Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30 Tháng 7 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30 Tháng 7 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Bảy, 30 Tháng 7 Năm 2011 09:33

Vấn đề minh bạch thông tin trong vụ tai nạn tàu cao tốc Ôn Châu

 

Tai nạn tàu cao tốc Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (Reuters)

Liên quan đến tai nạn tàu tốc hành tại Ôn Châu, Trung Quốc, Le Monde dành đến hai bài phân tích tình hình hậu thảm họa của đặc phái viên của tờ báo này tại hiện trường.

Bài thứ nhất mang tên « Một vụ tai nạn nhanh chóng được dọn dẹp », phản ánh sự bất mãn của thân nhân người bị nạn trước thái độ của chính quyền trong việc giải quyết hậu quả tai nạn.

Theo Le Monde, trước nhất là vấn đề minh bạch thông tin. Ngay sau thảm họa, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã hứa, tất cả sẽ được minh bạch rõ ràng. Thế nhưng, theo các nhân chứng tại hiện trường, mọi việc luôn mù mờ, ngay cả việc cơ bản nhất là công bố danh sách người bị nạn ở các toa tàu cũng không có.

Kế đến là việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Le Monde cho biết, tiến trình bồi thường được thực hiện « ngoài tòa án », các luật sư ở Ôn Châu đã được lệnh không tiếp nhận hồ sơ của thân nhân người bị nạn.

 Gia đình nạn nhân không có quyền thảo luận về mức bồi thường. Một nhân chứng cho biết, chính quyền còn đề nghị sẽ có thưởng cho ai ký nhanh vào biên bản đồng ý hỏa táng nạn nhân.

Bức xúc thứ ba trong người dân là thái độ « trọng vật hơn người » của chính quyền.

 Sau thảm họa, trong khi nguyên nhân chưa được sáng tỏ, thì chính quyền lại khẩn trương dọn dẹp hiện trường để nhanh chóng tái vận hành hệ thống đường sắt.

Một chuyên gia đường sắt cao tốc cho biết : « Việc xử lý hậu quả tai nạn của Trung Quốc quá ư lạc hậu ». Ông này cũng nhấn mạnh, sau tại nạn, điều tiên quyết là phải giữ nguyên hiện trường để có thể phân tích tình hình dưới mọi góc độ.

Trong bài viết thứ hai « Báo chí và dân mạng cố gắng luồn lách sự kiểm duyệt », Le Monde cho hay, theo một thông tư được gửi đến các cơ quan truyền thông địa phương, các nhà báo Trung Quốc phải : theo đúng thống kê chính thức, không phản ánh quá nặng nề về hậu quả, không được quan tâm đến nguyên nhân tai nạn, không được gây nghi ngờ thông tin chính thức, không được phổ biến thông tin trên blog.

Trong bối cảnh đó, một hiện tượng mà Le Monde cho là « bất thường » tại Trung Quốc, đó là báo giới nước này hình như đang lao vào một « phong trào phản kháng qui mô nhỏ ».

Hoàn Cầu thời báo (thuộc Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã lên án « sự kiêu ngạo » của chính quyền trong việc khắc phục tai nạn. Theo tờ báo này, nhà cầm quyền hay có thói quen là « ca ngợi thành công để che bớt tội lỗi ».

Bản tiếng Anh của tờ báo này cũng có nhận định tương tự. Nhiều đài truyền hình nhà nước đã công khai phát đi yêu cầu đòi câu trả lời từ phía bộ Đường sắt.

Còn trên trang mạng Sina Weibo, phiên bảng Twitter của Trung Quốc, dân mạng đặt nhiều câu hỏi, nhất là về việc kiếm tìm người tài xế của xe lửa thứ nhất (D 3115). Thế nhưng, sự kiểm duyệt nhanh chóng được tiến hành, những tin thông tin chỉ trích mạnh lập tức biến mất.

