Tưởng niệm tử sĩ cũng độc quyền |
Tác Giả: Tạ Phong Tần |
Chúa Nhật, 31 Tháng 7 Năm 2011 19:43 |
Chuyện chỉ có ở Việt Nam Sáng ngày 27 tháng 7, nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thương Binh-Liệt Sĩ ở Việt Nam, một phái đoàn “tai to mặt bự” thuộc đảng CSVN và Chính phủ đã đặt vòng hoa, dâng hương tại Ðài Tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.
Bà Huỳnh thị Sinh (giữa) (quả phụ của thiếu tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng HQ 10 của VNCH hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa ngày 18/1/1974) tham dự buổi lễ tưởng niệm các người lính đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền đất nước ở Hoàng Sa và Trường Sa. (Hình: blog Ba Sàm) Tất nhiên, đoàn không thể thiếu những cái tên như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, v.v... Cùng lúc, tại Sài Gòn diễn ra 2 cuộc tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Một là đoàn của “nhà nước ta” gồm các vị “mặt bự” thuộc Thành Ủy, Hội Ðồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc đến tại khu di tích Dân Công Hỏa Tuyến Mậu Thân 1968 (ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), nghĩa trang liệt sĩ thành phố, nghĩa trang thành phố, nghĩa trang liệt sĩ huyện Củ Chi, đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, huyện Củ Chi (NLÐ ngày 28 tháng 7); Hai là, nhóm “nhân dân” do học giả Nguyễn Ðình Ðầu chủ trương mời. Thành phần được mời gồm một số ít nhân sĩ trí thức lớn tuổi và thành viên CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình. Ðịa điểm tại số 43 Nguyễn Thông, quận 3, Sài Gòn. Tham dự có học giả Nguyễn Ðình Ðầu, giáo sư Tương Lai, Nguyễn Phương Tùng, nhà thơ Ðỗ Trung Quân, Nguyễn Duy, các khuôn mặt trong phong trào sinh viên Sài Gòn trước đây như các ông Lê Hiếu Ðằng, Huỳnh Tấn Mẫm, bà quả phụ Ngụy Văn Thà, hạm trưởng chiếc Nhật Tảo, tức HQ-10, đã tuẫn tiết theo tàu trong trận hải chiến ngày 18 tháng 1, 1974. Xét về mục đích, lễ tưởng niệm của “phe” nhà nước và “phe” tư nhân đều giống nhau: Tưởng nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Việc tổ chức lễ tưởng niệm là hành vi cần được phát huy và nhân rộng trên toàn quốc, toàn dân. Xét về tính chất, nếu như đối với “phe” nhân dân: “Những chiến sĩ bên này hay bên kia nhưng đều là bảo vệ đất đai của tổ quốc. Chúng tôi cũng cầu nguyện và tôn vinh cả những đồng bào nạn nhân của những lực lượng thù địch ngoại bang chống phá Việt Nam” (Cụ Nguyễn Ðình Ðầu giải thích); thì “phe” nhà nước chỉ tôn vinh bó hẹp trong phạm vi chiến sĩ nào chiến đấu và hy sinh dưới ngọn cờ của đảng cộng sản mà thôi. Tệ hơn nữa là các liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 không thấy “nhà nước ta” có hoạt động tưởng niệm (?!). Xét về hình thức, tất nhiên hoạt động tưởng niệm của “phe” nhà nước linh đình, rình rang hơn, được tất cả báo đài “lề phải” đồng loạt đưa tin, hình ảnh, phim phèo với tràng hoa, lẵng hoa, vòng hoa, bó hoa rất xôm tụ, còn “phe” nhân dân thì chỉ có truyền thông “lề trái” và các loại truyền thông “đi chàng hảng cả hai lề” đưa tin. Qua một vài hình ảnh rất hạn chế cho thấy lễ tưởng niệm được tổ chức trong một gian phòng đơn giản, không thấy có hoa, số người tham dự cũng rất ít. Ít là phải, bởi thư mời được (hay bị) “hạn chế” trong một số ít nhân sĩ và gói gọn trong thành viên CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình, cũng không thấy thông báo đăng báo rộng rãi hay đăng tải công khai trên Internet. Số người đến tham gia lễ tưởng niệm “phe” nhân dân ít còn vì một lẽ khác: Bị “nhà nước ta” tước đoạt quyền tưởng niệm. Cụ thể, mới sáng sớm ngày 27 tháng 7 đã thấy có một “quân đoàn” hùng hậu nhiều binh chủng bao vây quanh nơi ở của tôi. Gồm 10 người mặc đồng phục dân phòng núp ở tiệm may cạnh tiệm bán rau quả (có những kẻ “quen” là Ðỗ Minh