Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29 Tháng 7 Năm 2011 |
Tác Giả: Mai Vân |
Thứ Sáu, 29 Tháng 7 Năm 2011 10:22 |
Trung Quốc : Không dễ đàn áp người dân !
Tấm ảnh được mạng youku.com đưa lên cho thấy công an chống bạo động đang tiến vào An Thuận ngày 26/7/11. DR Người dân Trung Quốc không còn ngồi yên chịu đựng, mà đã phản ứng mạnh mẽ trước những vụ sách nhiễu của những người mà nhiệm vụ là đảm trách an ninh trật tự. Báo Libération nêu bật hiện tượng ‘’tức nước vỡ bờ’’ này trong bài phóng sự tại An Thuận, Quý Châu, hôm thứ Ba 26/7. Tờ báo tường thuật sự kiện một người bán trái cây đã bị đội trật tự đô thị của thành phố - gọi là ‘’thành quản’’ - đánh chết, khiến dân chúng nổi giận. Thời sự châu Á, hôm nay khá được chú ý, với Trung Quốc nổi bật trên bình diện xã hội cũng như ngoại giao. Báo Libération rất chú ý đến hiện tượng ‘’tức nước vỡ bờ’’, người dân Trung Quốc không còn ngồi yên chịu đựng, mà đã phản ứng mạnh mẽ trước những vụ sách nhiễu của những người mà nhiệm vụ là đảm trách an ninh trật tự. Libération nêu bật tình hình này trong bài phóng sự tại An Thuận, Quý Châu, hôm thứ Ba vừa qua. Dưới tựa đề nhại lại tên gọi tiếng Pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (République Populaire de Chine), tờ báo nói đến "Réplique populaire de Chine" (Sự phản hồi nhân dân Trung Hoa), tường thuật sự kiện một người bán trái cây đã bị đội trật tự đô thị của thành phố - gọi là ‘’thành quản’’ - đánh chết, khiến dân chúng nổi giận. Mở đầu bài phóng sự, nhà báo Libération mô tả cảnh mà tờ báo xem như một tiếng vọng xa xôi của thảm kịch ở Sidi Bouzid, đã khiến Tunisia "bốc lửa" (và dẫn đến Cách mạng Hoa Lài), đó là hàng trăm người dân An Thuận đã đương đầu với công lực sau cái chết của người bán hàng nói trên. Theo tác giả bài phóng sự, đài truyền hình Hồng Kông Cable TV, đã chiếu lại cảnh này, cho thấy những người xuống đường mặt mày đầy máu hay cảnh một chiếc xe hơi bốc cháy. Cuộc xung đột kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, chỉ lắng dịu vào lúc tối khi công an chống bạo động sử dụng hơi cay để giải tán. Kết quả, theo số liệu của Tân Hoa Xã, là 40 người bị thương : 30 người dân và 10 công an cảnh sát. Libération nêu lại sự kiện đã làm dân chúng phẫn nộ : một người bán trái cây rong, 52 tuổi, cụt một chân, cãi vã với nhân viên đội trật tự đô thị và đã bị họ hành hung, tịch thu chiếc cân của ông. Người ta thấy ông chết sau đó ít lâu. Tuy cái chết của ông xảy ra trong trường hợp nào chưa được biết rõ ràng, nhưng bấy nhiêu yếu tố cũng đủ khiến cho người dân ở thành phố phản ứng mạnh mẽ, họ tấn công vào đội trật tự và nhân viên công lực mà theo họ là kết tinh của bạo lực, của hành vi tham ô, bòn rút của người nghèo, nguyên nhân nỗi khổ nhục của họ. Libération nhắc lại là đội trật tự đô thị gọi là Thành quản này được thành lập cách đây 14 năm, với nhiệm vụ bảo vệ trật tự những nơi công cộng, xua đuổi những người ăn xin, bán hàng rong. Nhưng hàng ngày, thì họ chính là thành phần đi sách nhiễu cư dân. Họ thường xuyên bị tố cáo, hành hung, tống tiền. Không có nơi nào mà người dân không oán ghét họ. Họ càng lạm quyền khi mà trách nhiệm, quyền hạn của họ không được quy định rõ ràng. Nỗi tức giận người dân An Thuận đã nhanh chóng truyền lên mạng. Chính quyền điạ phương đã phải thông báo là đang mở điều tra. Theo Libération, lòng phẫn nộ của người dân dẫn đến xung đột bạo động đang là một vấn đề đau đầu đối với chính quyền Bắc Kinh, đang phải cấp bách tìm cách giải quyết. Libération trích số liệu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đưa ra con số chính thức : Hơn 70.000 vụ biểu tình bạo động diễn ra hàng năm, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Libération nhắc lại việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từng cảnh báo về bất ổn định xã hội đang đe dọa Trung Quốc. Và một trong những giải pháp trước mắt được chính quyền Bắc Kinh đưa ra, đó là tăng ngân sách dành cho an ninh quốc nội năm nay lên 14%, (vượt qua ngân sách quốc phòng). Trung Quốc chế tạo tàu cao tốc một cách quá nhanh Báo La Croix hôm nay cũng nhìn sang Trung Quốc, nhưng trở lại tai nạn xe lửa ở Ôn Châu. Trong hàng tựa chơi chữ, tờ báo không nói đến tàu cao tốc mà cho là "Trung Quốc đã chế tạo xe lửa của mình một cách quá cao tốc". Quá cao