Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-7-2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-7-2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 31 Tháng 7 Năm 2011 15:07

Công nhân Trung Quốc chọn con đường đấu tranh hợp pháp

 

Công nhân tại một nhà máy ở Thượng Hải,Trung Quốc /REUTERS/Aly Song

Hệ lụy lớn nhất của sự phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế Trung Quốc là đời sống ngày càng đắt đỏ, người lao động lẩn quẩn trong vòng nghèo khổ. Tức nước vỡ bờ, họ đã vùng lên đấu tranh với nhiều hình thức, từ ôn hòa đến bạo động.

Tạp chí Le Nouvel Observateur tuần này đặc biệt dành bài phân tích hình thức đấu tranh ôn hòa của giới công nhân với bài viết đề tựa «Quãng đường xa thẳm của giới công đoàn Trung Quốc».

Vật hiến sinh của nền kinh tế

Dẫn chứng cho sự hy sinh con người để phục vụ cho nền kinh tế, Le Nouvel Observateur nêu ra trường hợp của các công nhân đến từ huyện Lỗi Dương tỉnh Hồ Nam.

 Họ đến đặc khu kinh tế Thẩm Quyến trong những ngày đầu để làm việc ở các công trường xây dựng trong điều kiện thiếu thốn phương tiện bảo hộ lao động. Trở về quê hương, 20 năm sau họ mới biết mình phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp của công việc, đó là bệnh bụi phổi. Nhiều người lần lượt chết vì bệnh, kẻ còn sống thì ho hen ốm yếu.

Thế là vào tháng 5/2009, 180 cựu công nhân huyện Lỗi Dương lên đường trở lại Thẩm Quyến đòi tiền bồi thường. Do thiếu hợp đồng lao động, nên họ dĩ nhiên thua kiện, và thế là các công ty trước kia sử dụng họ phủi tay nhẹ nhõm.

Về phần Tổng Liên Đoàn Lao Động Trung Quốc, theo Le Nouvel Observateur, vai trò chính không phải là bảo vệ quyền lợi người lao động, mà là chăm lo lợi ích của đảng lãnh đạo, và của những người đồng minh của đảng.

Để tránh rắc rối có thể đến từ 180 công nhân gần như đang trong tuyệt lộ này, chính quyền Thẩm Quyến đã đề nghị một mức bồi thường tương đương 3 000 euro/người, một số tiền không đủ để trả nợ thuốc thang.

Đấu tranh dựa vào luật pháp

Bước đường cùng, họ tìm đến ông Hàn Đông Phương, giám đốc của một tổ chức phi lợi nhuận mang tên China Labour Bulletin (CLB) có trụ sở tại Hồng Kong.

 Sau khi tham gia phong trào đấu tranh tại Thiên An Môn năm 1989, ông này bị cấm trở về Trung Quốc. Thế là ông lao vào công việc giúp đỡ những người công nhân thấp cổ bé họng tìm công lí. Qua sóng phát thanh của đái Á Châu Tự Do, ông tiếp xúc với những công nhân gặp rắc rối và tư vấn cho họ cách giả quyết đúng theo pháp luật Trung Quốc. Theo Le Nouvel Observateur, trong 600 vụ kiện được CLB hổ trợ năm 2007 và 2008, có đến 95% vụ thắng kiện.

Trong trường hợp của các công nhân Lỗi Dương, ông khuyên nên kiện sở lao động Thẩm Quyến, thay vì thưa các công ty, vì sở này đã thất trách trong việc để các công ty vi phạm luật lao động. Thế là, các công nhân thương thuyết với nhà chức trách, ra điều kiện nếu nhà chức trách không hổ trợ thì sẽ đi kiện nhà chức trách. Ngay lập tức, các cơ quan liên quan vào cuộc giúp đỡ nạn nhân, và cuối cùng họ đã chiến thắng.

Như vậy, từ năm 2009 và từ vụ 180 công nhân Lỗi Dương, «sự thương thuyết tập thể» đã trở thành lối đi bắt buộc. Những vụ đình công năm 2010 ở các xưởng của hãng Honda cho thấy công nhân đã hết e dè. Ông Hàn Đông Phương nhận định, đã bắt đầu một trang sử mới.

