Home Tin Tức Thời Sự Nhật tố cáo Trung Quốc ăn trộm công nghệ tàu cao tốc

Nhật tố cáo Trung Quốc ăn trộm công nghệ tàu cao tốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Thái Quân (tổng hợp)   
Thứ Sáu, 05 Tháng 8 Năm 2011 15:26

Trung Quốc phủ nhận vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ ...

Trung Quốc mới đây đã có những phản ứng phủ nhận hoàn toàn trước những lời tố cáo của phía Nhật Bản cho rằng họ đã ăn trộm các công nghệ chế tạo tàu cao tốc.

 Công luận quốc tế hiện chưa thể biết thực hư đằng sau những tranh cãi trên như thế nào, nhưng có điều chắc chắn rằng, chuyện Trung Quốc bị các quốc gia cáo buộc ăn cắp công nghệ từ trước đến nay không phải là quá hiếm…

 Hôm 8/7 vừa qua, Bộ Đường sắt Trung Quốc đã chính thức bác bỏ những cáo buộc của Nhật về việc, Bắc Kinh đã vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ của Tokyo trong việc chế tạo tàu cao tốc.

"Trung Quốc đã tự mình phát minh ra những công nghệ mà hiện nay đang chuẩn bị các thủ tục xin cấp bằng sáng chế. Những lời cáo buộc của phía Nhật Bản chỉ cho thấy sự thiếu tin tưởng của họ" - quan chức đại diện cho Bộ Đường sắt Trung Quốc phát biểu.

Trước đó, Tập đoàn Kawasaki Heavy Industries của Nhật đã buộc tội phía Trung Quốc vi phạm luật về quyền sở hữu trí tuệ, sau khi Bắc Kinh nộp đơn xin cấp bằng sáng chế về một loạt công nghệ trong lĩnh vực chế tạo tàu siêu tốc.

 Tập đoàn của Nhật cho rằng, một vài công nghệ trong số này đã được họ cung cấp trong quá trình chế tạo đoàn tàu siêu tốc CRH2 tại Trung Quốc, có thể chạy với tốc độ 200 km/giờ. Trên chuyến tàu loại này, hành trình từ Bắc Kinh tới Thiên Tân (dài 130 km) chỉ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ.

 
Tàu cao tốc CRH380A bị cáo buộc chế tạo dựa trên những công nghệ đánh cắp của Nhật.

Trung Quốc về sau này trên cơ sở loại tàu CRH2 của Nhật đã tiếp tục chế tạo một mẫu tàu cao tốc CRH380A của riêng mình có thể chạy với tốc độ 350 km/giờ. Giờ đây, họ đang cố gắng xin cấp bằng sáng chế về một số công nghệ đã sử dụng trong quá trình chế tạo loại tàu này.

Tuy nhiên, phía Nhật cho rằng, việc Bắc Kinh được cấp những bằng sáng chế trên có thể có vi phạm các hợp đồng đã ký kết giữa Trung Quốc và Nhật liên quan đến việc chế tạo loại tàu cao tốc CRH2.

 Phía Trung Quốc phủ nhận tất cả những cáo buộc trên, đồng thời nói rằng, họ không có ý định từ bỏ quyền đăng ký các phát minh của mình chỉ vì "những phát biểu vô trách nhiệm của các quốc gia khác".

Hiện chưa thể khẳng định bên nào có lý trong những tranh chấp nói trên. Chỉ có điều cần thừa nhận rằng, Trung Quốc trong thời gian gần đây đã không ít lần bị chỉ trích vì chuyện vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Rõ ràng nhất là chuyện Trung Quốc không e ngại "sao chép" các công nghệ quân sự của Nga.

Trong chuyện này, Bắc Kinh thường hành động theo một kịch bản quen thuộc: đó là ký hợp đồng mua các trang thiết bị quân sự với Moskva, trên cơ sở đó nghiên cứu để chế tạo những kiểu mẫu mới hiện đại và hoàn thiện hơn.

Trong một số trường hợp khác để có thể tiết kiệm chi phí hơn, phía Trung Quốc ký kết hợp đồng và nhận được giấy phép lắp ráp một số lượng trang thiết bị nào đó.

