Giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài biểu tình chống Trung Quốc-phần 1 |
Tác Giả: Trà Mi-VOA | Washington DC |
Chúa Nhật, 31 Tháng 7 Năm 2011 17:46 |
Mục đích chính của cuộc biểu tình không phải là xem phản ứng của Trung Quốc Các cuộc biểu tình xung quanh tòa đại sứ Trung Quốc mà thành phần tham gia đa số là giới trẻ để phản đối hành động gây hấn của Bắc Kinh tại Biển Đông đã bị trấn dẹp vào ngày 10/7 sau khi diễn ra trong năm chủ nhật liên tiếp. Ở ngoài nước, các cuộc tuần hành tương tự của thanh niên, du học sinh Việt Nam, tuy không hẹn nhau, nhưng đã đồng loạt diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới để đánh động sự quan tâm của công luận quốc tế về mối đe dọa Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam. Du học sinh VN ở Hà Lan biểu tình chống Trung Quốc Khách mời trong chương trình hôm nay, 4 bạn trẻ tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, và Hoa Kỳ, sẽ cho chúng ta biết thêm về sự kiện này. Hiệu (Hà Lan): Không nên vì cái khó xử của chính quyền mà ngăn cản, không cho phép người dân thể hiện những tình cảm cơ bản nhất của công dân Việt Nam. Bình: Tôi là Bình, sang Pháp 5 năm rồi, theo học ngành cơ khí. Hiệu: Mình tên Hiệu, nghiên cứu y học, khoa thần kinh não, tại Hà Lan được 2 năm rưỡi. Minh: Tôi là Minh, sang Bỉ hơn 5 năm. Tôi đang học thạc sĩ về năng lượng điện. Vũ: Mình là Vũ, chủ tịch Tổng hội sinh viên miền Nam, California. Trà Mi: Các bạn đều tham gia các cuộc tuần hành chống Trung Quốc. Các bạn có thể cho biết các cuộc tuần hành ấy diễn ra khi nào, số lượng người tham dự, và thành phần tổ chức như thế nào? Bình: Tại Pháp, ngày 24/6 có một cuộc biểu tình do tập thể người Việt Nam tổ chức. Ngoài thành phần sinh viên, còn có sự tham dự của những người Việt sinh sống tại Pháp và các bạn Pháp. Khoảng 540 người tham gia cuộc biểu tình tại quãng trường trước Tháp Eiffel, gần đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp. Hiệu: Cuộc tuần hành ngày 2/7 ở Hà Lan trước đại sứ quán Trung Quốc quy tụ khoảng 50 bạn sinh viên Việt Nam đang du học tại Hà Lan. Minh: Tại Bỉ, ngày 2/7, Hội Sinh viên Việt Nam, chủ yếu là các du học sinh tại đây, tổ chức cuộc biểu tình hòa bình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Brussels. Trên 100 người đã tham gia, chủ yếu là các du học sinh sang đây học thạc sĩ và tiến sĩ. Có cả các bạn quốc tế tham gia rất nhiệt tình. Cuộc biểu tình diễn ra với thái độ cương quyết, dứt khoát, nhưng rất ôn hòa, thanh lịch. Vũ: Các bạn trẻ Việt Nam ở miền Bắc Hoa Kỳ cùng làm bản lên tiếng chung, với sự ủng hộ của các Tổng Hội Sinh viên từ các miền ở Hoa Kỳ, gửi tới tòa lãnh sự Trung Quốc. Ngay khi biết các bạn trẻ ở Việt Nam tổ chức tuần hành, cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự Trung Quốc ở Los Angeles. Các hội đoàn sinh viên ở Nam California và các hội đoàn trẻ trong cộng đồng cùng lên đây tiếp một tay. Trà Mi: Các bạn ghi nhận phản ứng từ người Trung Quốc, quan chức Trung Quốc thuộc các cơ quan đại diện của Trung Quốc đối với các cuộc tuần hành này như thế nào? Hiệu: Mình tổ chức vào thứ bảy. Tuy họ không làm việc, nhưng có một số người từ trong đại sứ quán có quay phim, chụp ảnh. Mục đích chính của cuộc biểu tình không phải là xem phản ứng của Trung Quốc. Mình biết rõ phản ứng và thái độ của chính quyền Trung Quốc như thế nào rồi. Mục tiêu chính là nhằm đánh động dư luận, nhất là ở Châu Âu, để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Trà