Le Nouvel Observateur cho hay, điều kiện lao động của công nhân tại Trung Quốc vẫn rất tệ hại. Phương tiện bảo hộ thiếu thốn, hợp đồng lao động bị lơ là. Bệnh nghề nghiệp gia tăng trong khi người sử dụng lao động rất dễ phủi trách nhiệm do sự thông đồng của các bác sỹ hay của chính quyền.

Trong khi đó, đội ngũ thanh tra lao động rất mỏng. Chính quyền địa phương thì đặc trọng tâm ưu tiên là làm hài lòng các nhà đầu tư bất kể luật pháp. Và cuối cùng là cảnh tức nước vỡ bờ : Ngày càng có nhiều vụ đình công và bạo động của công nhân, đến mức chính quyền phải thường xuyên dùng đến biện pháp đàn áp.

Dù muốn dù không, Trung quốc cũng đã bước vào thời đại «công nhân thương thuyết». Tổng Liên Đoàn Lao Động nước này có vẻ hiểu được, nên năm 2010 cũng đã tham gia giúp công nhân thảo luận với giới chủ về việc tăng lương.

Thế nhưng, theo Le Nouvel Observateur, đầu tàu thật sự của phong trào công nhân hiện tại ở Trung Quốc là tại Hồng Kong với khoảng 6 tổ chức công đoàn độc lập. CLB của ông Hàn có tổ chức các lớp đào tạo về kỹ năng tổ chức đấu tranh cho công nhân, như cách thương thuyết tập thể, cách nêu yêu sách, luật pháp có liên quan…

Một nhà ngoại giao phương Tây đánh giá : «Tại Trung Quốc các tổ chức công đoàn độc lập đã trở thành những ngôi trường giảng dạy dân chủ».

Về phần mình, ông Hàn Đông Phương cho biết, tổ chức của ông chọn cách đấu tranh trong khuôn khổ luật pháp Trung Quốc, chứ không hề chống lại chế độ. Đó là cách hiệu quả để đạt kết quả tốt cho người lao động. Một đồng nghiệp của ông cũng cho biết, chính phủ Trung Quốc đôi khi có thể làm theo ý của các công đoàn độc lập miễn là những tổ chức này đừng có hành động chống lại chế độ.

Chủ nghĩa cực hữu kiểu mới đe dọa châu Âu

Vụ thảm sát hôm 22/7 tại Oslo Na Uy cho thấy khuynh hướng đang lên của trường phái cực hữu kiểu mới tại châu Âu, vì thế, rõ ràng thủ phạm Anders Breivik không phải là một cá biệt chỉ có ở Na Uy. Trên đây là nhận định của giáo sư Matthew Goodwin thuộc đại học Nottingham (Anh), được đăng tải trên tờ Guardian, và Courrier International dẫn lại với bài viết mang dòng tựa «Toàn châu Âu phải chú ý».

Tác giả cho rằng, đến hiện tại, hầu như các nước châu Âu chỉ tập trung chú ý đến mối đe dọa đến từ Al-Qaida mà không chú ý đến sự lớn mạnh của một trường phái bạo lực và xung đột hơn, đó là trường phái cực hữu châu Âu. Vụ thảm sát vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho sự thiếu sót này.

Người ta đã bắt đầu biết được cội nguồn ý thức hệ của Breivik. Người này hoàn toàn không phải là cái mà người ta gọi là «người thiên hữu cực đoan truyền thống».

Dù Breivik chống lại sự nhập cư, chủ nghĩa đa văn hóa, đạo Hồi và sự gia tăng của dân nhập cư Hồi Giáo tại châu Âu, thì người này lại bác bỏ dứt khóat chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của đảng British National Party (BNP), nhưng lại ủng hộ đường lối của phong trào English Defense League (EDL). EDL chống Hồi Giáo nhưng lại viện dẫn lí do văn hóa.

Như vậy, chủ nghĩa cực hữu cũ là thiên về chủng tộc, trong khi cánh cực hữu mới là dùng chiêu bài văn hóa để chống Hồi Giáo. Theo tác giả, viện dẫn lí do văn hóa để chống Hồi Giáo và nhập cư sẽ dễ được xã hội chấp nhận hơn và dễ lôi kéo người ủng hộ hơn.

Tác giả nhấn mạnh, sẽ sai lầm nếu cho rằng hiện tượng Breivik là của riêng Na Uy.

