Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25 Tháng 7 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25 Tháng 7 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Hai, 25 Tháng 7 Năm 2011 10:22

Thỏa thuận Asean-Trung Quốc tại Diễn đàn ARF chỉ mang tính mở đường

 

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị Bali ăn tối và thưởng thức cuộc trình diễn âm nhạc truyền thống "Angklung", Nusa Dua, Bali 22/7/2011.
REUTERS/Widodo S. Jusuf/ANTARA/Handout

Hội nghị thường niên Diễn đàn an ninh khu vực Asean (ARF) 2011 kết thúc vào hôm 23/7 đã không đạt được thỏa thuận an ninh mang tính chất chế tài nào. Thế nhưng, trong bài xã luận của mình, nhật báo Jakarta Post đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà Indonesia khi cho rằng, dưới sự chủ trì của nước này, hội nghị đã tìm được bầu không khí thuận lợi để thảo luận về những vấn đề nhạy cảm.

Mở đầu bài viết, tác giả cho rằng, hội nghị ARF tại Bali lần này được tổ chức chu đáo, khác hẳn với kỳ thượng đỉnh đầy xung đột và cãi vã tại Jakarta hồi tháng 5 rồi. Như vậy, bộ Ngoại giao Indonesia đã thành công trong việc xây dựng lại hình ảnh của nước mình.

Bằng chứng là, trên diễn đàn, ít ra các nước như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Pakistan, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Australia và New Zealand đã không nặng lời với nước đối chọi với mình nữa. Để có được điều đó, theo tờ báo, vai trò của ngoại trưởng Indonesia của ông Marty Natalagawa, mang tính quyết định trong các cuộc thảo luận đa phương.

Tờ báo nhắc lại, ARF lần này diễn ra ngay sau Hội nghị thường niên bộ trưởng ngoại giao Asean. Hội nghị đã phải đối mặt với những ấn đề mang tính chất nhạy cảm, trong đó có vấn đề an ninh trên Biển Đông và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

 Nóng bỏng nhất và gay cấn nhất là những tranh chấp chủ quyền trên đảo Trường Sa. Trung Quốc nhiều lần cảnh báo sẽ tùy vào giai đoạn mà sử dụng mọi biện pháp, kể cả quân sự, chống lại những ai muốn tuyên bố « chủ quyền tuyệt đối » tại vùng biển giàu tài nguyên này.

 Trong khi đó, các nước như Việt Nam, Malaysia, Philippine, Brunei và Đài Loan lại không muốn là mục tiêu hăm dọa của Trung Quốc.

Cũng may mắn cho Indonesia là ARF lần này không bị phủ bóng bởi vấn đề có liên quan đến chính phủ Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi, và vấn đề tranh chấp biên giới Thái Lan – Cam Bốt. Hội nghị vì thế có thể tập trung vào những vấn đề mang tính khu vực và quốc tế hơn.

Các nhà nghiên cứu và báo giới cho rằng, thỏa thuận đạt được giữa Asean và Trung Quốc về DOC lần này chỉ mang tính « tự nguyện và không ràng buộc ». Thế nhưng, tờ báo cho rằng, thỏa thuận đã tạo ra cho hai bên một giai đoạn « tích cực » để tiến dần đến những giải pháp hòa bình. Trung Quốc có vẻ tỏ ra khá « mềm dẻo » trên bàn đàm phán. Tờ báo nhận định :Tình hình Biển Đông sẽ còn mỏng manh, và có thể « đổ vỡ » trong những năm tới, vì đây là một vấn đề phức tạp.

Cuối cùng, tờ báo kết luận : Tất cả chúng ta đều hy vọng có một giải pháp hòa bình, một đáp án quân sự sẽ có hại nhiều cho tất cả các nước, kể cả một siêu cường như Trung Quốc.

Vấn đề này cũng được nhật báo Le Monde ghi nhận trong bài viết « Tranh chấp lãnh thổ chi phối các cuộc thảo luận tại diễn đàn Asean ».

Tờ báo cho biết, chủ đề nổi trội trong các cuộc thảo luận tại ARF lần này là các tranh chấp chủ quyền lãnh hải liên quan đến quần đảo Trường Sa, giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh, ARF cũng sôi động với chủ đề tranh chấp lãnh hải giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trên Biển Nhật Bản (theo cách gọi của người Nhật) hay Biển Đông (theo cách gọi của người Triều Tiên).

Trung Quốc : chưa đủ phương tiện bảo đảm an toàn cho xe lửa tốc hành

Sau thảm họa tàu hỏa gây thiệt mạng hơn 40 người ở thành phố Ôn Châu vừa qua, Trung Quốc hôm qua đã ra lệnh cho kiểm tra khẩn cấp hệ thống tàu hỏa tốc hành của mình. Thông tin này được đăng tải trên tờ nhật báo kinh tế Les Echos số ra ngày hôm nay.

Tờ báo nhắc lại, theo thống kê mới nhất, vụ tai nạn đã làm 43 người chết và hơn 200 người bị thương. Tai nạn kinh hoàng này đã gây lo ngại về độ an toàn của hệ thống xe lửa tốc hành tại nước này. Bắc Kinh đã quyết định cách chức ba cán bộ cao cấp thuộc sở Đường sắt Thượng Hải.