 Sau khi tìm hiểu kỹ càng, nắm được bí quyết về vũ khí qua các tài liệu kỹ thuật được cung cấp kèm theo, họ tìm cách phá vỡ hợp đồng, trước khi bắt tay vào chế tạo những trang thiết bị từ những linh kiện tự sản xuất đã được nghiên cứu biến cải đi một chút.

Chẳng hạn Trung Quốc đã đem triển lãm loại tên lửa có cánh C-602 (theo các chuyên gia rất giống với loại tên lửa có cánh X-55 của Nga), động cơ Tai Hang WS-10 (chẳng khác gì mấy so với động cơ AL-31F chuyên lắp đặt trên các máy bay SU của Nga).

Nhưng vụ bê bối điển hình nhất trong lĩnh vực này phải kể tới "bản sao" của Trung Quốc đối với loại tiêm kích tầm xa SU-27 của Nga.

Năm 1995, Trung Quốc và Nga đã ký kết một thỏa thuận về việc cho phép Bắc Kinh lắp ráp 200 chiếc máy bay SU-27SK tại một nhà máy quốc phòng ở Thẩm Dương. Sau khi lắp ráp được 100 chiếc tiêm kích loại này, Trung Quốc phá bỏ hợp đồng với số máy bay còn lại.

Trong một thập niên sau đó, phía Trung Quốc đã tự mày mò sao chép, chế tạo các linh kiện phụ tùng của Nga để lắp ráp thành công phiên bản máy bay J-11 của mình.

 Tuy nhiên, các kỹ sư Trung Quốc đã không thể sao chép phần điện tử và trang bị định vị vô tuyến. Họ giải quyết "vấn đề nan giải" trên bằng cách lắp đặt lên chiếc tiêm kích loại động cơ phản lực do Trung Quốc sản xuất. 

Ngoài ra, loại tiêm kích dùng trong hải quân J-15 của Trung Quốc cũng đặc biệt giống với loại SU-33 của Nga.

Các chuyên gia cho rằng, kỹ sư Trung Quốc đã sao chép từ "nguyên mẫu" họ nhận được từ Ukraina trước đó.

 Giờ đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu loại tiêm kích thế hệ thứ 5 của mình, với những bước thử nghiệm đầu tiên đã được tiến hành từ đầu năm nay. Liên quan đến vấn đề này, bản thân giới chuyên gia quân sự Mỹ cũng nhận xét rằng, loại tiêm kích này được chế tạo trên cơ sở các công nghệ của Nga bằng cách nào đó đã "rò rỉ" sang Trung Quốc và được các kỹ sư nước này nhanh chóng sao chép.

Ngoài máy bay, các phương tiện xe bọc thép của Nga cũng rất được phía Trung Quốc quan tâm "học hỏi".

Điển hình là loại xe bọc thép BMP ZDB04 của họ đặc biệt giống với loại BMP-3 của Nga. Đối với loại xe này, các nhà thiết kế Trung Quốc đã không e ngại nói thẳng, họ đã sao chép mẫu xe của Nga, dù vẫn tự hào bổ sung thêm về việc đã hoàn thiện một bước hệ thống điều khiển hỏa lực.

Alexander Khramchikhin, Phó giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự của Nga, đã nhận định thẳng thắn rằng, Trung Quốc từ trước đến nay vốn có truyền thống không e ngại "vay mượn" các công nghệ của người khác. "

Tất nhiên đây là điều có thật. Nhưng không thể nói rằng họ đã đánh cắp và sao chép một cách thô thiển. Mọi chuyện trên thực tế còn phức tạp hơn nhiều - chuyên gia trên nhận xét - Trung Quốc một mặt rất tích cực lấy cắp các bí mật, nhưng mặt khác họ cũng biết cách tổng hợp các công nghệ của chúng ta cũng như của phương Tây để tạo ra một sản phẩm nào đó mới mẻ, dù chuyện này hoàn toàn không phải là đơn giản. Chính vì vậy không thể nói rằng, họ vẫn đang trong tình trạng lạc hậu về công nghệ"