Nhân quyền xứ chùa Tháp đang xuống dốc

Báo Libération hôm nay đặc biệt chú ý đến đất nước chùa Tháp với bài nhận định : « Tại Cam Bốt, nhân quyền đang tuột dốc », phản ánh đời sống chính trị của người dân dưới thời thủ tướng Hun Sen.

Tờ báo nhắc lại, vào đầu những năm 1990, mọi người tưởng rằng, sau nhiều thập niên chiến tranh, Liên Hiệp Quốc đã thành công trong việc thiết lập một nhà nước dân chủ tại Cam Bốt.

Đầu thập niên 1990, một hiến pháp mới đã được soạn thảo. Các buộc bầu cử đã được tổ chức vào năm 1993, được đánh giá là công bằng và tự do với tỷ lệ 90% cử tri đi bỏ phiếu. Một xã hội năng động đã hồi sinh trên điêu tàn của chiến tranh. Khi ấy, Cam Bốt được xem là trường hợp đặc biệt trong vùng bởi đã chuyển thẳng từ một chế độ độc tài hậu khơ me đỏ sang một chính phủ tự do.

Thế nhưng, « giấc mơ » này đã dần sụp đổ, đặc biệt kể từ thời thủ tướng Hun Sen. Kể từ sau cuộc bầu cử năm 2008, ông này bắt đầu tách phe đối lập ra khỏi quyền lực.

Hầu hết đại diện của những tổ chức nhân quyền địa phương không ai còn muốn được nêu danh bởi nguy cơ bị vào tù là rất lớn nếu dám lên tiếng chỉ trích thủ tướng hay phu nhân thủ tướng .

Giám đốc văn phòng nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh, ông Christophe Peschoux đã phải rời Cam Bốt hồi tháng 5 do thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ ngừng hợp tác với ông này.

Libération nhấn mạnh, minh chứng rõ ràng nhất cho tình trạng quyền tự do cơ bản đang tuột dốc đó là hiện tượng đất đai của người dân bị nhà nước cưỡng bức trưng dụng để phục vụ cho các công ty trồng cao su hoặc mía đường, mà thường thì chủ những công ty này có quan hệ mật thiết với nhà cầm quyền.

 Một người dân Cam Bốt cho biết : « Khi các nạn nhân thưa kiện thì tòa án làm ngơ, còn khi các tập đoàn tư nhân thưa kiện thì quan tòa tỏ ra sốt sắng ».

Tờ báo cũng chỉ ra hiện tượng lợi dụng chức vụ để bòn rút lợi ích xã hội. Như việc một thượng nghị sỹ bạn thân của thủ tướng, được cấp đất nằm trong dự án qui hoạch kín, nhờ chống lưng của quân đội. Sau đó, quốc hội thông qua luật để đảm bảo tài chính cho dự án này. Libération kết luận : « Cam Bốt đang dần lún sâu vào một chế độ độc tài hút máu dân theo kiểu chế độ Ben Ali ở Tunisia hay Kadhafi tại Libya ».

Bế tắc nợ công tại Hoa Kỳ tiếp tục làm xao động kinh tế thế giới

Tình hình u ám của nền kinh tế Hoa Kỳ và vấn đề Quốc hội lưỡng viện chưa đạt được được đồng thuận về việc nâng trần nợ công tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường thế giới. Nội dung này được phân tích khá kĩ trên nhật báo Le Figaro.

Theo số liệu do bộ Tương mại Mỹ công bố hôm qua, tăng trưởng trong quí hai của nước này chỉ có 1,3%, trong khi mức dự kiến là 2%. Nạn thất nghiệp có nguy cơ tăng lên, tỷ lệ tiêu thụ giảm.Từ đó, tất cả những con số dự kiến trước đó đều đã được xem xét giảm xuống.

Số liệu này chỉ là đánh giá bước đầu, thế nhưng, nó cho một hình ảnh đáng lo ngại về nền kinh tế, bất chấp chính sách phục hồi của Nhà Trắng, bất chấp những biện pháp hổ trợ tính dụng đặc biệt của Cục dự trữ Liên Bang (FED).