Theo kết quả điều tra, chỉ vì một cú sét, mà hai xe lửa đã hút nhau, dẫn đến thảm họa tang thương này. Như vậy, rõ ràng là trang thiết bị bảo đảm an toàn đã có vấn đề, nhất là vấn đề về đèn báo hiệu.

Les Echos nhận định : Trung Quốc hiện tại có khả năng xây dựng tàu cao tốc để cạnh tranh với công nghệ cao của phương Tây và Nhật Bản, nhưng thực tế là nước này lạc hậu hơn trong kỹ thuật báo hiệu và giám sát.

Sau khi thảm họa xảy ra, nhà nước đã cho thành lập một ban điều tra. Thế nhưng, Les Echos cho hay, tại Trung Quốc, nếu tai nạn gây chết hơn 30 người, thì cuộc điều tra sẽ do Hội đồng quốc vụ chỉ huy, và kết quả sẽ thuộc diện « bí mật ».

Theo một chuyên gia, tai nạn này đã cho thấy đường đi đúng đắn của đương kiêm bộ trưởng đường sắt Trung Quốc, ông Thịnh Quang Tổ. Hồi tháng 2, ông này lên thay thế cho người tiền nhiệm bị cách chức là ông Lưu Chí Quân.

 Dưới thời họ Lưu, đã tồn tại một chương trình phát triển tàu cao tốc đồ sộ, ông Lưu cũng đã biến Trung Quốc thành nước có hệ thống đường sắt dài nhất thế giới.

Sau khi nhậm chức, ông Thịnh Quang Tổ đã xem xét lại toàn bộ chương trình này. Ông đã cho giảm vận tốc xe lửa xuống mức hợp lí, phù hợp vói thực trạng cũ kỹ của hệ thống trang thiết bị an toàn của ngành đường sắt nước Trung Quốc. Ông cũng đã cho hạ giá vé tàu để thu hút thêm hành khách, và vực dậy nền tài chính của Bộ Đường sắt vốn lâm cảnh nợ nần chồng chất khi ông đến tiếp quản.

Thảm nạn tại Ôn Châu xảy đến trong bối cảnh tuyến tàu cáo tốc (TGV) Bắc Kinh-Thượng Hải vừa gặp sự cố. Tuyến TGV này dài 3 000 cây số, được xem là tuyến dài nhất thế giới, và là niềm tự hào của Trung Quốc, vừa mới được đưa vào sử dụng ngày 30 tháng 6 rồi.

Hợp đồng tàu ngầm Pháp - Malaysia : Tham nhũng chồng chéo

Hôm thứ sáu, 22/7/2011, luật sư người Pháp ông William Bourdon, đại diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền Malaysia SUARAM (Suara Rakyat Malaysia tức Malay for "Voice of the Malaysian People") từng tố cáo về hiện tượng tham nhũng trong hợp đồng tàu ngầm Pháp-Malaysia, đã bị cảnh sát Malaysia trục xuất tại Kualar Lumpur. Bàn về vụ trục xuất này, Le Monde có bài chạy tít : « Vụ mua bán tàu ngầm của Pháp cho Malaysia : một luật sư Pháp bị trục xuất ».

Hợp đồng nói trên được hai nước ký kết vào năm 2002, trị giá khoảng 1 tỷ euro về việc Pháp bán hai tàu ngầm hạng Scorpene cho Malaysia.

Vụ mua bán này gây nhiều nghi ngờ về việc đút lót hoa hồng cho các vị lãnh đạo Malaysia và cho cả quan chức Pháp.

Luật sư Bourbon hôm ấy đến Kuala Lumpur từ một cuộc họp của một tổ chức nhân quyền tại đảo Penang. Ông đã bị cảnh sát hỏi cung khi máy bay vừa hạ cánh và lập tức bị trục xuất mà không rõ nguyên nhân.

Theo vị luật sư này, đây là một hồ sơ chứa đựng nhiều nguy cơ, có dính dấp đến đương kiêm thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, và cựu cố vấn của ông là ông Abdoul Razak Baginda.

 Vụ việc bắt đầu trở nên rùm beng sau khi người tình của ông cố vấn, một người mẫu Mông Cổ, bị sát hại hồi năm 2008 tại Malaysia. Khi ấy, ông Najib là bộ trưởng Quốc phòng, và ông Baginda là cố vấn và là bạn thân của ông Najib.

Ông Baginda đã bị buộc tội đứng sau vụ mưu sát, và bị bắt giam. Lúc đó, báo chí Malaysia cho rằng, có thể bà bị giết vì đã lên tiếng đòi một phần tiền hoa hồng mà Pháp chi cho các quan chức chính phủ Malaysia.

Năm 2009, tổ chức phi chính phủ Suaram do ông Bourdon là luật sư đại diện đã đệ đơn kiện một công ty ở Paris về tội « tham nhũng, chạy chức chạy quyền và thâm lạm tài sản xã hội » trong khuôn khổ hợp đồng nói trên.

