Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4 Tháng 8 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 4 Tháng 8 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 04 Tháng 8 Năm 2011 09:23

Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trên thị trường tài chính thế giới

 

dagongcredit.com

 Trong khi các công ty thẩm định tài chính Hoa Kỳ ngày càng bị chỉ trích về tính khách quan, thì thông qua công ty của riêng mình, Trung Quốc tăng cường chiến dịch chinh phục thị trường tài chính thế giới.

Đó là nhận định của nhật báo Le Monde trong bài viết : « Thông qua công ty thẩm định tài chính Đại Công (Dagong), Bắc Kinh muốn quảng bá tầm nhìn về tài chính trên thế giới ».

Trong hồ sơ nợ công của Mỹ vừa qua, công ty Đại Công có đánh giá khắt khe hơn so với các công ty của Mỹ, cụ thể là đã hạ điểm tín nhiệm tài chính của Hoa Kỳ từ A+ xuống còn A. Thậm chí Tân Hoa Xã còn đánh giá : « Việc Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua quyết định nâng trần nợ công vừa rồi không tháo được ngòi nổ của quả bom nổ chậm ».

Thống đốc ngân hàng Trung Ương Trung Quốc còn kêu gọi « Mỹ nên biết tôn trọng lợi ích của những nước khác ».

 Người đứng đầu Đại Công còn phê phán rằng, Hoa Kỳ là nước nợ nần nhất thế giới, vậy mà lại luôn có điểm tốt, và các công ty thẩm định tài chính của nước này còn đi đánh giá các nước khác.

Đánh giá về việc này, Le Monde cho rằng, Trung Quốc chọn đúng thời điểm để lớn giọng, vì hai công ty thẩm định tài chính hàng đầu của Mỹ là Moody’s và Fitch đang ngày càng bị chỉ trích, và cũng trong lúc Châu Âu ngấp nghé muốn thành lập tổ chức thẩm định riêng cho mình.

Với 500 nhân viên và khoảng 20 chuyên gia phân tích, Đại Công chỉ bắt đầu công tác đánh giá nợ công các nước vào năm 2010 với việc thẩm định nợ công của 50 nước, và năm nay là 67 nước. Lãnh đạo công ty này cho biết sẽ nhắm đến tất cả các nước trong thời gian tới.

 Đại Công chủ yếu quan tâm đến các nước Châu Phi vì Trung Quốc đầu tư nhiều ở đó. Các cơ quan tài chính của Nga và Malaysia cũng đã hướng về Đại Công.

Đại Công được thành lập năm 1994. Phải mãi đến năm 2010 công ty này mới chính thức lao vào thị trường đánh giá nợ công các nước.

Như vậy, khi đánh giá mạnh tay về nợ công Hoa Kỳ, Đại Công tiếp tục chiến lược tăng cường sự ảnh hưởng bắt đầu từ năm trước.

Theo Le Monde, Đại Công dành ưu ái cho các nước mới phát triển, trong đó dĩ nhiên ưu tiên nhất là Trung Quốc với mức điểm « AA+ ổn định ».

Thật ra, thái độ của Đại Công tương đồng với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Công ty này đã không ngại ca ngợi bài phát biểu tại thượng đỉnh G20-Toronto hồi năm 2010 của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, theo đó ông này kêu gọi cải cách hệ thống thẩm định tín nhiệm tài chính thế giới. Đến mức mà Le Monde ví von : « Như thể hai bên (chính phủ và Đại Công) chơi cùng một đội vậy ».

Từ đó, Đại Công bị nghi ngờ bị ảnh hưởng bởi chính quyền trung ương. Người đứng đầu Đại Công tìm cách trấn an khi khẳng định : « Đại Công hoàn toàn độc lập với nhà nước về mặt cổ đông. Vì thế đừng nên nghi ngờ nữa ».

Thế nhưng, Le Monde đặt câu hỏi :Theo đánh giá chính thức của Moody’s , trong báo cáo vừa qua, cơ quan kiểm toán chính phủ Trung Quốc đã cố tình đánh giá thấp hơn 375 tỷ euro nợ của chính quyền địa phương. Liệu Đại Công có dám công bố một báo cáo nêu lên sự thật này không ?

Trả lời cho câu hỏi đó, giám đốc Đại Công nhận đinh : « Moody’s không hiểu gì về Trung Quốc và chỉ muốn gây phiền nhiễu cho Trung Quốc thôi ».

