Hội đồng Bảo An đang tiến dần đến một nghị quyết lên án Syria |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Ba, 02 Tháng 8 Năm 2011 13:56 |
Cho đến nay, Liên hiệp Châu Âu chưa có ý định triệu hồi đại sứ tại Damas. Đô đốc Michael Mullen, tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, lên án Syria đàn áp dân chúng, 2/8/2011. Reuters Ngày hôm nay 2/8/2011, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tiếp tục ngày làm việc thứ 2 để chuẩn bị ra một nghị quyết lên án Syria đàn áp đối lập. Theo một nguồn tin ngoại giao, đây là lần đầu tiên tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an chấp nhận trên nguyên tắc thương thuyết về chủ đề này. Các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào thường dân biểu tình phản kháng chế độ, đặc biệt là tại thành phố Hama đã khiến cho khoảng 140 người Syria bị thiệt mạng trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa rồi là « giọt nước tràn ly » khiến các nước lưỡng lự trong Hội đồng Bảo an cũng phải từ bỏ chủ trương bác bỏ hoàn toàn việc ra nghị quyết về Syria. Nói như một nhà ngoại giao phương Tây, sự im lặng của Hội đồng Bảo an càng khuyến khích chính quyền Damas tiếp tục đàn áp dân chúng. Theo một nguồn tin ngoại giao, đây là lần đầu tiên tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an chấp nhận nguyên tắc thương thuyết về chủ đề này. Ngay cả Nga, đồng minh lịch sử của Syria cũng đã lần đầu tiên lên án chính quyền Damas, đã phạm phải « các hành động bạo lực không thể chấp nhận được ». Mặc dầu các thành viên Hội đồng Bảo an chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, nhưng theo AFP vào cuối buổi chiều hôm nay (theo giờ quốc tế), triển vọng đạt được một đồng thuận xung quanh việc ra nghị quyết lên án chính quyền Damas vẫn còn khá xa vời. Các nước Châu Âu đã đưa ra một dự thảo mới, tuy nhiên Nga và Ấn Độ hiện tại vẫn cho rằng văn bản này không khác gì lắm so với văn bản đã bị bác bỏ cách đây hai tháng. Sự quan ngại của Nga, Trung Quốc và một số nước thành viên khác là một nghị quyết như vậy có thể mở đường cho việc can thiệp vào công việc nội bộ và một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, như trường hợp cuộc khủng hoảng Libya hiện nay. Đây là điều mà các nước Châu Âu và Nato phản bác. Theo các nguồn tin ngoại giao, đây có thể là một văn bản ở dạng « tối thiểu », có nghĩa là không mang tính cưỡng chế. Văn bản dự thảo lên án chính quyền Syria đã vi phạm nhân quyền trầm trọng, đòi hỏi ngừng các hành động bạo lực và kêu gọi Damas cải cách chính trị, nhưng không kèm theo các biện pháp trừng phạt. Cho đến nay, Liên hiệp Châu Âu chưa có ý định triệu hồi đại sứ tại Damas. Trong khi đó, ngày hôm nay, Bruxelles đã đưa ra loạt trừng phạt thứ tư nhắm vào chế độ của tổng thống Bachar al-Assad, với việc đưa thêm 5 quan chức cao cấp vào danh sách chế tài, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Syria, người phụ trách an ninh quân đội của thành phố Hama, nơi xảy ra vụ thảm sát. Cho đến nay có khoảng 30 quan chức Syria bị đặt vào danh sách này, trong đó có tổng thống al-Assad, vì tội tham gia vào các cuộc đàn áp dân chúng.
|