 Trong đó, những khả năng nhận hoa hồng từ phía Malaysia của các quan chức Pháp cũng được đề cập. Khi ký hợp đồng, ông Lionel Jospin là thủ tướng Pháp và ông Alain Richard là bộ trưởng quốc phòng. Thủ tướng Najib Razak đã phủ nhận mọi cáo buộc này.

Bình luận về vụ trục xuất bất ngờ trên, luật sư Bourdon cho rằng, việc ông bị trục xuất cho thấy « một sự lo lắng to lớn của nhà cầm quyền Malaysia ».

Geoges Condominas, nhà dân tộc học nặng tình với Việt Nam!

Hôm 17/7 vừa qua, nhà dân tộc học Georges Condominas đã từ trần tại Paris. Le Monde hôm nay dành bài viết mang chính tên ông để tóm lượt cuộc đời và sự nghiệp của nhà dân tộc học nặng tình với Việt Nam này.

Tờ báo lượt lại cuộc đời ông Condominas, từ khi được sinh ra ở Hải Phòng đến khi mất đi ở Paris ở tuổi 90. Cha ông là quân nhân Pháp, còn mẹ ông là người Việt Nam. Chính thân phận con lai đã định hướng phần nào sự nghiệp nghiên cứu dân tộc học của ông.

Tên tuổi của Condominas gắn liền với nhiều công trình về các sắc dân thiểu số tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng Tây Nguyên. G. Condominas đã để lại nhiều nghiên cứu có giá trị, trong đó có quyển « Nous avons mangé la forêt » (Chúng tôi ăn rừng), xuất bản năm 1954, hay « L’Espace social. À propos de l’Asie du Sud-Est » (Không gian xã hội Đông Nam Á), xuất bản năm 1980. Quyển « L’Espace social. À propos de l’Asie du Sud-Est », của Condonminas đã trở thành kinh điển cho giới nghiên cứu và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt dưới tựa đề “Không gian xã hội vùng Đông Nam Á”.

Vào năm 2006, nước Pháp đã vinh danh Condominas với cuộc triển lãm tại Paris mang tên "Nous avons mangé la forêt" : Georges Condominas au Vietnam » (Chúng tôi ăn rừng : Georges Condonminas tại Việt Nam), giới thiệu nhiều hiện vật mà nhà dân tộc học đã thu thập được tại làng Sar Luk của dân tộc Mnong Gar, vùng Đak Lak, Cao nguyên miền Trung. Năm 2007, cuộc triển làm này đã được tổ chức tại Hà Nội.

Nuối tiếc tột cùng trước sự ra đi của ông, Le Monde nhận định : « Condominas đã ra đi, thế là Pháp đã mất đi một trong những nhà dân tộc học trứ danh nhất của mình ».

Người đồng tính New York bắt đầu được luật pháp công nhận

Cách đây một tháng, New York đã là chính thức thông qua luật cho phép hôn nhân đồng giới. Hôm qua, ngày đầu tiên luật có hiệu lực, nhiều cặp đã đến tòa thị chính đăng ký kết hôn. Liberation phản ảnh sự kiện này qua bài viết mang dòng tựa khá ấn tượng « Tại New York, những người đồng giới nói ''Tôi kết hôn'' ».

Tờ báo thuật lại không khí náo nhiệt tại khu tòa thị chính Manhattan với nhiều cặp đồng tính, cả nam lẫn nữ. Trong đó, ấn tượng nhất là một đôi uyên ương nữ tuổi đời thuộc hàng « thất thập cổ lai hy ». Họ đã sống như vợ chồng từ 28 năm nay, và mãi đến bây giờ mới được luật pháp công nhận.

Đối với người đồng giới, đây là một ngày có tính lịch sử. Có người còn mong muốn toàn nước Mỹ nên thông qua luật này. Có người hân hoan cho biết, một số nhà thờ ở New York đã chấp nhận làm lễ kết hôn cho các cặp đồng giới.

Thế nhưng, trong không khí tràn ngập hạnh phúc, thì cách đó không xa, cũng có nhiều người tập hợp với băng rôn biểu ngữ phản đối, như : « Thật xấu hổ cho các người », hay « Thượng đế ghét người đồng tính ».

New York là bang thứ sáu của Mỹ chấp nhận hôn nhân đồng tính. Hiện tại đã có 9 nước thông qua luật này : Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nam Phi, Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Achentina và Ai-Len.

Trang nhất các báo Pháp ngày 25/7/2011

Vụ thảm sát đẫm máu làm hơn 90 người chết vừa xảy ra tại Na Uy xuất hiện trên trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay.

« Nỗi kinh hoàng ở Oslo : khuynh hướng cực hữu » trên trang nhất Le Monde, « Dã tâm của kẻ sát nhân lạnh lùng tại Oslo » trên Le Figaro, « Na Uy tang thương » trên La Croix, « Sự phục sinh của chủ nghĩa khủng bố cực hữu » trên L’Humanité và « Hành trình tên sát nhân » trên Liberation, các tờ báo tập trung thông tin và phân tích về kẻ thủ ác người Na Uy, người thanh niên 32 tuổi Anders Breivik.