Sắp vỡ nợ, Hạ Viện vẫn chưa bỏ phiếu tăng trần |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Sáu, 29 Tháng 7 Năm 2011 09:54 |
Cộng Hòa không đủ phiếu cho dự luật của Cộng Hòa WASHINGTON (TH) - Tối Thứ Năm, Hạ Viện quyết định không biểu quyết tăng trần nợ, sau khi Chủ Tịch John Boehner tự thấy không đủ phiếu cho dự luật do ông đề nghị.
Một nhóm lãnh tụ cộng đồng và tôn giáo phản đối việc cắt giảm phúc lợi cho người nghèo, biểu tình bằng cách cầu nguyện trong sảnh chính tòa nhà Quốc Hội tại Washington DC. Họ bị cảnh sát bắt đi. Hạ Viện vẫn chưa đồng ý được về giải pháp cho trần nợ và không bỏ phiếu được trong ngày Thứ Năm và sẽ trở lại vào Thứ Sáu. (Hình: AP Photo/Susan Walsh) Tuy nhiên, dù có được thông qua, dự luật của Hạ Viện sẽ bị Thượng Viện bác bỏ ngay lập tức, theo lời lãnh tụ khối đa số Thượng Viện. Theo dự luật của Cộng Hòa Hạ Viện, trần nợ sẽ tăng qua hai giai đoạn; tạm thời ngay bây giờ được tăng thêm $900 tỷ, đủ dùng cho tới đầu năm 2012, đồng thời với việc cắt giảm chi tiêu $900 tỷ. Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng Thống Obama sẽ phủ quyết một dự luật như vậy vì ông không đồng ý sáu tháng tới lại phải thảo luận, tranh cãi và quyết định thêm một lần nữa. Lãnh tụ Thượng Viện, Nghị Sĩ Dân Chủ Harry Reid, cam kết sẽ cho biểu quyết dự luật của Thượng Viện để vô hiệu hóa ngay tức khắc dự luật Hạ Viện, nếu được thông qua. Dự luật của Thượng Viện, được tòa Bạch Ốc ủng hộ, chủ trương cắt giảm chi tiêu $2,200 tỷ trong 10 năm và tăng trần nợ thêm $2,400 tỷ, đủ cho ngân khố tới hết năm 2012. Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Christine Lagarde, cảnh báo hậu quả nếu Mỹ không tăng được trần nợ và không thể trả tiền hóa đơn sau ngày 2 tháng 8. “Một trong những hậu quả là đồng dollar sẽ bị suy thoái trong vai trò ngoại tệ dự trữ, và người ta sẽ mất lòng tin tưởng ở đồng dollar,” bà Largarde trả lời phỏng vấn đài PBS trên chương trình NewsHour. Thấy chính phủ liên bang chưa giải quyết được vụ trần nợ, thị trường chứng khoán mất giá. Chỉ số S&P 500 rớt trong 4 ngày liên tiếp. Phân lời tăng mạnh với công phiếu chính phủ đáo hạn tháng 8. Giới doanh gia lên tiếng kêu gọi Quốc Hội giải quyết không để chính phủ vỡ nợ. Người ta chưa thể hiểu rõ nếu tranh chấp này sẽ được giải quyết thế nào khi chỉ còn một tuần lễ nữa, tới ngày 2 tháng 8, ngân khố hết khả năng vay nợ vì đã đạt tới mức trần $14,300 tỷ và Hoa Kỳ lâm vào tình trạng vỡ nợ, không có tiền điều hành các chương trình hoạt động của chính phủ và những hậu quả tác hại trầm trọng hơn về tín dụng đối với quốc tế. ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. (HC)
|