Một tổ chức bảo vệ môi trường tố cáo quân đội Việt Nam buôn lậu gỗ |
Tác Giả: Thanh Hà |
Thứ Năm, 28 Tháng 7 Năm 2011 08:47 |
Việt Nam gần như đã thôn tính nhiều vùng đất của Lào để phục vụ cho nền công nghiệp sản xuất đồ gỗ Báo cáo của Cơ quan Điều tra về Môi trường (EIA) được công bố hôm nay (28/7) tố cáo quân đội Việt Nam đóng một « vai trò then chốt trong các vụ kinh doanh » gỗ lậu từ Lào và hoạt động này khiến tốc độ phá rừng ngày càng gia tăng, qua đó đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng triệu dân Lào. Bản báo cáo nói trên nêu đích danh Tổng Công ty Hợp tác Kinh Tế COECCO trực thuộc quân đội Việt Nam. Khai thác gỗ lậu, một nguy cơ đe dọa nền kinh tế và môi trường của Lào (DR) Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga đã lập tức lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên. Bà nhấn mạnh « quân đội Việt Nam không tham gia vào các hoạt động kinh doanh hay phá rừng trên lãnh thổ Lào » và Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ rừng. Cơ quan Điều tra về Môi trường EIA, có trụ sở tại Anh Quốc, tố cáo quân đội Việt Nam đóng một vai trò then chốt trong các hoạt động mua bán gỗ lậu và tổ chức này đòi quân đội Việt Nam phải đứng ngoài các vụ phá rừng ở Lào. Theo EIA, diện tích rừng tại Lào trong những thập niên qua đã bị thu hẹp lại đến mức báo động : năm 1940, rừng chiếm tới 70 % diện tích của nước Lào tỷ lệ đó chỉ còn là 41 % vào năm 2002 và theo dự báo của EIA thì đến năm 2020 thì chỉ còn là 30 %. Đại diện của tổ chức bảo vệ môi trường này lấy làm tiếc là, lệnh cấm xuất khẩu gỗ đã được chính quyền Vientiane ban hành không được tuân thủ do hiện tượng tham nhũng tràn lan, đặc biệt là trong hàng ngũ các nhân viên có trách nhiệm quản lý rừng. Tháng 6/2011, thủ tướng Lào đã ban hành một đạo luật để củng cố các biện pháp chống buôn lậu gỗ. Theo Cơ quan Điều tra về Môi trường, hàng năm có ít nhất 500 000 mét khối gỗ lậu, trị giá khảng 150 triệu đô la được chuyển qua biên giới giữa Lào với Việt Nam. Khối lượng gỗ này được dùng vào việc sản xuất hàng nội thất và sau đó được đem xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. EIA nhấn mạnh : Việt Nam gần như đã thôn tính nhiều vùng đất của Lào để phục vụ cho nền công nghiệp sản xuất đồ gỗ đang phát triển mạnh, cho dù có rất nhiều hãng sản xuất của Việt Nam sử dụng gỗ có ghi rõ nguồn gốc.
|