Home Tin Tức Thời Sự Công an bắt 8 thanh niên Công Giáo mà không nêu lý do

Công an bắt 8 thanh niên Công Giáo mà không nêu lý do PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 04 Tháng 8 Năm 2011 10:46

 Việc bắt người không có lệnh bắt hợp pháp 
 

  SÀI GÒN (NV) - Từ ngày 30 tháng 7 đến 3 tháng 8, công an ở Việt Nam đã bắt giam 8 sinh viên và cựu sinh viên thuộc giáo phận Vinh mà không đưa ra lý do vì sao họ bị bắt.

  
Anh Phêrô Trần Hữu Ðức và Antôn Ðậu Văn Dương. (Hình: Truyền Thông Chúa Cứu Thế)

Theo thông báo từ anh Paul Hồ Văn Oanh (ngụ Xóm 4, Quỳnh Vinh, Quỳnh Lưu, Nghệ An, thuộc giáo phận Vinh), vào lúc 15 giờ 55 phút, anh FX Ðặng Xuân Diệu lên chuyến bay Air Asia (FD3724) Bankok, Thái Lan trở về Việt Nam lúc 17 giờ 25 phút ngày 30 tháng 7, 2011.

Khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, anh Diệu báo cho anh Oanh biết. Nhưng sau đó, không ai liên lạc được với anh Diệu nữa. Người nhà và bạn bè anh Diệu tổ chức tìm kiếm hơn 48 giờ liên tục không thấy.

Ðược biết, anh Phê-rô Hồ Ðức Hòa, anh JB Nguyễn Văn Oai, anh FX Ðặng Xuân Diệu cùng đi chuyến bay nói trên.

Hiện nay, 3 anh bị lực lượng an ninh bắt nhưng không biết bắt tội gì và giam giữ ở đâu. Tổ chức sinh viên Công Giáo thuộc giáo phận Vinh phổ biến một bản tin nói: “Công an TP Sài Gòn tiếp tục chiến dịch bắt cóc.”

Cả 3 anh Hồ Ðức Hòa, Nguyễn Văn Oai và Ðặng Xuân Diệu đều là cựu sinh viên Công Giáo thuộc Giáo phận Vinh. Anh Nguyễn Văn Oai đang ở trọ tại tỉnh Bình Dương. Người ta chỉ thấy phóng ảnh một biên bản bắt Nguyễn Văn Oai gồm cả tịch thu một số đồ vật phổ biến trên trang báo điện tử www.chuacuuthe.com.

Báo này cũng cho hay nhà của anh Phê-rô Hồ Ðức Hòa tại Vinh đã bị khám xét hồi trưa ngày 3 tháng 8, 2011.

  Biên bản bắt, khám xét nhà Nguyễn Văn Oai ở Bình Dương. (Hình: Truyền Thông Chúa Cứu Thế)

Theo người nhà của anh Anton Ðậu Văn Dương, Phê-rô Trần Hữu Ðức xác nhận 2 anh bị bắt không rõ nguyên nhân lúc 8 giờ 45 phút ngày 2 tháng 8, 2011 khi đang trọ học tại thành phố Vinh.

Việc bắt người không có lệnh bắt hợp pháp, cũng không phải bị bắt khi đương sự đang có hành vi phạm tội quả tang.

Ngoài ra, một nguồn tin khác cho hay anh Phê-rô Nguyễn Hoàng Phong cùng bị bắt chung với anh Ðức, anh Dương, nhưng nay đã được thả về.

Tiếp theo, lúc 11 giờ 30 phút ngày 3 tháng 8, 2011 anh FX Ðặng Xuân Tương là em trai anh Ðặng Xuân Diệu cũng bị bắt tại nơi làm việc (số 25 Ðinh Lễ, TP Vinh) và lục soát nơi ở. Hiện giờ chưa có tin gì về anh Tương. Gia đình không biết anh Tương bị bắt tội gì.

Cùng ngày 3 tháng 8, 2011, lúc 11 giờ 45 phút, anh Paulus Lê Sơn, sinh viên Giáo Phận Thanh Hóa, bị bắt khi anh vừa rời nhà trọ (đường Bùi Xương Trạch, phường Ðịnh Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Anh Paulus Lê Sơn là cộng tác viên của Truyền Thông Chúa Cứu Thế ở Việt Nam. Không thấy có lệnh bắt hợp pháp và không rõ bị bắt về tội gì.

Theo nguồn tin của trang web Chúa Cứu Thế, “anh Oai bị công an thuộc cơ quan điều tra TPHCM-Bộ Công An bắt và đưa về phòng trọ tại Bình Dưong khám nhà. Còn anh Diệu và anh Hòa đến giờ này vẫn chưa có tin tức gì,” “Nguyễn Văn Thụ và Bùi Như Long là hai nhân viên an ninh điều tra của bộ Công An đã tiến hành vụ khám nhà này.”

 

 
Tất cả những người bị bắt đều bị công an lấy đi máy ảnh, điện thoại di động...

Có vẻ như nhà cầm quyền Việt Nam đã mở chiến dịch tấn công vào tổ chức Hội Sinh Viên Công Giáo giáo phận Vinh - cái gai trong mắt nhà cầm quyền Việt Nam, kể từ khi hội sinh viên này ủng hộ giáo xứ Thái Hà đòi lại đất đai của Giáo Hội bị chiếm đoạt.

Bản tin của Truyền Thông Chúa Cứu Thế đặt nghi vấn “không loại trừ khả năng nhóm người hung dữ bắt anh Paulus Lê Văn Sơn cũng chính là công an TP. Hà Nội.” Bản tin cũng cho rằng “bộ Công An Việt Nam đã chỉ đạo đợt bắt cóc ồ ạt và thô bạo này đối với những thanh niên Công Giáo.”

Chuacuuthe.com đặt câu hỏi: “Không biết từ bao giờ, công an ở Việt Nam đã trở thành mối đe dọa cho người dân, thay vì nghiêm túc và tận tâm phục vụ cho sự an ninh của công dân như đúng chức năng được đặt ra, mà mỗi người dân phải đóng thuế để trả lương nuôi sống họ và trang bị phương tiện cho ngành này hoạt động.

Vào đồn công an làm việc sau đó bị chết, đứng một mình không có thân nhân bị bắt cóc.” (PT)