Thành, Khải, Dũng, Hậu), 1 xe đèn chớp quay kiểu 113 và 2 an ninh già mặc thường phục chỉ huy một đám an ninh trẻ (cũng thường phục, kết hợp một số CAP8 Q3 núp trong hẻm ngân hàng, 1 xe kiểu 7 chỗ màu xám bạc biển số 57K 8758 (có thể nhớ không chính xác) và mấy tay “đọt chuối” ở trước Viện Pasteur. Tất cả đều trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu,” không phải chống bọn Trung Quốc xâm lược, mà là chống... bà Tạ Phong Tần dự lễ tưởng niệm chiến sĩ trận vong Hoàng Sa, Trường Sa. Ðến trưa, khi lễ tưởng niệm ở số 43 Nguyễn Thông kết thúc thì “lực lượng” bao vây này biến mất hết. Linh Mục Giuse Ðinh Hữu Thoại - Chánh văn phòng Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cho biết, với tư cách chánh văn phòng là nơi tập trung các nguồn thông tin ra vào, nhưng Linh Mục Thoại không hề biết gì về việc có thư mời dự lễ tưởng niệm do cụ Nguyễn Ðình Ðầu khởi xướng. Theo như linh mục biết thì DCCT ở Sài Gòn không có linh mục nào tham dự. Tại website www.chuacuuthe.com cũng không đăng thông báo mời dự lễ tưởng niệm, cũng không đăng bài viết tường thuật lễ tưởng niệm. Tôi chợt nhớ những sinh viên, học sinh ở Hà Nội, Sài Gòn vừa rồi đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải Việt Nam. Các em bị nhà cầm quyền Việt Nam tung lực lượng hùng hậu bao vây, truy bắt, đánh đập, lôi kéo... đưa vào đồn công an hạch sách đủ thứ chuyện, để cuối cùng cán bộ công an cùng tuyên bố với tất cả những người bị bắt một câu giống y như nhau: “Chuyện bảo vệ biển đảo, bảo vệ tổ quốc đã có đảng và nhà nước lo,” tức người dân Việt Nam không cần phải “lo.” Ðảng cộng sản và nhà nước lo được cũng là điều đáng mừng, dân Việt Nam phải cám ơn đảng và nhà nước. Nhưng thực tế “đảng ta” lẫn “nhà nước ta” chỉ nói phét chớ không lo được. Ðã có bao nhiêu đất, bao nhiêu biển thuộc lãnh thổ Việt Nam bị “biến mất” trong những cuộc thương thuyết, đàm phán song phương chỉ có giới cầm quyền Việt Nam và TQ biết? Cái này phía TQ biết vì họ công khai thông tin để khẳng định chủ quyền trên vùng lãnh thổ ăn cướp được trong các cuộc “hội đàm,” người dân Việt Nam biết vì đọc thông tin từ phía TQ, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam thì cố gắng che giấu, im thin thít như “mèo giấu c...” Rồi sau đó “đảng ta” và “nhà nước ta” bắt con em dân chúng vác súng đi thí mạng với “địch” để bảo vệ “đảng ta” và “nhà nước ta,” còn con em của “đảng ta” và “nhà nước ta,” “cán bộ ta” thì được “miễn trừ,” ai hổng tin cứ mở luật nghĩa vụ quân sự và nghị định mới nhất của chính phủ Việt Nam về tổng động viên ra đọc thì biết. Chính phủ VNCH dùng chữ “Tổ quốc ghi ơn,” chính phủ CSVN dùng chữ “Tổ quốc ghi công.” Chữ “ghi ơn” thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng của người thọ ơn đối với ân nhân của mình, cụ thể là các tử sĩ trận vong, đúng với truyền thống đạo lý người Việt: “Ân trọng như núi.” Chữ “ghi công” có nghĩa là anh có công thì tôi ghi nhận và... để đó. Chữ “ghi công” đọc lên khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến hành động “chấm công” trong các hợp tác xã, cơ quan, đơn vị... trong đó, người “ghi công” ở tư thế người trên có quyền hành ban phát (Chủ nhiệm HTX, thủ trưởng cơ quan, ông chủ công ty) đối với kẻ có “công,” coi kẻ có công là cấp dưới, thuộc hạ của mình. Nó khiến người đọc (là tôi) không tránh khỏi ác cảm vì thái độ xấc xược của bọn “ghi công,” khi mà người ta hy sinh cả tính mạng, hạnh phúc bản thân và gia đình họ nhưng chỉ có “công” mà thôi. Tưởng Việt Nam lâu nay chỉ có “đảng ta” và “nhà nước ta” độc quyền biểu tình, dân chỉ được “biểu tình” theo chỉ đạo của đảng và nhà nước. Nay ở Việt Nam lại có thêm việc tưởng niệm chiến sĩ trận vong vì tổ quốc cũng bị “đảng ta” và “nhà nước ta” độc quyền tưởng niệm, và càng lố bịch hơn khi “nhà nước ta” ngang nhiên tước đoạt quyền tưởng niệm của người dân.
|