Home Tin Tức Thời Sự Cam Bốt : Điều kiện lao động khắc nghiệt trong ngành gia công giày xuất khẩu

Cam Bốt : Điều kiện lao động khắc nghiệt trong ngành gia công giày xuất khẩu PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân / Phạm Phan   
Thứ Năm, 04 Tháng 8 Năm 2011 10:33

Công nhân Cam Bốt đã nhiều lần bị ngất xỉu tập thể khi đang làm việc tại xưởng

Một nữ công nhân dệt may phải nhập viện tại Phom Penh hôm 21/07/2011 sau khi bị ngất xỉu khi đang làm việc. Đây là hiện tượng rất thường xẩy ra ở Cam Bốt.
REUTERS/Samrang Pring

Ngày 25/07/2011, tại Phnom Penh, lại có thêm gần 50 công nhân một hãng gia công giầy thể thao cho tâp đoàn Đức Puma – bị ngất xỉu khi đang làm việc.

Vụ này đã xẩy ra ít lâu sau khi 200 công nhân khác cũng bị ngất xỉu tại hãng giày đó. Hai sự kiện liên tiếp này nêu bật tình trạng các điều kiện lao động tồi tệ đang tồn tại ở Cam Bốt.

Từ thủ đô Cam Bốt, Thông tín viên Phạm Phan giải thích thêm về nguyên do khiến cho các vụ ngất xỉu hàng loạt liên tiếp xẩy ra, đặc biệt là tại hãng làm giày Huey Chen ở Phnom Penh.
  
Phạm Phan : Sự kiện nhiều công nhân trong xưởng làm giày bị ngất xỉu hồi tháng 4 và mới đây là do điều kiện làm việc trong xưởng không bảo đảm sức khỏe cho công nhân…

Trong năm nay, công nhân Cam Bốt đã nhiều lần bị ngất xỉu tập thể khi đang làm việc tại xưởng, đây là chưa nói tới các vụ ngộ độc thức ăn phải chở đi bịnh việc cứu cấp nhanh chóng khi công nhân ăn trưa tại các nhà ăn tập thể do hãng xưởng tổ chức.

Hai vụ ngất xỉu kể trên xảy ra riêng rẽ, một hồi tháng 4 khiến cho 200 người phải đưa vào bịnh viện cứu chữa; một xảy ra vào ngày thứ 25/7 khiến cho ít nhất 49 công nhân phải đi nằm nhà thương. Đặc biệt là hai vụ ngất xỉu nói trên đều diễn ra tại hãng làm giày Huey Chuen, một nhà thầu phụ của công ty Puma ở Đức.

Vào tháng 4 khi xảy ra vụ ngất xỉu tập thể, công ty Puma đã ủy quyền cho Hiệp Hội Lao Động Bình Đẳng tiến hành cuộc điều tra độc lập về sự việc xảy ra.

Hiệp Hội này đặt cơ sở tại Hoa Kỳ. Sau khi Hiệp Hội công bố kết quả điều tra, công luận tại Đức không đồng ý về cách hoạt động tại Cam Bốt của công ty sản xuất giày Puma.

Xưởng làm giày Huey Chuen thuộc công ty Huey Chuen là một cơ sở sản xuất giày do người Hoa làm chủ. Theo dữ kiện của chính quyền Cam Bốt, số người Hoa từ lục địa đến xứ Chùa Tháp làm ăn thường đầu tư trong lĩnh vực may mặc, còn người Hoa từ Đài Loan thì đầu tư trong các hãng làm giày, vớ.

Xưởng giày Huey Chuen đang thuê mướn 3.300 công nhân nam nữ và những phát giác tại hiện trường sau vụ ngất xỉu của 200 công nhân hồi tháng 4/2011 cho thấy điều kiện lao động tại xưởng không bảo đảm tối thiểu cho sức khỏe công nhân.

Như việc khấu trừ lương tháng của công nhân không minh bạch; thứ Hai là không có kế hoạch an toàn về chữa lửa một khi xảy ra hỏa hoạn; Ba là những nhân viên mới vào lao động không được huấn luyện; Bốn là xưởng cắt bớt ngày nghỉ bịnh hàng năm của công nhân.

Tất nhiên còn nhiều khiếm khuyết khác mà công ty Huey Chuen cần phải điều chỉnh để gìn giữ sức khỏe cho người lao động và cũng để khỏi phải vi phạm luật lao động quốc gia và quốc tế.

Được biết tất cả công nhân tại hãng giày Huey Chuen đều nằm trong Liên Hiệp Nghiệp Đoàn Cam Bốt do ông Chuon Momthol làm Chủ Tịch.

 Ông Momthol đã vào bịnh viện thăm hỏi số công nhân bị hôn mê và thấy rằng hầu hết họ bị chứng khó thở, một số người cần được tiếp oxygen, những người này nói họ cảm thấy choáng váng, và không mở mắt được.

Chị Sor Channy, 24 tuổi, nạn nhân ngày 25/7, nói trước đó chị hơi chóng mặt, và bị đau đầu, sau đó té bất tỉnh luôn trong khi lao động. Khi tỉnh dậy chị thấy mình đang nằm trong nhà thương.

Hãng giày Huey Chuen sử dụng nhiều keo và dung môi (dung môi là một chất lỏng, rắn, hoặc khí dùng để hòa tan một chất tan rắn, lỏng, hoặc khí khác) có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe công nhân.