Đánh giá về tính khách quan của Đại Công, một giáo sư giấu tên thuộc đại học Bắc Kinh cho biết, tại Trung Quốc, một công ty thẩm định tài chính hình như không thể hoàn toàn độc lập với chính phủ và dĩ nhiên hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến các đánh giá kiểm định , trong khi đó tại Hoa Kỳ, các công ty thẩm định tài chính không ngại đánh giá điểm thấp cho các bang hay thành phố của Mỹ.

Về tầm ảnh hưởng thật sự trong hiện tại trên thế giới của Đại Công, Le Monde dẫn lại lời của người phụ trách công tác thẩm định nợ công của công ty này cho biết :

« Hiện tại, báo cáo của công ty chúng tôi chưa đủ ảnh hưởng để làm thay đổi các thị trường».

Trung Quốc : Theo dõi khách hàng ở quán cà phê Internet

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro nhìn vào lĩnh vực tự do Internet với bài viêt « Các quán cà phê Internet bị buộc làm gián điệp ».

Chính quyền Trung Quốc vừa có động thái tăng cường kiểm soát Internet với một quy định mới buộc các quán cà phê có cung cấp dịch vụ wi-fi phải lấp đặt hệ thống phần mềm theo dõi khách hàng sử dụng wi-fi tại quán.

Giá của phần mềm từ 2 000 đến 6 000 euro. Phần mềm cho phép theo dõi mọi hoạt động nối mạng của khách hàng.

 Cảnh sát có thể ghi lại được danh sách những trang được khách truy cập và xác định được người đọc hoặc tác giả bị cho là « có âm mưu lật đổ chính quyền ».

Trước luật mới này, nhiều quán cà phê đã ngừng cung cấp dịch vụ wi-fi vì cho rằng phí lắp đặt phần mềm theo dõi quá cao với họ.

Theo tờ China Business News, một tờ báo thân cận với chính quyền Trung Quốc, mức phạt cho vi phạm qui định trên có thể vượt 500 euro, thậm chí nếu nghiêm trọng, sẽ là đóng cửa trong thời hạn sáu tháng. Trên trang xã hội Vi Bác, phiên bản Twitter của Trung Quốc, hôm qua các bình luận về chủ đề này đã bị kiểm soát nghiêm ngặt.

China Business News còn nghi ngờ về những mối liên quan về lợi ích phía sau qui định này. Theo tờ báo, công ty đứng ra bán phần mềm theo dõi đắt đỏ trên là Rainsoft, vốn rất thân thiết với ngành công an, cơ quan áp đặt qui định mới này cho các quán cà phê. Hai bên đã từng có hợp tác chặt chew ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc.

Le Monde cũng nhắc lại việc Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn kiểm soát chặt Internet với cớ là chống khiêu dâm đồi trụy, chống buôn bán ma túy và cá độ trên mạng.

Thế nhưng, thật ra chính phủ ngại những lời chỉ trích mạnh mẽ của dân mạng. Nhất là mới vừa rồi, sau tai nạn hai tàu hỏa đụng nhau ở Ôn Châu, dư luận mạng đã phẫn nộ chỉ trích chính quyền. Ngay cả những phương tiện truyền thông nhà nước cũng đã lên tiếng phê phán nhà chức trách.

Sách trắng Nhật Bản 2011 : Thân Mỹ, bài Trung ?

Ngày 2/8 vừa qua, Nhật Bản đã cho công bố sách trắng quốc phòng năm 2011. Le Monde bình luận về sự việc này qua bài đề tựa : « Chính phủ Nhật Bản lo ngại về mưu đồ cai trị của Trung Quốc ».

Việc công bố sách trắng lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong tranh chấp lãnh hải giữa đảo quốc này và các nước lân cận đang ngày càng tăng. Sách trắng ca ngợi « chiến dịch hữu nghị » tiến hành chung với Mỹ trong khu vực bị thảm họa 11/3 và mối quan hệ gắng bó của Nhật Bản trong liên minh quân sự với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, điểm nổi trội nhất là trong công bố sách trắng về quân sự lần này, Nhật Bản tỏ ra rất quan ngại về những cái mà nước này gọi là « mối đe dọa » cho mình.

Lần đầu tiên, sách trắng của Nhật dành hẳn một chương nói về tình hình tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông, trong đó nổi bật là tranh chấp tại Trường Sa, nguồn gốc của nhiều vụ rắc rối giữa Trung Quốc và các nước láng giềng như Philippines và Việt Nam.