Mi: Bình ở Pháp và Minh ở Bỉ, các bạn có ghi nhận phản ứng của người Trung Quốc sinh sống và học tập tại hai nơi này thế nào trước các cuộc tuần hành phản của thanh niên, du học sinh Việt Nam? Bình: Bên Pháp, cụ thể là ở Paris, không có phản ứng nào của cộng đồng hay cá nhân người Trung Quốc. Tương tự ở Bỉ và Hà Lan, cuộc biểu tình hôm 24/6 tại Pháp diễn ra rất hòa bình, không nhắm vào người Trung Quốc hay dân tộc Trung Quốc, mà chỉ nhắm chỉ trích các hành động của chính quyền Trung Quốc đối với Việt Nam. Trà Mi: Người trẻ Việt Nam ở ngoài nước tuần hành chống Trung Quốc, phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc. Tham gia các sự kiện này, cảm nghĩ của các bạn ra sao? Ấn tượng đọng lại trong lòng các bạn là gì? Hiệu: Tham gia cuộc tuần hành này, mình hy vọng góp tiếng với các bạn du học sinh, sinh viên Việt Nam ở Châu Âu và trên toàn thế giới, cùng các bạn trong nước gióng lên tiếng nói cổ võ tinh thần yêu nước. Ít nhất mình cảm thấy vui trong lòng vì đây là lần đầu tiên mình đi biểu tình, mà không phải biểu tình đòi quyền lợi cho riêng mình mà cho cả đất nước, dân tộc. Minh: Với tôi, đây cũng là lần đầu tôi tham dự một cuộc biểu tình. Tôi thấy rất tự hào vì chúng tôi là những du học sinh, những người trẻ được may mắn học tập và làm việc tại một đất nước tiên tiến và bình yên ở Châu Âu. Qua những sự chuẩn bị của du học sinh bên này như làm thông cáo báo chí, viết tờ rơi, viết thư kêu gọi, liên lạc truyền thông, phát biểu, trả lời phỏng vấn, và trao đổi với các bạn ở các nơi khác như thế này, thật sự đây là điều đáng tự hào của người Việt trẻ yêu nước ở ngoại quốc. Ở trong nước có biểu tình nhưng vẫn bị ảnh hưởng của những người… Thôi đấy là vấn đề chính trị, mình không nói đến, nhưng ở nước ngoài thì tự do hơn. Tất nhiên mình đi biểu tình để bày tỏ thái độ với chính phủ Trung Quốc. Những gì chúng tôi làm ở Bỉ, tập họp học sinh, tổ chức tuần hành, và chuẩn bị tốt như thế, trước tiên là tôi cảm thấy rất tự hào khi tham dự cuộc biểu tình này. Trà Mi: Bây giờ xin được lắng nghe Vũ? Anh có gì chia sẻ thêm không? Vũ: Vũ thấy rất tự hào, rất vui. Vui vì thấy các bạn sinh viên trong và ngoài nước đều tổ chức các cuộc tuần hành. Tuy chúng ta sống ở khắp nơi trên thế giới, nhưng chúng ta có hoài bão chung vì đất nước Việt Nam cũng như giúp phổ biến tin tức cho các bạn trẻ trong nước biết là lãnh hải của chúng ta đang bị xâm lấn. Trà Mi: Các bạn cũng biết là ở Việt Nam từng diễn ra các cuộc tuần hành tương tự với đa số người trẻ tham gia, nhưng chẳng bao lâu đã bị dập tắt. Các bạn có suy nghĩ gì về chuyện này? Hiệu: Người dân Việt Nam chỉ làm trách nhiệm của công dân, nói lên tiếng nói cần phải nói mà còn không được phép. Thật ra do luật của mình không rõ ràng. Cần có luật rõ ràng để người dân hành xử không bị tròng tréo. Trà Mi: Mời ý kiến anh Bình từ Pháp. Bình: Rõ ràng việc phản đối Trung Quốc ở Việt Nam hay ở nước ngoài có ý nghĩa khác nhau. Các cuộc biểu tình ngoài nước chủ yếu là để giới thiệu vấn đề này cho các bạn bè nước ngoài được biết. Còn trong nước, biểu hiện lòng yêu nước là việc đương nhiên, nhiều người muốn làm, và có nhiều hình thức khác nhau. Mỗi nước có quy định riêng, nên cũng phải làm sao cho phù hợp với luật pháp tại chỗ. Trà Mi: Vũ có ý kiến thế nào? Vũ: Ở Việt Nam, thông tin lúc nào cũng bị ràng buộc bởi nhà nước, chẳng hạn như thông tin trên Facebook bị ngăn chặn. Mình nghĩ đây là quyền tự do mà các bạn nên có để phổ biến thông tin mà