Ông cho biết, qua bốn năm kinh nghiệm phỏng vấn những nhà đấu tranh cực hữu, ông nhận ra một điều rất rõ ràng : Dù họ bác bỏ đường lối bạo lực chính trị, nhưng trong văn hóa cực hữu luôn hiển hiện một kiểu văn hóa bạo lực.

Thời gian gần đây, cộng đồng người Hồi Giáo đã tạo ấn tượng đe dọa, các đảng phái có vẻ không thể ngăn chặn được mối đe dọa này, và hình như có một sự va chạm văn minh giữa người dân chiếm đa số và cộng đồng nhập cư thiểu số. Các tổ chức cực hữu nhân cơ hội tìm được điều kiện thuận lợi để phát triển, để lôi kéo những công dân thấy rằng, cộng đồng mình đang bị đe dọa bởi Al-Qaida, bởi các tổ chức liên quốc gia như Liên Hiệp Quốc hay Liên Hiệp Châu Âu hoặc bởi cộng đồng Hồi Giáo nhập cư.

Các tổ chức này không đánh vào kinh tế, mà nhắm vào văn hóa. Tức không nói chuyện việc làm hay nhà ở, mà là tạo cảm giác cho người dân thấy các giá trị văn hóa và lối sống của cộng đồng họ đang bị lâm nguy, và chỉ có hành động triệt để nhất mới trấn áp được mối nguy này.

Tác giả kết luận : «Còn quá sớm để nói trước liệu sẽ có hành động noi gương Breivik ở nơi khác hay không, nhưng có thể khẳng định dứt khóac một điều là, sự nguy hiểm đến từ chủ nghĩa cực hữu cần được chú ý nhiều hơn».

Châu Âu thờ ơ trước thảm họa lương thực tại Somalia ?

Vùng Sừng châu Phi đang đối mặt với một thảm họa lương thực kinh hoàng. Chủ đề này thu hút sự quan tâm của nhiều tạp chí Pháp, trong đó có Le Monde và L’Express.

Le Monde dành trang thời sự qua ảnh đăng ảnh một em bé gầy ốm đang đang ngồi trong chiếc cân của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới.

Tờ báo cho biết, em bé này thuộc trại tị nạn ở miền đông bắc Kenya với hơn 400 000 người trú ngụ. Mỗi ngày có khoảng 1500 người Somalia chạy nạn đói đến Kenya. Hạn hán đã dẫn đến hậu quả hiện tại hơn 12 triệu người vùng Sừng châu Phi đang bị nạn đói đe dọa.

Theo Liên Hiệp Quốc, cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng đóng góp 1,3 tỷ euro để cứu đói, nhưng sự uyên góp còn chậm trễ và yếu ớt.

Trước thảm cảnh đó, các nước giàu đã nhóm họp nhiều lần để bàn thảo phương cách cứu trợ. Thế nhưng, lời thì nhiều mà của thì ít. Thực trạng này đã được L’Express dành bài xã luận với nhận định chua xót : «Bọt đắng».

Tác giả đặt một loạt câu hỏi : Ai trong chúng ta không thấy khó chịu trước diễn biến thất thường của thời tiết khiến cho kỳ nghỉ hè không trọn vẹn, thế nhưng có mấy ai đã cảm thấy thương xót cho Somalia ?

Ai trong chúng ta không tiếc nuối cho kết thúc bi thảm của ca sỹ Amy Winehouse đột tử ở tuổi 27, nhưng có mấy ai đã tỏ ra thương xót cho Somalia ?

Ai trong chúng ta không kêu lên căm giận trước vụ thảm sát Oslo hay lấy làm lo lắng cho sự khủng hoảng của đồng euro, nhưng mấy ai tỏ ra thương xót cho Somalia ?

Và câu trả lời là : Chúng ta phải thừa nhận rằng, nạn đói đang hoành hành tại châu Phi đến với chúng ta như âm thanh của một cục đá ném xuống đại dương của sự thờ ơ !

Theo tác giả, châu Âu thờ ơ vì đang đối mặt với tình trạng tuột dốc của chính mình, thế nhưng cũng chính vì sự thờ ơ mà châu Âu tuột dốc. Sự thờ ơ đã khiến châu Âu bị hạ thấp giá trị và mất đi ánh hào quang của lòng thương cảm và sự đam mê nhân quyền. Cũng chính vè thế, cái gọi là Văn minh và Sức mạnh, vốn là hai hạt nhân của châu Âu, đã rơi rụng từ lâu.

