Việt Nam không còn hấp dẫn đầu tư ngoại quốc |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Ba, 02 Tháng 8 Năm 2011 21:18 |
Con số công ty ngoại quốc bỏ Việt Nam nhiều hơn so với các công ty vào Việt Nam HÀ NỘI (TH) - Giới đầu tư ngoại quốc đang chán Việt Nam và có nhiều công ty đang đi tìm những chỗ khác để di chuyển cơ sở.
Khoảng 16,000 công nhân của công ty Pou Yuen (Bảo Nguyên) vốn Ðài Loan đình công ở Sài Gòn hồi tháng 6, 2011. (Hình: VTC) Theo một bài viết của Reuters, Việt Nam từng được ca ngợi là một con rồng nhỏ đang cố gắng đuổi theo các nước khác như Ðại Hàn, Ðài Loan, Singapore, Thái Lan. Nhưng hiện đang phải đối diện với phong trào bỏ chạy vì đầu tư ngoại quốc xuống thật thấp, công nhân đình công liên miên, hệ thống hạ tầng thì vừa thiếu vừa yếu. Bài viết của Reuters cho rằng tương lai kinh tế của Việt Nam giống như cái gì đó để ở trên tảng đá, có thể rớt xuống. Các công ty ngoại quốc từng đổ xô tới mở cơ sở sản xuất, nay đang nhìn chăm chú sang những nơi khác, tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Năm 2009, đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam đạt $66.5 tỉ chỉ còn có $20 tỉ cho năm 2010. Con số công ty ngoại quốc bỏ Việt Nam nhiều hơn so với các công ty vào Việt Nam. Ðiều này trái ngược với tỉ lệ chạy vào 4-1 của năm 2008, theo ông Ralf Matthaes, giám đốc khu vực của công ty khảo cứu thị trường TNS Global. Một bằng chứng có thể nhìn thấy hậu quả của tình trạng này là số khách hàng tới chơi các hộp đêm tụt giảm hẳn, các người ngoại quốc nói. Các quán trà rất quen thuộc với giới khác Ðài Loan bây giờ đóng cửa. Khách sạn 4 sao ở Biên Hòa bây giờ chỉ còn một nửa khách. “Hầu hết các công ty sẽ chờ,” Nguyễn Xuân Thanh giám đốc chương trình Chính Sách Công của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ở Sài Gòn phát biểu. “Dĩ nhiên, một số sẽ quyết định đầu tư nơi khác. Việt Nam có vấn đề nghiêm trọng về hạ tầng cơ sở.” Ông nói thêm rằng hiện đang có một số ưu tư trong giới đầu tư ngoại quốc là liệu Việt Nam có bao giờ trở lại được cái thời kỳ tăng trưởng tốt mà họ được biết. Suốt 5 năm vật lộn với lạm phát cao, đồng tiền mất giá, đình công liên miên đã làm cho hàng ngàn công ty ngoại quốc đổ đến Việt Nam từ năm 1987 đến nay thấy không còn kiếm ăn nổi. Nhà cầm quyền từng hứa hẹn giá nhân công rẻ và đất thuê rẻ. Khu tứ giác Sài Gòn, Bình Dương, Ðồng Nai, Long An đầy những cơ sở sản xuất. Xe vận tải chạy suốt ngày đêm, đưa nền kinh tế nước này tăng trưởng 7% suốt nhiều năm trời trong thập niên vừa qua. Bây giờ, giới đầu tư từng dồn tới bỏ tiền vào nền kinh đang phát triển ở Việt Nam, đặc biệt là sản xuất, nói rằng kể từ năm 2007 đến nay, họ bị thiệt hại bởi sự bất định của nhiều áp lực kinh tế. Số lượng công nhân có tay nghề và đáng tin cậy quanh khu vực Sài Gòn có giới hạn, cản trở các công ty ngoại quốc phát triển. Rồi lạm phát cao, hậu quả của tăng trưởng quá trớn dẫn đến 336 vụ đình công chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011 trong khi chỉ có 541 vụ đình công trong năm 2007. Công ty Taya Electric Wire & Cable (vốn Ðài Loan) ở Biên Hòa với 280 công nhân đã phải tăng lương 3 lần đầu năm nay vì đình công. Công ty đồ gỗ Yuan Chang cũng ở Biên Hòa có 200 công nhân năm nay cũng đã bị đình công 2 lần. Lương công nhân ở Việt Nam phần lớn ở mức tối thiểu hay gần tối thiểu, khoảng $67.6 đến $91.7 một tháng. Với lạm phát tăng quá nhanh, họ cần một số lương tối thiểu gấp đôi các mức vừa kể mới tạm đủ sống. Theo ông Leo Chiu, tham vấn của Phòng Thương Mại Ðài Loan ở Việt Nam, đại diện cho 3,000 doanh nghiệp hay 11.8% tổng số đầu tư ngoại quốc, cho rằng nhiều công ty đang tìm hiểu tình hình ở Cambodia, Bangladesh và Ấn Ðộ vì những nơi này có giá nhân công rẻ hơn. Những nơi này không có lạm phát tệ hại như Việt Nam để thúc đẩy công nhân đình công. (TN)
|