Liên quan đến tranh chấp khu vực hòn đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Sách trắng cho biết, Nhật lấy làm quan ngại về việc Trung Quốc liên tiếp tăng cường các hoạt động quân sự trong vùng biển lân cận Nhật Bản. Nhật cũng lo ngại về những « khuynh hướng tương lai » của chính sách của Trung Quốc.

Sách trắng khẳng định rằng, cư xử của Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy tham vọng « thống trị » của nước này.

Để đối phó với sức ép ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, sách trắng đề nghị giải pháp : Nhật Bản tăng cường hợp tác với Mỹ, Hàn Quốc và các nước trong khối Asean.

Người dân Ai Cập bị chia rẽ sâu sắc

Tiếp tục thông tin về phiên tòa xét xử cự tống thống Moubarak diễn ra tại Cairo hôm qua, các báo Pháp dành nhiều bài phân tích, trong đó đáng chú ý nhất là bài viết đăng trên nhật báo Công Giáo La Croix với nhận định rằng, vụ án Hosni Mubarak đang làm chia rẽ người dân Ai Cập.

Địa điểm xét xử là một học viện quân sự ở ngoại ô thủ đô Cairo của Ai Cập, học viện trước khi ông Mubarak bị lật đổ mang tên của chính ông. Đây là một khu vực nằm giữa một bên là các bãi đất trống và một bên là những khu thành phố mới đang trong giai đoạn xây dựng, bởi thế rất dễ cho công tác an ninh.

Ngay từ sáng sớm, khoảng hơn 6 xe tăng với hàng trăm cảnh sát và quân nhân đã được triển khai tại hiện trường. Phía trước tòa án có lăp đặt một màn hình to để truyền lại trực tiếp diễn biến của phiên tòa.

Bên ngoài tòa án, người ủng hộ và người phản đối ông Mubarak đã đụng độ nhau. Mỗi bên có hàng trăm người. Lúc đầu là đấu khẩu và « cuộc chiến băng rôn ». Chẳng hạn như bên ủng hộ là « Bằng linh hồn và máu của mình, chúng tôi sẽ bảo vệ ngài, hỡi thủ lĩnh », và bên phản đối là « Nhân dân muốn chế độ sụp đổ ». Sau đó, căng thẳng tăng lên, đến mức hai bên ném đá vào nhau. Cảnh sát chống bạo động phải can thiệp.

Trong khi hai bên ném đá vào nhau, tình hình khá hỗn loạn, thì có những cảnh sát đứng nấp mình dưới bóng mát ngắm nhìn mà không đến can ngăn.

Một người ủng hộ ông Mubarak bức xúc : « Họ (nhưng người nổi dậy lật đổ ông Mubarak) làm cách mạng kiểu gì cơ ? Hiện tại trên đất nước này, đâu đâu cũng chìm trong hỗn loạn, thậm chí cảnh sát cũng không màng phản ứng nữa ».

La Croix cho hay, Cảnh hỗn loạn trên diễn ra rất nhiều lần trong ngày. Kết quả là có hơn 50 người bị thương nhẹ.

Khi các bị cáo, và nhất là ông Mubarak xuất hiện trước tòa, trước màn ảnh rộng ngoài sân, hai bên ủng hộ và phản đối là cãi nhau kịch liệt.

Đặc biệt đối với cựu tổng thống Mubarak. Hôm qua ông xuất hiện trước tòa trong đồng phục màu trắng của bị cáo, nằm trên băng ca bệnh viện trong một lồng sắt để hầu tòa. Theo lời tả của La Croix , thì ông này « gương mặt gầy và cặp mắt nhớn nhác ».

Đối với những người phản đối, việc ông Mubarak phải đích thân đến tòa để bị xét xử là một điều vượt mong đợi.

Tuy vậy, niềm vui của họ có vẻ không trọn vẹn. Việc ông không ngồi xe lăn mà lại nằm trên băng ca để để xuất hiện trước tòa, có người cho rằng, ông muốn gợi lòng thương hại trong dân chúng.

Một sự việc gây nghi ngại khác là người ta không hiểu sao, cuối cùng, tòa án lại quyết định tách vụ án ông Mubarak riêng khỏi vụ án ông Habib El Adli , bộ trưởng nội vụ dưới thời Mubarak.