 Theo phúc trình của Hiệp Hội Lao Động Bình Đẳng thì kho chứa hóa chất và hệ thống thông khí trong xưởng cũng không bảo đảm.

Cạnh đó một yếu tố như buộc công nhân lao động quá sức cũng là nguyên nhân khiến họ ngã quỵ.

RFI : Ý kiến của đại diện hãng Huey Chuen ra sao trước các tai tiếng vừa nêu ?

Phạm Phan : Sau vụ ngất xỉu ngày 25/7 có một số nhà báo đã tìm đến cơ sở sản xuất của công ty Huey Chuen nằm tại quận Chom Chao thuộc vành đai hướng Tây Nam Phnom Penh để tìm hiểu thêm nguyên do. Khi gặp ông Zhang Hanchang, viên phụ tá của ông tổng quản trị hãng Huey Chuen thì sự vụ lại được giải thích khác đi.

Theo ông Zhang Hanchang, việc công nhân ngất xỉu không liên hệ gì đến điều kiện lao động trong xưởng giày của ông, ông nhấn mạnh rằng xưởng được tổ chức phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế.

 Những vấn đề liên hệ đến sức khỏe công nhân mới xảy ra là do thời tiết, ông Zhang cho rằng nhiều công nhân bị ho, và khi họ đi xe tải từ nhà đến xưởng, họ lại ngồi phía sau xe không có mui che, nên bị mắc mưa trong suốt chuyến đi khiến họ bị cảm. Đây là nguyên nhân chính làm sức khỏe công nhân suy yếu.

Tuy nhiên ông Zhang cũng thừa nhận diện tích xưởng chật hẹp đối với khoảng 3.000 công nhân.

RFI : Cụ thể thì Ban giám đốc tập đoàn Đức Puma đã có làm gì hay chưa để cải tiến điều kiện làm việc tại các xưởng gia công cho họ ở Cam Bốt ?

Phạm Phan : Sau khi phúc trình của Hiệp Hội Lao Động Bình Đẳng được công bố thì ban giám đốc công ty Puma ra lịnh kiểm tra sức khỏe của toàn thể công nhân, và thực hiện chương trình cải tiến điều kiện lao động tại xưởng giày, cũng như xem xét lại việc cung cấp bữa ăn cho công nhân.

 Theo dự tính thì cuối năm nay người lãnh đạo công ty Puma sẽ đến Cam Bốt để quan sát tại chỗ điều kiện lao động ở xưởng coi có phù hợp tiêu chuẩn hay không.

Theo Chủ Tịch Liên Hiệp Nghiệp Đoàn Cam Bốt, ông Chuon Momthol, nỗ lực của Puma là tốt, tuy nhiên từ tháng 4 đến nay, hãng Huey Chuen dường như không tuân thủ các ý kiến của nhà sản xuất Puma đưa ra.

Kỹ nghệ may mặc tại Cam Bốt mang lại doanh thu lớn cho quốc gia này hàng năm khoảng 3 tỷ Mỹ Kim, đây cũng được coi là ngành sản xuất quan trọng nhất của đất nước với một lực lượng lao động là 300.000 người. Sản phẩm của ngành may mặc Cam Bốt thường được xuất cảng đến Hoa Kỳ và Châu Âu.

Cách đây 10 năm để giảm thiểu rủi ro trong lao động, những tổ chức liên hệ đến an toàn lao động tại xứ Chùa Tháp lập ra chương trình có tên “Làm Cho Xưởng Thợ Cam Bốt Tốt Hơn”. 300 xưởng lao động trong ngành may mặc phải tuân thủ các điều kiện do chương trình này đặt ra.

Tuy nhiên các xưởng giày do mới hoạt động mấy năm gần đây và số lượng tương đối ít với khoảng 40 xưởng nên “chưa là đối tượng để chương trình an toàn lao động nói trên theo dõi và kiểm tra hoạt động”.

Theo bà Catherine Vaillancourt-Laflamme thuộc Tổ Chức Lao Động Quốc Tế và cũng là một chuyên gia huấn luyện của chương trình “Làm Cho Xưởng Thợ Cam Bốt Tốt Hơn” thì hiện nay chỉ mới có hoạt động quan sát điều kiện lao động tại xưởng giày trên cơ sở tự nguyện.

Thực tế cho thấy, một xưởng có khoảng 3.000 công nhân, và có đến 40 xưởng thì đâu phải là ít mà đại diện Tổ Chức Lao Động Quốc Tế lại nói chưa phải là đối tượng để họ chú ý.

Đời sống công nhân Cam Bốt đã khó khăn về lương tháng, lại không có bảo đảm ổn định nghề nghiệp, điều kiện nguy hiểm tại hãng xưởng góp phần làm cảnh khó của họ lún sâu thêm.

Người Hoa đến kinh doanh tại xứ Chùa Tháp trong nhiều năm nay đã thu vào những món lời rất lớn, nhiều người đi làm bằng xe hơi đời mới, cuộc sống họ sang cả nhưng công nhân Khmer sau nhiều năm lao động thì nghèo vẫn hoàn nghèo, quanh năm trú ngụ trong những căn phòng cho thuê chật hẹp, thiếu vệ sinh, và sức khỏe của họ lại suy giảm có nguy cơ mang bịnh về sau này.