Theo Le Monde, trong bối cảnh đó, FED hình như tỏ ra bất lực. Trước tình trạng dầu sôi lửa bỏng, hai đảng cầm quyền tại nước này lại chưa thỏa thuận về việc nâng trần nợ công. Hậu quả kéo theo là hệ thống kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề.

Bà Christine Lagarde, giám đốc IMF, cảnh báo, đồng đô la sẽ bị giảm tín nhiệm như là một đồng tiền dự trữ, tức bà nhấn mạnh đến vai trò thống trị của đồng tiền này trong việc được xem là phương tiện dự trữ của các ngân hàng trung ương.

Theo tính toán, đô la chiếm 61,4% trong tổng dự trữ của những ngân hàng này. Ngoài ra, đô la còn chiếm 2/3 các giao dịch diễn ra trên thế giới.

Đối với Trung Quốc, nước giữ nhiều trái phiếu Hoa Kỳ nhất (1 160 tỷ đô la), nước này đang bị mất phương hướng.

Bắc Kinh đang lo sợ về cuộc thảo luận nợ công tại Hoa Kỳ và những rối loạn trong việc quản lý của nước này. Thế nhưng, dẫu Trung Quốc có muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào thị trường trái phiếu Hoa Kỳ cũng rất khó khăn. Nên nhớ rằng, chỉ trong năm 2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có thêm 602 tỷ đô la cho nguồn dự trữ của mình.

Nói về sự ảnh hưởng của kinh tế Mỹ đến Châu Âu, Le Figaro ví von : « Câu nói « Khi Mỹ lạnh thì Châu Âu hắt hơi » luôn có giá trị ». Bằng chứng là thị trường chứng khoán của Châu lục này đang yếu đi rõ rệt.

Người Nhật hiện đại vẫn trọng phép xã giao truyền thống

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, nhật báo Công Giáo La Croix đặc biệt ca ngợi lối sống lịch thiệp của người dân xứ Hoa Anh Đào với bài viết : « Người Nhật, khuôn mẫu của lối sống ».

Đầu tiên, tờ báo ca ngợi sự tử tế của người Nhật. Theo tờ báo, nếu một du khách nước ngoài bị lạc giữa Tokyo, chẳng những họ được người dân chỉ đường, mà có khi còn được dẫn đến nơi. Trong khi đó, một du khách Nhật nếu bị lạc ở Paris chưa chắc được đối xử như vậy.

Phép lịch sự của người Nhật hiển hiện mọi nơi : trong các cửa hàng bán đồ, nhân viên gặp khách đều hô to lời chào đón, đường phố thì sạch sẻ không hề có một mẫu giấy hay miếng kẹo cao su nào, trong tàu điện ngầm hoàn toàn không có cảnh người nói chuyện điện thoại hay nghe nhạc ồn ào làm phiền người khác.

Trong đời sống xã hội cũng như công việc, người Nhật luôn tôn trọng những khuôn mẫu giao tiếp được xem là qui củ nhất thế giới. Qui củ này phức tạp và đa dạng, phải biết vận dụng thích nghi trong từng trường hợp cụ thể.

La Croix nhận định, mục tiêu trước tiên của các qui củ này nhằm duy trì sự hài hòa trong xã hội, tránh mọi sự xung đột. Chẳng hạn như, thay vì trả lời thẳng là « không », thì để tránh làm mất lòng người khác, người Nhật luôn chọn cách nói giảm nói tránh.

Phép lịch sự của người Nhật cũng khuyên nên ưu tiên cho sự thoải mái của người khác, tức đặt cái tôi dưới ý chí tập thể. « Thành trì » để giữ phép lịch sự này chính là thái độ của người khác, được thể hiện qua ánh mắt, đối với hành động của mình. Chẳng hạn như nếu một người đi bộ qua đường khi đèn đỏ thì lập tức bị cái nhìn búa rìu của những người đi bộ khác.

