Thái Lan : lần đầu tiên một phụ nữ lên làm Thủ tướng |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Sáu, 05 Tháng 8 Năm 2011 09:19 |
Bà Yingluck đã được 296 người tín nhiệm, trong khi chỉ cần 251 phiếu là đắc cử Nữ thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra - Reuters Quốc hội mới tại Thái Lan, vào hôm nay 05/08/2011, đã bầu bà Yingluck Shinawatra làm Thủ tướng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước này mà một phụ nữ được lên nắm quyền lãnh đạo chính phủ. Sự kiện này, về hình thức, có thể được xem là phản ánh một cuộc cách mạng về tư duy, nhưng một số nhà phân tích cho rằng, điều đó không có nghĩa là một bước nhảy vọt trong vấn đề nam nữ bình quyền tại châu Á. Kết quả cuộc bỏ phiếu vào hôm nay không ngoài dự đoán : Trong một Quốc hội gồm 500 dân biểu, bà Yingluck và đảng Puea Thai của bà đã kết hợp được với năm đảng nhỏ khác để thành lập một liên minh gồm 300 nghị sĩ, tức là hơn xa đa số tuyệt đối cần thiết. Trong cuộc bỏ phiếu, bà Yingluck đã được 296 người tín nhiệm, trong khi chỉ cần 251 phiếu là đắc cử. Theo Hiến pháp Thái Lan, tân Thủ tướng còn phải được Quốc vương phê chuẩn, thế nhưng đó chỉ là vấn đề thủ tục, được thực hiện nội nhật hôm nay. Sự kiện bà Yingluck lên làm Thủ tướng Thái Lan đã được nhiều nhà quan sát hoan nghênh, xem đấy là một sự kiện lịch sử trong nền chính trị Thái Lan, cho dù các thách thức đặt ra cho bà rất nhiều. Theo Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok, tân thủ tướng Thái Lan sẽ phải đối phó với hai vấn đề nổi cộm : thỏa mãn yêu cầu của phe ủng hộ bà, đang đòi quân đội nhận trách nhiệm về vụ đàn áp phong trào biểu tình của phe Áo Đỏ vào năm ngoái, và chứng minh với công luận rằng bà không phải là con rối trong tay người anh là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra : "Được bầu với hơn 60% số phiếu của các dân biểu, bà Yingluck Shinawatra là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Thái Lan được lên lãnh đạo đất nước. Dù không có kinh nghiệm chính trị, bà đã thực hiện được một cuộc vận động tranh cử đầy sức thuyết phục, rồi sau đó đã khéo léo đàm phán để thành lập ra được một chính phủ liên minh với năm đảng chính trị khác. Tuy nhiên, tân lãnh đạo chính phủ Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức quan trọng, mà lớn nhất là việc thiết lập sự thật về vụ đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình chống chính phủ vào mùa hè năm ngoái (2010). Phong trào "Áo đỏ", vốn đã chiếm đóng trung tâm thủ đô Bangkok trong ba tháng trời, vẫn tiếp tục yêu cầu quân đội Thái chịu trách nhiệm về sự kiện đó. Ảnh hưởng của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra trên các quyết định chính trị của bà Yingluck em ông bắt đầu rõ nét. Từ Dubai, nơi ông đang sống lưu vong, ông Thaksin đã cho biết ý muốn của ông về thành phần chính phủ mới tại Thái Lan. Có điều là tính chất gia trưởng, gia đình trị đó không hề gây sốc cho số người Thái đã bỏ phiếu cho bà Yingluck. Khẩu hiệu của đảng Peua Thai của bà chính là : « Thaksin suy nghĩ, đảng hành động »". Sự kiện Thái Lan lần đầu tiên có một nữ thủ tướng đã khiến các nhà quan sát tự hỏi là, điều đó phải chăng phản ánh một bước tiến bộ về mặt tư duy ? Về mặt hinh thức thì quả là như vậy, vì từ ngày chế độ quân chủ chuyên chế bị bãi bỏ từ năm 1932, Thái Lan đã trải qua biết bao đời thủ tướng, nhưng tất cả đều là nam giới. Trong cuộc bầu cử vừa qua, cử tri bầu cho đảng Peua Thai đều dư biết là, nếu đảng này thắng cử thì bà Yingluck sẽ lên lãnh đạo chính phủ, thế mà đa số vẫn bầu cho đảng này. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, chiến thắng của bà Yingluck thực ra không phải xuất phát từ thay đổi tư duy của người Thái, mà là từ uy tín của chính ông Thaksin, anh của bà, người đã tính toán tất cả, từ việc đưa bà lên lãnh đạo đảng thân cận với ông, cho đến việc cố vấn cho bà trong cuộc vận động tranh cử. Về phần xã hội Thái Lan, trong giới kinh doanh, tương tự như trường hợp bà Yingluck, phụ nữ có một vai trò quan trọng, nhưng trong chính trường, vai trò của họ không đáng kể. Một ví dụ điển hình : Phụ nữ chỉ chiếm vỏn vẹn 13% số dân biểu trong Quốc hội mãn nhiệm mà thôi, trong lúc tỷ lệ bình quân trên thế giới là 19,5 %, và 18,3% tại châu Á.
|