Home Tin Tức Thời Sự Ðoàn tàu bị nạn

Ðoàn tàu bị nạn PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Tư, 03 Tháng 8 Năm 2011 18:49

Một nhà bình luận đã ví vụ đụng tàu cao tốc ở Trung Quốc như là một điển hình của chế độ tại Hoa Lục. Nó trước tiên là một thảm kịch nhân đạo.

Nhiều người mất mạng, và suốt cả tuần lễ qua, cả nước chú mục vào kinh nghiệm kinh hoàng của những người sống sót. Nhưng vượt ra ngoài vấn đề con người, tai nạn này đã vạch ra cho chúng ta những tì vết của cuộc canh tân vượt tốc độ và cũng đặt ra những câu hỏi về sự bền vững của sự tăng trưởng đó.

Ðến cuối tuần, Trung Quốc đổ cho lỗi của hệ thống đèn đã tạo nên vụ đụng tàu. Một viên chức hỏa xa loan báo hôm thứ Năm là “một lỗi lầm lớn” trong việc thiết kế của hệ thống đèn báo động đã tạo nên vụ đụng tàu chết người hồi cuối tuần trước.

Bản tin của Ðài phát thanh Bắc Kinh giải thích: “Theo phân tích bước đầu, sự cố tàu cao tốc ngày 23 tháng 7 là do thiết bị tín hiệu của Ga Nam Ôn Châu có khiếm khuyết nghiêm trọng trong thiết kế, xảy ra trục trặc khi bị sét đánh, làm cho đèn tín hiệu trong khu vực vốn phải đèn đỏ lại trở thành đèn xanh.” Chính vì thấy đèn xanh đoàn tàu thứ nhì đã cắm đầu cắm cổ chạy đâm vào tàu thứ nhất.

Viên giám đốc văn phòng hỏa xa Thượng Hải đổ cho vừa lỗi con người, nói là các nhân viên an toàn gần nhà ga xe lửa ở Nam Ôn Châu đã không kiểm soát xem hệ thống đèn hiệu có hoạt động tốt hay không. Ông ta còn nói thêm là việc này cho thấy các nhân viên hỏa xa đã không được huấn luyện đầy đủ!

Với sự tức giận của dân chúng ngày càng gia tăng về điều mà họ cho là nhà nước muốn che giấu sự thật, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, đến thăm ở nơi xảy ra tai nạn, đã ra lệnh phải có điều tra “nhanh chóng, cởi mở và minh bạch” đối với tai nạn này. Và ông ra lệnh phải có phúc trình vào tháng 9. Ðiều đáng ngạc nhiên hơn nữa là ông Ôn, trông mặt mày mệt mỏi, đã xin lỗi sự chậm trễ đến thăm hiện trường là vì ông đã lâm bệnh từ 11 ngày nay.

Riêng văn phòng ở Thượng Hải thì nói tai nạn này phản ảnh “những vấn đề ở phẩm chất của dụng cụ, phẩm chất của nhân viên và kiểm soát, và nó cho thấy là tiêu chuẩn an toàn của ngành hỏa xa vẫn còn tương đối rất yếu kém”!

Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống đường xe lửa cao tốc lớn nhất thế giới trong một thời gian kỷ lục, với đoàn xe đầu tiên mới chạy cách đây chưa đầy năm năm. Bắc Kinh đã có tham vọng biến hệ thống đường xe lửa của họ thành một thành tích vô địch thế giới, nhưng tai nạn này rồi sẽ làm cho than vọng xuất cảng tiêu tan. Bắc Kinh đã nhảy vào bỏ thầu phá giá để dành xây dựng hệ thống đường xe lửa cao tốc cho California và đã có lúc họ có triển vọng trúng thầu. Nhưng nay còn ai dám tin vào họ nữa.

Ngược lại Nhật Bản đã có một hệ thống xe lửa cao tốc từ gần nửa thế kỷ nay mà không có một tai nạn chết người nào. Nhật Bản quả rất tự hào về kỹ thuật của tàu Shinkansen, hệ thống đầu tiên được thực hiện. Ðoàn tàu tối tân này đã hoạt động đều đặn suốt nửa thế kỷ nay. Ngay cả qua thiên tai, động đất, chỉ một thời gian ngắn đình chỉ chờ sửa lại đường rầy lại tái tục. Nhưng phải nói Nhật Bản thận trọng hơn Trung Quốc nhiều. Ðoạn đầu tiên giữa Tokyo và Osaka không dài lắm, được dựng nên năm 1964. Nhiều năm sau đó, họ mới làm hệ thống thứ nhì. Nhật Bản đã tự hào là hệ thống báo động tự động của Shinkansen đã hoạt động trơn tru ngay cả trong khi động đất.

