Thông tín viên RFA bị từ chối nhập cảnh |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 05 Tháng 8 Năm 2011 20:04 |
Tường An (hay Ca Dao) là công dân Pháp và hiện sinh sống tại Paris. Thông tín viên RFA Tường An cũng là thành viên nhiều hội đoàn dân chủ của người Việt Thông tín viên Tường An của đài Châu Á Tự do (RFA) bị từ chối nhập cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất khi về Việt Nam thăm mẹ già. Bà Tường An, còn được biết tới trong các sinh hoạt hội đoàn của người Việt dưới tên Ca Dao, là công dân Pháp và hiện sinh sống tại Paris. Bà cho BBC biết: Tường An: Mẹ tôi nói là tôi phải về vì đã lâu lắm rồi hai mẹ con không gặp nhau, mẹ tôi muốn tôi về vì nhỡ mà mẹ tôi mất thì không còn gặp được nữa. Khoảng 6,7 năm rồi tôi chưa về Việt Nam. Má tôi đã gần 85 tuổi và bà cũng già yếu rồi. Tôi xin visa qua văn phòng du lịch và tôi khởi hành ngày 31/7/2011 tại Paris, đến phi trường Tân Sơn Nhất vào khoảng 1h trưa ngày 1/8/2011. Khi tôi đến, tôi đưa passport của mình cho một cô ở trong quầy. Lúc đó, tôi thấy có một anh công an đứng phía sau kiểm soát tất cả các quầy và khi mà anh ta thấy tôi đến thì anh này bảo cô tại quầy đó đưa hộ chiếu của tôi cho anh rồi bảo tôi vào trong làm việc. Tôi đã phần nào đoán được sự việc sẽ xảy ra như vậy cho nên tôi đi theo. Tôi thấy hai người đang mặc thường phục. Một người hỏi họ muốn làm việc với tôi, rồi họ nói tôi có những hành động chống phá chính quyền. Tôi nói là chắc là anh dùng chữ sai rồi. Tôi không chống phá chính quyền nào cả. Những việc tôi làm, những hội đồng tôi tham gia là hợp pháp ở đất nước mà tôi đang sống. Họ bắt tôi phải kê khai lý lịch của tôi. Tôi nói là lý lịch của tôi thì các anh biết cả rồi nhưng họ bảo họ muốn kiểm chứng. Họ bắt tôi phải kể từ tiểu học, trung học tôi học ở đâu và tôi đi vượt biên như thế nào. Họ hỏi về một vài hội đoàn mà tôi tham gia. Trong lúc đang trả lời như vậy thì có một anh mặc quân phục, cầm trên tay một tờ giấy và bảo với tôi là: “Thôi để khỏi mất thời gian của chị thì tôi báo cho chị biết là ở trên Bộ An Ninh là họ không cho chị vào. ” Tôi hỏi lý do thì người ta trả lời tôi rằng sự có mặt của tôi có hại đến nền an ninh của quốc gia. BBC: Thưa lý do có hại cho an ninh quốc gia, theo bà đánh giá, là vì bà làm việc cho RFA hay hoạt động cộng đồng? Tường An: Tôi nghĩ có lẽ cả hai vì họ chưa có thời gian để hỏi về hoạt động của tôi và đài RFA vì họ mới hỏi tôi được 20 phút thì đã có người cầm quyết định vào. Về hoạt động hội đoàn của tôi bên Pháp thì tôi tham dự rất nhiều hội đoàn. Ở những nước tự do mỗi người có thể tham gia tới 10 hội đoàn. Tôi thì tôi có tham gia những hội đoàn ở Paris như là CLB phối hợp công tác ở Paris. Tôi là thành viên của Ủy ban bảo vệ người lao động Việt Nam, là thành viên của Họp mặt Dân chủ... Đại khái là như vậy nhưng chắc là họ cũng nắm hết rồi tuy chưa kịp hỏi tôi vì cũng không có gì là bí mật cả. Tôi đến Việt Nam vào ngày 1/8 và phiên toà của CHHV xảy ra vào ngày 2/8. Thật sự đó chỉ là tình cờ thôi nhưng tôi nghĩ với nhà cầm quyền Việt Nam thì bất cứ sự hiện diện nào của một nhà báo, một phóng viên hay một tiếng nói nào của phiên toà xử LS CHHV là cần phải tránh. Liệu RFA có can thiệp hay không thì tôi không được biết. Khi từ chối nhập cảnh, họ đưa sẵn một boarding board và kéo tôi ra ngay và nói máy bay sắp bay rồi. Tôi gọi điện thoại báo cho người nhà tôi và dặn họ phải báo ngay cho người nhà tôi bên Pháp. Người nhà của tôi báo ngay cho toà lãnh sự Pháp. Trong lúc đó, mọi việc xảy ra rất là nhanh và khi toà lãnh sự Pháp gọi điện vào phi trường để hỏi là họ có giữ công dân Pháp nào không thì họ chối ngay và nói là họ không giữ ai cả. Thật sự thì tôi nghĩ mọi sự can thiệp đều không có kết quả vì luật pháp của Việt Nam có những luật lệ riêng của họ nhưng mà dĩ nhiên mọi sự lên tiếng thì đều là cần thiết. |