Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 8-8-2011 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Hai, 08 Tháng 8 Năm 2011 08:50 |
Trung Quốc : Quá trình đô thị hóa đe dọa văn hóa bản địa
Chính quyền địa phương chiếm đất cho các dự án xây dựng (REUTERS/ B.Yip) Gần đây mâu thuẫn sắc tộc có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc, đặc biệt là ở khu tự trị Tân Cương có đa số người tộc Duy Ngô Nhĩ. Tạp chí Le Monde số ra tuần này giới thiệu về thành phố Khách Thập nằm ở cực tây nước này. Bài viết mang dòng tựa : « Những người bị tước quyền sở hữu của Khách Thập », cho biết, thành phố đang dần bị biến dạng theo ý đồ của Bắc Kinh, bản sắc của người địa phương bị đe dọa. Thành phố cổ Khách Thập vốn nằm trên tuyến đường Tơ Lụa trứ danh ngày trước, là một trong những điểm hội tụ văn hóa của tộc người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Từ hai năm nay, thành phố này trở thành nạn nhân của những chiếc xe ủi đất. Lấy cớ là nhà cửa và các thánh đường Hồi Giáo ở đây quá cũ kĩ, không còn đủ sức chống động đất, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định xây dựng lại khu này theo ý họ. Vì thế, di sản bản địa bao thế kỷ có nguy cơ tan biến. Vài người dân được tái định cư tại ngôi nhà được xây dựng mới theo kiểu cũ, nhưng con đường dẫn vào nhà phải trả tiền do khu vực sau khi xây dựng đã biến thành khu du lịch. Còn lại đa phần người dân phải dọn ra ngoại ô. Các tòa nhà cao tầng, biểu tượng cho những thành phố Trung Quốc thời hiện đại, mang đến dáng vẻ của sự tiện nghi, nhưng đối với người Duy Ngô Nhĩ bản địa thì nó không phù hợp với lối sống truyền thống của họ. Theo Le Monde, « quá trình Hán hóa » đang thuận buồm xuôi gió. Cùng lúc đó, người Hán, dân tộc chiếm đa số tại Trung Quốc, cũng ồ ạt kéo đến. Họ đến từ các tỉnh xa như Hồ Bắc hay Tứ Xuyên. Họ được vận động di cư đến vùng này. Có người tranh thủ đến làm ăn vài ba năm để kiếm tiền, rồi sau đó lại ra đi, có người ở lại định cư hẳn. Đối với chính quyền trung ương, Khách Thập rồi cũng sẽ bị kiểm soát như mọi thành phố khác trong nước. Sự việc hoàn toàn mang yếu tố chính trị, nhất là kể từ vụ nổi dậy của người địa phương hồi tháng 7/2009 tại thành phố Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi), thủ phủ Tân Cương, làm 200 người thiệt mạng. Mới ngày 18 tháng 7 rồi, ở thành phố Hòa Điền phía nam Khách Thập, có 18 người bị sát hại khi tấn công một bưu điện nhà nước. Ngay tại Khách Thập, hôm 30/7, đã có 4 người chết khi đụng độ với cảnh sát. Tại thành phố cổ Khách Thập, thường thì sự căng thẳng ở trạng thái ngấm ngầm, thế nhưng nó trở nên sôi động ở các khu chợ đêm hay các quán trà. Đới với người Duy Ngô Nhĩ bản địa, « sự Hán hóa » không gian sống đối với họ là « một sự tước quyền sở hữu ». Qua những bức tường bị phá hủy, người hiếu kỳ có thể nhìn thấy những trang trí nội thất của các ngôi nhà cổ, những mô hình trang trí bản địa còn sót lại, và chẳng mấy chốc sẽ bị hủy diệt. Hiện tại, tất cả các con đường nhỏ phủ màu gạch mới đều dẫn đến một đại lộ hoặc một công trình xây dựng. Để minh họa cho bài viết, tác giả sử dụng hình ảnh của nữ nhiếp ảnh gia Edith Roux, người nghiên cứu về quá trình đô thị hóa và ảnh hưởng của nó trong lên xã hội Trung Quốc. Năm 2010, trong hai chuyến đi thực địa, bà đã ghi lại nhiều hình ảnh có giá trị, qua đó bà chỉ ra mặt trái của quá trình phát triển thần tốc của nước này, trong đó đặc biệt chú ý đến nguy cơ bị xâm thực văn hóa của người dân bản địa. Liên Hiệp Quốc tiếp