tốc, quá nhanh, tức là quá ẩu ! Tờ báo nhắc lại những lời tố cáo đã vang lên sau tai nạn : những đoạn đường được xây một cách ẩu tả, tệ nạn đút lót chính quyền điạ phương, viên chức đường sắt. Không chỉ có người Trung Quốc, tờ báo trích lời một người châu Âu, làm việc nhiều năm ở Hàn Châu, đã không ngạc nhiên trước tai nạn vừa qua, vì theo nhân vật này, đã từng xẩy ra nhiều tai nạn trước đây, không nghiêm trọng như tai nạn ở Ôn Châu, nhưng đã bị giấu nhẹm theo lệnh chính quyền. Dư luận Trung Quốc hiện nay rất bất bình, họ nghĩ là vẫn như thường lệ, chính quyền tìm cách giấu sự thật. Theo La Croix, chưa bao giờ có một làn sóng tức giận như thế. Nhìn lại tai nạn Ôn Châu, La Croix còn đặt lại vấn đề khả năng vận hành cũng như độ tin cậy đối với tàu cao tốc Trung Quốc, vào lúc mà Bắc Kinh dự kiến phát triển hệ thống đường cao tốc từ 8.358 cây số cuối năm 2010, lên thành 13.000 cây số vào năm 2013. Không những thế các tập đoàn Trung Quốc hiện nay cũng tham gia xây dựng đường tàu cao tốc ở Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela, Ả Rập Xê Út. Họ cũng nhìn sang cả Hoa Kỳ. Những khách hàng này của Trung Quốc tất nhiên sẽ mất tin tưởng sau tai nạn Ôn Châu. Tân Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc : Gian nan trước mắt Cũng quan tâm đến Trung Quốc, Le Figaro hôm nay phân tích những khó khăn đang chờ đợi ông Gary Locke, tân Đại sứ Mỹ gốc Hoa ở Bắc Kinh. Theo tờ báo, có những thế mạnh rất dễ biến thành con dao hai lưỡi. Ông Gary Locke có thể dựa trên nguồn gốc Trung Hoa của ông để có quan hệ tốt với Bắc Kinh, nhưng Le Figaro nhìn thấy là công việc của ông không dễ dàng, vì ông đến Trung Quốc vào lúc quan hệ hai cường quốc đang căng thẳng. Trên vấn đề thương mại mà ông Locke muốn xem là ưu tiên hàng đầu của ông, vẫn còn nhiều bất đồng, và nhất là, trong bối cảnh tranh cãi về mức trần nợ công Hoa Kỳ kéo dài hiện nay, Trung Quốc đang chỉ trích gay gắt quốc gia mà họ là chủ nợ quan trọng nhất. Washington muốn vị tân đại sứ của mình nêu lên tất cả những vấn đề mà không gây căng thẳng thêm. Điều này không phải dễ dàng vì ông Locke còn phải cho thấy là Mỹ không nhún nhường đối với Trung Quốc, tức là ông phải đề cập đến những vấn đề làm Bắc Kinh bực tức như nhân quyền chẳng hạn. Tuy nhiên, thử thách đầu tiên đối với ông Gary Locke, theo Le Figaro, lại là vấn đề quân sự : Washington lo ngại trước những chi tiêu ngày càng cao của Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh thì ngày càng bực dọc trước sự hiện diện của Mỹ trong vùng mà họ muốn độc quyền ảnh hưởng. Hoa Kỳ : Mớ bòng bong của ngân sách liên bang Trên những hồ sơ được các báo Pháp nói nhiều hôm nay, bên cạnh một số tin xã hội Pháp, giao thông, thất nghiệp tăng cao, là hai sự kiện liên quan đến Hoa Kỳ : cuộc tranh cãi về nợ công Liên Bang mà tờ La Croix phân tích dông dài về tác động đối với kinh tế thế giới. Riêng đối với Mỹ, thì tờ báo cho là thế nào thì một trong ba cơ quan thẩm định tài chính quốc tế sẽ hạ điểm tín nhiệm đối với Hoa Kỳ. Tờ Les Echos cũng cùng quan điểm nếu mức giảm thâm thủng ngân sách Mỹ bị đánh giá là không đáng kể. Nhưng tờ báo kinh tế cũng nêu vấn đề là các cơ quan thẩm định tài chính hình như còn kiêng nể Mỹ. Cho nên Les Echos đã nêu câu hỏi là phải chăng các cơ quan này dễ dãi với Hoa Kỳ hơn là đối với châu Âu ? Họ đã thẳng tay hạ điểm vừa qua đối với một số quốc gia châu Âu bị nợ như Bồ Đào Nha. Theo tờ báo thì Pháp có lẽ sẽ là quốc gia sắp tới đây bị mất điểm AAA. Vụ DSK : Cô dọn phòng đánh động dư luận Hồ sơ khác mà các báo Pháp đưa ảnh ở trang nhất, đó là vụ DSK - Nafissatou Diallo. Ảnh người phụ nữ dọn phòng đang huy động dư luận, họp báo cùng với luật sư hôm qua tại New York, nổi bật trên trang nhất của Libération, với hàng tựa "Bà Diallo vận động người của bà". Bức ảnh ở trang trong cho thấy, chung quanh bà còn có đại diện cộng đồng người da đen. Le Figaro cũng chạy hầu như cùng hàng tựa ở trang nhất : "Bà Nafissatou Diallo kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng người da đen". Le Figaro nhìn thấy là nếu bà Diallo kiện DSK về mặt dân sự như luật sư của bà thông báo, thì bà có thể đòi hàng triệu đô la tiền bồi thường. Triển vọng, như tờ báo trích dẫn một số luật gia, là cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ phải thương lượng.
|