Tình báo Mỹ tin al-Qaeda sắp tan rã |
Tác Giả: V.Giang |
Thứ Năm, 28 Tháng 7 Năm 2011 08:12 |
Giới hữu trách Mỹ cũng nói tới hiệu ứng tích lũy của các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái của CIA tại Pakistan WASHINGTON (Washington Post) - Giới chức tình báo Mỹ ngày càng tin tưởng rằng việc hạ sát Osama bin Laden và các tổn thất gây ra qua bảy năm tấn công bằng phi cơ không người lái của CIA đang đẩy tổ chức khủng bố al-Qaeda đến giai đoạn tan rã.
Một phi cơ không người lái loại Predator của Mỹ, võ trang hỏa tiễn, đậu trên phi đạo ở Kandahar, Afghanistan. (Hình: Massoud Hossaini/AFP/Getty Images) Sự nhận định này phản ánh một quan điểm ngày càng được chấp nhận ở cơ quan Tình Báo Trung Ương (CIA) cũng như ở các cơ quan an ninh tình báo khác rằng chỉ cần thêm một số nỗ lực tấn công tương đối nhỏ nữa là đủ để dẹp tan tổ chức khủng bố có căn cứ đặt tại Pakistan này, vốn từng mở ra các cuộc tấn công vào Mỹ ngày 11 Tháng Chín, 2001 - một điều có lúc được coi là xa vời trong cuộc chiến chống khủng bố kéo dài đã một thập niên. Các giới chức Mỹ cũng nói rằng al-Qaeda có thể tìm cách trỗi dậy và ngay cả sự tan rã của tổ chức này cũng sẽ không chấm dứt mối đe dọa khủng bố, vốn ngày càng đến nhiều hơn từ các cá nhân có khuynh hướng quá khích cũng như những nhóm đồng minh với al-Qaeda. Các giới chức này nói rằng một tổ chức hậu thân của al-Qaeda tại Yemen nay được coi là mối đe dọa lớn cho an ninh nước Mỹ hơn là từ cứ địa Pakistan truyền thống của tổ chức này. Tổng Thống Barack Obama trong thời gian qua đã liên tục mở rộng chiến dịch tấn công nhắm vào nhóm khủng bố ở Yemen, với hành động gần nhất là chấp thuận việc xây một phi trường bí mật ở Vịnh Ba Tư cho các phi cơ võ trang không người lái của CIA. Tuy nhiên, các thất bại mới đây, kể cả cuộc tấn công hụt giáo sĩ Hồi Giáo quá khích sinh trưởng ở Mỹ, Anwar al-Aulaqi, cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, các giới chức cao cấp tình báo Mỹ nay bắt đầu nói tới việc có thể xác định giai đoạn hoàn tất trong cuộc chiến chống al-Qaeda, một điều trước đây họ không muốn nhắc tới khi chưa hạ sát được Osama bin Laden hôm 2 Tháng Năm ở Pakistan. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon E. Panetta tuyên bố trong chuyến viếng thăm mới đây ở Afghanistan rằng “việc đánh bại al-Qaeda một chiến lược hiện trong tầm tay của chúng ta.” Những người hoài nghi thì cho rằng đây chỉ là lời cổ võ tinh thần lính Mỹ để bênh vực cho quyết định của Tổng Thống Obama nhằm rút quân khỏi Afghanistan sau một thập niên chiến tranh. Nhưng các giới chức cao cấp của CIA, Trung Tâm Quốc Gia Chống Khủng Bố và các cơ quan an ninh tình báo khác cũng bày tỏ quan điểm tương tự trong các báo cáo mật cũng như trong các cuộc điều trần kín tại Quốc Hội Mỹ. Cũng có những người trong ngành an ninh tình báo không hoàn toàn đồng ý về nhận định “đánh bại al-Qaeda về mặt chiến lược,” khuyến cáo rằng dù ngay cả khi tổ chức này bị phá tan, chủ thuyết của họ đã lan ra khắp nơi và vẫn còn là mối đe dọa lâu dài. Nhưng ngay cả những người này cũng đồng ý rằng nếu ông Panetta có ý muốn nói rằng các nỗ lực của Mỹ trong thời gian qua đã khiến al-Qaeda coi như không thể mở ra cuộc tấn công nhắm vào nước Mỹ có sức tàn phá lớn lao thì ông Panetta hoàn toàn đúng, vì “chúng ta trong khoảng cách để đạt được điều này.” Giới hữu trách Mỹ cũng nói tới hiệu ứng tích lũy của các cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái của CIA tại Pakistan. Hỏa tiễn bắn đi từ các phi cơ này đã giết ít nhất 1,200 phiến quân kể từ năm 2004, kể cả 224 người trong năm nay. Nhiều cuộc tấn công cũng nhắm vào thành phần đồng minh al-Qaeda bị cáo buộc là tấn công các mục tiêu Mỹ, kể cả nhóm Haqqani và thành phần Taliban tại Pakistan. Ngoài Osama bin Laden, Mỹ cũng đã hạ sát “nhiều thế hệ lãnh đạo của khủng bố,” theo lời một giới chức chống khủng bố cao cấp. “Họ không mở ra được cuộc tấn công nào trong một thời gian dài. Rồi sẽ có lúc quý vị phải đặt ra câu hỏi, ‘chúng ta còn cần phải làm gì nữa?’” Nhưng nói chung, các giới chức Mỹ đồng ý rằng ảnh hưởng của al-Qaeda sẽ còn kéo dài dù rằng ngay cả sau khi tổ chức này không còn hiện hữu. “Các tổ chức khủng bố có khả năng tái tổ chức,” theo một viên chức an ninh Mỹ. “Ðiều mà chúng ta chắc chắn không nên làm là lại treo lên tấm bảng ‘Nhiệm Vụ Hoàn Tất’ một lần nữa.” |