tục bất lực về tình hình tại Syria Liên quan đến tình hình xung đột tại Syria, tạp chí Le Nouvel Observateur có bài nhận định : « Liên Hiệp Quốc bị tê liệt ». Tờ báo nhắc lại, dù trong tháng chay Ramadan, nhưng các vụ xung đột tại Syria không hề có dấu hiệu tạm lắng. Chính phủ lại tiếp tục tấn công vào những thành phố có phe nổi dậy, số lượng người thương vong ngày càng tăng. Về sự việc này, Le Nouvel Observateur nhận định, chính quyền Assad đang tìm cách đánh bại mọi khả năng huy động lực lượng vốn thường được thông báo trong các thánh đường, những nơi được phép tụ tập đông người ở Syria. Khi tấn công thành phố Hama, thủ phủ phe nổi dậy, ông Assad muốn cho mọi người thấy rằng, chế độ ông không hề chùn bước trước sức ép của Mỹ, nước đã cử đại sứ của mình đến tiếp xúc với người nổi dậy ở thành phố này. Làn sóng đàn áp mới đã khiến cộng đồng quốc tế mất dần tính kiên nhẫn. Lần đầu tiên, Nga lên tiếng kêu gọi chính phủ Syria chấm dứt bạo lực. Liên Hiệp Châu Âu tăng cường biện pháp trừng phạt . Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng vụ tấn công vào Hama là « đáng kinh tởm ». Tuy nhiên Washington vẫn chưa chính thức kêu gọi ông Assad ra đi giống như trường hợp ông Kadhafi tại Libya. Về phần mình, tổng thư ký NATO tướng Anders Fogh Rasmussen cho biết, hiện tại chưa hội đủ điều kiện để can thiệp quân sự vào Syria. Nhiều nước châu Âu đã đề xuất dự thảo nghị quyết trừng phạt chính phủ Assad, thế nhưng Trung Quốc và Nga đã dọa sẽ dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An để ngăn trở việc thông qua. Vì thế, Liên Hiệp Quốc dường như đang bế tắc cho một giải pháp có tính chế tài đối với Damas. Hoa Kỳ có nguy cơ khủng hoảng kép L’Express số ra tuần này đặc biệt dành bài phân tích thỏa thuận về nợ công vừa đạt được giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Bài viết chạy tựa : « Nợ công Hoa Kỳ : bản thông kê nặng trĩu ». Tờ báo chỉ rõ, thỏa thuận vừa qua dự kiến một cơ chế gồm hai gian đoạn : trần nợ công sẽ ngay lập tức được nâng lên thêm 1 000 tỷ đô la đồng thời với biện pháp cắt giảm ngân sách tương ứng ; dự kiến sẽ tăng bổ sung thêm 1 500 tỷ đô la với việc thành lập một ủy ban đặc biệt tìm nguồn tiết kiệm tương ứng. Tất cả cho phép Mỹ trụ được đến năm 2013 mà không phải tăng thuế. Theo L’Express, đây chẳng những không phải là một phương thuốc thần kỳ , mà là một phương thuốc hoàn toàn vô hiệu. Việc cắt giảm ngân sách theo thỏa thuận có thể làm trì trệ thêm quá trình phục hồi vốn đã quá ì ạch của nền kinh tế Mỹ, trong khi lại không đủ để vực dậy nền tài chính quốc gia. Với một nền kinh tế đã quá yếu ớt sau cuộc khủng hoảng vừa rồi, hiện tại nếu lại hạn chế chi tiêu công một cách bất chợt sẽ là tự sát. Chính vì thế mà tổng thống Obama muốn dời đến năm sau việc cắt giảm ngân sách, và chia ra nhiều giai đoạn để thực hiện. Một chuyên gia kinh tế tại New York nhận định : « Một mặt thỏa thuận thiếu khả thi trong bối cảnh hiện tại. Mặt khác, nó không hề dẫn đến một cải tổ về cấu trúc mang tính dài hạn nào. Như vậy, có khả năng rất lớn điểm tín nhiệm của Hoa Kỳ sẽ xấu đi. Điều đó ảnh hưởng đến uy tín của Hoa Kỳ và của đồng đô la trong dài hạn ». Theo giải Nobel kinh tế 2008 ông Paul Krugman, biện pháp thắt lưng buộc bụng có thể gây hại nhiều hơn lợi cho nền kinh tế Mỹ. Ông khẳng đinh : « Những người đề xuất giải pháp cắt giảm chi tiêu công giống như các thầy thuốc thời trung cổ, họ điều trị cho bệnh nhân bằng cách chích máu bệnh nhân, và kết quả là làm bệnh tình thêm trầm trọng ». Cuối cùng, L’Express cho biết : những người có cái nhìn bi quan nhất còn nghĩ đến một kịch bản « double dip », tức vừa thoát khỏi khủng hoảng lại rơi vào một khủng hoảng khác nặng nề hơn. Pháp : Không chỉ có phái nữ bị bạo hành ! L’Express dành loạt bài về quan hệ vợ chồng thời hiện đại tại Pháp, trong đó có một thông tin đáng chú ý được phản ảnh qua bài viết « Những người đàn ông bị đánh », phản ánh nạn bạo hành gia đình mà nạn nhân lại là cánh mày râu. Theo báo cáo của Cơ quan theo dõi tội phạm và giải pháp hình sự quốc gia Pháp (ONDRP), trong năm 2009-2010, có đến 280 000 đàn ông tuổi từ 18 dến 75 ít nhất bị một lần bị bạo hành thể chất hay trong quan hệ tình dục bởi người bạn đời của mình. Những nạn nhân nam này rất khó được nhận ra. Họ ngại nói về thảm cảnh của mình. Năm rồi, chỉ có 110 000 ông chồng « dám » đệ đơn kiện vợ. Người đứng đầu Hiệp hội SOS đàn ông bị bạo hành, tổ chức duy nhất tại Pháp lo về vấn đề này, cho biết : "Chúng ta đang sống trong một xã hội chịu ảnh hưởng của nền văn minh La Mã, vì thế đàn ông luôn được xem ở thế « làm chủ » phụ nữ". Vì vậy, đức ông chồng nào đi kiện vợ về nạn bạo hành thường bị cảnh sát cười chê, hoặc dã đơn kiện bị từ chối. Hơn nữa, phụ nữ thường được cho là phái yếu, « không thể tấn công ». Do đó, ai cũng nghĩ khó lòng mà một phụ nữ có thể « cai trị » được đấng phu quân của mình về mặt thể chất, bởi đàn ông thường mạnh và cao to hơn. Thế nhưng trong thực tế, bạo hành do chị em phụ nữ gây ra có khi rất dữ dằn và mạnh bạo với nhiều hình thức, từ việc khủng bố tâm lý hằng ngày đến các hành vi bạo lực (tát vào mặt, cào cấu, bạo hành tình dục…). Thậm chí đôi khi có cả tra tấn và giam giữ. Thái Lan có nữ thủ tướng, Israel có biểu tình Trên trang thời sự ảnh, tạp chí Le Monde dành ưu tiên cho hai nước châu Á là Thái Lan và Israel. Đến với Thái Lan, tờ báo đăng ảnh bà Yinluck Shinawatra đang đứng cười rạng rỡ trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới tại nước này. Tờ báo cho rằng, bà có thể mỉm cười vì đảng của bà vừa giành chiến thắng và chiếm đa số tại Quốc hội khóa mới này, đảm bảo cho bà chiếc ghế thủ tướng. Nữ doanh nhân 44 tuổi này là em gái của cựu thủ tướng Thái Lan ông Thaksin, bị kết án thâm lạm của công, hiện tại đang sống lưu vong tại Cam Bốt (theo Le Monde). Còn đối với Israel, Le Monde đăng ảnh nhiều đàn ông và phụ nữ bồng bế con thơ xuống đường biểu tình hôm 28/7 tại thủ đô Tel Aviv. Tờ báo kể lại, hàng ngàn người biểu tình tay bồng tay bế, mang cả xe đẩy dành cho trẻ em và những chiếc bong bóng vàng như biểu tượng của cuộc đấu tranh, phản đối cuộc sống đắt đỏ và việc giá bất động sản leo thang. Trước làn sóng này, thủ tướng Benyamin Netanyahou đã thông báo những giải pháp cải tổ. Trang nhất các tạp chí Pháp tuần này : Chủ đề có liên quan đến nước Pháp nổi trội trên trang nhất các tạp chí tuần này. Nhân mùa du lịch hè tại Pháp, Le Nouvel Observateur dành trang trang nhất chạy tựa « Những kỷ lục », để giới thiệu những nơi được đặc thù của nước Pháp, như thành phố giàu nhất, vùng nguy hiểm nhất, tỉnh sinh thái nhất, nơi có ít người thất nghiệp nhất…. với hồ sơ đặc biệt 18 trang. L’Express ưu tiên cho chủ đề quan hệ vợ chồng với hàng tít lớn trên trang nhất «Nam-Nữ, những điều cấm kỵ cuối cùng ». Tờ báo có nhiều bài phân tích trong nhiều phương diện khác nhau. « Giữ cho xuân sắc » là tựa đề bài viết trên trang nhất Le Figaro. Tờ báo đăng nhiều phân tích của các chuyên gia về ảnh huởng của việc ăn uống đối với sức khỏe và nhan sắc. |