Về việc các tướng lĩnh trong Hội đồng Quân sự Tối cao, cơ quan điều hành đất nước kể từ khi ông Mubarak từ chức hồi sáu tháng trước, chấp nhận đưa vị cựu vị lãnh đạo của mình ra xét xử, nhiều người cho rằng, có thế giới quân đội muốn dùng việc này để khỏa lấp việc chính quyền dùng võ lực giải tán những người biểu tình tại quảng trường Tahrir vào tối thứ hai vừa qua.

Theo La Croix , bản án Mubarak, đối với đa số người Ai Cập, sẽ là « một vật làm tin cho thiện chí dân chủ của chính quyền quân sự ».

 Đó cũng là cách để làm dịu bớt căng thẳng xã hội vào đầu tháng chay Ramadan : Ngoài căng thẳng giữa giới quân đội và phong trào thanh niên, thì sự rạn nứt giữa những người ủng hộ tự do (tức phong trào Huynh Đệ Hồi Giáo) và những người Hồi Giáo cực đoan, đã xuất hiện lần đầu tiên giữa thanh thiên bạch nhật qua cuộc biểu dương lực lượng của hai phái trên quảng trường Tahrir hôm 29/7 rồi.

Đức thiếu trẻ em !

Cuối cùng, La Croix nhìn về nước Đức với bài viết thông tin « Đức thiếu trẻ em ».

Theo công bố chính thức của Cục thống kê Liên Bang Đức hôm qua, trên tổng số dân 81 triệu người, Đức hiện có 13,1 triệu trẻ em dưới 18 tuổi, trong khi năm 2 000 con số này là 15,2. Như vậy, chỉ trong 10 năm, tỷ lệ trẻ em nước này đã giảm từ 17,45% xuống còn 16% trên tổng số dân.

Đức là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất Châu Âu, với mức 1,36 trẻ em/phụ nữ. Dân nhập cư không đủ bù đắp.

Dân số Đức vì thế ngày càng giảm. Năm 2010, nước này có ít hơn hơn 50 000 người so với năm 2009. Theo dự báo, từ đây đến năm 2060, dân số nước này dao động từ 65 đến 70 triệu người.

Giải thích cho hiện tượng phụ nữ ngại mang thai, theo La Croix , do trong xã hội Đức vẫn còn tâm lý : « Một người mẹ tốt là một người mẹ ở nhà lo cho con cái ». Vì thế, công việc ngoài xã hội và việc sinh nở gây trở ngại lẫn nhau. Hiện tại, ở Đức số trẻ em có cả cha và mẹ cùng đi làm việc chiếm tỷ lệ rất ít (28%).

Chính quyền đã nhận thức được vấn đề. Từ đây đến năm 2013, nhà nước đã lên kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà trông trẻ. Thêm vào đó, Quốc hội nước này vừa thông qua một đạo luật về tiếng ồn trẻ em. Theo luật này, đơn kiện về ảnh hưởng của tiếng ồn sẽ không được thụ lí nếu tiếng ồn đó đến từ một nơi được nhà nước cấp phép, như nhà trẻ hay trường học.

Trang nhất các báo Pháp ngày 4/8/2011 :

Phiên tòa xét xử cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak là chủ đề nổi trội trên trang nhất các báo Pháp hôm nay.

« Làm thế nào để xử một nhà độc tài » là tựa đề bài viết trên trang nhất Liberation, « Mubarak, vụ án làm xao động các nhà lãnh đạo Ả Rập » trên trang nhất Le Figaro, và « Đã bắt đầu trọng án Mubarak» trên Le Monde, cả ba tờ báo đều dành bài phân tích thực chất và ảnh hưởng của vụ án này, không chỉ đối với nội tình Ai Cập mà còn cho cả thế giới Ả Rập.

Đặc biệt, các tờ báo cho hay, Ả Rập Xê Út mấy tuần qua đã âm thầm gây sức ép lên chính phủ hiện tại của Ai Cập để cứu cho đồng minh lâu năm của mình là ông Mubarak. Các tờ báo cũng đặt nghi ngờ liệu vụ án Mubarak có được xét xử một cách minh bạch hay không.

Đáng chú ý nhất, cả ba tờ báo điều đăng trên trang nhất bức ảnh ông Mubarak xuất hiện tại phiên tòa hôm qua : gương mặt thất thần sau tấm lưới sắt, và cả ba tờ báo điều dùng từ « sĩ nhục » để nói về việc này.