Tác giả đề nghị, các nước châu Âu nên nhanh chóng cứu trợ Somalia nhiều hơn nữa. Nếu không làm thì Trung Quốc sẽ làm, mà đối với Trung Quốc thì giúp đỡ đồng nghĩa với Mua và Nhân đạo chỉ là một hình thức đầu tư.

Tác giả nhấn mạnh, trước việc cứu trợ yếu ớt tại Somalia và sự bất lực của phương Tây đối với Syria, nên chăng kêu gọi hơn nữa lòng nhân đạo và cải cách các điều kiện can thiệp vào một quốc gia.

 Can thiệp hiện tại không hiệu quả, vì nó không đủ tính chính danh, bởi dù được Liên Hiệp Quốc cho phép, thì cấu trúc của tổ chức này là của năm 1945 chứ không phải năm 2011. Nên bổ sung vào đó Brazil, Ấn Độ, các nước mới nổi, đại diện của châu Phi, và như vậy, Hội Đồng Bảo An mới sẽ danh chánh ngôn thuận hơn trong việc lãnh đạo thế giới.

Năm yếu điểm của tổng thống Obama

Năm 2008, ứng cử viên đảng Dân Chủ Obama được cử tri ủng hộ nồng nhiệt vì được xem là biểu trưng của sự đổi mới, nhưng trong lần tranh cử cho nhiệm kỳ 2, tình hình đối với ông không còn thuận lợi như trước nữa. Courrier International quan tâm đến sự kiện này với bài nhận định : «Phong trào ủng hộ Obama, một kỉ niệm xưa cũ».

Một chuyên gia về Hoa Kỳ cho biết, ông Obama đã tỏ ra thực tế khi thừa nhận rằng không còn dễ dàng trong lần tranh cử thứ hai này.

 Ông Obama đã xây dựng sự nghiệp chính trị của mình một phần nhờ vào hình ảnh đổi mới mà ông mang đến. Thế nhưng, sau hơn hai năm cầm quyền, ông đã bị pha trộn hình ảnh của một tổng thống sang cả, «không còn đi đánh bóng rổ, mà là chơi golf» với chủ tịch hạ viện John Boehner thuộc đảng Cộng Hòa.

 Một số người trước kia ủng hộ ông vì tin vào sự đổi mới mà ông đã hứa, giờ cũng tỏ ra hơi thất vọng.

Bên cạnh đó, còn thêm những khó khăn về kinh tế đang phủ trùm lên nước Mỹ. Đặc biệt, Courrier International chỉ ra 5 điểm bất lợi đối với ông :

- Vấn đề Afghanistan : Dù ông đã tuyên bố rút quân, nhưng vẫn bị chỉ trích là chậm, và dưới thời ông, quân đội Mỹ ở chiến trường này lại đông hơn so với thời tổng thống Bush.

- Nhà tù Guantanamo : Đến hiện tại tổng thống Obama vẫn chưa thực hiện được lời hứa khi tranh cử của mình, là đóng cửa nhà tù tai tiếng này.

- Vấn đề minh bạch thông tin : Khi tranh cử ông Obama chỉ trích thông tin dưới thời tổng thống Bush thiếu minh bạch, nhưng sau khi nhậm chức ông lại tiếp tục con đường hạn chế công khai thông tin, thậm chí có khi còn hơn người tiền nhiệm.

- Tham chiến nước ngoài không thông qua Quốc hội : ông Obama ngày càng dựa vào các máy bay không người lái để cho oanh kích có mục tiêu nhằm tấn công kẻ thù ở nhiều nước như Yemen, Irak, Afghanistan, Somalia. Các chiến dịch này do CIA chỉ huy, cho phép tổng thống Obama lách việc phải thông qua Quốc hội, bởi theo Hiến pháp, phải có sự đồng ý của Nghị viện khi tiến hành chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Trong vụ Libya vừa qua, tổng thống Obama cũng lại qua mặt Quốc hội khi quyết định tham chiến.

- Hình ảnh xa cách : Có rất nhiều lời chỉ trích tổng thống Obama về việc ông tỏ ra thiếu gần gũi và không biết tỏ ra cứng rắn. khi cần thiết.