Nhật Bản còn chỉ ra là hệ thống đường xe lửa cao tốc Ðài Bắc-Cao Hùng, hoạt động từ năm 2001 ở Ðài Loan, dài 345km, đã chạy tốt đẹp. Bởi điều quan trọng theo các chuyên gia Nhật Bản là trong việc chuyển giao kỹ thuật phải có sự tương xứng khả năng cũng như lương thiện trí tuệ. Ông J. R. Tokai, chủ tịch của công ty Takayuki Kasai, công ty sản xuất ra tàu cao tốc, nói là ông chỉ muốn xuất cảng với điều kiện là “quốc gia phải có ổn định chính trị và một chế độ pháp trị.” Ông Tokai cũng thường xuyên nhắc nhở đến vấn đề bảo vệ tác quyền trí tuệ.

Bởi các hãng sản xuất Nhật Bản đã có một kinh nghiệm cay đắng. Con đường cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải dài đến 1,318 cây số, đã dùng kỹ thuật đầu máy và xe của Kawasaki Industries và kỹ thuật của Siemens. Hệ thống của Kawasaki mang mã số CRH380A trong khi hệ thống của Siemen mang ký hiệu CRH380B. Ngay sau khi đường xe lửa Bắc Kinh-Thượng Hải hoàn tất, Bộ Hỏa Xa Trung Quốc đã đăng ký bản quyền với kỹ thuật của hệ thống CRH380A. Ðược biết nay Trung Quốc đã đăng ký một loạt đến 21 bằng patent trong cố gắng giữ bản quyền trên toàn thể hệ thống xe lửa cao tốc vốn đặt nền tảng trên kỹ thuật của hệ thống Shinkansen của Nhật, Siemens của Ðức và Bombardier của Canada. Trung Quốc nói họ đã “tiêu hóa” các kỹ thuật này và “tái tạo”!

Một số chuyên gia cho là một phần lỗi kỹ thuật của đoàn tàu Trung Quốc nằm ở chỗ đã không hoàn chỉnh được để cho các hệ thống của Siemens, Kawasaki và Bombardier “nói chuyện” với nhau. Ở một khía cạnh nào đó vấn đề cũng chẳng khác gì anh học lóm nên học không đến nơi đến chốn.

Một điều lạ nữa là vài giờ sau vụ đụng tàu ở Ôn Châu, các viên chức Trung Quốc nói đó là do sét đánh tạo nên mất điện và làm cho một đoàn tàu bị chết trên đường rầy. Không rõ là họ có phải nay lại nghĩ là sét đã làm hỏng hệ thống tín hiệu và hỏng điện của đoàn tàu hay chỉ của đoàn tầu không thôi. Các chuyên gia hỏa xa quốc tế cũng bày tỏ nghi ngờ trước giải thích này bởi thật là bất thường nếu sét có thể tạo nên một “sự cố” mà hậu quả khôn lường đến thế, và thường các hệ thống hỏa xa phải có các hệ thống fail-safe, an toàn phụ, và khi nếu hệ thống chính bị hư hệ thống phụ sẽ đương nhiên hoạt động ngăn cản không cho các đoàn tàu đến gần nhau chứ đừng nói đụng nhau.

Vấn đề của hệ thống hỏa xa cho chúng ta thấy, Trung Quốc có thể đã có được bề ngoài của một nền kinh tế kỹ nghệ hóa tân tiến, nhưng họ vẫn chưa phát triển nổi một hệ thống cai quản có thể đáp ứng trong việc điều hành hệ thống đó. Quyền lực tuyệt đối, không bị kiểm soát tạo thiếu tinh thần trách nhiệm. Ðó là lý do tại sao có vụ sữa độc, tại sao bao nhiêu ngôi trường học ở Tứ Xuyên bị sụp đổ. Và có vẻ như cũng những vấn đề đó đã xảy ra cho hệ thống xe lửa cao tốc.

Các chuyên gia quốc tế đã khuyến cáo là hệ thống xe lửa cao tốc tự chế đó không đủ để đáp ứng với công việc, bởi dựa trên áp dụng vá víu của kỹ thuật ngoại quốc và bị đòi hỏi chạy ở tốc độ mà nó không được thiết kế để chạy.

Nó cũng chẳng khác gì những định chế khác của chính quyền mà tham vọng đã khiến những tiêu chuẩn cần thiết bị bỏ quên.