng tại Afghanistan, khi máy bay trực thăng chở họ bị bắn rơi. Từ khối NATO cho đến chính quyền Afghanistan và chính quyền Mỹ, tất cả đều cho biết là đang điều tra để hiểu rõ nguyên nhân xẩy ra sự cố bi thảm này, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy là chiếc trực thăng Chinook đã bị quân Taliban bắn hạ khi đang thi hành nhiệm vụ tại vùng thung lũng Tangi, một nơi hẻo lánh cách thủ đô Kabul 100 cây số về phía Đông Bắc. Thậm chí vào hôm nay, một quan chức Afghanistan xin giấu tên còn khẳng định là, chiếc trực thăng chuyên chở đơn vị biệt kích đó đã bị rơi vào bẫy do một viên thủ lãnh Taliban trong khu vực Tangi giăng ra. Dẫu sao thì đối với các nhà quan sát, sự kiện cùng một lúc mà có đến cả chục người lính cực kỳ tinh nhuệ này bị tử thương là một vố đau cho lực lượng biệt kích Hoa Kỳ, hiện đang trở thành lá bài trung tâm trong chiến dịch của Mỹ và NATO tại Afghanistan. Con số 20 người trong lực lượng đặc biệt Mỹ vừa bị chết thuộc đơn vị biệt kích hải quân mang tên là Navy Seals (Seal là từ tắt của Sea, Air, Land – tức là Hải, Không, Bộ, nhưng còn có nghĩa là chó biển hay hải cẩu). Hiện nay, hàng ngàn thành viên lực lượng tinh nhuệ này đang được triển khai tại Afghanistan, thực hiện hàng chục chiến dịch đột kích mỗi đêm để thủ tiêu hoặc bắt giữ các lãnh đạo Taliban. Vấn đề đáng nói, theo AFP, là đa số những người vừa bị chết lại thuộc tầng lớp ưu tú nhất của lực lượng Navy Seals. Đây là đơn vị mang tên "Đội 6", chỉ gồm 300 người tuyển chọn từ tổng số 2.300 lính biệt kích Navy Seals. Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, chính Đội 6 này đã được giao nhiệm vụ đột kích loại bỏ Ben Laden vào đầu tháng Năm vừa qua. Nhiệm vụ của Đội 6 này nhạy cảm đến mức mà sự tồn tại của đơn vị này chưa bao giờ được xác nhận. Khi được AFP hỏi, nhiều nguồn tin trong chính quyền Obama đã từ chối xác nhận sự hiện diện của các thành viên Đội 6 trong số các người bị tử nạn ở Afghanistan, nhưng khẳng định là trong số nạn nhân không hề có người nào trong đơn vị truy sát lãnh đạo Al Qaeda. Phải nói là trong hai năm trở lại đây, trong chiến dịch bình định tại Afghanistan, NATO ngày càng sử dụng đến các hoạt động gọi là "chống khủng bố" để săn lùng quân nổi dậy. Theo ISAF, tức là lực lượng đa quốc gia tại Afghanistan, Riêng trong nửa cuối năm 2010 chẳng hạn, NATO đã tung ra khoảng 7.000 chiến dịch loại này, hạ sát 2.000 quân nổi dậy và bắt giữ 4.000 người khác. Không phải tất cả các chiến dịch ‘’chống khủng bố’’ đều do lực lượng đặc biệt tiến hành, nhưng sự kiện các nạn nhân vụ tai nạn vừa rồi phần lớn thuộc Đội 6 cho thấy chiến dịch đó nhắm vào một đối tượng quan trọng. Đối với các chuyên gia quân sự, vụ mất đi hai chục người lính tinh nhuệ như vừa xẩy ra là một tổn thất rất lớn vì phải mất 5 năm rèn luyện mới đào tạo được một biệt kích như vậy. Ngoài ra, theo đô đốc William McRaven, tân chỉ huy lực lượng đặc biệt, vào cuối tháng Sáu vừa rồi, thì với nhịp độ dồn dập của các chiến dịch tại Afghanistan, cũng như ở Yemen hay Somalia, thời gian dành cho đào tạo lại không nhiều. Giải thích cho các Thượng Nghị Sĩ Mỹ, ông xác định là "Vấn đề là rất khó mà phát triển lực lượng đặc biệt trong một sớm một chiều, nếu chúng ta chú trọng đến năng lực". Đối với ông, việc Mỹ bắt đầu triệt thoái một phần ba quân lính của mình ra khỏi Afghanistan cũng sẽ làm cho vấn đề rắc rối thêm, vì lẽ, lính thường càng ít đi, thì nhu cầu về lực lượng biệt kích càng gia tăng.
|