Một nhà văn hóa cho biết, ở Nhật, nếu làm điều gì bị cho là không đúng, thì chẳng những bản thân mà cả gia đình cũng bị xấu hổ.

Trong hiện tại, dù xã hội Nhật đã có nhiều thay đổi, nhưng phép lịch sự vẫn còn hiện diện trong quan hệ cá nhân, với bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp.

Tuổi trẻ Nhật Bản vẫn còn rất chú ý đến phép xã giao trong cuộc sống. Theo La Croix , phép xã giao trong xã hội Nhật phức tạp đa dạng đến thế. Bởi vậy, người Nhật không mong gì du khách nước ngoài biết và tuân thủ cho đúng. Do đó, xã hội Nhật tỏ ra rất « bao dung » đối với người nước ngoài không am hiểu văn hóa Nhật.

Tầm quan trọng của động vật săn mồi đối với thiên nhiên

Cuối cùng là một thông tin đáng chú ý đăng tải trên trang khoa học của nhật báo Le Figaro qua bài viết nhận định « Vai trò của các loài thú săn mồi bị đánh giá thấp ».

Các loài vật có vú có vóc dáng to lớn như voi, sư tử, cá voi, chó sói, bò rừng… thường lại « bất hạnh » bị liệt vào danh sách của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) của Liên Hiệp Quốc, do bị đe dọa diệt chủng.

Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Khoa học (Science) Hoa K ỳ, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các loài động vật này đối với thiên nhiên.

Cụ thể là : « Sự biến mất của các loài này có hậu quả nghiêm trọng hơn người ta nghĩ đối với việc lan truyền bệnh tật, sự phát triển của những loài vật « xâm lấn », sự tích tụ khí carbon và hiện tượng hỏa hoạn ».

Các nhà khoa học cũng đưa ra minh chứng cụ thể để giải thích. Theo họ, sự biến mất của loài sư tử và loài báo ở một số vùng tại Châu Phi nam Sahara đã dẫn đến việc xuất hiện ngày càng nhiều khỉ đầu chó. Loài vật này ngày càng tiếp xúc nhiều với con người và làm lây nhiễm cho con người các loại vi khuẩn đường ruột.

Loài cá heo là động vật ăn sinh vật nổi nhiều nhất. Nhờ đó, mà nó giữ được trong phân lượng lớn carbon. Hồi đầu thế kỷ 20, loài vật này đã bị hủy diệt nặng nề, và hậu quả là có khoảng 105 triệu tấn khí carbon được thải vào thiên nhiên.

Một ví dụ khác là ở vùng Đông Phi hồi cuối thế kỷ 19, một trận đại dịch đã làm giảm đáng kể số lượng các loài động vật ăn cỏ lớn như trâu và linh dương đầu bò, kết quả là không còn vật ăn cỏ nữa, cỏ dại vì thế lan tràn, kéo theo nhiều trận hỏa hoạn trong mùa khô.

Trang nhất các báo Pháp

Hầu hết các báo hôm nay ưu tiên cho chủ đề có liên quan đến nước Pháp.

Nhật báo Libération dành ưu tiên cho kết luận điều tra vừa được công bố của nhà chức trách Pháp về chuyến bay Rio-Paris bị rơi ngoài biển gần Braxin hồi năm 2009, với hơn 200 nạn nhân. Bài viết có hàng tựa « Nổi sợ hãi trên máy bay », cho biết, ngoài những trục trặc về kỷ thuật, thì năng lực của phi hành đoàn cũng bị đặc vấn đề.

«Sách lược mới để chống đảng Mặt Trận Quốc gia của ông Sarkozy », đó là tựa đề bài viết trên trang nhất Le Monde, thông tin về những hoạt động chính trị nhắm tới cuộc bầu cử 2012 của tổng thống Pháp.

Cũng liên quan đến nước Pháp, nhật báo Công Giáo La Croix dành loạt bài trong mùa hè giới thiệu một số nhà thờ thuộc các giáo phận bị hủy bỏ sau cách mạng Pháp.