tất cả mọi người cần biết. Trà Mi: Mình đang nói đến các cuộc tuần hành chống Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới của người trẻ Việt Nam. Cùng một trăn trở bức xúc, cùng một hành động như nhau, với mục đích tương tự là thể hiện lòng yêu nước, nhưng các bạn trong nước không có được điều kiện dễ dàng để bày tỏ quan điểm của mình như các bạn đang học tập ở nước ngoài. Theo các bạn, lý do vì sao? Minh: Nói thế nào đây nhỉ? Mình thì rất ủng hộ việc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Việt Nam. Vì như thế, mình có thể vận động quần chúng và tiếng nói dư luận để làm cho bộ máy chính quyền bành trướng của Trung Quốc phải chùng bước, không dám làm càng nữa. Mình thấy, ở trong nước việc đáng biểu tình thì nhà nước nên để cho nhân dân biểu tình, không nên cản trở. Bất cứ việc gì nhà nước phải thương nghị mà có nhân dân ủng hộ phía sau dĩ nhiên là dễ dàng hơn, đúng không? Nhưng đây là vấn đề họ có chủ trương riêng. Những người bắt bớ người biểu tình yêu nước, mình không nghĩ là họ không yêu nước hoặc họ vô tâm. Chẳng qua là vì họ bị kẹt trong một chủ trương lúng túng mà loay hoay không gỡ ra được. Mình nghĩ khi chủ trương ấy được tháo gỡ thì họ sẽ có cách vượt qua. Bình: Biểu thị lòng yêu nước có nhiều cách khác nhau. Ở Pháp, cách thức và vị trí biểu tình cũng phải theo quy định tại chỗ. Biểu tình cũng không phải là hình thức duy nhất. Ví dụ, ở Pháp, ngày 22/6, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng của Pháp cũng tổ chức bàn về vấn đề chiến lược ở Đông Nam Á. Ngày 28/6, Hội Người Việt tại Pháp, Hội Hữu nghị Pháp-Việt, Trung tâm Thông tin và Lưu trữ cũng có một buổi hội thảo khoa học về các vấn đề liên quan đến công ước luật biển quốc tế. Để thể hiện lòng yêu nước và sự bất bình đối với các hành động gây hấn của Trung Quốc, có nhiều hình thức tổ chức, huy động khác nhau, phù hợp với mỗi người, mỗi địa phương. Hiệu: Nhà nước có khó xử của họ trong quan hệ bang giao quốc tế, nhất là đối với Trung Quốc. Nhưng không nên vì cái khó xử của chính quyền mà ngăn cản, không cho phép người dân thể hiện những tình cảm cơ bản nhất của công dân Việt Nam. Tất nhiên có nhiều cách thể hiện. Không thể nói vì người ta không đi biểu tình là người ta không yêu nước, nhưng biểu tình là một cách để thể hiện lòng yêu nước. Không nên dựa vào những khó khăn của chính quyền trong quan hệ với Trung Quốc mà buộc người dân không được thể hiện những tình cảm đó. Mình thấy không hay. Trà Mi: Thông điệp mà các bạn trẻ ở ngoài nước muốn nhắn gửi đến giới trẻ tại Việt Nam là gì? Và họ có thể làm gì hơn nữa giúp lan truyền nguyện vọng và tiếng nói của thanh niên Việt Nam trong vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước? Trà Mi mời quý thính giả đón nghe phần thảo luận kế tiếp trên Tạp chí Thanh Niên vào giờ này, tuần sau. Chuyên mục Tạp chí Thanh Niên của đài VOA được phát thanh trong chương trình từ 10 đến 11 giờ tối thứ sáu và tối chủ nhật hàng tuần. Qúy vị muốn chia sẻ quan điểm và trao đổi với độc giả khắp nơi trong các đề tài của Tạp chí Thanh Niên, xin truy cập vào chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web www.voatiengviet.com. Các bạn trẻ muốn trực tiếp tham gia những chương trình thảo luận trên Tạp chí Thanh Niên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, xin email số phone về This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it , chúng tôi sẽ liên lạc mời các bạn góp tiếng. Trà Mi kính chào tạm biệt quý vị.
|