Home Tin Tức Thời Sự Các nước láng giềng lo ngại về kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc

Các nước láng giềng lo ngại về kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 28 Tháng 7 Năm 2011 14:08

Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc

 

 Xưởng đóng tàu Đại Liên, nơi tân trang lại hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc Reuters

Hôm qua, 27/07/2011, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc tìm cách trấn an các nước láng giềng rằng tàu sân bay của Trung Quốc, được tân trang, nâng cấp từ một chiếc tàu cũ mua lại của Ukraina, sẽ được sử dụng vào mục đích huấn luyện và nghiên cứu.

Tuy nhiên, một số nguồn thạo tin cho Reuters biết là Bắc Kinh có kế hoạch tự đóng thêm 2 tàu sân bay khác. Và ngày hôm nay, nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã có bài khẳng định sự cần thiết phải có tàu sân bay, coi đây vừa là một niềm tự hào, vừa là phương tiện bảo đảm an ninh cho Trung Quốc trong tương lai.

Xã luận tờ báo đăng trên trang nhất nhấn mạnh, trong hàng trăm năm qua, các cường quốc phương Tây đã làm nhục Trung Quốc, làm cho người dân Trung Quốc rất đau khổ vì bất lực, không bảo vệ được các vùng biển quốc gia.

Để biện minh cho chương trình đóng hàng không mẫu hạm, tờ báo của Quân đội Trung Quốc giải thích, cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ các lợi ích hàng hải gia tăng cường độ.

 Xây dựng một cường quốc hải quân là một sự lựa chọn tất yếu để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Theo giới quan sát, thế thời đã thay đổi khi mà Bắc Kinh liên tục tăng chi phí quốc phòng, xây dựng bộ máy quân sự, trong lúc giới chính trị gia Mỹ tại Washington thì tranh luận về việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Ông Yukio Edano, thư ký nội các Nhật Bản, cho rằng « vấn đề minh bạch hóa liên quan đến chính sách quốc phòng và việc mở rộng các hoạt động quân sự của Trung Quốc gây ra các lo ngại, không phải chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với toàn khu vực và cộng đồng quốc tế ».

Trong bối cảnh có những tranh chấp về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng, như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, thì sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc còn làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang tại châu Á.

Ông Rommel Banlaoi, giám đốc điều hành tại Học viện Philippines nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố, nhận định, việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội đã thúc đẩy chính quyền Manila nâng cao khả năng tuần tra của hải quân Philippines tại các vùng biển thuộc chủ quyền của nước này.

Trong dự thảo ngân sách 2012 được trình lên Quốc hội trong tuần này, chính phủ Philippines muốn tăng chi phí quân sự lên tới 8 tỷ pesos (tương đương 190 triệu đô la) mỗi năm, thay vì 5 tỷ pesos như trước đây.

Theo ông Rory Medcalf, giám đốc chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy, ở Sydney, thì kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc có thể buộc một số nước châu Á phải trang bị tàu ngầm. Năm ngoái, Nhật Bản thông báo sẽ tăng số tàu ngầm từ 16 lên đến 22, chủ yếu nhằm đối phó với sự phát triển của hải quân Trung Quốc. Việt Nam cũng cho biết sẽ trang bị 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ kế hoạch đóng hàng không mẫu hạm của Trung Quốc. Từ 60 năm qua, mối đe dọa quân sự đối với Đài Bắc đến từ phía tây. Việc Trung Quốc có hàng không mẫu hạm tạo thêm mối đe dọa đối với hòn đảo này từ phía đông, tức là từ ngoài biển.

Một số nhà phân tích còn nói đến vai trò của Án Độ, một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và quân sự. Theo một cựu lãnh đạo hải quân Ấn Độ, thì nếu Trung Quốc từ bỏ khu vực phía tây của Thái Bình Dương, thì vùng biển duy nhất mà Bắc Kinh quan tâm đến, đó là Ấn Độ Dương. Theo hướng này, thì cuộc cạnh tranh với Ấn Độ là tất yếu.

Trong thời gian qua, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã coi hải quân là trọng điểm trong chương trình hiện đại hóa quân đội và việc đóng hàng không mẫu hạm chỉ là một trong số những tín hiệu có thể nhìn thấy được về sự lớn mạnh quân sự của Trung Quốc.