Cái giá của tham vọng cao tốc |
Tác Giả: Saira Syed-Phóng viên kinh doanh, BBC News |
Thứ Hai, 01 Tháng 8 Năm 2011 13:21 |
Việc chạy đua khẩn trương và các tham vọng đã gây ra cái chết cho ít nhất 39 người. Người thân đau buồn trước cái chết của các nạn nhân vụ tai nạn tàu hỏa cao tốc ở Ôn Châu. Vào lúc Trung Quốc để tang cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tai nạn đường sắt cao tốc hồi tuần trước ở gần Ôn Châu, tỉnh Triết Giang, một bầu không khí giận dữ đang dấy lên. "Người dân không cần chiếc tàu số một thế giới này hoặc danh hiệu thế giới kia. Tất cả những gì mà chúng ta muốn chỉ là an toàn!" một độc giả bình luận trên mạng thông tin phổ biến Sina. Nhưng điều tổn thương khác của vụ tai nạn có thể lại là những tham vọng của Trung Quốc với ngành công nghệ đường sắt, vốn đã được phát triển nhanh chóng và từng có nhiều hy vọng làm nước này trở thành một nhà xuất khẩu thành công. Trước vụ tai nạn, tất cả các câu chuyện đều xoay quanh động lực của Chính phủ nhằm phá vỡ kỷ lục. Mạng đường sắt cao tốc Trung Quốc đã từng là mạng lưới lớn nhất trên thế giới, cũng như đã được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục. Những giải thưởng không còn được tung hô nữa, khi người ta buộc lỗi cho việc chạy đua khẩn trương và các tham vọng đã gây ra cái chết cho ít nhất 39 người. Các tuyến hỏa xa cao tốc của Trung Quốc khai trương vào năm 2007 với kế hoạch lắp đặt 16.000 km đường ray cao tốc vào năm 2015, vốn biến đây trở thành tuyến đường sắt cao tốc lớn nhất trên thế giới. Vấn đề công nghệ Thế nhưng dự án này đã gặp một loạt vấn đề, ngay cả trước vụ tai nạn gây chết người. Trước tiên là những cáo buộc về tệ tham nhũng tràn lan đã vươn tới tận cấp Bộ Đường sắt, rồi sau đó là những chậm trễ gây ra do tình trạng thiếu điện. Song một số ý kiến cho rằng sự cố mới nhất lẽ ra đã có thể ngăn chặn được, nếu giới chức chú ý tới những báo động được đưa ra. Allistair Thornton từ IHS Global Insight cho biết: "Người Nhật nói rằng họ đã cảnh báo Trung Quốc trong nhiều năm về việc mở rộng quy mô với tốc độ nhanh chóng này." Điều này được coi là một nhắc nhở quan trọng khi mà một số công nghệ được các công ty Trung Quốc nói rằng họ đã “cải tiến” sau khi mua về từ hãng Kawasaki của Nhật Bản, cũng như từ hãng Bombadier của Canada và hãng Siemens của Đức. Các cáo buộc khác là thời gian xây dựng cũng được rút ngắn không cần thiết. "Đã có chỉ trích về việc tăng tốc xây dựng, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng có thể có một số vấn đề trong khâu vận hành sau này," theo Ingrid Wei, phân tích gia về hạ tầng cơ sở của Credit Suisse ở Thượng Hải. Kế hoạch toàn cầu
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã suy tính xa hơn nữa, vượt qua cả thời điểm hoàn thành. Các hãng hỏa xa của Trung Quốc như CSR Corp, CNR Corp và Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã hy vọng bán công nghệ mới ra nước ngoài, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm tương tự của Siemens và Bombadier. Tuy nhiên, vụ tai nạn đường sắt đã làm lung lay niềm tin của công chúng vào hệ thống đường sắt của Trung Quốc cả ở bên trong lẫn ở ngoài nước. Các chuyên gia cho rằng điều này có nghĩa là những khách hàng tiềm năng như Malaysia, Venezuela và Ảrập Saudi trông vọng vào các kế hoạch phát triển và mở rộng đường sắt của Trung Quốc, sẽ trì hoãn các tham vọng này lại. Và các thị trường có khả năng sinh lợi cao cho Trung Quốc như Mỹ, sẽ không còn là những lựa chọn nữa. "Quả là khá khó khăn để tưởng tượng việc có bất kỳ chính trị gia nào tại Hoa Kỳ lại dám ký kết về đường sắt cao tốc với Trung Quốc vào lúc này. Và do đó, một thị trường khổng lồ mà họ từng hy vọng để khai thác đã bốc hơi," ông Thornton nhận xét. Lời hay là lỗ Điều này đặt ra một vấn đề tài chính thậm chí còn lớn hơn cho các công ty đường sắt quốc doanh. "Chính phủ đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào việc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc." "Hiện không rõ liệu họ còn có thể biến điều này thành một thương vụ thu lợi nhuận nữa hay là không," vẫn ông Thornton bình luận. Bởi vì giá vé tàu là quá cao so với khả năng của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc. Và sau vụ tai nạn, nhiều người khác sẽ thôi không đi các chuyến tàu cao tốc nữa. Tuy nhiên, bà Wei của Credit Suisse cho biết mạng đường sắt cao tốc là một dự án nhà nước và sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền trung ương. Nhưng chính phủ sẽ phải trả lời một số câu hỏi khó khăn như: tại sao hệ thống đã bị hỏng và tại sao an toàn đã không phải là ưu tiên hàng đầu. |